Truyện ngắn: Một tiếng kêu

Thứ năm - 16/03/2023 23:59  1133
Đêm nay, trăng đẹp quá! Một nét đẹp mà trong đời, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận. Trăng như đang nhìn tôi, như soi vào cuộc đời đầy tăm tối đã qua của tôi, như làm sống lại những kí ức, những gì đã diễn ra trong tôi, khiến khóe mắt tôi cay cay. Một làn gió nhẹ như đang thì thầm với tôi điều gì đó bằng ngôn ngữ riêng của gió mà tôi không thể hiểu nổi, nhưng một lần nữa, nó lại làm sống dậy những kí ức mà tôi chưa bao giờ muốn gợi lại. Sự mềm mại, uyển chuyển của gió như đang cố gắng xoa dịu những nỗi đâu tận tâm hồn – một tâm hồn tan nát dày vò, tan nát vì cô đơn, dày vò vì sự thiếu thốn tình yêu. Nó như hối thúc tôi phải thay đổi và làm lại cuộc đời…

Lần đầu tiên, dù vẫn chỉ là một đứa trẻ, tôi nhận ra phòng giam này sao thật lạnh lẽo đến đáng sợ. Bốn bức tường vốn đã trở thành nơi quen thuộc và ấm cúng hơn căn phòng đầy đủ tiện nghi mà tôi được hưởng nơi gia đình, mà sao đêm nay, đêm trước khi tôi được tự do, lại trở nên lạnh lẽo và cô đơn thế. Bỗng dưng niềm khao khát một gia đình có cha có mẹ, có tình yêu lại trỗi dậy trong tôi, điều mà ngày mai tôi sẽ được tận hưởng sau không chỉ trong hai tháng tạm giam, mà còn trong suốt mười sáu năm đã qua của đời tôi.

Dù chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng tôi tin rằng, giây phút tôi cất tiếng khóc chào đời là giây phút bố mẹ tôi hạnh phúc nhất, và với tôi, dù chưa ý thức, nhưng tôi tin khoảng thời gian ngắn ngủi đó là thời gian tuyệt với nhất của tôi, vì tôi được chào đón trong tình yêu của mẹ, được nâng niu trên bàn tay của bố và say giấc trong bầu sữa mẹ… Thế nhưng, thời gian hạnh phúc đó chẳng tày gang tấc. Theo bà tôi kể, khi bầu sữa chưa cạn, khi hơi ấm chưa với, mẹ tôi đã phải cùng bố trở về thành phố, vì hết thời gian nghỉ phép, để lại tôi vẫn còn đỏ hỏn và yếu ớt cho bà tôi, một người phụ nữ cũng đã từng một tay nuôi bố tôi khôn lớn, khi ông tôi mất lúc bố tôi mới lên ba. Thay vì được nuôi bằng thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ là sữa mẹ, tôi được bàn tay yêu thương của bà nuôi dưỡng bằng các loại sữa nhân tạo “nhạt nhẽo, vô cảm” được mua bằng tiền do bố mẹ tôi gửi về. Dẫu biết trong thời gian tôi chưa cai sữa, mẹ tôi vẫn tranh thủ những ngày cuối tuần, vội vã về với tôi, nhưng như thế là không đủ bù đắp cho sự  thiếu thốn quá lớn, vì dù bà tôi có yêu thương tôi hết lòng, thì vẫn không đủ để thay thế tình yêu mà chỉ duy nhất người bố, người mẹ mới có thể trao ban. Nhưng vòng xoáy của kinh tế thị trường, của cơm áo gạo tiền đã đánh cắp của tôi điều quan trọng nhất mà tôi đáng được hưởng.
Khi tôi trở nên cứng cáp hợn và đã quen với thứ sữa hộp kia, thì cũng là lúc những lần về thăm của bố mẹ thưa dần, có thể một tháng đến vài tháng. Tất nhiên, ngày đó tôi bé lắm có biết gì đâu, tôi đã lớn lên trong sự bao bọc, che chở của bà tôi. Nói đến bà, mắt tôi bỗng thấy rưng rưng vì hối hận, dù sự hối hận của tôi đã quá muộn. Bà tôi là người đạo đức, luôn có một đức tin mãnh liệt, và muốn tôi cũng có một đời sống đức tin như vậy. Tuổi thơ của tôi gắn liền với nhà thờ, đến mức nhà thờ đã từng là ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi đó, bà tôi đưa tôi đến, dạy tôi từng câu kinh và cầu nguyện cho bản thân, cho bố mẹ và cho mọi người. Những giờ kinh, giờ lễ ngày đó đối với tôi đã trở thành một phần không thể thiếu, và tất nhiên bên cạnh tôi – bà tôi. Những câu kinh như in sâu và trở thành một phần trong tâm thức của tôi, dù sau này tôi có tồi tệ và sa đọa.

Thời gian cứ lặng lẽ đập nhịp đập của nó, và tôi cũng khẽ chuyển mình cho đến khi tôi được cắp sách đến trường, tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt. Dù bố mẹ tôi vẫn về thăm bà cháu tôi và tôi vẫn chưa cảm nhận được sự khác biệt vì thiếu thốn tình cảm phụ mẫu, nhưng khi tôi phải rời xa người bà đã dùng tất cả tình yêu để có thể phần nào khỏa lấp, hay đánh lạc hướng con tim của tôi, tôi đã bắt đầu nhận thấy sự lạc lõng, tự ti, nhất là sau mỗi lần tan học, thay vì như các bạn được mẹ hoặc bố giang rộng vòng tay đưa đi đón về, còn tôi thì sau một thời gian ngắn được bà đưa đón, tôi phải tự lo đi về, phần vì nhà không quá xa, phần vì bà đã già yếu. Những lúc đó tôi chạnh lòng, và dường như ngọn lửa của sự chống đối đã bắt đầu nhen nhúm. Thêm vào đó là những cái bĩu môi, những lời trêu ghẹo dè bỉu như đẩy tôi ra rìa của sự cô dơn mà càng lớn thêm, tôi càng cảm nhận rất rõ. Sự ức chế cứ dồn nén và góp phần qua năm tháng mà tôi cố kìm nén không biết chia sẻ với ai cho đến khi ngọn lửa đó bùng cháy và khiến tôi nổ tung, và đó là năm tôi học lớp 8. Tôi đã sai!

Khi tôi lên lớp 7, tôi đã gần như hoàn toàn tách mình khỏi bạn bè mà tôi coi là không đáng chơi, vì chúng có bố, có mẹ, có tình yêu, và tôi cảm thấy ganh tỵ và căm ghét chúng, thậm chí là chống đối và đụng độ mà chẳng cần có lý do. Tôi mon men đến với những người mà tôi cho là tốt hay có cùng cảnh ngộ, hay tệ hơn tôi. Đứa thì bố mẹ chúng cũng bị làn sóng di cư cướp mất như tôi, đứa tệ hơn thì bị làn sóng đso làm tan nát gia đình, bố mẹ li dị… và chúng tôi thành một nhóm. Cơn sóng ngầm tích lũy từ nhiều năm như dâng trào và tàn phá cuộc đời tôi. Chúng tôi họp nhau để thể hiện bản thân, chơi bời, phá phách… Đối với tôi, việc bà tôi phải nhục nhã đến trường để gặp thầy cô vì sự phá phách của tôi đã trở thành cơm bữa. Nhưng tôi, tôi lại coi đó là một thành công vì tôi làm tất cả để thu hút sự chú ý của người khác, để cho họ biết đến sự tồn tại của tôi, và sâu thẳm trong lòng, đó là cách để tôi kéo bố mẹ tôi về với tôi, vì tôi và nhóm của tôi đói, khát cái tình yêu đó!

Người ta thường nói, dậy thì là khoảng thời gian của những kẻ điên. Đúng vậy, cùng với sự phát triển của tâm sinh lý, cùng với những sự ức chế dồn nén, tôi đã trở nên bất kham, bất chấp lời khuyên bảo và những giọt nước mắt của bà (vì bà tôi giấu bố mẹ tôi) và những hình thức kỉ luật chỉ khiến tôi thêm bất cần. Những giờ kinh, giờ lễ, giờ học giáo lý, những sinh hoạt tôn giáo đối với tôi từ lâu đã trở thành vô nghĩa và tẻ nhạt, nặng nề, điều mà trước đây đối với tôi là linh thiêng và như một chỗ dựa tinh thần. Ngôi nhà thờ hay mái trường, nay lại trở thành nơi mà tôi sợ nhất và căm ghét nhất. Tôi chống lại tất cả và phá vỡ mọi quy tắc, mọi lời giáo dục, răn dạy để rồi buông thả cùng chúng bạn sống theo cách của mình, theo tiêu chí “thích thì nhích, không cần giải thích”. Cuộc sống tha hóa của tôi cứ lướt trôi, mặc cho những giọt nước mắt của bà vẫn rơi, cho đến cuối năm học đó, tôi đã quyết tâm bỏ học để được tự do cùng chúng bạn làm theo ý của mình. Chúng tôi, dưới sự chỉ đạo của một thanh niên mà chúng tôi gọi là “đại ca”, lang thang và gây rối, nào là trấn lột, nào là cướp giật… Chúng tôi, thay vì xấu hổ vì hành vi của mình, lại tự hào vì thành tích của mình và quyết tâm thể hiện vị trí của bản thân.

Mặc cho lời khuyên bảo của bà, thay vì im lặng như mọi lần, ngọn lửa của sự điên rồ đã bùng lên trong tôi, trước những giọt nước mắt, tôi gào lên: “Bà im đi! Tôi đã chịu đựng quá lâu rồi! Tôi chỉ là một thằng con có bố mẹ mà như không. Bà không phải bố mẹ tôi, tôi không cần bà, cuộc đời là của tôi! Bà có làm gì thì cũng không thể thay thế vai trò đó…” Sau khi tôi tuôn ra một tràng những câu nói mất dậy hết mức, tôi coi đó như một chiến thắng, và lạnh lùng bỏ đi, mặc cho bà đứng chết lặng… Nói đến đây, tôi không cầm được nước mắt!...

Và rồi, tôi tiếp tục lao vào vòng xoáy tội lỗi, cho đến một dịp mà tôi coi là chiến thắng vĩ đại trước bố mẹ tôi. Bà tôi đã ngã bệnh và buộc phải gọi bố mẹ tôi về. Nhưng thêm một lần nữa, và đó cũng là lần cuối cùng tôi trở về mái nhà của tôi. Trước những lời khuyên bảo của mẹ, cùng những lời dọa nạt của bố, tôi lại tiếp tục ngó lơ và coi đây là một cơ hội trời cho để “trả thù kẻ đã bỏ rơi tôi” và đẩy tôi vào cuộc đời này. Tôi vẫn còn nhớ như in những lời mà thật khó tin, là lời của một thằng con dành cho bố mẹ nó: “Ông bà không xứng đáng để dạy đời tôi. Tôi không cần ông bà. Ông bà hãy đi mà kiếm tiền, đi mà vui vẻ với hội xa quê của ông bà, ông bà chỉ có tiền, tiền thôi. Tôi không cần những cái hôn vội vã của ông bà. Tôi thấy ghê tởm những đồng tiền lạnh lẽo của ông bà, ông bà hãy dùng nó mà chôn mình, nó không thể mua được trái tim của tôi. Từ này tôi cũng không cần ở lại ngôi nhà này nữa. Ông bà hả dạ chưa?” Tôi bước chân ra đi, mặc cho sự đau đớn khóc lóc của mẹ tôi. Và rồi tôi không quay trở lại nhà tôi nữa. Lúc đó, tôi còn thấy sung sướng vì như buông bỏ được gánh nặng, như trả được thù. Tôi ngày càng lún sâu vào con đường sa đọa không lối thoát mà quên đi sự tồn tại của những người thật sự yêu tôi, nhưng vì ngoại cảnh mà phải ra đi kiếm sống để nuôi tôi… Tôi tiếp tục cuộc sống của những kẻ lang bạt, và sự tò mò cùng ý muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông, nhất là để khỏa lấp sự thiếu thốn tình yêu nơi sâu thẳm tâm hồn, mà tôi đã rơi vào lưới tình mà chỉ một sức mạnh kì lạ nào đó đã ngăn tôi không vượt quá giới hạn. Thật sự, tôi không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả quãng thời gian đáng quên này, khi tôi cùng băng đảng hoành hành và phạm pháp.

Tôi làm tất cả như để khỏa lấp nỗi trống vắng này. Thật ra, trong lòng tôi, niềm khao khát một mái ấm yêu thương có bà, có bố, có mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai và hằng âm ỉ trong tôi. Hơn một tháng sau, bà tôi, người đã dùng cả đời yêu, để thương đã mãi mãi ra đi về với Đấng bà hằng phó thác. Đó là một cú sốc đối với bố mẹ tôi và một cách nào đó có phần lỗi lớn là tôi, nhưng tôi đã không dám bước về đối diện với thực tại này. Tôi lén lút về, dòm qua bụi rậm đêm trước hôm đưa bà tôi, và tôi chỉ đứng đàng xa khi người ta đưa bà ra thánh địa giáo xứ, rồi tôi hèn hạn và vội vã quay bước. Nhưng… tôi đã khóc…

Điều gì đến cũng phải đến, đi đêm lắm có ngày gặp ma. Vào một ngày đẹp trời, khi chúng tôi đang hùng hổ thực hiện phi vụ của mình, chúng tôi đã bị vây bắt và tóm gọn. Tất cả mọi thứ như sụp đổ, và đó là lý do tôi đang ở đây, giữa bốn bức tường lạnh lẽo… Và tôi đã sợ, rất sợ!...

Những ngày ở nơi đây, tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ chống đối đến sợ hãi, từ run rẩy đến tuyệt vọng. Thế giới đối với tôi như sụp đổ hoàn toàn. Vì tôi vẫn chưa thành niên và vì tội chúng tôi phạm ít nghiêm trọng, nên khung hình phạt với tôi cũng nhẹ. Ba tháng giam giữ là thời gian ngắn với một cái án, nhưng sao tối thấy như vô tận. Tôi đợi từng ngày và thời gian như gặm nhấm tâm trí tôi. Thế nhưng, đây lại là khoảng lặng quý giá để tôi dừng lại suy nghĩ về những gì đã qua. Đó là sự hối hận và khao khát tự do, đổi mới cuộc đời. Nhất là chính nơi đây, tôi dần dần nhận ra dung mạo thực sự của bố mẹ tôi, những người thật sự yêu thương và làm tất cả vì tôi, mà tôi lại oán trách. Khi những ngày đầu tôi chống đối, không chịu nghe, không chịu gặp bố mẹ đến thăm, nhưng với sự kiên nhẫn và đầy yêu thương nơi bố mẹ, tôi đã bị khuất phục. Tôi đã từng nguyền rủa Thiên Chúa vì Ngài đã đẩy bố mẹ tôi khỏ tôi, tôi nguyền rủa xã hội này và nhất là nguyền rủa bố mẹ, nguyền rủa tất cả… Nhưng giờ đây, lấp đầy tâm hồn tôi lại là sự hối hận và ước mong được tha thứ, nhất là từ người bà quá cố và bố mẹ tôi…Tôi sẽ phải làm lại cuộc đời, bắt đầu cuộc sống mới từ ngày hôm nay. Những suy nghĩ cứ miên man, những giọt nước mắt cứ tràn ra, vì sự hối hận và xấu hổ để rồi những cảm giác đó cứ theo dòng nước mắt tràn ra ngoài để phủ lấp lấy tôi là một cảm giác khoan khoái, thoải mái và bình an mà chưa bao giờ cảm nhận được. Trong tâm trí tôi như vang lên khúc ca tuyệt vời của sách Giảng Viên mà tôi đã nghe từ bà tôi đến thuộc lòng từ thuở bé. Đúng vậy, cuộc đời luôn là như vậy, sẽ chẳng bao giờ kết thúc nếu còn cơ hội. Mỗi người có thời của mình:

“Ở dưới bầu trời này
Mọi thứ đều có lúc

Một thời để giết chết
Một thời để chữa lành
Một thời để phá đổ
Một thời để xây dựng
Một thời để khóc lóc
Một thời để vui cười
….
Một thời để kiếm tìm
Một thời để đánh mất
Một thời để giữ lại
Một thời để vất đi…”

Quãng đời đã qua của tôi là thế đấy. Làn sóng di cư đã mang lại rất nhiều nhưng cũng lấy đi rất nhiều, cụ thể là đã lấy đi của tôi sự ấm ấp của tình yêu mà tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác đáng được nhận. Tuổi thơ của tôi phải chăng như một tiếng kêu của những phận người đang bị những tác động tiêu cực của cơn lốc di cư xâm lấn và cuốn đi. Người ta đang nói rất nhiều đến hội nọ đoàn kia của người di cư, thậm chí tôn vinh nó quá mức, trong khi quên mất ở một góc khuất, những đứa trẻ đáng thương đã và đang phải chịu quá nhiều mất mát. Đó là một câu chuyện nhưng cũng là một tiếng kêu cứu thực sự. Hãy nhớ đến những thế hệ tương lại.

Những tia nắng ấm ấp đang bắt đầu len lỏi qua song sắt phòng giam như đánh thức tôi dậy sau một quãng đời tăm tối. Những tiếng ếch nhái của đêm dài cho những tiếng chim vui tươi, chào một cuộc đời mới.

Giờ đã điểm! Cánh cửa mở ra, một luồng sáng ùa vào làm tôi lóa mắt, nhưng thật ấm áp vì tôi đã được tự do. Trước mặt tôi là hai người mà tôi đã làm tất cả để kéo về với tôi, dù cái giá quá đắt, nhưng đó là một niềm khao khát mãnh liệt mà giờ tôi mới được ngập chìm trong đó. Đôi tay đã giang rộng và tôi, tôi như bé lại trong vòng tay dịu dàng đó. Không một lời nào có thể diễn tả. Đó chính là tình yêu.

Con đường trước mắt tôi, nơi trước đây 3 tháng vẫn còn là một vũng sình lầy nhơ nhớp, thì nay đã được trải nhựa và thẳng băng, đang rộng mở trước mắt tôi. Xa xa nơi cuối đường, dường như thấp thoáng bóng bà tôi đang mỉm cười mãn nguyện. Đời tôi đã chết, nhưng nay đã được sống lại và đang bắt đầu bung chồi nảy lộc….

Tác giả: Khiêm nhu

Nguồn tin: ĐCV Bùi Chu, Tạp chí Ra Khơi

 Tags: Phêrô Tự
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay32,528
  • Tháng hiện tại88,917
  • Tổng lượt truy cập79,320,755
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây