Tình mẫu tử trong tâm thức người Việt

Thứ hai - 23/10/2023 21:43  1436
me va con traiNếu hỏi bất cứ một ai trong chúng ta rằng ai là người quan trọng nhất đối với bạn? Con biết dẫu sẽ có nhiều câu trả lời được đưa ra, nhưng con tin rất nhiều người trong chúng ta sẽ không ngần ngại trả lời một tiếng “mẹ”. Vâng ai trong chúng ta sinh ra trên thế giới này đều phải có một người mẹ, không ai tự mình mà có, tự mình mà hiện hữu. Mẹ! Một từ mộc mạc nhưng lại chứa đựng rất nhiều điều thiêng liêng và ý nghĩa. Mẹ luôn là người yêu thương ta vô điều kiện, luôn chở che, hi sinh thầm lặng để mang tới cho ta những điều tốt đẹp nhất. Tình mẫu tử đối với con người cách riêng trong tâm thức người việt là một cái gì đó hết sức đặc biệt và thiêng liêng. Đối với một người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường thì có lẽ tình mẫu tử luôn là một thứ đáng quý và đáng trân trọng. Chính vì thế mà tự bao giờ, tình mẫu tử đã đi vào trong tâm thức của người Việt như là một biểu tượng của tình yêu, một tình yêu cao cả và sống động trong mọi lãnh vực của đời sống.

Trong giới hạn bài viết, người viết xin điểm qua một vài nét chấm phá về tình mẫu tử của người việt được thể hiện trong ca dao tục ngữ, văn hóa nghệ thuật và nhất là trong tôn giáo tín ngưỡng, cách riêng hình ảnh của Mẹ Maria trong đạo Công Giáo


1. Trong ca dao tục ngữ
 
Ca dao tục ngữ luôn là phương tiện được cha ông chúng ta dùng để truyền tải những thông điệp đặc biệt và tình mẫu tử là một trong những đề tài trung tâm được khai thác nhiều nhất. Chỉ cần lướt qua kho tàng ca dao tục ngữ của người Việt, thật không khó để bắt gặp những cầu ca dao thật sự ý nghĩa và sâu sắc về tình mẫu tử.

Đó có thể là những câu ca dao ca ngợi công lao của người mẹ, người phụ nữ đậm chất Việt cả đời tần tảo vì đoàn con, chẳng quản ngại mua nắng dãi dầu. Công lao của người mẹ thật khó có gì sánh tày:
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già
hay
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài, mẹ thức đủ năm canh.

  
Cùng với đó, cũng trong kho tàng ca dao tục ngữ, không thiếu những câu ca dao nói lên sự tần tảo vất vả vì con của những người mẹ, chỉ mong sao con được những điều tốt nhất:

Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
hay
Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ
Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn.


Và còn biết bao nỗi lòng của chính những người con khi tâm niệm về tình mẫu tử và về người mẹ của mình. Những người con luôn quý trọng và biết ơn mẹ mình, coi tình mẫu tử như là một thứ gì đó thật đáng quý và là hành trang giúp con vững bước trên đường đời. Vì thế, dù ở đâu hay đi đâu, và có là ai thì những người con trọng chứ hiếu luôn biết ơn và hướng về mẹ của mình:
Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương.

Lặng nhìn sợi tóc như sương
Vướng trên đầu lược mà thương mẹ già.

hay
Ngàn năm tóc mẹ còn bay
Ngàn năm tình mẹ sống đầy trong con.

Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương.

Để rồi, những người con nói lên ước nguyện của mình cho thế hệ mai sau:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không​.



Tuy nhiên, không phải ai trên thế gian này cũng được diễm phúc tận hưởng tình mẫu tử một cách trọn vẹn, bởi đâu đó vẫn còn bao phận người phải sống trong cảnh mồ côi, biết bao phận người sinh ra mà không biết cha mẹ mình là ai, biết bao kiếp người đã và đang phải vật lộn, đau khổ trong những gia đình mà hình ảnh người cha người mẹ đang bị bóp méo bởi bạo lực gia đình… Đó là những nghịch cảnh mà chẳng ai trong chúng ta mong muốn, nhưng đâu đó vẫn diễn ra hằng ngày, nhất là trong một thế giới hưởng thụ và vô cảm…
Mồ côi cha, ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm.
… … …


2. Trong văn học nghệ thuật

Tình mẫu tử thực sự thiêng liêng và là chủ đề thực sự giàu để các nghệ sĩ hay nhà văn khai thác và thể hiện nỗi lòng của dân Việt cũng như của chính mình nói lên tấm lòng của những người con đối với người mẹ của mình.
 
Trước hết, trong văn học Việt Nam, chúng ta thấy rất nhiều tác phẩm nói về tình mẹ, hay tình mẫu tử. Ở đây, con chỉ xin điểm qua một vài tác phẩm tiêu biểu và có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe hoặc biết đến. Từ một chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, đã vì cảnh khốn cùng bởi sưu cao thuế nặng mà phải đem con bán cho Nghị Quế trong đau thương thắt lòng, đến hình bóng người mẹ trong “Thời thơ ấu” và tiểu thuyết “Cửa biển” của Nguyên Hồng dù đã khuất nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần, sưởi ấm cho những đứa con yêu thương khi lâm nạn. Và vẫn còn đó hình ảnh bà Cụ Tứ trong vợ nhặt của Kim Lân, một người mẹ nghèo khổ giàu lòng nhân hậu… Và còn biết bao hình ảnh người mẹ trong các tác phẩm là hình bóng đầy nhân ái và đặc trưng của người Mẹ Việt trong thực tế. Những người mẹ ấy, dù trong hoàn cảnh nào vẫn hy sinh vì con.


Tiếp đến, không những trong văn xuôi mà trong thơ ca, hình ảnh người mẹ và tình mẫu tử vẫn luôn được ca ngợi. Chẳng hạn như trong bài thơ “khúc hát ru những em bé trên lưng” của Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện nỗi lòng của người mẹ dành cho con mình dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu. Và âm nhạc chính là một mảnh đất màu mỡ để các nhạc sĩ thể hiện tấm lòng con thảo của mình đối với tình mẫu tử thiêng liêng. Những bài hát đi cùng năm tháng và đi vào lòng người để nói lên tâm sự của con, cùng công lao của mẹ.
 
“Lòng mẹ ấm áp như biển thái bình dạt dào” là lời ca thật ý nghĩa trong bài Lòng mẹ, như nói công lao cao cả cảu người mẹ. Và còn rất nhiều những tác phẩm mà ai trong chúng ta dù còn hay đã mất mẹ, đã từng nghe mà thấm thía, mà xúc động và thương mẹ hơn như bài Mẹ yêu của Phương Uyên, Nhật kí của mẹ của Nguyễn Văn Chung, Tìm về với mẹ của Phan Đinh Tùng hay bài MẹGánh Mẹ của Quách Beem.... Tất cả như nói lên tâm thức của người việt dành cho tình mẫu tử thật thiêng liêng và dịu dàng.

 
Hình ảnh người mẹ cùng tình mẫu tử còn đi vào rất nhiều lĩnh vực như hội họa, ca kịch điện ảnh như nói lên nỗi lòng của mỗi người dành cho một trong những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người.


Cách riêng, với mỗi người Công giáo thì hình ảnh người mẹ cũng được thể hiện rất nhiều trong nghệ thuật, nhất là trong hội họa những bài thánh ca da diết về tình mẹ, về lòng hiếu thảo và sự biết ơn của con cái dành cho mẹ của mình, để qua đó chúng con nói lên lòng biết ơn và tâm tình cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa cho cha mẹ luôn được khỏe mạnh bình an.


3. Trong Tín ngưỡng tôn giáo

Không ai biết tình mẫu tử đi vào tín ngưỡng hay tôn giáo từ bao giờ, nhưng một sự thật là tình mẫu tử đã âm thầm những mãnh liệt đi vào các tín ngưỡng tôn giáo mà trong hầu hết các tôn giáo, hình ảnh người mẹ luôn chiếm một vị trí đặc biệt.
 
Đối với người Việt thì Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn được gọi là đạo ông bà) là tục lệ thờ cúng tổ tiên đã qua đời của nhiều dân tộc châu Á, đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt Namvăn hóa Trung Hoa, và văn hóa Triều Tiên. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhiều người Việt Nam, ngoài tôn giáo của mình thường thờ cúng cả tổ tiên. Đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà, ít nhất là có treo di ảnh một cách trang trọng, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và gần như không thể thiếu trong phong tục Việt Nam.[1] Tín ngưỡng dân gian này là một nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian và vẫn còn phát triển cho đến ngày nay. Trong đó, con cháu thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với đấng bậc sinh thành và tổ tiên để nhớ về cội nguồn của mình như những bậc đáng tôn thờ và tưởng nhớ.


Hơn nữa, nét đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói thể hiện tình mẫu tử là Đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần phải do người nữ thực hiện, tuyệt đối không là người nam, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu tam phủtứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, Thánh Mẫu, Mẫu tam phủ, tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến. Ngoài ra còn có Thánh Bản mệnh là vị thần đứng đầu dẫn dắt người tu đạo đi đến với Mẹ (Mẫu) - Đấng Tối cao trong Đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.[2]

Cùng với đó, trong các tôn giáo du nhập vào Việt Nam, thì có lẽ Phật Giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến người Việt. Trong đó, hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát như một hình ảnh tiêu biểu cho người nữ, người mẹ luôn quan tâm chăm sóc phổ độ chúng sinh. Hơn nữa, rằm thắng 7 hằng năm là ngày lễ Vu Lan Bồn để con cái khắp nơi báo hiếu cha mẹ của mình.

Cách riêng đối với mỗi người Công Giáo chúng con, hình ảnh người mẹ cũng luôn là hình ảnh rất thân thương gần gũi và trìu mến. Lật từng trang Kinh Thánh của Đạo Công Giáo, mọi người sẽ không lạ khi gặp những hình ảnh phụ nữ hay người mẹ tiêu biểu cho tình mẫu tử tuyệt vời và rất gần gũi với người Việt chúng ta. Nổi bật trong số những người phụ nữ trong Kinh Thánh và trong Đạo Công Giáo, có lẽ nhiều người cũng có thể đoán và biết đó chính là Mẹ Maria, một người nữ cao trọng nhất trong những người phụ nữ, bởi Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, là Mẹ Thiên Chúa vì đã cưu mang Đấng Cứu Chuộc theo niềm tin Ki-tô giáo. Mẹ cao trọng không phải bởi mẹ tài giỏi hay xinh đẹp, nhưng bởi Mẹ là người phụ nữ khiêm tốn, trong sạch và đức hạnh nhất được tuyển chọn trong muôn ngàn phụ nữ.

Cách riêng ở Việt Nam, rất nhiều nhà thờ lấy tên Mẹ Maria làm tước hiệu để nhờ Mẹ cầu bầu chở che. Đặc biệt tại La Vang, là nơi mà chính Mẹ đã hiện ra để giúp con cái không kể lương giáo thoát khỏi thời cấm cách mà Mẹ vẫn tiếp tục phù hộ độ trì cho tới ngày hôm nay mà có lẽ nhiều người ở các tôn giáo khác cũng đều biết và yêu mến Mẹ. Chúng ta đang sống trong tháng 10 cũng là tháng mà cả Giáo hội Công Giáo chúng con dành riêng để tôn kính người Mẹ chung của mỗi người Công Giáo chúng con. Để noi gương bắt chước Mẹ cũng như dâng lên Mẹ những lời nguyện để nhờ Mẹ trợ giúp và chuyển cầu cùng Thiên Chúa, Đấng chúng con tôn thờ. Đồng thời, qua Mẹ, chúng ta chiêm ngưỡng và biết ơn chính người mẹ trần thế của chúng con hơn, cũng như cầu nguyện thêm cho các đấng bậc sinh thành, để nhờ Mẹ và qua Mẹ Maria mà gia đình, và cộng đoàn cũng như thế giới luôn được bình an, nhất là giữa một thế giới đầy nhiễu nhương và đau khổ này.
  
Trên đây là những một vài nét chấm phá về tình mẫu tử, một chủ đề rất rộng và phong phú để nghiên cứu, để tìm hiểu và nhất là để ngẫm. Qua đó, chúng ta, những người ki-tô hữu, vốn được Giáo hội kêu họi sống trọn chữ hiếu của người con đối với những bậc sinh thành, cũng luôn biết sống chữ hiếu với người mẹ thiêng liêng là Đức Maria, cũng như luôn cậy nhờ Mẹ chuyển cầu để mỗi người sống đức tin và làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống hiếu thảo và đạo đức của mỗi người trong cuộc sống. Qua đó, hình ảnh của Đức Ki-tô luôn được tỏa rạng nơi trần thế và đến với mọi tâm hồn.

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ADn_ng%C6%B0%E1%BB%A1ng_th%E1%BB%9D_c%C3%BAng_t%E1%BB%95_ti%C3%AAn
[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ADn_ng%C6%B0%E1%BB%A1ng_th%E1%BB%9D_M%E1%BA%ABu_Vi%E1%BB%87t_Nam

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập414
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm384
  • Hôm nay52,302
  • Tháng hiện tại912,663
  • Tổng lượt truy cập78,916,114
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây