Giáo Hội Việt Nam chưa có lịch sử lâu dài như các nước đã đón nhận Tin Mừng từ thời các Tông Đồ. Tuy nhiên, lịch sử của Giáo Hội Việt Nam cũng không kém hào hùng, đáng được Giáo Hội toàn cầu yêu mến và ngưỡng mộ. Quả vậy, mảnh đất hình chữ S của chúng ta mới được phúc đón nhận Tin Mừng từ đầu thế kỷ XVI. Đức Kitô mới chỉ được nhận biết tại Việt Nam gần 500 năm. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục soạn thảo do chỉ dụ của vua Tự Đức năm 1856, chép sử từ đời Hồng Bàng vào năm 2789 trước Công Nguyên đến năm Chiêu Thống III (1789), năm chấm dứt nhà hậu Lê có viết: «Gia Tô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hòa nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân I-nê-khu tiềm lai Nam Chân chi, Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ Gia Tô tả đạo truyền giáo». Dịch nghĩa: «Đạo Gia Tô, theo bút ký của tư nhân, đời Lê Trang Tông, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), có người Tây dương tên I-nê-khu, lén vào truyền bá đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy»[1].
Dẫu vậy, lịch sử của Giáo Hội Việt Nam không kém hào hùng, nhất là được ghi dấu bởi gần hai trăm năm cấm cách, bắt bớ, có những giai đoạn thật khủng khiếp. Nhưng cũng từ đó làm nảy sinh những chứng nhân bất khuất cho Tin Mừng, cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Có thể nói sau biến cố Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hiển Thánh cho 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, Giáo Hội hoàn vũ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Người ta nói Giáo Hội tại Việt Nam trong thời gian đầu đón nhận Tin Mừng, cũng giống như Giáo Hội tại Rôma trong giai đoạn đầu. Rằng dân tộc Việt Nam cũng giống như dân tộc Do Thái ở Á Châu, nhất là sau những biến cố xã hội, người Việt Nam, Công Giáo cũng như không Công Giáo đã có mặt nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam không chỉ có 117 vị Hiển Thánh. Ngày 5 tháng 3 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã tôn phong lên bậc Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên nữa. Nếu tính từ người chết vì đạo đầu tiên dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767) tới người chết vì đạo cuối cùng dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883), trong suốt giai đoạn này đã có khoảng 300.000 người. Đối với các vị được phong Hiển Thánh, Giáo Hội đã phong Chân Phước cho các ngài qua 4 lần trước đó:
Ngày 27 tháng 5, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã phong Chân Phước cho 64 vị.
Ngày 20 tháng 5 năm 1906, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã phong Chân Phước cho 8 vị.
Ngày 02 tháng 5 năm 1909, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã phong Chân Phước thêm 20 vị nữa.
Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII đã phong Chân Phước cho 25 vị.
Theo quốc tịch, 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được phân ra như sau:
96 vị là người Việt, trong đó có 37 linh mục, 59 giáo dân. Trong số các Thánh là giáo dân có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 1 phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
11 vị người Tây Ban Nha, trong đó có 6 Giám Mục và 5 linh mục Dòng Đa Minh.
10 vị người Pháp, trong đó có 2 Giám Mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris.
Giáo Phận Bùi Chu, vì là nơi đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên, là nơi có số lượng tín hữu đông đảo, nên trong số 117 vị được phong Hiển Thánh, có 44 vị thuộc giáo phận Bùi Chu: 26 vị là người Bùi Chu, 18 vị là các thừa sai nước ngoài và các vị sinh ra từ nơi khác, nhưng đã đến phục vụ và Tử Đạo tại Bùi Chu.
Để kỷ niệm 30 năm ngày phong Hiển Thánh của các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19/6/1988 – 19/6/2018), vì lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được chấp thuận. Ngày 01/5/2018, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ban «Thư công bố Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam», bắt đầu từ ngày 19/6/2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24/11/2018 (Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam).
Việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam không những giúp chúng ta có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cội nguồn, noi gương bắt chước những tấm gương sáng chói của các bậc tiền nhân, mà nhất là chúng ta ý thức việc cầu khẩn cùng các ngài, xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. «Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các tín hữu» (Tertulien).
[1]WIKIPEDIA, Bách khoa toàn thư mở, Công Giáo tại Việt Nam, Thời khai sinh (1533 – 1659).