Mất điện đức tin!

Thứ hai - 10/07/2023 22:31  960
onbai132771686049462 168621416 5372 5282 1686214208Phụp! Lại mất điện! Oh my God! Như một thói quen…
  • Alo! Nhà có điện không?
  • Vừa mới có, như chết sống lại vậy. Trong đó lại mất rồi à?
  • … Hừ…ừ, điên hết người, vừa mất xong, tao lại quên sạc điện thoại, 3%. Không biết tình trạng này tiếp diễn đến bao giờ nữa, chỉ khổ người dân…
  • Lo gì, di cư ra nhà tao. Mà thôi kêu ca với tao thì nào ích gì, kêu thì phải kêu đúng chỗ chứ. Thôi ra đây nằm cho nó mát, làm giấc dậy còn đi lễ, nay nắng gần 40 độ đấy. Cứ gọi như là rang…
  • Huhu… u…Khổ thân tôi, xe hết xăng, hàng xóm cũng tùy nghi di di tản hết rồi, giờ bức quá, chắc phải nhảy xuống ao mà ngâm mất… Đúng là… Tụt…tụt…tụt…
  • Số nhọ! Alo! Alo…a…l…o!!! Cái thằng đã đen lại còn hết pin…
Mất điện, lại mất điện! Đó có lẽ đã trở thành một “thành ngữ” của người Việt Nam. Phải chăng điện có hay mất là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người, nhất là tại miền quê từ sáng tinh sương cho đến lúc đêm về để rồi mỗi khi niềm vui có điện mới chỉ nhen nhúm, thì nỗi lo bao giờ lại mất, liệu có mất điện nữa không và nếu có thì lúc nào và bao lâu… cứ ám ảnh trong đầu người dân, khiến nhịp sống của từng người bị đảo lộn. Chưa bao giờ người ta lại bị đẩy lùi về cái thời chưa biết đến điện như thời gian qua. Giữa thời tiết nóng bức của mùa hè, mất điện, mất đi một cái gì đó thiết yếu bất khả thay thế dường như đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người, nhất là những người già và trẻ con. Mất điện, mất triền miên, mất luôn phiên liên tục khiến nhiều người dân, nhất là những người có thu nhập thấp phải khốn đốn. Mất điện làm đảo lộn cuộc sống và mọi hoạt động của con người, bởi mọi hoạt động ngày càng phụ thuộc và cần đến điện. Mất điện không chỉ ảnh hưởng đến một người những đến nhiều người và rất nhiều người bởi lẽ nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động, người dân không có việc làm ổn định…

Mất điện, mọi sinh hoạt dường như phải ngừng trệ, bởi điện đã trở thành một hàng hóa không thể thiếu để duy trì mọi hoạt động của con người, từ thắp sáng, ăn uống, làm mát cho tới sản xuất… Mất điện liên tục khiến những khuôn mặt vốn đã chả thể vui tươi bởi suy thoái kinh tế, nay lại khốn đốn hơn bởi cái nóng gần 40 độ của mùa hè oi bức do biến đổi khí hậu. Chưa bao giờ quạt tích điện lại bán chạy như mùa này, một sản phẩm mà ít ai nhắc tới bỗng chốc lên ngôi và luôn trong tình trạng “cháy”. Với những gia đình kinh tế khá hơn, hay đối với các tổ chức doanh nghiệp thì máy phát điện đủ các cỡ và hoạt động hết công suất để duy trì phần nào đó nhịp sống và sản xuất… Cũng chưa bao giờ, các quán cà phê, những siêu thị… lại tấp nập “người mua hàng tránh nóng bất đắc dĩ” như vậy…

Không những thế, mất điện cũng ảnh hưởng phần nào đến đời sống và thực hành tâm linh của con người, mà trong đó có các Ki-tô hữu. Những con người hằng ngày được nuôi dưỡng và bổ sức tâm hồn nơi nhà nguyện hay nhà thờ thì nay những giáo xứ, giáo họ cũng phải loay hoay trong việc tìm nguồn điện thay thế để đời sống đạo không bị ảnh hưởng. Đối với những giáo xứ, giáo họ có máy phát và có đủ điều kiện thì nhịp sống đạo dường như cũng không bị ảnh hưởng lắm, nhưng với những giáo xứ nhỏ và nghèo thì mất điện cũng trở thành một vấn đề nan giải, khiến những người giáo dân phải ôn lại những kí ức của thời lễ không điện, kinh không loa của ngày đã xa. Cái thời mà với người trẻ là một cái gì đó xa xỉ không thể tưởng tượng. Mất điện, không quạt, không điện, người ta lại trở về với thời giữ đạo của những thập niên chưa có điện. Thế nhưng, khi cuộc sống đã quá quen với đèn điện, thì giờ đây, việc mất đi cái thiết yếu đó lại trở thành một điều không thể tưởng tượng và ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện cũng như đời sống đức tin của nhiều người. Người ta chạy đến nơi có điện như chạy bão. Chưa bao giờ ngời ta thấy cảnh di cư đến dở khóc dở cười ngay trong làng trong xóm và trong xứ như vậy. Ở đâu có điện ở đó có tập trung tránh nóng. Nếu không tránh được, thì dùng đủ phương pháp để giảm nóng, để sống qua ngày, những giờ mất điện với hy vọng những ngày cắt điện triền miên ấy sớm chấm dứt…, nhưng những khó khăn, gian khổ và mất mát đó sẽ chẳng thấm vào đâu khi chúng ta… “mất điện đức tin”.

Cuộc sống ngày một đổi thay và con người cũng thay đổi mỗi thời mỗi khác. Do đó, chúng ta không nên và cũng không thể lấy những tiêu chuẩn của thời trước để áp đặt hay so sánh một cách khập khiễng được. Ngày nay, khi khoa học ngày càng phát triển, những nguồn năng lượng thiết yếu như điện, nước, điện thoại, internet… ngày càng trở thành những thứ bất khả thay thế trong đời sống chúng ta. Do đó, mỗi khi bị cắt hay bị thiếu những nguồn năng lượng ấy, dù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng đủ làm cuộc sống của chúng ta bị xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng mất điện triền miên gần đây đã cho thấy sự phụ thuộc của chúng ta vào những thứ năng lượng ấy. Thế nhưng, những nhu cầu vật chất bị thiếu hay bị mất đã khiến con người khốn đốn như vậy, thì khi bị mất hay thiếu những nhu cầu về đời sống tinh thần hay tâm linh, con người chúng ta sẽ như thế nào? Có bao giờ chúng ta tưởng tượng đến một ngày nào đó đời sống đạo cũng bị cắt, thậm chí bị mất như vậy không? Con người không chỉ là vật chất, nhưng là một sinh vật có hồn và xác.

Do đó, bên cạnh những nhu cầu căn bản về đời sống vật chất, con người chúng ta cũng mang nơi mình bản chất tâm linh. Nhờ bản chất tâm linh ấy, con người không thể thỏa mãn như những con vật nhờ những gía trị vật chất rẻ tiền chóng qua. Trái lại, sự hạnh phúc và thỏa mãn sâu xa của con người phải được đáp ứng trên nhiều phương diện về tâm lý, tinh thần và nhất là tâm linh. Nhờ bản chất tâm linh mà con người luôn sống trong niềm hy vọng và một sự khao khát về một tình yêu đích thực, một tình yêu mà chắc chắn chỉ có nơi Đấng là Tình Yêu là chính Thiên Chúa. Chúng ta chỉ hiện hữu khi chúng ta còn niềm tin, bởi nếu không còn niềm tin, chúng ta chẳng còn hy vọng, chẳng còn tình yêu và chẳng còn gì để níu kéo hay vươn tới. Vì thế, khi chúng ta bị thiếu thốn về những nhu cầu vật chất cũng là lúc chúng ta tự vấn lương tâm và cuộc đời mình về chính đời sống đức tin rằng nếu mất đức tin, chúng ta sẽ còn lại gì? Thế giới này và nhân loại này sẽ ra sao khi mà sự bi quan của Chúa Giê-su trở thành hiện thực: “Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa hay không?” (x. Lc 18,8…) Chắc chắn sẽ chẳng còn gì ngoài sự tuyệt vọng, hư mất… và “mất điện đức tin”.

Mất điện, mất nước… mất những thứ vật chất nay còn mai mất đã khiến cuộc sống của chúng ta đảo lộn. Vậy, nếu chúng ta mất điện đức tin, thứ mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời thì chúng ta sẽ mất tất cả. Trong một xã hội có quá nhiều cạm bẫy, bên cạnh những tâm hồn thiện chí luôn hạnh phúc với niềm tin của mình và tiếp tục gieo trồng niềm tin vào Thiên Chúa và tin mừng cứu độ nơi trần gian. Thì đâu đó, có thể ngay bên cạnh chúng ta, hay là chính mỗi chúng ta, vẫn còn đó những tâm hồn ngày càng bị sói mòn về đức tin, thậm chí đã mất điện đức tin, mất phương hướng và đứng bên bờ vực của sự hư mất. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần luôn ý thức mất tiền, mất điện, mất nước, mất internet… là mất ít, mất danh dự hay mạng sống là mất nhiều…nhưng nếu chúng ta mất đức tin, mất đạo và nhất là mất Chúa thì chúng ta sẽ mất tất cả… Để từ đó, mỗi người ki-tô hữu cần cố gắng mỗi ngày để giữ cho “mạng lưới điện đức tin” luôn được cháy sáng, cũng như lan tỏa đức tin ấy cho nhiều người, nhất là những người chưa được “hòa lưới điện đức tin”. Ước chi tình trạng mất điện đức tin sẽ không bao giờ xảy ra nơi mỗi chúng ta, nơi những người mà Chúa đã trao phó cho chúng ta và nơi nhân loại này…

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay37,686
  • Tháng hiện tại200,398
  • Tổng lượt truy cập79,432,236
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây