Đi để "giúp xứ" hay để "xứ giúp"

Thứ ba - 01/08/2023 21:29  5673
z4567422604342 6d4849bb5ae8fef943ebb5b1f5345102Xin được chấp bút viết lại những trải nghiệm sau một thời gian được đến để sống chung, sống cùng và sống với anh chị em tín hữu tại một giáo xứ. Những ngày sứ vụ dần kết thúc, tất cả cứ ngỡ mình được sinh ra tại chốn đây. Buồn lắm, lưu luyến lắm nhưng ra đi để tiếp tục hành trình mới cũng chính là một lời hẹn ngày trở lại với nhiều hoài bão mới. Ban đầu khi mới đến, người đến cứ ngỡ mình sẽ đến để làm một vài công việc gì đó để thực tập việc “giúp xứ”. Tuy nhiên, lúc này, lúc sứ vụ “hạ màn”, tôi mới cảm nhận, mình đến đây thật hạnh phúc không phải vì được “giúp xứ” cho bằng được “xứ giúp”.

“Hành động nói lên nhiều hơn chữ. Ước gì lời nói của anh chị em giảng dạy và hành động của anh chị em làm chứng” (Thánh Antôn Pađôva)

Bánh xe thời gian bắt đầu lướt lên những vạch đầu tiên của mùa hè. Thế là một năm học đã qua đi với bao kiến thức Thánh khoa được lĩnh hội, và giờ đây là lúc bề trên trao bài sai để các học viên lên đường. Tôi bắt đầu chương trình hè tại giáo xứ vào ngày lễ Thánh Anton Padova. Vừa đặt chân đến giáo xứ được sai đến, từ sáng sớm, những con chim chích chèo đã réo gọi bình minh, ông mặt trời đã lên cao, nhưng hôm nay không phải là ánh nắng gay gắt của phố thị Sài thành, cũng không phải là ánh nắng vàng cánh gián của Bắc bộ, mà là cái nắng ướt sương mây bao phủ bầu trời của núi rừng Tây nguyên. Mới có 6 giờ sáng, tôi chứng kiến dòng người, già trẻ, trai gái, sắc phục đủ màu, với những nụ cười mãn nguyện, tất cả trong niềm hân hoan bước ra từ cánh cổng nhà thờ sau khi tham dự Thánh lễ. Bài học đầu tiên mà “xứ giúp” là đây, đó là bài học về kinh nghiệm sống Đức Tin của mỗi người tín hữu nơi cao nguyên bạt ngàn lộng gió này. Hình ảnh ấy khiến tôi phải xét duyệt lại việc sống Đức Tin của mình. Đúng là Đức tin phải đi đôi với hành động, như lời Thánh Antôn Padova: “Hành động nói lên nhiều hơn chữ. Ước gì lời nói của anh chị em giảng dạy và hành động của anh chị em làm chứng.”

Tây Nguyên hẳn là một điểm đển du lịch với những thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn. Giáo xứ nơi chúng tôi được sai đến lại được đặt ở một nơi khá yên tĩnh, môi trường lí tưởng cho việc cầu nguyện. Mỗi buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, từ Đài Đức Mẹ hướng về núi rừng, thỉnh thoảng đâu đây lại vọng lên lời kinh Kính mừng. Tối đến, khi ông trăng tròn vắt ngang, đồi núi lung linh như được dát bạc, ngôi Nhà thờ hiên ngang lộng lẫy hiện lên thật nên thơ với cây Thánh giá vút cao như một lời dạy cho tôi về sự hi sinh, vâng phục và sẵn sàng đón nhận đau khổ.

Con có yêu mến Thầy không?

Vào ngày lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, chúng tôi có dịp đi đến một Giáo buôn trực thuộc giáo xứ. Đây là giáo buôn của người anh em đồng bào sắc tộc Êđê. Đi bách bộ vài vòng ngoài đường, chúng tôi thấy một vài em nhỏ đang lầm lũi bên đường, mải mê kiếm tìm trong từng thùng rác để lấy ra từng chai nhựa, từng bao nilon... Tiến lại hỏi thăm tôi mới biết các em là những đứa trẻ vô gia cư: Không cha, không mẹ, không nhà, không học hành… Lúc ấy chúng tôi nghiệm ra một bài học nữa, đó là bài thực thi sứ mạng yêu thương qua việc trả lời câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” đối với hiện thân hữu hình của Người là những mảnh đời đau khổ ấy. Tôi vột rút ra vài chục ngàn còn ở trong túi để tặng em, mong ngày mai em sẽ đi qua chốn này để có thể trao cho em nhiều hơn. Nhưng hôm sau, cùng giờ ấy, tôi đến, đứng chờ, mà không thấy em đâu. Tôi vội nén một tiếng thở dài!

Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con

Lễ Thánh Tôma Tông đồ, anh em chúng tôi cùng nhau quy tụ để dâng Thánh lễ riêng với nhau, không có giáo dân, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho ơn gọi của anh em. Sau Thánh lễ đặc biệt ấy, trong nhà nguyện nhỏ ở vùng cao, tôi để tâm hồn mình chạm vào tĩnh lặng. Chẳng đối diện với ai, tại một góc nhỏ thu lu, tôi nghiêng đầu hồi tâm sau những ồn ào náo nhiệt. Tôi thấy tim mình thắm lại. Tuổi trẻ tôi còn nhiều nơi cần đặt chân tới, còn nhiều thứ để tôi cuồng nhiệt và còn nhiều người để tôi quan tâm và yêu thương. Đang tuôn dòng cảm xúc, một tiếng nói trong tâm trí tôi cắt ngang: “Ôi! Thiên Chúa trữ tình”. Tôi ngước mắt nhìn lên. Nếu không phải Chúa trao tôi cơ hội này để tôi nhận ra mình trong sứ vụ được trao, thì tôi cũng không thể nhận ra Chúa một cách rõ ràng hơn qua thanh xuân của mình. Tôi càng không thể nhận ra Ngài cũng đang yêu và còn yêu sôi nổi hơn thế.

Ngoài ra, trong mỗi ngày sống, anh em luôn dành thời giờ để cử hành Phụng vụ chung, cùng với đó là ngồi bên nhau chia sẻ những thao thức về ơn gọi dâng hiến mà chúng tôi đang theo đuổi. Cha sở của giáo xứ, một người đã có kinh nghiệm 20 trong việc truyền giáo, thường xuyên kể cho chúng tôi về “nhân tình thế thái” trong công cuộc loan báo Tin Mừng nơi đây. Tôi còn nhớ một vài lòi nói vui của Ngài, một vài lời nhưng đáng tôi phải học cả một đời:

“Khi đến giáo xứ, xin Thầy tránh xa ba 3 chữ T: ‘tình”, “tiền”, “tửu”, cùng với đó cần phải lưu ý đến các mối tương quan sau đây:
Cha sở nói gì phải nghe
Cô bếp nấu dở đừng chê bao giờ.
Hội đoàn đừng có thờ ơ.
Bao nhiêu hoạt động chớ vơ vào mình.
Làm việc hết sức hết tình,
Cậy nhờ Thiên Chúa thương tình giúp cho.​”

Những câu chuyện, lời tâm sự của cha không chỉ đơn thuần như một chia sẻ kinh nghiệm, mà đó còn ẩn chứa những thông điệp, một bài học của một con người nhiệt huyết, hết mình vì sứ vụ, hết mình với các linh hồn. Những ngày tháng ấy cứ thế trôi trôi qua, nhưng nó để lại cho tôi nhiều điều: Trước là vén mở những sứ vụ đang chờ đón chúng tôi, sau là cảm nhận được tâm tình của những con người đang vật lộn vì miếng cơm manh áo ở nơi đây. Dù khó khăn, thách thức đang chờ đón, đoàn chiên nơi đây vẫn hàng ngày cao rao lời ca khen chúc tụng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.

Vui với người vui, khóc với người khóc

Trước lúc lên đường đến với giáo xứ nơi đây, tôi tự dặn lòng rằng mang theo ít bút, ít vở, ít sách cho các em thiếu nhi; nhưng khi đến nơi, tôi mới thấy cái phải mang theo nhất lúc này đó là khát vọng và mơ ước đặt trong lòng các em. Những tập vở, cái bút vô hình ấy tôi gửi gắm trong những giờ lên lớp vào mỗi sáng. Những tiết học ấy tuy ngắn ngủi nhưng mang lại biết bao điều nơi cả thầy lẫn trò. Tuổi trẻ của chúng tôi nhiều hoài bão, nhiều khát vọng; nhưng qua việc sống chung, sống cùng và sống với các em, tôi thấy mình không được phép vội vàng. Những con chữ, những bài học có thể các em sẽ quên ngay, nhưng hạt giống tình yêu mà chúng tôi đặt để nơi các em chắc chắn sẽ còn.  Khi được làm thầy của các em, chúng tôi cách nào đó được sống lại tháng ngày làm trò của mình. Các em cho tôi biết chút xíu về ngôn ngữ của anh em địa phương, về văn hóa, và trên hết các em cho chúng tôi bài học về sự nỗ lực, cố gắng trong hành trình làm con Chúa của các em. Cùng các em ăn uống, vui chơi, học hành và trên hết là cầu nguyện; tôi như sống lại tuổi thơ của mình: Giản dị, đơn sơ nhưng cũng không thiếu những điều thú vị.

Chọn phần tốt nhất

Những ngày tháng tại giáo xứ của tôi kết thúc vào ngày lễ kính Thánh Maria Madalena. Đứng trước bất kỳ sự li biệt nào, ta cũng đều bịn rịn chẳng muốn rời. Bản thân tôi ước mong sao thời gian ở đây có thể kéo dài thêm, vì còn biết bao điều tôi chưa học được, còn biết bao người chúng tôi chưa đến chào thăm, và còn biết bao lời tình tự chưa gửi đến các em… Nhưng rồi, “Maria đã chọn phần tốt nhất” – lời Sách Thánh đó như nhắc nhở về việc phải lựa chọn điều gì tốt hơn và tốt nhất. Yêu mến nơi sứ vụ này là một điều tốt, hiến toàn sức mình cho con người nơi đây là một điều tốt…, nhưng vẫn còn một điều tốt khác, tốt hơn và tốt nhất: Tiếp tục hành trình đời tu của mình Đời dâng hiến không chỉ vì sự nên thánh của bản thân, mà còn vì sự cứu rỗi các linh hồn.

Hành trình của chúng tôi nơi cộng đoàn giáo xứ khép lại, nhưng có những bài học chúng tôi có được sau những ngày tháng ngắn ngủi ấy mãi còn hữu ích: Đó là bài học về kinh nghiệm sống “đời tu” nơi quý Cha, đó là bài học về kinh nghiệm sống Đức tin của cộng đoàn dân Chúa nơi đây, đó là bài học về kinh nghiệm đối nhân xử thế trong mọi tương quan và với mọi người. Có lẽ, thay vì gọi là thời gian “giúp xứ”, với tôi, tâm tình xứng hợp nhất để có thể nói về những tháng ngày vừa qua đó là đi để “xứ giúp”.

Tác giả: Đức Hữu

 Tags: thời gian
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập229
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm189
  • Hôm nay49,402
  • Tháng hiện tại557,136
  • Tổng lượt truy cập71,923,482
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây