Nghề giáo
Thứ bảy - 19/11/2022 09:38
695
Giáo dục là một nghề cao quý bởi đây là một lãnh vực luôn cần và rất cần trong mọi nơi và mọi thời. Người hoạt động trong lãnh vực này được gọi như là các chiến sỹ âm thầm trong cánh rừng “trồng người”. Họ âm thầm trong những giờ soạn giáo án đêm khuya mà không ai hay. Họ âm thầm tìm kiếm các thông tin, tài liệu thích hợp với các cô cậu học trò trong từng lứa tuổi để mong cho các con khôn lớn thành người. Họ âm thầm trong những ngày mưa giông hay gió nóng đến bên các con để uốn, để nắn, để chăm, để bón hầu những mầm non của đất nước sớm trổ bông sinh trái.
Khó để có thể nói hết được những hy sinh và công khó của những người làm nghề giáo dục. Và cũng khó để diễn tả hết những tâm huyết của người làm nghề giáo. Bởi bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy cô nên và cần phải biết cũng như hiểu hơn nữa về các “kỹ năng mềm” trong đó có việc giáo dục kỹ năng tự chủ cảm xúc cho học sinh đặc biệt là ở lứa tuổi trung học. Tuổi trung học hay còn gọi là tuổi thiếu niên. Đây là lứa tuổi “đảm nhận” bước nhảy vọt quan trọng trong sự phát triển bình thường của một con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế việc giáo dục kỹ năng tự chủ cảm xúc cho các em là rất cần thiết cho những người trong nghề giáo dục và những ai tâm huyết với giáo dục. Giáo dục kỹ năng tự chủ cảm xúc cho học sinh sẽ giúp các em thích nghi với hoạt cảnh của xã hội và cả trong những mối quan hệ xung quanh.
“Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” (Comenxki).
Tuy rằng có nhiều nhận định tích cực về nghề giáo, nhưng chúng ta cũng cần chân nhận với nhau rằng vẫn còn những góc khuất của nghề nghiệp nơi môi trường đào tạo. Dẫu vậy, con thuyền tri thức vẫn đang và sẽ được rất nhiều người chung tay góp sức để mang những điều tốt đẹp nhất qua kiến thức và các kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Ước mong những người trong nghề ý thức hơn nữa về giá trị cao quý của việc “trồng người” hầu tạo nên những nhân tài hữu ích cho đời.
Tác giả: Trần Trần, FMSR.