Tạm biệt và hẹn gặp lại Thầy!
Thứ ba - 08/11/2022 21:17
6283
Hòa cùng dòng người ngậm ngùi tiễn đưa linh cữu Thầy Giuse từ nhà thờ về với Thánh địa giáo họ Đồng Ninh - giáo xứ Lạc Đạo, trong tôi có những cảm thức rất đặc biệt. Suy tư này là dư âm qua bài chia sẻ lời Chúa mà cha giảng trong thánh lễ cuối cùng của Thầy: "Chính lúc nhắm mắt là lúc mở mắt".
Tại sao nhắm mắt lại là mở mắt? Khi nhắc đến nhắm mắt, con người sẽ nghĩ đến một trạng thái vô thức, khi nhắm mắt con người sẽ nghĩ ngay đến người đó đang ngủ, còn khi nhắm mắt trong một thời gian rất dài hoặc nhắm mắt kèm theo các cụm từ như: nhắm mắt lìa đời, nhắm mắt xuôi tay thì đó không phải là một trạng thái vô thức nữa, nhưng đó chính là cái chết. Theo chủ nghĩa hiện sinh hay những người chủ trương theo vô thần thì đây chính là một sự ra đi không bao giờ trở lại, chết chính là hết, chết chính là dấu chấm hết của cuộc đời. Con người khi đã nhắm mắt, hơi đã tàn, sức đã kiệt thì sẽ chết. Cái chết như khép lại tất cả, không còn gì để mong đợi, không còn gì để cứu vãn. Tất cả chỉ còn là hiện tại cay đắng và quá khứ đau buồn.
Nhưng đối với niềm tin của người Công giáo, chết không phải là hết. Sự chết không phải là cùng đích nhưng lại là một cánh cửa dẫn đến cuộc sống bất diệt. Như lời Cha giảng lễ "Chính lúc nhắm mắt là lúc mở mắt". Mở mắt ra để nhận thấy rằng thế gian không phải là nhà. Quê hương chúng ta trên trời, nơi đó chúng ta sẽ tìm thấy cuộc sống đích thực, nơi đó chúng ta sẽ gặp được ơn cứu chuộc là Đức Kitô Giêsu - Thiên Chúa của chúng ta. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô tuyên tín rằng: "chết là chiến thắng" (1Cor 15,54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ, gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để Thầy về với Ðấng thương Thầy và là Thiên Chúa của chúng ta. Chết là điều kiện để sống. Mở mắt để không còn phải nhắm mắt nữa. Mở mắt để thấy Chúa, để tìm thấy sự sống của lòng mình.
Nếu ai đó đã đọc tác phẩm "Nước mắt và hạnh phúc" của linh mục Nguyễn Tầm Thường thì sẽ hiểu hơn về câu nói "Nhắm mắt là mở mắt". Tác giả đã trích một đoạn ngắn trong sách Sáng Thế để suy tư về vấn đề này như sau: “Con rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân". Lời con rắn nói nghe có vẻ hiệu nghiệm "mắt cả hai người đã mở ra", nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp, mà mở ra để thấy mình "trần truồng". Trần truồng là biểu tượng của sự hèn hạ, của nghèo đói, của nhục nhằn. Mắt hai người đã mở ra nhưng đồng thời cũng là giây phút đóng lại. Mở mắt để thấy trước mặt là tan tác, chia phôi. Mở mắt để thấy trước mắt là hệ lụy. Mở mắt để biết mình trơ trụi. Mở mắt để biết rằng mình không còn thấy những gì mình muốn thấy.
Mắt nguyên tổ của chúng ta đã mở ra, nhưng là để nhắm lại. Còn đối với Thiên Chúa thì không gì là không thể. Thiên Chúa đã mở mắt cho con người thêm một lần nữa. Qua biến cố phục sinh, Con Một của Thiên Chúa đã mở mắt cho nhân loại, đem đến cho con người ánh sáng của niềm hy vọng. Con người không còn nhìn thấy bóng dáng thế gian tội lỗi nữa, không còn nhìn thấy sự chết nữa mà thay vào đó là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự sống đích thực. Đó mới quả thực là mở mắt.
Khi đọc bài viết rất hay có tựa đề "Hoa thơm Thầy Giuse Đặng Văn Mĩ", tôi rất ấn tượng về những suy tư của Soeur Trần Trần. Trong bài viết này, Soeur có chia sẻ như sau: "Sứ vụ nơi trần thế này của thầy đã khép lại nhưng hoa trái của những việc làm mà thầy dành cho Giáo Hội, cho Giáo phận, cho chủng viện, cho người mẹ thân yêu sẽ mãi được khắc ghi trong trái tim mọi người". Khép lại nhưng là để mở ra, nhắm lại nhưng là để nhìn thấy ánh sáng Phục Sinh. Thầy Giuse của chúng ta đã nhắm mắt lại, đã chết thật. Nhưng trong niềm tin Kitô giáo, Thầy đã tìm thấy đích điểm của cuộc đời, đạt được hạnh phúc và nguồn vui của lòng Thầy.
Ba mươi hai năm sống trên dương thế, Thầy Giuse đã sống trọn Thánh ý Ngài qua những năm tháng phục vụ không mỏi mệt tại quê hương và cả những nơi mà bề trên giáo phận gởi đến. Ngang qua sự ra đi không báo trước của Thầy Giuse, chúng ta cũng một lần nữa hồi tâm và để trả lời cho câu hỏi: "Chúng ta sống trên đời để làm gì?". Tôi vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Mẹ Têrêsa khi được một nhà báo người Mĩ phỏng vấn hỏi về giá trị của cuộc đời, Mẹ trả lời như sau: "Cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị khi chúng ta biết làm hết mình và phục vụ hết mình". Ước mong với những hoa trái, những việc làm, những hy sinh vất vả trong thầm lặng của thầy được Chúa thương và thưởng ban. Tạm biệt và hẹn gặp lại Thầy trên quê trời!
Tác giả: Vinh Nhan; Ảnh: Gx Lạc Đạo