Truyện ngắn:  Gia tài của Mẹ

Thứ ba - 28/02/2023 02:36  2745
19497954991 1baef6b59d o 2Tiếng người già, trẻ nhỏ nhốn nháo từ trong nhà ra tới ngoài sân. Cả những người lối xóm cũng đang xúm xít lại chật níc cả ngôi nhà nhỏ của bà Năm. Nói là lối xóm chứ thực ra cũng toàn con cháu, anh em hay họ hàng nhà bà ấy cả. Nghe chừng chắc bà không qua khỏi, vì đã 4 ngày nay chẳng ăn uống được gì. Ở cái tuổi ngoài tám mươi, thì xem ra cũng chẳng còn mấy hi vọng chạy chữa vì có còn sức nữa đâu. Chiều nay, thấy bà kêu mệt và thở dốc thế là con cháu họ hàng từ lớn tới bé vội vàng đến hết, cả thảy trăm người. Chính bởi vì con đàn cháu đống nên cứ mỗi khi nhà bà ấy có việc gì hệ trọng là lại y như họp chợ phiên…

Bà Năm giơ tay ra hiệu gặp mấy người con, thế là tụi cháu chắt dạt ra hết một bên. Trên dưới gần chục đứa con vây quanh giường bà đang nằm. Bà cố nói nhưng chẳng ra lời chỉ nghe thấy những tiếng ú ớ nghẹn ứ như có gì chặn lại nơi cổ họng. Bà đưa tay chỉ về phía di ảnh chồng mình trên ban thờ. Mấy đứa cháu đoán ý chạy vội đưa di ảnh ông xuống cho bà, thế nhưng bà khẽ xua tay ra hiệu báo không phải. Tay bà vẫn chỉ về đó. Một đứa cháu chạy lại phía đặt di ảnh cố nhìn xem còn cái gì ở đó không. Nó loay hoay nhìn mãi chẳng thấy gì, thì đưa tay lật cái đế để di ảnh lên thì thấy dưới đó có một tờ giấy và một cái chìa khóa. Nó chạy lại đưa vào tay bà cụ. Mấy người con đứng đó thấy cái chìa khóa thì cứ nhao nhao cả lên. Có lẽ đó là cái mà một vài người con của bà đang mong thấy nhất từ khi bà nằm một chỗ chẳng còn đi lại…

Bà Năm sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, xung quanh thì con cháu ở cả đó. Chúng nó hàng ngày cơm nước và chia phiên chăm bà. Gần 3 tháng nay bà không còn đi lại được nữa vì tuổi già nên chân tay chẳng còn thiết gì chuyện hoạt động nữa là phải. Tuy nằm ở riêng trong một căn nhà nhỏ, nhưng nhà lúc nào cũng có người ra người vào vì con cháu cũng có nhiều đứa quan tâm mà chúng lại đông. Con cháu trên dưới đều tỏ ra hiếu thuận, nhưng cũng có đứa hiếu thật tâm và có đứa hiếu thảo cũng vì cái túi của bà nó còn nặng mà thôi…

Chục năm trước, trước khi chồng bà cụ mất, lúc sức khỏe ông cụ đã yếu dần. Ông bà gọi con cháu lại để di chúc phân chia cho con cháu phần lộc lá tổ tiên. Từ người con cả cho đến đứa chắt cuối cùng, ai cũng có phần riêng của mình. Ông bà vốn có nhiều đất đai từ thời xa xưa. Trước đây số đất đó cũng chẳng đáng giá bao nhiêu nhưng bỗng nhiên trở nên đắt đỏ từ ngày con đường lộ “tự nhiên” chạy qua. Thế là “thời thế, thế thời” giờ toàn những vị trí đắc địa, lại thêm chịu khó làm ăn nên của cải chẳng mấy ai so bằng. Ông bà chia đất đai cho các con rồi bán một chút chia cho cháu chắt. Còn mảnh đất rộng cả ngàn mét mà giá trị nhất, ông quyết định để cho bà ở rồi lo chuyện tuổi già.

Ông mất được vài năm thì sức khỏe của bà cũng yếu dần. Thấy cũng chẳng giữ làm gì trong khi con cái cháu chắt cũng đề huề cả rồi, bà rao bán “mảnh đất vàng” ấy. Chẳng mấy chốc, vài ngày sau đã có người đến hỏi rồi đồng ý mua với giá cả hơn 5 tỷ đồng. Con cháu thấy thế thì xúm hết lại nhưng chẳng đứa nào dám hỏi xin hay đòi chia chác gì.

Cầm tờ giấy với đôi ba dòng chữ nguệch ngoặc một đứa cháu cố giải mã “có chút đồ mẹ để trong cái tủ nhỏ trong góc buồng” dứt cái câu “mật mã” vừa đọc thì bằng đấy người con, người cháu xôn xao hết cả lên, và quên tiệt mất bà đang vào cơn hấp hối. Vài phút sau bào rảo mắt nhìn hết những người xung quanh rồi dần thiếp đi trong bình an. Một vài tiếng khóc bắt đầu cất lên rồi những tiếng khóc cứ vang dần và rồi trở thành một bản “hòa ca” thật ảm đạm. Trong những tiếng nghẹn ngào thương tiếc ấy có những giọt nước mắt hiếu thuận thật nhưng cũng có đâu đây những giọt nước mắt mà người ta đang phải cố gắng lắm mới “tạo” ra được, cốt là để cho cái bài ca ảm đạm ấy được âm vang và thi vị hơn.

Phía ngoài sân, tiếng kinh của mấy cụ đang vang lên để cầu cho cụ bà vừa qua đời. Chiều tối, mọi công tác chuẩn bị cho đám tang đã xong. Mấy người con đang ngồi bàn công chuyện rồi bỗng có người nhắc đến cái tủ, thế là cuộc bàn luận nhanh chóng trở nên hấp dẫn hơn. Người thì đòi giữ chìa khóa, người thì muốn đưa tủ “ tạm cất” về nhà mình. Người lại muốn mở ngay ra xem trong đó có gì mới “yên chí” làm ma cho cụ, chẳng ai chịu ai thế là chẳng mấy chốc cuộc bàn luận chuyện tang lễ đã biến ra cuộc tranh luận, giằng co, to tiếng xoay quanh cái chìa khóa và cái tủ. Ông trưởng dòng tộc chứng kiến câu chuyện mà thấy nóng hết cả mặt liền cất lời – “mẹ vừa nằm xuống còn chưa nóng cái chiếu, mà con cháu đã ầm ĩ mấy chuyện lợi lộc”.  Thấy thằng cháu nội của bà cụ ở nhà dòng về chịu tang bà, ông kêu nó lại giữa những người đang tranh cãi.
  • “Tôi đề nghị các anh đưa chìa khóa cho thằng này nó giữ, còn cái tủ thì cứ để đó xong chuyện các anh các chị tính sau. Nó đi tu nên giao cho nó chẳng sợ nó vào mở để xem hay lấy cái gì đâu mà sợ.”
Đám đông đang tranh luận ai nấy thấy mình chẳng làm gì được nên đành chấp nhận ý kiến đó.

Tang lễ cho bà cụ xong, con cháu còn chưa kịp thở lại có người nhắc đến cái tủ thể là ai nấy lại như vớ được thuốc tiên tự nhiên tỉnh táo hẳn ra. Trong chốc lát mệt mỏi tan biến hẳn, mà có đói có mệt lúc này thì cũng phải tìm cách cho tỉnh táo mới được vì cái tủ trong buồng kia thì hệ trọng hơn là việc ăn uống hay ngủ nghỉ lúc này rất nhiều. Đứa cháu đi tu chuẩn bị lên đường về nhà dòng thấy mọi người nhắc đến cái tủ thì lấy trong người ra cái chìa khóa và trao cho người bác cả. Mấy đứa cháu hí hửng vào trong góc buồng bê cái tủ ra. Cái tủ nhỏ gọn và nhẹ bẫng chỉ cần một người xách 1 tay là được. Bỗng trong tâm trí vài người hiện lên vài điều khả nghi: “sao tủ bé thế nhỉ” người khác lại nghĩ “sao lại nhẹ thế? hay là…?” Bao nhiêu ý nghĩ xuất hiện nhưng chẳng ai dám nói một lời vì dù gì cũng chỉ là phỏng đoán, nói ra mà lỡ lời lại to chuyện.

Nhìn cái tủ nằm gọn trên bàn, kẻ đoán già người đoán non, nào là vàng, nào là tiền, hay tờ di chúc. Hẳn là phải có một tờ di chúc rồi. Mỗi người đều đang tưởng tượng đọc thấy cái tên của mình viết to và rõ ràng trên tờ di chúc với một con số hay một vật “kỉ niệm” có nhiều giá trị của bà để lại cho mình. Chúng có đủ lý do để nghĩ thế lắm chứ, vì từ ngày bán đất tới giờ đã cả gần chục năm nay bà cụ chẳng dùng số tiền lớn ấy cho công to việc lớn gì cả. Vài lần đi viện thì có đáng mấy đồng lẻ đâu, cơm nước hàng ngày thì chúng nó hiếu thảo nên đã phục vụ tận tình rồi, chắc chắn số tiền ấy chẳng đi đâu được. Nhưng nhìn cái tủ nó bé quá mà lại nhẹ nữa nên không thể tiền mặt được, “chắc là vàng rồi” một đứa cháu nghĩ. “À mà cũng có thể là sổ gửi tiết kiệm ngân hàng lắm chứ”... bao nhiêu suy nghĩ diễn ra. Gương mặt từng người vừa hồ hởi vừa lo lắng không biết rốt cuộc là trong tủ có cái gì.

Tiếng người con cả cất lên “Công việc tang chế cho mẹ đã xong nhưng mọi người còn mệt mỏi nên chuyện này để sau. Tôi sẽ tạm thời giữ chiếc tủ này…” câu nói còn chưa dứt đã có người “chân còn đang đi dép” nhảy bổ vào cổ họng ngắt ngang.
  • “Không được! không được! chuyện lo cho mẹ đã xong rồi, việc gì cần giải quyết luôn thì cứ làm ngay, nay mai mỗi người mỗi việc ai mà biết được!”
Vừa dứt hai lời nói ấy cả nhà lại “rôm rả hẳn lên” tuyệt nhiên cái vẻ u buồn của sự mất mát người thân tan biến đi đâu cả rồi, thế mới thấy tiền bạc của cải nó có “sức mạnh xoa dịu nỗi đau” nhanh biết chừng nào. Ngoài sân nhà, tốp cháu chắt cũng vừa nghe chuyện vừa bàn tán nghe “vui tai” lắm chứ, hệt như một buổi “hội nghị cấp cao vậy”.
Một tiếng nói cất lên.
  • “Nếu bác cả đưa cái tủ về thì đưa chìa khóa bố cháu giữ cho.”
Mỗi một ý kiến đưa ra là góp phần làm cho cái bầu không khí vốn “nhộn nhịp” lại sôi động hơn nữa. Lời qua tiếng lại, nhưng kết quả thì vẫn như bao cuộc tranh luận không hồi kết khác, đó là chẳng ai chịu ai cả. Chẳng làm theo ý mình được nên bác cả đành phải hỏi để biểu quyết để theo số đông. Người con cả muốn níu kéo ý định của mình nên hỏi thế thôi, chứ kết quả biểu quyết thì chắc hẳn là ai cũng tán thành cái việc được chứng kiến ngay cái tủ được mở ra.

Rồi thì cái giây phút mong đợi nhất để được an ủi và xua tan nỗi đau mất người thân cũng đến, hàng trăm con mắt từ trong nhà đến ngoài sân đều đổ dồn về cái tủ nhỏ nằm ngay ngắn trên bàn. Thú thực, có một hai người con của cụ trong hai,ba ngày nay chỉ mong công việc tang lễ cho bà qua nhanh để còn chứng kiến cái mớ vàng hay mớ tiền trong cái tủ. Mà kể cũng lạ, tâm trạng nhiều đứa lo lắng bồn chồn về cái tủ hiện ra trên gương mặt lại vô tình “hợp gu” với cái bầu khí ảm đạm của việc tang chế thế nó mới hay. Người con cả đưa chiếc chìa khóa vào trong ổ khóa, từng cử động từng tiếng kêu không thể bỏ sót bởi có tới cả mấy chục cái camera sống đang ngồi ngắm chằm chằm vào đó. Thoạt nghĩ với dàn camera công nghệ chạy bằng cơm này, thì công nghệ Var của World cup cũng phải chào thua.

Cánh tủ mở ra, mặt ai nấy từ già đến trẻ thay đổi thần sắc hẳn, dường như có một cái gì đó vừa khó hiểu lại vừa trống trải trong tâm trí nhiều người, cái tủ chẳng có vàng mà cũng chẳng thấy tiền. Một vài suy nghĩ bắt đầu lóe lên “hay ai đã nhanh tay…”.

Người con cả đưa tay vào trong tủ cầm ra một xấp giấy mỏng và một quyển sổ tay nhỏ xíu. Lại thêm vài suy nghĩ trong đầu “chắc là giấy tờ ngân hàng rồi, chứ mẹ cũng cẩn thận lắm chứ ai lại để vàng hay tiền trong nhà” rồi cũng có thêm nhiều suy nghĩ như thế vừa để trấn an mình vừa để tiếp tục hi vọng.

Bác cả lật từng tờ giấy và mở từng trang trong cuốn sổ chẳng thấy giấy tờ gì của ngân hàng cả, bầu không khí có gì đó hơi lặng đi một chút. Vài người đã thấy nóng ran cả chân tay lên. Cả một khối tài sản không lẽ đi đâu hết được.

Có suy nghĩ lóe lên trong đầu ai đó. “Hẳn là ai đã nhanh tay lấy thứ gì đó đi đâu rồi chăng…”

Phía cuối tập giấy có mấy tờ giấy ép nhựa thì là mấy tấm bằng ân nhân, bằng ghi ơn của các giáo xứ. Cuốn sổ nhỏ được xem kĩ hơn, bên trong vài trang viết với mấy dòng chữ ngắn gọn, tuy nét mực cũng đã hơi nhòe vì thời gian cũng đã lâu nhưng vẫn còn nhìn rõ được nội dung viết gì. Mấy trang cuối nét chữ còn mới nguyên chắc vừa được viết trong thời gian gần đây, cuối cuốn sổ còn kẹp một tờ 50 nghìn đồng. Con cháu nhìn tờ bạc lẻ mà trưng hửng hết với nhau. Không lẽ đống của mà cả nhà đang trông ngóng chỉ có thế này hay sao. Một người vì đám đông không thể nhìn vào được nói vang lên từ phía sau.
  • “Trong sổ viết gì thế bác cả?”
Bác cả vốn mắt đã không còn được tinh tường, lại thêm một phần cũng đang run rẩy vì cái tủ trống không liền đưa quyển sổ cho đứa cháu đi tu vẫn đang đứng đó dõi theo câu chuyện. Cậu cầm lấy quyển sổ đọc rõ từng trang.

Ngày… công đức cho chủng viện 500 triệu , ngày…. xây dựng nhà thờ chính tòa… 500 triệu…, ngày… mái ấm tình thương 200 triệu… Mỗi mặt giấy, một dòng thông tin ngắn gọn nhưng rõ như ban ngày. Gần hai chục trang giấy được đọc to, tờ ghi số to thì 500 triệu nơi số nhỏ thì cũng 30 hay 40 triệu. Mấy đứa đứng bên ngoài nghe tới đâu nhẩm tính tới đó tới trang cuối cùng thì số tiền vừa vặn với số tiền ngày xưa bà cụ bán mảnh đất.

Trang cuối cùng dòng chữ còn mới nhất – “Đây là tài sản của mẹ, số tiền mẹ đã công đức và quyên góp cho việc chung cả rồi. Khi mẹ chết các con hãy liên hệ những nơi này để xin cầu nguyện cho mẹ. Các con không ai nghèo khó hay vất vả, mẹ cũng yên tâm nên mẹ dành hết số tiền này để làm những việc mà mẹ và các con cần làm. Một vài người cũng còn đang như kẻ thất thần vừa bị mất sổ gạo. Vài suy nghĩ khác thì đang thấy hổ thẹn với chính mình vì những suy nghĩ xấu cho người này người kia. Bất giác cả trăm người im lặng không ai nói với ai câu nào. Cũng chính trong lúc ấy, có điều gì đó tươi mát đang xâm chiếm suy nghĩ của những người con người cháu. Mọi người đang nghĩ về một thứ tài sản khác quan trọng hơn và cấp thiết hơn thứ tài sản vật chất mà họ đang mải mê tìm kiếm, một thứ tài sản cho linh hồn mà lâu nay họ vẫn thờ ơ chẳng lo kiếm tìm cho mình…

Tác giả: Dom Bùi Lữ 07-07-2021

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập218
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm204
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại880,432
  • Tổng lượt truy cập69,940,306
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây