Nữ Tu
Cát Minh
**************
“Thần nhạc dìu con lên, hồn lâng lâng với bao niềm hy vọng,
đẹp ngời niềm vui tận hiến.
Trái tim con bây giờ mở ngỏ,
ngày giao duyên ướp muôn hương nhiệm lạ,
tình yêu con hiến dâng Ngài, Ngài ơi!...”
Tiếng đàn, tiếng hát du dương, ngân vang trong ngôi nhà nguyện đơn sơ của Dòng nữ Cát Minh, gió đưa tiếng các thiên thần hòa theo muôn tiếng chim ca réo rắt, cảnh núi đồi trùng trùng điệp điệp làm nên cuộc se duyên đất trời. Ánh dương của ngày mới chiếu qua những tán cây hãy còn đọng lại những giọt ngọc của tiết thu thanh khiết. Tất cả tạo nên một khung cảnh rất đỗi thiêng liêng, sâu lắng.
Ngày lễ mừng kính thánh nữ Tê-rê-sa Avila thật quá ư đặc biệt. Đặc biệt không ở qui mô thánh lễ được tổ chức hoành tráng, hoa lá, trống kèn; nó cũng không hệ ở những hình thức phô trương bởi những lễ phục đắt đỏ, cũng không ở trang sức, vàng, bạc hay đá quý. Điều làm cho thánh lễ hôm nay trở nên một ngày ghi dấu ấn đặc biệt, chính bởi Tình Yêu nay đã đơm hoa kết trái, tình yêu của một thụ tạo dành cho Đấng Tác Tạo. Thánh lễ được tổ chức khá đơn sơ, chân thành mà rất đỗi thánh thiêng và huyền nhiệm.
Thánh lễ hôm nay, ghi dấu ấn đặc biệt với các đan sĩ vĩnh khấn nói chung và các riêng với Thùy Trâm. Từ sâu thẳm trái tim, Thùy Trâm cảm nghiệm được một niềm vui khôn tả, dịu ngọt và rất linh thánh. Kể từ nay, Trâm đã ký kết một Giao Ước Tình Yêu với “Đấng Tình Quân con tôn thờ”.
Những giọt lệ lăn dài trên gò má ứng hồng, khuôn mặt khả ái, mến thương, hiền dịu pha chút đượm buồn nhưng tỏa rạng một niềm vui nội tâm sâu xa. Trâm cảm thấy một sự an bình đến dâng trào vui mừng trong ngày hồng phúc vĩnh khấn, nhưng cô cũng cảm thấy nặng lòng bởi trong ngày trọng đại này, không có một bóng dáng người thân nào bên cạnh để chúc phúc cho cô. Hôm nay, Thùy Trâm mặc tu phục và đội chiếc lúp màu nâu, toát lên vẻ thanh bần, nhưng rất thánh thiện. Mái tóc dài, đen bóng, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen nháy từ nay sẽ được nép mình dưới chiếc lúp của hội dòng. Cũng khuôn mặt xinh tươi ấy, mái tóc bồng bềnh của Thùy Trâm khi cô còn là sinh viên đã làm xiêu lòng biết bao người.
Những năm tháng trong giai đoạn tập ngặt, Trâm đã phải đối diện với Chúa và với chính mình. Biết bao những dòng suy nghĩ cứ chảy về như suối tuôn thác đổ. Bên ngoài, mọi người thấy cô rất nhiệt tâm trong công việc, sốt sắng trong cầu nguyện, thế nhưng nội tâm cô thì đang phải chống chọi với những trận cuồng phong tưởng chừng như muốn nhấn chìm và nuốt chứng cô.
Trong giai đoạn ấy, Trâm đã đọc đi đọc lại “Truyện một tâm hồn” của chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su; “Lâu đài nội tâm” của thánh nữ Tê-rê-sa Avila; “Đêm tối” của thánh Gio-an Thánh giá. Trâm tự hỏi lẽ nào mình cũng phải trải qua những gì mà các nhà thần bí vĩ đại của Giáo hội đã trải qua, mình đâu phải là nhà thần bí, đâu phải là thánh nhân, mình đâu có gì vượt trội…Và Trâm ý thức có lẽ mình cũng đang ở trong đêm tối đức tin, cô khiêm tốn và bền bỉ vâng theo thánh ý Chúa, cô để Chúa thanh luyện ý hướng và động lực ơn gọi của mình theo ý Chúa.
Một năm trong giai đoạn tập ngặt, là thời gian rất đặc biệt để Thùy Trâm hồi tâm và chuẩn bị cho ngày vĩnh khấn. Suốt những ngày tháng đó, Trâm đã để Chúa Thánh Thần đẩy mình vào sa mạc, nơi đó, Trâm để mình ra không, hoàn toàn để cho ân sủng Chúa Thánh Linh thi thố trên cuộc đời của mình. Trâm lật lại trong ký ức từng trang của cuộc đời mình để nhận ra đường lối và thánh ý của Chúa. Năm nay Trâm đã tròn 24 tuối – độ tuổi rất đẹp, Trâm nghĩ vậy. Ở độ tuổi này, chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã về trời, chị đã được diện đối diện với Đấng Tình Quân- Đấng mà chị hằng khát khao kết hiệp. Trâm đã nhớ lại và ghi thật chi tiết về các giai đoạn trong cuộc đời mình từ khi sinh ra đến giờ. Những bước ngoặt quan trọng giúp cô nhận ra ơn gọi, thời gian mà cô đã bị cuốn hút thực sự bởi “Đấng chịu đâm thâu” – Đấng đã chết vì người mình yêu.
**************
Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Nam Định. Ông nội của Trâm cùng quê với Tổng bí thư Trường Chinh. Thời chiến, ông là người đã tham gia trận chiến Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu. Ba của Trâm – ông Xuân Trường, sau này cũng được thừa hưởng thành quả cách mạng do sự hy sinh cả đời của ông nội. Ông Xuân Trường mặc dù học vấn không cao, tài năng cũng có hạn, thế nhưng ông cũng được cắt đặt làm cán bộ huyện. Ông thành thân với một thiếu nữ xinh đẹp có tiếng trong vùng, con nhà trâm anh thế phiệt tên là Hằng Nga. Hai ông bà sinh hạ được năm người con gái, mà dân làng vẫn khen ông bà có phúc bởi sinh được “ngũ long công chúa”.
Năm thiên kim tiểu thư được ông bà đặt cho những tên rất, mĩ miều, đài các: Trúc Lâm, Thiên Ân, Nam Phương, Mai Hoa và Thùy Trâm là con gái út. Cả năm công chúa đều tài sắc vẹn toàn. Ông bà Xuân Trường chăm sóc các con hết sức chu đáo, các cô là con của ông bố làm cán bộ huyện, thét ra lửa, mẹ làm giáo viên giỏi của huyện, nên cả năm công chúa đều được lớn lên trong môi trường rất thuận lợi, đầy đủ mọi phương tiện để phát triển toàn diện.
Thùy Trâm là con út được bà mẹ thương yêu và chăm sóc hơn cả. Bởi vì, từ bẩm sinh cô đã bị chứng hen xuyễn. Hai ông bà Xuân Trường đã rất vất vả để nuôi dưỡng cô. Có bệnh thì vái tứ phương, ông bà đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và công sức, chạy thầy chạy thuốc vì mong cô có được sức khỏe bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy vậy, khi mùa đông đến, chứng hen xuyễn làm cho Thùy Trâm sống dở chết dở. Ba mẹ cô có những đêm phải thức trắng để bồng ẵm cô, xoa lưng để cô dịu đi những cơn ho. Tiếng ho như muốn xé phổi làm ba mẹ phải đau xót khôn nguôi.
*************
Thùy Trâm rất nhớ đến một biến cố diệu lạ trong thời thơ ấu của cô. Năm ấy, Trâm lên 10 tuổi, lần đầu tiên cô được đặt chân đến một giáo đường của người Công giáo, mặc dù ngôi giáo đường đó chỉ cách nhà cô ở có mấy trăm mét. Những ngày cuối tuần, cô thấy người có đạo ăn mặc rất đẹp và lịch sự để đi đến nhà thờ dự lễ. Cô thấy họ toát lên vẻ tươi vui và an nhiên đến lạ. Cô cũng lấy làm lạ, là tại sao ba lại không cho phép mình tiếp xúc hay đến nhà thờ Công giáo? Từ nhỏ, ba cô kể cho cô nghe những điều cô không thể tưởng tượng nổi so với trí óc của một đứa trẻ. Ba cô kể về người có đạo cho cô nghe: nào là họ phản động, dẫn Tây vào xâm lược đất nước; nào là đi đạo thì bỏ tổ tiên ông bà. Lại nữa, ba cô cũng kể về một nghi lễ của người Công giáo khiến cô rùng mình, đó là mỗi cuối tuần, người theo đạo đều đến nhà thờ làm trò ma thuật và ăn thịt, uống máu ông Giê-su. Thế nên trong ký ức của Thùy Trâm, người có đạo giống như một người ngoài hành tinh.
Thế nhưng, trong số bạn bè của Thùy Trâm, cô lại chơi rất thân, có thể nói là tri kỉ với Ánh, con ông Sao, là người theo đạo Công giáo, nhà đối diện với nhà Ánh. Hai đứa là một đôi bạn rất đặc biệt, sinh cùng ngày, cùng tháng cùng năm với nhau. Nhưng gia cảnh và niềm tin tôn giáo thì lại cách nhau cả một vực thẳm. Gia đình Thùy Trâm rất giàu có, ngược lại gia đình Ánh rất nghèo, lại có đông anh chị em. Tưởng chừng như đôi bạn này sẽ chẳng bao giờ chung đường. Ấy thế mà rất tuyệt với, Trâm và Ánh chơi thân với nhau như hình với bóng từ khi còn học ở lớp mầm non. Trâm coi Ánh như chị em ruột thịt, tuổi thơ của Trâm cũng vì thế mà có những ký ức rất đẹp. Ánh chia sẻ với Trâm nhiều điều thú vị trong cuộc sống, nhất là về niềm vui được làm con Chúa, về niềm tin và những gương nhân đức của các vị thánh. Dịp đầu tháng 10 năm ấy, Ánh đưa Trâm tới nhà thờ, Trâm đã giấu bố để cùng Ánh phiêu lưu một lần để khám phá vùng đất mới. Đó là lần đầu tiên, Trâm được đến giáo đường. Ánh giới thiệu cho Trâm tất cả những gì ở bên ngoài, bên trong khuôn viên nhà thờ. Trâm thấy những điều Ánh chia sẻ khác xa so với những gì ba Trâm đã gieo vào đầu cô. Bởi vì, cô thấy khi bước vào khuôn viên thánh đường, một cảm giác bình an tràn ngập tâm hồn cô. Từ dịp đó, Trâm theo Ánh đến nhà thờ nhiều hơn.
***********
Hai tuần sau, Trâm nhớ y nguyên đó là ngày 13/10. Ánh gọi Trâm từ rất sớm, hai đứa ra bờ đê sông Hồng để hái hoa sen, hoa súng để dâng kính Đức Mẹ. Trâm ngạc nhiên vì lòng yêu mến Đức Mẹ rất chân thành, mộc mạc của Ánh. Tới nhà thờ, Trâm và Ánh đặt hoa dưới chân Đức Mẹ. Trâm thấy Đức Mẹ tuyệt đẹp, khuôn mặt Mẹ rạng người, hiền từ, nhân ái; trên đầu Đức Mẹ có gắn triều thiên mười hai ngôi sao; hai bàn tay Mẹ chắp lại, ánh mắt Mẹ như đang nhìn Trâm âu yếm. Dưới chân Đức Mẹ là ba em nhỏ, hai nữ, một nam đang quỳ, mắt các em hướng nhìn lên Mẹ, đôi tay nhỏ nhắn của các em đang cầm chuỗi hạt. Trâm thắc mắc về bức tượng Đức Mẹ và ba em nhỏ. Ánh làm dấu và chắp tay thinh lặng một chút. Rồi quay sang Trâm, Ánh bắt đầu kể cho Trâm nghe về phép lạ Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917 tại Fatima, Bồ Đào Nha với ba em nhỏ tên là: Lucia, Giacinta và Phanxico. Ánh say sưa kể về Đức Mẹ, còn Trâm thì chăm chú nghe từng lời Ánh kể, mắt hướng nhìn Đức Mẹ, thấy Mẹ khẽ mỉm cười. Ánh chắp tay lại, đầu hơi cúi, quay sang Trâm. Ánh nói:
Trâm! Cậu có muốn Đức Mẹ ban ơn không?
Trâm đáp lại nhanh nhẻo:
Có! Có! Tớ rất muốn. Nhưng làm thể nào để Mẹ có thể ban ơn cho tớ?
Thế cậu có tin Đức Mẹ, cậu có tin tớ không? Ánh hỏi
Tớ tin. Trâm đáp lại chắc nịch, mà không biết mình đang nói gì.
Ánh tiếp:
Trâm ơi! Giờ tớ hướng dẫn cậu làm Dấu Thánh Giá, rồi hai đứa mình xin Đức Mẹ ban ơn nhé! Trâm gật đầu.
Ánh làm thật chậm Dấu Thánh Giá và giải thích để Trâm có thể làm theo. Trâm rất lẹ, sau vài lần Ánh làm mẫu, Trâm đã có thể tự mình làm, thuần thục như một người đạo gốc. Ánh cất giọng hát bài hát và Ánh rất thích mỗi khi khấn Đức Mẹ, bài hát đó bà nội đã dạy cho Ánh từ nhỏ:
“ Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi,
có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy linh sáng chói…”
Trâm không thuộc bài hát, nhưng Trâm như hòa mình vào từng câu hát, Trâm để tâm hồn mình bay lên cùng Đức Mẹ. Trâm đã thầm nguyện ước với Đức Mẹ ban cho mình được biết và tin vào Chúa vào Mẹ.
*********
Từ mùa đông năm ấy, Thùy Trâm thấy trong cơ thể mình có sự biến chuyển rõ rệt, bệnh hen xuyễn hành hạ cô suốt 10 năm bông dưng biến mất. Trâm thấy vô cùng kỳ diệu. Trâm đã tin và biết rằng chính nhờ Đức Mẹ mà Trâm đã được chữa lành.
Kể từ ngày ấy, Trâm thường xuyên cùng Ánh đến nhà thờ hơn. Mỗi giờ ra chơi, hay trên đường tan trường về nhà, Trâm đều xin Ánh kể cho mình về đạo Chúa, về những câu hỏi mà cô thắc mắc bấy lâu nay. Trong suy nghĩ, Trâm đã dần thay đổi và xóa đi những định kiến của mình về đạo Công giáo mà ba đã gieo vào tâm trí cô từ nhỏ. Ánh cũng dạy Trâm cách đọc kinh Mân Côi, và chia sẻ với Trâm về cách nói chuyện với Chúa và Đức Mẹ mỗi ngày. Từ ngày ấy, Trâm thấy cuộc đời thật tươi đẹp, tràn đầy sức sống và ý nghĩa biết bao. (Còn tiếp…)