“Dù thế giới, dù cuộc đời có tệ hại đến đâu đi nữa, trong đó vẫn có một điều tốt lành vĩnh hằng: Tuổi thanh xuân”,
Henryk Sienkiewicz, Quo Vadis.
Từ xưa thật là xưa, ở bất cứ thời nào trong dòng chảy lịch sử nhân loại, sự biến đổi và giao thoa văn hóa, nhất là ngôn ngữ luôn là một nét đặc trưng của các nền văn minh. Cho tới ngày nay, cùng với sự bùng nổ mang tính lây lan của thông tin, người trẻ đã và đang tận dụng sự năng động, linh hoạt cũng như tính nhạy bén của mình để tạo nên sự khác biệt. Một trong sự khác biệt đáng kinh ngạc ở người trẻ được thể hiện ngôn ngữ, đến mức họ đã đang cùng nhau tạo ra một ngôn ngữ riêng. Như chưa từng có, bộ “từ điển lóng”- từ điển riêng của người trẻ - nhờ những thợ săn tin, những Facebooker, những youtuber nơi những bộ phim, clip hay các bản tin…vẫn hằng ngày được làm đầy và hoàn thiện.
“Thanh xuân như một tách trà ăn vài miếng bánh hết cả thanh xuân” là một trong rất nhiều câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt, thậm chí vô nghĩa, thoáng qua với nhiều người nhưng đột nhiên gay bão và lan truyền với tốc độ chóng mặt với nhiều phiên bản khác nhau. Một câu nói chỉ mang tính “đùa chút thôi” của một nhân vật “không chính mấy”, cũng “chẳng nổi tiếng mấy” của một bộ phim nổi tiếng tưởng sẽ bị lãng quên, lại nhanh chóng thành một hiện tượng. Câu nói đó đã làm mưa làm gió nhiều tuần trên bảng xếp hạng “hot trend” và nhanh chóng tìm được chỗ đứng vững chắc trong bộ từ điển dành riêng cho giới trẻ. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều hot trend khác, câu nói này cũng có nội hàm và chứa đựng những triết lý về cuộc sống, nhất là về cái thanh xuân, cái đẹp nhất của một cái đời. Một sự so sánh thật đơn giản đến ngây thơ lại phần nào diễn tả tính chất ngây thơ của cái thanh xuân nhưng lại chỉ thoáng qua như một tách trà vậy!
Dù bất cứ ở thời nào, tách trà thanh xuân luôn làm con người xuyến xao và tốn không ít giấy mực. Cái thời để chơi và để sống này, dù ngắn ngủi nhưng lại rất phức tạp và quan trọng nhất của một “cái đời”. Nói đến cái thanh xuân, là nói đến cái tuổi đẹp nhất của đời người. Cái tuổi được mọi người nói say sưa và sống hết mình, cái tuổi sung sức nhất với trần đầy nhựa sống. Cái tuổi đầy những mộng mơ, hoài bão, cái tuổi mà tương lai và cuộc sống toàn màu hồng, nơi người trẻ bay bổng và thả mình nơi những ước mơ đẹp, những thành công vang dội trong tương lai, để rồi đan kết cái thực với cái tưởng tượng và nếm những hương vị ngọt ngào của tách trà thơm ngon nhất này. Đúng như văn hào Henryk Sienkiewicz đã nói trong siêu phẩm Quo Vadis: “Dù thế giới, dù cuộc đời có tệ hại đến đâu đi nữa, trong đó vẫn có một điều tốt lành vĩnh hằng: Tuổi thanh xuân.”
Ở cái thanh xuân, cái tuổi dường như những vấn đề về bệnh tật, đau khổ, thất bại… là những phạm trù thật thật xa lạ, thậm chí chỉ là mê tín và kiêng kị. Trái lại, ở cái thanh xuân, sức khỏe, sắc đẹp, tình yêu, hạnh phúc và sự nghiệp mới là những chủ đề được đề cập và khai thác nhiều nhất. Thậm chí nhiều người còn chủ trương “trẻ không yêu, không chơi già hối hân”, một quan điểm tất nhiên sẽ nhiều người bị lên án, vì nó rất dễ khiến người khác nghĩ về một chủ trương sống buông thả của một số người trẻ ngày nay. Thế những nếu suy nghĩ một cách tích cực thì nếu ở cái thanh xuân này, biết chơi như thế nào và yêu như thế nào cho đúng ý nghĩa, thì có lẽ đó cũng là lẽ thường ở cái tuổi để yêu và để sống này.
Nếu thời gian bốn mùa vẫn tuần hoàn đổi thay, phải chăng cái thanh xuân chính là mùa xuân của một đời người. Ở cái mùa xuân cuộc đời, những ước mơ được ươm mầm và đâm chồi trong khí trời ấm áp của mùa xuân. Nhưng cái mùa xuân cuộc đời này cũng sẽ thấp thoáng vị đăng đắng của những yếu đuối, những vấp phạm, có chút se lạnh run sợ còn sót lại của tuổi thơ, cũng chớm nở cái nong nóng nơi những cá tính được hình thành. Nơi mùa xuân thật đẹp, thật ấm áp này chắc chắn đan quyện tiết trời của bốn mùa để tạo nên một mùa xuân đẹp nhất và đáng sống nhất.
Ấy thế mà, cuộc đời là thế, những gì càng đẹp, càng vui thì lại càng chóng qua. Cái thanh xuân cũng không thoát khỏi vòng tuần hoàn này. Cũng như một tách trà dù ngon đến mấy, dù thơm bao nhiêu cũng đến lúc phải rời bỏ và dùng hết nó. Cái thời quyết định cả “cái đời” lại chỉ thoảng qua như cơn gió, đúng như câu nói vu vơ trên là “ăn vài miếng bánh hết cả thanh xuân”. Thanh xuân là cái thời để con gười ta thưởng thức và sống hết mình vì chỉ nháy mắt thôi là đã qua mất rồi. Nhưng dù nó có ngắn ngủi, đây lại là giai đoạn quan trọng và mang tính chất quyết định cả một đời người. Cũng như một tách trà nếp ngon, trước khi nếm được vị ngọt, tuổi thanh xuân cũng phải nếm trải vị chan chát, đăng đắng của những cơn khủng hoảng, những yếu đuối, sai lỗi và cả những thất bại đầy vị đắng cay. Nhưng sau tất cả, tách trà thanh xuân đó lại mang lại cho đời cái vị ngon, vị ngọt ngào thứ thiệt. Đó vốn là một lẽ thường mà bất cứ ai cũng phải nếm trải nếu muốn trưởng thành.
Để có một tách trà ngon và đậm đà đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ loại chè không gian, người pha, người thưởng thức. Cũng vậy, tách trà thanh xuân muốn mang lại giá trị cho đời cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nếu không nó sẽ trở thành một tách trà nhạt nhẽo mau qua, chóng lãng quên, vô dụng, thậm chí còn gây hại nữa. Cuộc đời cần lắm những tách trà ngon và lưu hương của tuổi thanh xuân. Vì thế, hơn bao giờ hết, những thế hệ đị trước, những người cùng tạo không gian và chờ đợi hương vị mà tách trà thanh xuân mang lại, hãy cùng với thế hệ trẻ tạo ra những tách trà giá trị, cùng nhau xây dựng một tương lai đáng sống cho mọi người. Còn các bạn trẻ, nhân tố quan trọng và quyết định một tách trà ngon, những người đang sống trong mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời, hãy chọn cho mình loại chè tốt nhất, loại nước thanh khiết nhất để tạo nên một tách trà ngon nhất, nhất là phải biết thả hồn vào tách trà mà mình đang pha để mang lại cho đời, cho người những điều tốt đẹp, đừng để những tách trà thanh xuân của các bạn trở nên nhạt nhẽo và vô ích thì thật là đáng tiếc biết bao!
Trích trong tạp chí Ra Khơi