Đôi lời với bạn - Người phục vụ
Thứ hai - 18/09/2023 22:31
825
Tôi và bạn - những người đã và đang là những giáo lý viên, những phát ngôn viên của Chúa. Một cách nào đó, chúng ta đang là những giáo viên đúng nghĩa ngoài xã hội. Tuy nhiên, vượt xa hơn, chúng ta mang trong mình sứ mạng cao cả là giáo dục đức tin cho các em. Chúng ta đang góp phần vào việc xây dựng xã hội và Giáo hội ngày một tươi mới và trẻ khỏe hơn. Phải nói rằng, “công việc” của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một con người, một xã hội tương lai nơi các em thiếu nhi. Mỗi công việc, mỗi ơn gọi đều có những khó khăn, những vấn đề riêng của mình. Trong giới hạn cho phép, chúng ta cùng nhìn lại một chút về những thách đố của giáo lý viên hiện nay. Nói đúng hơn, đó là những bất cập nơi chúng ta hay gặp phải.
Trước hết, sự ảo tưởng đang là một hiện tượng rất phổ biến nơi các bạn trẻ và ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi một thực tế rằng giáo lý viên trẻ tuổi đang chiếm đa số. Chúng ta ảo tưởng về sự hiểu biết của mình. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, tri thức ta thủ đắc được trong những năm ngồi trên ghế của mái trường giáo lý, cộng thêm một thời gian ngắn được đào tạo để trở thành một giáo lý viên đã là đủ. Với số vốn ít ỏi đó, nhiều người trong chúng ta đã tự tin đứng lớp, giảng thao thao bất tuyệt như trong giáo án. Chúng ta dường như bỏ bê việc trau dồi thêm kiến thức cả về thực tế lẫn sách vở. Tình trạng này đáng báo động vì tác hại của nó. Một sự ảo tưởng mà chúng ta hay gặp nữa là ảo tưởng về những thành công mà chúng ta đạt được nơi kết quả giáo lý hay những đêm lửa trại, những chương trình vui Tết, chơi hè…. kết quả của sự hy sinh từ cha xứ, quý thầy, quý dì, các ban giáo lý, các em thiếu nhi…Chúng ta sẽ tự hào khi chia sẻ với mọi người về những chiến tích này. “Lớp em dạy đấy, chương trình chúng con tổ chức đấy…” Đồng ý rằng chúng ta đóng một phần rất quan trọng trong đó, nhưng nhiều khi chúng ta quên mất rằng chính Chúa Giêsu mới là thầy dạy thực sự. Chính Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự để chương trình của chúng ta được diễn ra tốt đẹp. Các bạn thân mến, tri thức rất vô biên, con người lại có giới hạn còn Đức Ki tô và Giáo hội của lại Người sống động. Vì thế, chúng ta phải không ngừng tìm kiếm chân lý nơi Người. Như một mảnh đất, chúng được cày sâu cuốc bẫm sẽ sinh nhiều hoa trái. Cũng thế, chúng ta hãy không ngừng lắng nghe, học hỏi thì hoa trái gặt được sẽ là những tâm hồn, những con người mang hình ảnh và nhân cách của Đức Kitô. Đương nhiên, chúng ta không hoạt động cách đơn lẻ, nhưng có Chúa, có những người hữu trách đồng hành cùng mỗi người. Các bạn hãy nhớ tới một câu nói rất hay: “tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).
Thiếu nhiệt huyết cũng là một thực trạng đáng báo động nơi người giáo lý viên. Chúng ta đã từng rất hăng say tham gia lớp sư phạm giáo lý. Nơi đó có niềm vui, có bạn bè, có sự tươi trẻ và náo nhiệt trong những lần sinh hoạt hay vui chơi. Chúng ta cũng từng hạnh phúc và tự hào khi khoác trên vai chiếc khăn của người huynh trưởng, dự trưởng... Tuy nhiên, theo thời gian, chiếc khăn đó phai màu, cuộc vui qua đi cũng là lúc sự nhiệt tâm nơi các bạn phai mờ. Sự thiếu nhiệt huyết trong phục vụ sẽ kéo theo bao hệ lụy: làm việc thiếu trách nhiệm, tham gia cho có lệ. có mặt cho đủ… Những lần tham gia sinh hoạt, giảng dạy thưa dần hoặc thiếu sự chủ động đồng nghĩa với những lần các bạn lựa chọn đi chơi, ở nhà lướt FB thay vì đến nhà giáo lý tăng lên. Tôi từng biết có những bạn tham gia giáo lý viên chỉ vì được nhảy, được chơi trong kì hè buồn chán hay đơn giản là đi cùng đứa bạn. Đó là lý do giải thích cho sự chểnh mảng, hời hợt sau khi những giây phút sôi động, những đêm lửa trại vui nhộn qua đi. Có thể chúng ta đều xuất phát từ những động lực như thế, nhưng người giáo lý viên thực sự phải được biến đổi qua thời gian. Chúng ta phải nhận ra sứ mạng cao cả của thừa tác vụ mà mình lãnh nhận trong ngày chúng ta được sai đi. Sự nhiệt tâm nếu đến từ tình yêu Giêsu, và từ chính những mầm non tương lai của quê hương nó sẽ vững bền và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chắc các bạn đã từng nghe câu nói của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Qua lời nhắn nhủ trên, chúng ta thấy được một phương thế giảng dạy rất hữu ích từ trước đến nay được rất nhiều vị thánh sử dụng đó là sống điều mình giảng dạy. Thầy chí Thánh Giêsu của chúng ta đã sống điều người giảng dạy và Người không ngừng mời gọi chúng ta hãy theo Người. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người giáo lý viên là: “Tôi đã sống điều tôi giảng dạy ra sao? Tôi đã làm tấm gương để các em noi theo những điểm tốt của tôi chưa?” Khi tham dự Thánh lễ ngày thường trong các nhà thờ, nhìn vào số lượng giáo lý viên đi lễ, chúng ta có thể đánh giá được phần nào sự đạo đức, hiểu biết giáo lý của các em thiếu nhi trong giáo xứ. Chẳng thể có được một thế hệ thiếu nhi đạo đức, thánh thiện, ham học giáo lý, yêu mến Giêsu nếu các anh chị giáo lý viên chỉ tham dự Thánh lễ mỗi Chúa Nhật hàng tuần – đó là sự thật mà chúng ta cần phải cùng nhau nhìn lại, cùng nhau suy nghĩ nhiều hơn.
Dòng chảy không ngừng của thời gian và của những lo toan, vất vả cuộc sống đôi khi khiên chúng ta mệt mỏi. Nhiều khi sự phục vụ của chúng ta bị chi phối bởi gia đình, học tập, bạn bè… Các giáo lý viên hãy để Chúa đồng hành bên mình: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). Một kinh nghiệm cá nhân tác giả muốn chia sẻ với các bạn là: Hãy phục vụ bằng chính sự nhiệt tâm nơi trái tim mình và soi chiếu vào hình bóng Giêsu, chúng ta sẽ tìm ra những lối đi để tiến tới thành công và mang cho lại cho bản thân, mọi người niềm vui.
Một cách nào đó, tôi cũng muốn gửi tâm tình của bài viết này tới các bạn Linh hoạt viên, Huynh trưởng tại các giáo xứ, xứ đoàn. Chúng ta cùng nhau nhìn lại và suy gẫm để tiến tới những giây phút phục vụ Chúa và giáo xứ các bạn bằng niềm vui, sự nhiệt huyết và tình yêu mến. Cầu chúc các bạn luôn hăng say, dấn thân, phục vụ và đoàn kết hiệp thông với nhau trong Thầy Giêsu