Đừng bắt Chúa chết mãi...

Thứ tư - 12/04/2023 05:06  728
pictures of jesus resurrection 2Chuyện kể trong một trường Công giáo kia, khi thấy một số học sinh nói chuyện, vui cười dù trong trật tự và ý thức của Tuần Thánh, một linh mục giáo sư đã khiển trách một câu xanh rờn: “Các cậu không có ý thức gì cả, nay Chúa chết mà lại vui vẻ cười nói thế là sao?” Cũng trong chủng viện nọ, chính các chủng sinh cùng vô tư hồn nhiên, có thể trêu nhau, nhưng có lẽ cũng nhiều người coi đó là sự thật khi tỏ ra khó chịu, khi thấy anh em mình có những lời nói vui hay tiếng cười: “nay nhà có đám, ý thức chút ông ơi!” Dường như lối suy nghĩ Chúa chết mỗi thứ sáu Tuần Thánh để rồi sống lại vào đêm Vọng Phục sinh đã trở thành và ăn sâu và tiềm thức và trở thành một quan niệm bất khả ngộ của nhiều người. Thế nhưng, liệu đó có phải là một suy nghĩ thực sự đúng đắn?

Chúa Giê-su Ki-tô đã phục sinh gần hai ngàn năm và chắc chắn Ngài không còn chết nữa, bởi cái chết đâu còn quyền chi đối với Ngài vì Ngài chỉ chết một lần là đủ. Không những thế, giá trị mà nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài mang lại chính là sự giải thoát nhân loại mọi thời khỏi ách nô lệ tội lỗi, hầu đem lại cứu chuộc cho mọi người một cách vĩnh viễn. Niềm tin của người Ki-tô hữu xác tín và tuyên xưng điều đó. Đồng thời, mọi tín hữu sống tinh thần đó trong niềm hy vọng vào ơn phục sinh và đời sống vĩnh cửu bởi đó là nguồn mạch, đích điểm và cốt lõi của đời sống đức tin. Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, Ngài đã chết thật và sống lại thật, nhưng Ngài không còn chết nữa. Trái lại, chỉ con người mới là những hữu thể đang đi về với cái chết và phải chết, chỉ con người mới là hữu thể đang phải chiến đấu với tội lỗi mà chỉ nhờ giá cứu chuộc của Con Thiên Chúa, con người mới được cứu độ và phục sinh trong ngày sau hết.

Thế nhưng, ngày nay vẫn còn đó những quan niệm, những tư tưởng, dù có thể vô thức, nhưng lại ăn sâu và tạo thành một lối suy nghĩ của nhiều người, không chỉ các tín hữu mà vẫn còn đó những giám mục, linh mục, chủng sinh hay tu sĩ. Đó là mỗi khi cử hành tuần thánh, nhất là Tam Nhật Thánh, nhiều người lại khoác lên khuôn mặt của mình, suy nghĩ của mình là Chúa đã chết, hay nay nhà có tang. Để rồi khi mặc cho mình tư tưởng ấy, nhiều người sống tam nhật thánh với một trạng thái ủ dột, mặc lấy cho mình tâm tình của một cái chết theo nghĩa đen của một con người mang tên Giê-su. Cũng giống như quan niệm mùa chay hay việc giữ chay các ngày thứ tư lễ tro hay thứ sáu Tuần Thánh phải được thực hiện theo nghĩa đen của từ ngữ, không ít người cố gắng hết sức để giữ thật tỉ mỉ, thực hiện thật nhiệm nhặt và sống đúng tinh thần của việc Chúa lại chết thật, tất nhiên phần nào đó để thông hiệp với cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Ki-tô, nhưng thật đáng buồn là để soi mói, so sánh, bới lông tìm vết và lên án người khác trong cộng đoàn không giữ chay giống mình, hay không sống đúng tinh thần Tuần Thánh như mình. Đó phải chăng là một lối suy nghĩ hay một lối sống giả tạo hào nhoáng bên ngoài và một lối sống đạo mang tính thời vụ?

Nói như vậy không phải để hạ thấp hay phủ nhận tầm quan trọng của Phụng vụ thánh, nhất là tầm quan trọng và giá trị của việc cử hành tưởng niệm mầu nhiệm khổ nạn-phục sinh của Đức Ki-tô mà đỉnh cao là Tam Nhật Thánh. Trái lại, mỗi người Ki-tô hữu, khi tham dự hay cử hành việc tưởng niệm mầu nhiệm này, phải chăng nên bỏ suy nghĩ hay quan niệm về việc Thiên Chúa lại chết và vẫn cứ chết để sống lại hằng năm như kiểu đến lịch lại lên? Bởi nếu chính chúng ta, những người có đức tin, mà vẫn bắt Chúa chết như Ngài đã chết và phục sinh một lần duy nhất cách đây hai ngàn năm, thì có lẽ thật khó để chúng ta chứng tỏ niềm tin của mình cho người khác vào Đấng đã chết và sống lại một lần duy nhất để chiến thắng vĩnh viễn cái chết cũng như mang lại sự sống cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, mỗi khi cử hành và tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô, điều mà Giáo hội muốn nơi con cái mình đó là mỗi người biết thông hiệp vào việc sống tinh thần cuộc khổ nạn và phục sinh không phải cho Chúa, nhưng cho chính mình và toàn thể nhân loại, những con người vẫn đang phải lầm than vất vưởng trong đau khổ, tội lỗi và cái chết.

Từ đó, khi chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của việc cử hành các mầu nhiệm Ki-tô giáo, mỗi chúng ta sẽ cùng Giáo hội sốt sắng cử hành và thấm nhuần tinh thần trong mỗi nghi thức, mỗi lời đọc, mỗi cử hành… nhất là mỗi Thánh lễ trong những ngày trọng đại này. Từ đó, chúng ta có cơ hội để làm mới chính mình cũng như để thánh hóa thời gian thành cơ hội lắng đọng, để nhìn lại chính tâm hồn và con người mình, một tâm hồn đã, đang và sẽ vẫn còn bị bủa vây bao phủ bởi bóng đêm tội lỗi, một tâm hồn vẫn còn bị phủ lấp che đậy bởi những tảng đá nặng của sự yếu hèn,  vấp ngã và tội lỗi… Để từ đó, nhờ việc hiểu và sốt sắng tham dự Phụng vụ Thánh nhất là nhờ Tin Mừng và niềm tin vào sự Phục sinh đích thực, chúng ta được biến đổi, được tiếp tục lớn lên và xác tín cũng như bước đi trong niềm hy vọng chắc chắn một ngày kia sẽ được phục sinh với Đấng đã chết vì yêu nhân loại và đã sống lại để cứu chuộc mọi người, mà trong đó có chúng ta. CHính Ngài đã, đang và sẽ kéo chúng ta lên với Ngài trong hành ngũ con cái Thiên Chúa… Chúa đã chết và Phục sinh, xin đừng bắt Chúa chết dù chỉ một lần nữa…

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập212
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại871,359
  • Tổng lượt truy cập69,931,233
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây