Tấm lòng người giáo dân H’Mông

Thứ sáu - 30/06/2023 22:15  597
hmongTrong thời gian thực tập mục vụ hè tại Giáo phận Hưng Hoá, chúng tôi được cha xứ sai đến với một giáo họ mà toàn bộ giáo dân là người H’Mông. Chúng tôi sẽ có một tháng thực sự được “trải nghiệm” với bối cảnh đời sống sinh hoạt và tôn giáo hoàn toàn khác xa nơi Giáo phận Bùi Chu quê nhà. Khoảng thời gian đặc biệt này, chúng tôi được ăn ở cùng bà con giáo hữu, dạy giáo lý và sinh hoạt cho các em thiếu nhi, cầu nguyện chung với cộng đoàn và đi thăm viếng... Cha xứ cũng không quên căn dặn chúng tôi: “Lên trên đó, các thầy cứ tuỳ cơ ứng biến chứ không thể có chương trình và kế hoạch cụ thể nào hay chỉ tiêu gì được đâu”. Nhưng ngài động viên thêm: “Chắc chắn sẽ có nhiều chuyện vui và thú vị đấy. Rồi các thầy sẽ được cảm nghiệm”.

Quả thực, cánh đồng truyền giáo còn bao la nhưng thợ gặt nhiệt thành (nói như Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến là “thợ biết cầm liềm”) vẫn thiếu nhiều. Chúng tôi cũng mang trong mình đôi chút lo lắng vì chưa được chuẩn bị về mặt ngôn ngữ. Nhưng chúng tôi xác tín, mình lo việc của Chúa thì Ngài sẽ có cách. Thiên Chúa không chọn những người được trang bị nhưng Ngài sẽ trang bị cho những ai Ngài chọn. Vì thế, chúng tôi ý thức sẽ nỗ lực cố gắng bao nhiêu có thể trong khả năng của mình, còn lại thì để “phần Chúa”. Chúa Thánh Thần mới là Đấng thánh hoá và biến đổi thế giới này chứ sức riêng của con người thì đáng là gì. Đúng như lời dặn dò của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất trong Thánh lễ tại Toà Giám mục Hưng Hoá trước lúc chúng tôi lên đường: “Với những người hoạt động tông đồ, đừng để mình bị cám dỗ chạy theo số lượng nhưng cần đi sâu vào đời sống nội tâm”.

Quãng đường từ nhà xứ lên bản chỉ chừng hơn bốn mươi cây số nhưng phải di chuyển mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Những cung đường dốc quanh co ngoằn ngoèo, gập ghềnh sỏi đá, đôi chỗ trơn trượt do hậu quả của mấy cơn mưa hôm trước để lại như thể muốn dự báo những trải nghiệm sắp tới. Những hào hứng ban đầu giờ chuyển sang đôi chút nghi ngại. Anh trong Ban Hành giáo giáo họ nhà xứ chở tôi đi hôm đó nhắc nhẹ: “Hôm nay trời nắng còn đỡ đấy thầy ơi! Nhiều ngày mưa, cha đi dâng lễ mà được nửa đường phải về vì đường trơn quá không thể đi tiếp”.

Điều mà tôi nhận thấy đầu tiên khi đặt chân lên bản là tưởng chừng như máy bay bay ngay trên đầu mình. Tôi còn đang thắc mắc là ở đây đâu có gần sân bay nào mà sao máy bay bay thấp thế thì anh chở tôi lúc nãy liền giải thích: “Không phải máy bay bay thấp đâu thầy ơi, chỗ mình đang đứng đây cao gần một nghìn mét so với mực nước biển cơ mà”. À! Đúng rồi. Tôi mới nhớ ra, người H’Mông có tập quán sinh sống và lao động trên các dãy núi cao.

Những ngày chúng tôi ở trên bản, lũ trẻ con kéo đến nhà thờ rất đông và đôi khi còn không cho chúng tôi nghỉ trưa. Bực mình chút nhưng cũng được an ủi vì chúng còn vui vẻ đến với nhà Chúa. Những buổi cử hành Lời Chúa và giờ kinh tối cũng có khá đông người tham dự. Gần như ngày nào cũng có người chở củi đến để cho chúng tôi nấu nướng. Một tuần sau, cha xứ lên dâng lễ, ngài nói đùa: “Đống củi này đủ cho các thầy thổi cả năm chứ không phải một tháng đâu. Kiểu này là muốn giữ các thầy ở lại lâu lâu đây mà”. Không chỉ cho củi, bà con còn cho chúng tôi rất nhiều đồ ăn. Người thì cho con gà, người thì cho bó rau, người thì cho mấy bắp ngô hay vài quả dưa... Có lẽ trong tâm tưởng, họ sợ chúng tôi phải khổ khi đều lặp lại một câu: “Các thầy ở dưới xuôi chắc sướng hơn chứ ở cùng chúng con trên này khổ lắm, cái gì cũng thiếu”.

Một buổi chiều nọ, sau những phút chơi đá bóng cùng đám trẻ, chúng tôi đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì một bà cụ lưng còng lắm và đeo gùi đang chống gậy đi tới.

- Nyob zoo xib fwb (xin chào thầy).
- Con chào cụ ạ. Cụ có gì mà nhiều thế, để con đỡ cho.

Tôi chào nhưng cụ chỉ đáp lại bằng một nụ cười, để lộ hàng răng móm trông thật “duyên”. Tôi đỡ gùi của cụ xuống. Chiếc gùi cũ kỹ như đã chia sẻ bao khó nhọc của một đời người vất vả truân chuyên. Cụ lần lượt lấy ra từ trong chiếc gùi: một nắm rau ngót, mấy quả dưa Mông và một bọc gạo nếp nương được gói cẩn thận trong cái túi vải. Vừa lấy, cụ vừa nói bằng tiếng H’Mông nên tôi cũng chẳng hiểu gì. Đưa cho tôi xong, cụ giơ tay lên làm dấu Thánh giá như thể để cho tôi biết rằng cụ cũng là người theo đạo Công giáo đấy: “Hu txog Leej Txiv thiab Leej Tub thiab Leej Ntuj Plig lub npe. Amen”.

Tôi nhận lấy nắm rau và mấy quả dưa của cụ, để xuống mặt bàn rồi đi lấy một chiếc tô nhựa và đổ gạo vào đó, trả lại cụ cái túi vải. Cụ liền rút ra một đồng tiền đặt vào bát gạo rồi nhìn tôi, gật đầu. Tôi còn chưa hiểu như thế nào thì cụ lại cầm đồng tiền dí vào tay tôi. May quá, tôi gọi một em thiếu nhi đang chơi gần đó đến “phiên dịch” giúp mình.

- Cụ nói là: ‘Cụ biếu thầy mấy đồng để thầy uống nước’.
Tôi đáp lại: “Ua tsaug” (cám ơn cụ) rồi xua tay ra hiệu là mình không nhận tiền của cụ. Tôi nhờ em thiếu nhi đó nói lại với cụ rằng: “Gạo, rau, dưa của cụ chúng con đã nhận rồi, còn tiền thì cụ vui lòng giữ lại để phòng khi bệnh tật”. Mặc dù thế, cụ vẫn cứ nằng nặc đưa đồng tiền vào tay tôi.

- Nhà cụ ở gần đây không? Bữa nào rồi anh em chúng con xuống chơi ạ.
Nghe xong lời “phiên dịch”, cụ chỉ tay xuống thung lũng phía dưới vì nhà thờ, nơi tôi đang đứng, ở trên triền núi cao. Cụ ra về nhưng có vẻ vẫn cứ băn khoăn. Trên quãng đường đi ra cổng, thỉnh thoảng cụ còn ngoái lại nhìn tôi như thể chưa được “ưng bụng” cho lắm.

Đúng là những người giáo dân H’Mông trên này còn thiếu nhiều thứ. Thiếu những điều kiện sinh hoạt và một nếp sống văn minh. Có thể họ còn thiếu sự linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ phổ thông nhưng chắc chắn họ không thiếu tấm lòng và sự chân thành. Họ không biết nhiều về Chúa, cũng chẳng hiểu nhiều về giáo lý của Ngài nhưng chính họ đang sống Tin Mừng. Sự quảng đại mà họ đang thực thi không chỉ thánh hoá chính họ mà còn là một cách thế loan báo Tin Mừng. Có thể nói, dù họ không ý thức nhiều về bổn phận truyền giáo nhưng cách sống đạo mới là việc truyền giáo hiệu quả nhất.

Và tôi càng thấm thía lời nhắc nhở của một cha già: “Rất nhiều khi người giáo dân quảng đại hơn người nhà tu mình đấy. Cứ xét lại mới thấy, chính mình là người hẹp hòi, nhưng lại hay đòi hỏi”. Tôi dặn mình phải biết quảng đại cho đi nhiều hơn, phải biết hy sinh phục vụ và dấn thân làm chứng cho Tin Mừng. Tấm lòng của người giáo dân H’Mông như tiếp thêm niềm vui và động lực cho hành trình dâng hiến mà tôi đang bước đi. Tấm lòng ấy cũng đòi tôi phải nỗ lực biến đổi mỗi ngày để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành. Và quả thực, tấm lòng ấy như một đáp trả tuyệt vời cho những gì mà tôi và những người anh em cùng chí hướng mong đợi khi hăng hái đến với những vùng ngoại biên.

Có thể đâu đó cũng đã xuất hiện những tư tưởng “bài giáo sĩ” bởi những lùm xùm liên quan đến đời sống và phẩm chất của một số linh mục, tu sĩ và chủng sinh, hay đôi khi chỉ là do những mâu thuẫn nho nhỏ (thường xuất phát từ việc thiếu thông cảm cho nhau và chưa thực sự hiểu nhau). Nhưng có một điều chắc chắn là phần lớn người giáo dân Việt Nam vẫn dành một sự tôn trọng và quý mến đặc biệt cho giới nhà tu. Tất nhiên, họ cũng mong đợi nhiều nơi “người của Chúa”. Và có lẽ niềm mong ước lớn nhất nơi người giáo dân là được thấy hình ảnh những linh mục, tu sĩ, chủng sinh thánh thiện ở giữa cộng đoàn và trong thế giới hôm nay. Ơn gọi nên thánh là con đường chung mà mọi thành phần dân Chúa đều phải bước đi trên trần thế này, mặc dù với những phương thế khác nhau.

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập245
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay127,116
  • Tháng hiện tại285,409
  • Tổng lượt truy cập71,651,755
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây