Những cơ hội trong cuộc đời
Chủ nhật - 07/05/2023 05:19
927
“Khi chào đời, người cười, ta khóc
Lúc xuôi tay, người khóc, ta cười!”
Cuộc đời được dệt nên bởi những cơ hội và chính cuộc đời là một cơ hội để sống, để yêu và được yêu, để cho đi, để tha thứ, để bao dung… và nhất là để… làm và là người. Có những cơ hội chỉ đến một lần, nhưng cũng có những cơ hội đến rồi đi, nhưng rồi lại đến, mà nếu chúng ta không biết tận dụng, những cơ hội sẽ trôi qua mãi mãi trong tiếc nuối. Những cơ hội luôn đến với chúng ta mỗi ngày nơi chính mình, nơi người khác, trong vũ trụ thiên nhiên, nhất là nơi Thiên Chúa, Đấng làm chủ và luôn trao ban cơ hội vì Tình Yêu. Vì thế, nếu cuộc đời không còn những cơ hội và con người không còn tạo ra những cơ hội, chắc chắn mọi sự sẽ biến tan. Cơ hội, xét theo một phương diện, đơn giản là một sự chọn lựa tự do. Bởi con người là một hữu thể bất toàn, bất lực và bất tất, nên chẳng thể có ai có tất cả mọi cơ hội, nhưng cũng chẳng có ai không có cho mình một cơ hội trong cuộc đời. Trái lại, cơ hội được trao ban và đến với mỗi người tùy thuộc nhiều yếu tố, tùy hoàn cảnh về không gian hay thời gian, độ tuổi hay khả năng…
Thật vậy, có thể nói, người thành công và người hạnh phúc đơn giản là người biết tận dụng và hiện thực hóa những cơ hội được gửi trao trong cuộc đời: một cầu thủ hạnh phúc khi ghi bàn, một bà mẹ hạnh phúc khi sinh con, một cậu học sinh hạnh phúc khi vượt qua được kì thi đại học… Mọi người đều có cơ hội để trở thành người thành công và hạnh phúc. Những thành công đó có thể vĩ đại, đáng lưu danh sổ sách trong Giáo hội như các thánh, hay những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại như Aristote, hay Bill Gate… Nhưng những thành công hay hạnh phúc giản đơn vẫn đến qua những cơ hội trong cuộc sống thường ngày… Cách riêng đối với mỗi người Ki-tô hữu, những người đã tận dụng và hiện thực hoá cơ hội để làm người, nhất là trở nên con Chúa trong lòng Giáo hội. Để từ đó, mỗi Ki-tô hữu có một cơ hội lớn hơn, ưu thế hơn để trở thành công dân Nước Trời với phần thưởng lớn lao mà Chúa đã hứa trong ngày sau hết. Vậy, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để hiện thực hoá cơ hội lớn nhất và quan trọng nhất của niềm tin Ki-tô giáo, cũng như chuyển trao cơ hội đó cho người khác, khi biết trở nên những chứng nhân rao giảng Lời Chúa và Nước Trời? Cũng như một cầu thủ bóng đá tìm mọi cách tự thân, cũng như kết hợp với đồng đội để ghi bàn và chiến thắng, thì chúng ta, những Ki-tô hữu đã và đang làm gì với Chúa, nơi bản thân và với người khác để đạt tới hạnh phúc Nước Trời? …
Là một hữu thể của những cơ hội, nhất là cơ hội của tình yêu và lòng thương xót, con người, đôi lúc muốn có cơ hội để trở thành chủ thể để trao ban tình yêu và lòng thương xót. Nhưng nhiều khi, con người lại muốn có cơ hội để trở thành đối tượng được ban phát tình yêu và lòng thương xót. Nói cách khác, con người muốn luôn tận dụng cơ hội để trao ban khi là chủ thể dể trao ban, nhưng vẫn còn đó khao khát được là đối tượng của sự tặng ban, bởi con người là một hữu thể tương quan, những tương quan hai chiều và đa chiều. Con người, trong đó có mỗi chúng ta, đã được Tạo Hóa tặng ban sự sống, cũng như tặng ban bao cơ hội mỗi ngày để làm người và để sống tròn đầy là hữu thể người. Để từ đó, mỗi chúng ta, từ đối tượng được tặng ban và đón nhận, cũng trở thành chủ thể để trao ban cho người chúng ta được trao gửi và gặp gỡ mỗi ngày cơ hội để sống, để yêu thuơng…
Tuy nhiên, vì “con người là một “thực thể kì lạ-phân đôi và có hai mặt, có bộ mặt của Chúa và bộ mặt của nô lệ, thực thể tự do và thự thể nô lệ, mạnh và yếu, hợp nhất sự cao cả với sự hèn mọn, sự vĩnh hằng và sự nhất thời ở trong một tồn tại,”[1] nên có lẽ “thật không tốt khi có quá nhiều tự do. Thật không tốt khi có mọi thứ mình muốn.”[2] Bởi vì, với sự tự do đã bị tổn thương bởi tội, con người luôn bị giằng co, vò xé trong tư tưởng, lời nói cho tới hành vi để đưa ra sự quyết định, chọn lựa giữa hai thực tại thiện và ác, làm hay không làm, tự do hay nô lệ… Từ đó, không ít lần trong cuộc đời, chúng ta, dù là những người đã tin và chân nhận Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, đã và đang bước theo Ngài, thậm chí còn dạy người khác, đào tạo người khác thành những chứng nhân về Tin Mừng Cứu Độ, lại đã, đang hoặc sẽ trở thành kẻ vô cảm, độc ác tinh tế nhất, dửng dưng đến lạnh lùng trước những đau khổ, thiếu thốn của người khác... Cũng vậy, nhiều lúc, những người được coi là tông đồ và chứng nhân của Chúa, lại chỉ thích nói về sự bao dung, thích dạy về sự tha thứ, thích yêu cầu người này, kẻ nọ phải sống yêu thương, nhưng lại chẳng làm và sống tha thứ, bao dung như những gì chúng ta rao giảng. Hơn nữa, đôi khi, chúng ta còn thích làm tâm điểm của sự chú ý, muốn trở thành mạch truyền cảm hứng, nhưng than ôi! đến khi cần sống bao dung, cần sự độ lượng, thứ tha và cần tình yêu thương chia sẻ, thì chúng ta lại chẳng còn một chút bao dung nào để trao ban. Thay vào đó, thậm chí là sự độc ác đến lạnh người, sự vô tâm đến khó tin và một sự vô cảm đến đang thương trước nỗi đau của đồng loại. Những khi đó, chúng ta chỉ là những thanh là phèng phèng, những thùng rỗng kêu to khiến hình ảnh của Đức Ki-tô và Giáo hội bị biến dạng và méo mó đến thê thảm…
Không những thế, một nghịch lý thường diễn ra khi “chúng ta thích nói đến và nói về người nghèo, nhưng khi người nghèo gõ cửa, chúng ta lại ngoảnh mặt đi.”[3] Người nghèo ở đây có thể là những người nghèo về vật chất, những con người bị lãng quên đang chết dần chết mòn vì đói rét, bệnh tật trong một xã hội tiêu thụ. Nhưng người nghèo ở đây cũng có thể là những tâm hồn đang đói khát tinh thận và tâm linh xung quanh và bên cạnh chúng ta. Vẫn còn đó bao tâm hồn sầu khổ, sợ hãi không phải vì đói vật chất, nhưng vì đói khát niềm tin, thiếu thốn sự cảm thông… chỉ muốn có cơ hội được chúng ta mở lòng đón nhận họ, cảm thông, quan tâm và chia sẻ với lòng bao dung. Với những tâm hồn đó, cái họ cần đôi khi không phải vật chất, nhưng họ cần chúng ta, những người của Chúa, bằng hành động hoặc đơn giản bằng im lặng, kiên nhẫn để lắng nghe họ với sự chân thành. Thế nhưng, khi họ cần chúng ta giang vòng tay để đón nhận họ như họ là, như người cha nhân hậu, thì vì nhiều lý do, đôi khi chúng ta lại bịt tai, nhắm mắt và ngoảnh mặt đi, thậm chí tàn nhẫn tâm hồn họ. Để rồi, khi được ánh sáng của Lời Chúa thức tỉnh, tác động và chói qua tim, chúng ta hối hận về sự sai lầm của mình, nhưng nhiều khi hối cũng đã muộn, vì có những cơ hội đã qua mà không bao giờ trở lại…
Vậy mới thấy con người chúng ta, dù là những người đã tin và đang lan tỏa niềm tin vào Chúa cho người khác cũng vẫn chỉ là những con người “cực kì mong manh, mong manh cực kì. Vì sự mong manh ấy, con người phải cố cứng rắn: phải cố tạo nên những thành trì nhân cách. Nhưng thành trì nhân cách thường chỉ được đảm bảo trong thực tại bằng địa vị nào đó ở cõi đời.”[4] Chính vì thế, chúng ta mới cần đến ơn Chúa và cần đến nhau, bởi địa vị của chúng ta, nhân cách của chúng ta chỉ có giá trị khi biết sống Lời Chúa trong sứ vụ. Đồng thời, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi chúng ta luôn biết khiêm tốn, nhẫn nại để biết sống bao dung, tha thứ và yêu thương mọi người như Chúa đã dạy và nêu gương. Cùng với đó, chúng ta phải luôn cảnh giác kẻo rơi vào tình trạng bi đát vừa đáng sợ lại vừa đáng thương như Blaise Pascal đã viết: “con người không phải thiên thần cũng không phải cầm thú, và thực không may là những người vốn có thể hành động như thiên thần, lại hành động như cầm thú”[5].
Con người là hữu thể suy nhất và độc nhất, với sự tò mò, luôn mòn mỏi tìm câu trả lời về chính mình. Con người là một sinh vật biết cười có lẽ là một trong những định nghĩa thú vị nhất. Nhưng thật lạ, con người bắt đầu sự hiện hữu của mình, bắt đầu cuộc di cư đầu tiên, khi bước khỏi vùng an toàn là dạ mẹ, không phải bằng tiếng cười mà lại bằng tiếng khóc, một trong những dấu hiệu đầu tiên quyết định sự hiện hữu của một con người mới. Như thế, có thể nói con người cũng là một sinh vật biết khóc. Con người dường như bắt đầu sự hiện hữu với sự tiếc nuối khi phải xa rời lòng mẹ, để bước vào đời, đối diện với cuộc đời còn giăng mắc đầy tiếc nuối và đầy nước mắt. Tiếc nuối vì những khổ đau, tiếc nuối vì những lầm lỡ, và có lẽ tiếng khóc là biểu hện hoàn hảo nhất cho sự tiếc nuối của việc bỏ lỡ cơ hội, những cơ hội trong cuộc đời. Chúng ta, những con người, cách riêng những người đang bước theo Thầy Giê-su, có lẽ cũng không ít hơn một lần phải tiếc nuối thậm chí rơi lệ vì bỏ lỡ những cơ hội trong cộc đời: cơ hội để yêu thương, để bao dung, tha thứ, và nhất là những cơ hội làm chứng cho Tin Mừng…
Những cơ hội vẫn sẽ đến và đi cùng với nhịp đập của thời gian và sự vần xoay của cuộc đời. Thiên Chúa chắc chắn vẫn tiếp tục hào phóng và không mệt mỏi trao ban cho con người chúng ta những cơ hội, dù hết lần này đến lần khác bị bỏ lỡ vì Ngài vẫn yêu và vẫn còn niềm tin vào sự biến đổi của chúng ta. Tuy nhiên, những cơ hội sẽ mãi chỉ là cơ hội, nếu bị bỏ lỡ trong tiếc nuối, nhất là khi chúng ta không nhận ra để sửa đổi và ý thức hơn mỗi khi có cơ hội làm vinh danh Chúa và phục vụ con người. Trái lại, nếu chúng ta biết nhận ra, nắm bắt, tận dụng và hiện thực hóa cơ hội ấy theo ý Chúa muốn khi biết sống bao dung, tha thứ và sẻ chia, chúng ta sẽ nên những chứng nhân của Nước Trời và sức lan tỏa nơi đời sống chứng nhân của chúng ta sẽ giúp nhiều người nhận ra khuôn mặt đích thật của Chúa Ki-tô và Giáo hội của Ngài. Cuộc đời vẫn và mãi được đan kết bởi những cơ hội, và con người, cách riêng chúng ta vẫn miệt mài trên hành trình tiến về quê trời. Nhưng để đoạt được phần thưởng lớn lao ấy, mỗi ngày chúng ta luôn phải nỗ lực sống làm sao để những cơ hội, dù nhỏ nhất, sẽ không trôi qua trong sự tiếc nuối. Trái lại, “ngày xưa khi ta sinh ra chào đời bằng tiếng khóc, vây quanh đón ta là nụ cười niềm vui, nên cố sống sao khi trở về với đất, người ta khóc còn ta mỉm cười,”[6] mỉm cười mãn nguyện vì đà hoàn tất cơ hội cuối cùng là Nước Trời…
Cf. N. Berdyaevev, Mục đích của Sáng tạo, Nxb Tri Thức, tr. 57
Cf. Blaise Pascal, Suy Tưởng, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 148
Cf. Otto Rank, Cái thật và thực tại, Nxb Phụ Nữ, tr. 286
Cf. Blaise Pascal, Suy Tưởng, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 153
Cf. Phan Mạnh Quỳnh, Bước qua thế giới https://www.youtube.com/watch?v=mD7QTxQUXqU