Chữa Lành “Cơn Dịch Thù Hận”
Thứ ba - 22/08/2023 11:16
386
Chúng ta sống trong một thế giới với nhiều chia rẽ sâu sắc. Khắp mọi nơi chúng ta đều thấy sự phân cực. Người ta cay đắng chia tách nhau bằng hệ tư tưởng, chính trị, luận thuyết kinh tế, niềm tin, đạo đức, và thần học. Và những sự chia rẽ này đang tạo nên “cơn dịch thù hận” từ trong gia đình, nơi giáo hội và trên thế giới.
Trong gia đình
Áp lực của cuộc sống hiện tại đang tạo những mẫu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình: cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh em với nhau. Có những mâu thuẫn trong gia đình tích tụ lâu ngày đã biến thành lòng thù hận. Sự thù hận đang là một loại “thuốc độc” phá nát hạnh phúc gia đình và bẽ gãy các mối tương quan liên hệ giữa các thành viên trong gia đình. Hậu quả để lại là biết bao gia đình tan nát, phân ly; bao nhiều người phải ngậm ngùi tiễn đưa người thân của mình trong xót xa đau khổ.
Trong Giáo Hội
Sự chia rẽ nơi các kitô hữu đang ngày càng gia tăng. Đây là một gương mù gương xấu trước những xung đột bạo lực đang xâu xé nhân loại. Khi chúng ta chia rẽ trong Giáo Hội, ấy là chúng ta đã làm tổn thương chính Đức Kitô, là đầu của thân thể là Giáo Hội. Có một thực tế cho thấy, ngày nay, các tổ chức trong giáo hội rất khó đi đến sự thống nhất, khó cởi mở trong những vấn đề nhạy cảm, và sự lễ độ đang thiếu dần trong những tranh luận chung. Thay vì đưa ra những giải pháp và những hướng đi cho phù hợp, chúng ta lại tâng bốc nhau, khơi lên những căm phẫn về người khác, và từ đó ngày càng trở nên bất dung, cay đắng và phán xét hơn.
Trên thế giới
Chiến tranh và hận thù đang diễn ra khắp nơi trên thế giới: Cuộc chiến leo thang căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraina, các cuộc tấn công bao lực do các lực lượng khủng bố và sự kỳ thị tôn giáo...Tất cả đang gieo rắc biết bao đau khổ cùng cực cho người dân trên thế giới, đặc biệt, tại những nơi đang diễn ra chiến tranh, xung đột. Hậu quả để lại là những đống “đổ nát”: nát cửa, nát nhà, nát gia đình và “nát đời”.
Sự hận thù đang diễn ra khắp nơi, trong mọi môi trường. “Cơn dịch” đang xâm nhập vào trong mọi tổ chức, mọi môi trường sống của chúng ta. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ, và thù hận: chính trị, khác biết quan điểm, hoàn cảnh...Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì “đằng sau việc chia rẽ này, chắc chắn có sự kiêu ngạo, ích kỷ của chúng ta, vốn là nguyên do của những bất đồng, dẫn đến sự bất bao dung, không thể lắng nghe nhau và đón nhận người có cái nhìn hay quan điểm khác với chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxicô).
Trong sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội Tình Thân hữu giữa các Dân tộc lần thứ 44 sẽ diễn ra tại Rimini từ ngày 20-25/8/2023, Đức Thánh Cha khuyến khích Kitô hữu chữa lành “cơn dịch thù hận” bằng cách nhận ra mỗi người đều là con Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân theo cách của Chúa Giêsu, “Đấng luôn đưa tay ra, luôn tìm cách nâng đỡ, giúp con người được chữa lành, mang lại cho họ hạnh phúc và đưa họ gặp gỡ Thiên Chúa.” Chúng ta chỉ nhận ra được điều kỳ diệu này trong cầu nguyện.
Trong một thế giới mà căng thẳng và chia rẽ ngày càng gia tăng, Đức Thánh Cha nói rằng “Những bài phát biểu thôi là chưa đủ, cần có những cử chỉ cụ thể và những lựa chọn được chia sẻ để xây dựng một nền văn hóa hòa bình nơi mỗi người chúng ta đang sống, bằng cách hòa giải với các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm, cầu nguyện cho những người làm tổn thương chúng ta, nhận ra và giúp đỡ những người gặp khó khăn, nói những lời hòa bình ở trường học, đại học hoặc trong xã hội, an ủi xoa dịu những người cảm thấy cô đơn bằng sự gần gũi.” (CSR_3140_2023).
Tâm hồn của cả cộng đồng chỉ thay đổi khi tâm hồn từng cá nhân thay đổi trước. Chiến tranh và đau khổ sẽ chấm dứt khi mỗi người biết sống yêu thương. Thù hận sẽ tan biến khi trái tim con người biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Các mối tương quan liên hệ sẽ được gắn kết nếu mỗi người biết lắng nghe, đối thoại và đón nhận nhau. Ước mong rằng sự hận thù sự tan biến và tình yêu thương phủ lấp thế giới này, nhờ vậy, hạnh phúc sẽ đến bên mọi người.