ĐTC Benedicto XVI... chỉ một con người!

Thứ ba - 03/01/2023 20:50  673
2Trong lịch sử hiện hữu, có những giới hạn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với sự vươn lên cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, con người đã và đang lao mình về phía trước, vượt qua những giới hạn, khám phá những quy luật, đạt tới hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác trong mọi lĩnh vực của hành trình tri thức và làm dày thêm, phong phú thêm kho tàng tri thức của nhân loại. Với bản tính ham sống, con người thậm chí nuôi ảo tưởng về sự toàn năng của mình, không ngừng mơ về một ngày sự hiện hữu của mình không còn bị đe dọa, không còn bị giới hạn bởi một quy luật bất khả thắng, một quy luật đặt giới hạn tuyệt đối cho sự hiện hữu của con người… đó chính là cái chết. Con người có thể làm đủ cách để kéo dài sự sống, nhưng cuối cùng vẫn phải đầu hàng và chấp nhận một quy luật nghiệt ngã của kiếp nhân sinh là phải chết, con người được sinh ra là để đi đến với cái chết.[1] Đối diện với cái chết, con người có thế vui vẻ chấp nhận trong niềm tin, cũng có thể nổi loạn chạy trốn, những vẫn phải đón nhận nó cách tuyệt vọng, hay thản nhiên coi nó như một sự phi lý không thể chấp nhận… tất cả phụ thuộc vào niềm tin và thái độ của từng người. Nhưng sau tất cả, con người vẫn phải chết, cái chết là điều được phân phát công bằng nhất cho con người không phân biệt ai, sống ở đâu, địa vị nào, giàu sang hay nghèo hèn, vĩ đại hay bé nhỏ… Cái chết chắc chắn sẽ viếng thăm mọi người nhưng là cuộc viếng thăm duy nhất, chỉ một lần duy nhất và chắc chắn nhất, một cuộc viếng thăm đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng. Nó là người bạn gặp lần đầu những cũng là người bạn gặp lần cuối để chấm dứt sự hiện hữu của một hữu thể mang tên con người trên thế giới, dù họ là ai, bất cứ ai…

Trong vô số những cuộc viếng thăm mà cái chết đã thực hiện và sẽ còn tiếp tục thực hiện trong lịch sử, sáng thứ 7, ngày 31 tháng 12 vừa qua, ngày cuối cùng trong năm dương lịch 2022, cái chết đã viếng thăm một con người mang tên Joseph Ratzinger, và cũng là Giáo hoàng danh dự Benedicto XVI, một con người mà với nhiều người là vĩ đại của thế kỉ XX, vì những đóng góp và tầm ảnh hưởng của ngài, nhất là trong lĩnh vực triết học và thần học, nhất là ngài cũng là đấng kế nhiệm thánh Phê-rô trong 8 năm, trước khi đưa ra một quyết định đầy can đảm là rút lui, thoái vị để trở về với đời sống ẩn dật trong suốt gần 10 năm qua để được sống với Chúa cách mật thiết trong thinh lặng, suy tư và cầu nguyện, để rồi cuối cùng ngài cũng đón nhận cái chết như một quy luật, bởi ngài cũng chỉ là một con người, và trong niềm tin, cái chết là cửa ngõ giúp ngài đối diện và gặp gỡ diện đối diện với Đấng mà ngài hằng tôn thờ, cũng như dùng cả cuộc đời để bảo vệ cho đức tin về Ngài, một Thiên Chúa hằng hữu, một Đức Giê-su thành Nazareth, Con Thiên Chúa làm người và cũng là Thiên Chúa thật…

Sau mỗi một cái chết của một người, dù họ là ai, vẫn luôn có những câu chuyện xoay quanh con người đó, có thể được kể lại hay được viết ra, thậm chí bị quên lãng, nhưng vẫn luôn có những câu chuyện bởi mỗi người đều có lịch sử hiện hữu và ghi dấu trong lịch sử hiện hữu của mình, nơi các biến cố, nơi những kỉ niệm… Sự ra đi của Đức cố giáo hoàng cũng vậy, chắc chắn nhiều câu chuyện xoay quanh cái chết của ngài sẽ được kể lại hay được viết ra, những lời ca tụng, những dòng phân ưu, những sự tiếc nuối, thậm chí cả những cuốn sách hay những thước phim được xuất bản để nói về ngài, để ca tụng ngài, hay để che bai, công kích ngài…

Trong một thế giới mà mạng xã hội và công nghệ truyền thông đang ngày càng thống trị, sự ra đi của một người, nhất là một người có tầm ảnh hưởng lớn như Đức Giáo hoàng, một người được coi là một vĩ nhân của thế kỉ, thì cùng với những công trình của ngài, những hình ảnh chân thật về ngài, chắc chắn không thiếu việc tô vẽ và ghi dấu về ngài cách này hay cách khác không ngừng tung ra, thậm chí thổi phồng và cách nào đó, một phương diện nào đó làm méo mó hình ảnh của ngài, một người mà chính ngài luôn ý thức là nhỏ bé, hèn mọn trong tay Thiên Chúa. Những tác phẩm của ngài còn đó, những công trình của ngài vẫn còn đó và sẽ tiếp tục còn ảnh hưởng sâu rộng, những tư tưởng của ngài vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ… Đó là điều không thể phủ nhận và đáng trân trọng về một con người và về những đóng góp của ngài cho Giáo hội và cho con người ngày hôm nay… và trong cuốn sách Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, rất khiêm nhu rất vĩ đại thì nhận xét rằng nếu Gioan Phao lô II là con người để gặp gỡ và đối thoại, thì Bê-nê-dic-tô XVI là con người để lắng nghe, bởi sự tri thức và sâu sắc của ngài…

Tuy nhiên, Joseph Ratzinger dù vĩ đại,  Bê-nê-dic-tô XVI dù là Giáo hoàng, nhưng đừng quên ngài vẫn là một con người, ngài vẫn có những nỗi sợ, trong đó là nỗi sợ với cái chết, ngài vẫn có những giới hạn và những yếu đuối của tội lỗi như chính ngài chia sẻ trong cuốn sách Chuông thành Rô-ma… nên sự ra đi của ngài cho tới khi Giáo hộ chưa lên tiếng, Ngài vẫn phải được thanh luyện, nên trong niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, ngài luôn cần những lời cầu nguyện như một tín hữu luôn cần đến sự cầu nguyện của người khác, hầu mong sớm được hưởng phúc Thiên Đàng. Chính vì thế, mỗi người đừng để những ánh hào quang nơi những thành công của ngài, nơi những công trình của ngài che mờ và làm mất ý thức về bổn phận của những người con, đối với vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ là phải liên lỉ cầu nguyện cho ngài với lời kinh chân thành xin Chúa thương xót và đón nhận linh hồn Giuse sớm về hưởng nhan thánh Chúa…

Hành trình 96 năm của một con người vĩ đại đã chính thức khép lại, chúc mừng ngài đã hoàn thành những chương trình, những kế hoạch từ lớn lao đến đơn sơ mà Chúa đã trao phó cho ngài, chúc mừng ngài đã sử dụng một cách hiệu quả nhất những nén bạc Chúa trao hầu mưu ích cho Giáo hội và các linh hồn. Có nhiều điều vĩ đại, có nhiều điều lớn lao làm nên tên tuổi của một vị Giáo hoàng, một thần học gia lỗi lạc như Ngài, nhưng với tôi điều làm cho ngài vĩ đại đó chính là sự can đảm, sự quyết đoán của một người Đức, khi can đảm thưa xin vâng để gánh vác trọng trách thuyền trưởng Giáo hội, nhưng cũng vô cùng can đảm khi dám từ bỏ quyền lực để rút lui trong sự vâng phục thánh ý, trong sự khiêm tốn và tự do. Khoảng thời gian gần 10 năm sống trong ẩn dật, trong âm thầm không dài nhưng có lẽ cũng không ngắn để một con người vĩ đại như ngài gặp gỡ và sống thân tình với Thiên Chúa, để cầu nguyện cho Giáo hội và cho nhân loại trong thế giới hôm nay, nhất là để ngài chữa lành những vết thương, những yếu đuối của phận người để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời mà ngài mong đợi nơi Đấng mà ngài hằng tôn thờ…Nhưng trong niềm tin và trong tinh thần hiệp thông, chúng ta đừng quên, nhưng hãy tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI vì ngài vẫn chỉ là một con người!
 
[1] Heiderger

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập282
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm261
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,127,452
  • Tổng lượt truy cập71,155,209
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây