Vài nét về "nhân phẩm" tại Việt Nam

Thứ tư - 15/11/2023 04:34  246
Con người ngày càng đạt tới những đỉnh cao mới trong nhiều lĩnh vực, một điều không ai có thể phủ nhận. Khi sự phát triển đạt đến mức không tưởng, con người dường như ngủ quên trong chiến thắng, tự cho mình là toàn năng, là chúa tể và ảo tưởng tự mình có thể giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, giấc mộng bá chủ của con người dường như đã bị đập tan bởi sự bất lực của con người trong chính những vấn đề mà con người nghĩ rằng có thể cải thiện và làm chủ. Trước sự giới hạn của mình, con người dần nhận ra rằng cùng với sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ, thì những vấn đề về môi trường, xã hội, tôn giáo và chính trị lại là những vấn đề nan giải mà con người vẫn phải loay hoay, thậm chí đầu hàng. Một trong những vấn đề phát triển tỉ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế là vấn đề tôn trọng nhân phẩm phẩm trên thế giới, cách riêng tại Việt Nam hiện nay. Vì thế, chúng ta cùng điểm qua một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để từ đó, mỗi người cần phải làm gì hầu nhân phẩm con người luôn được tôn trọng và bảo vệ, nhất là tại Việt Nam?

Theo Bách khoa toàn thư, nhân phẩm hay phẩm giá con người là quyền của một người được coi trọng và tôn trọng vì lợi ích của chính họ, và được đối xử có đạo đức. Nó có ý nghĩa về đạo đứcluật pháp và chính trị như là một sự mở rộng của các khái niệm thời kỳ Khai sáng về các quyền vốn có, không thể thay đổi.[1] Như thế, có thể nói, nhân phẩm là một giá trị tự nhiên tạo hóa ban tặng và vốn có mà bất cứ ai đã là người đều có và phải được tôn trọng, nhất là khi xã hội ngày càng văn minh phát triển.

d0400f080115c24263c1f19caa0ff533Tuy nhiên, trên thế giới và cách riêng tại Việt Nam, khi nhiều người nghĩ rằng phát triển kinh tế sẽ kéo theo việc nhân phẩm sẽ ngày càng được tôn trọng và quan tâm, thì ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vấn đề tôn trọng phẩm giá vẫn bị coi thường và lạm dụng vẫn xảy ra và dưới nhiều hình thức tinh vi hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, nhất là giữa thời đại dịch đã và đang càn quét nhân loại và Việt Nam. Vẫn còn đâu đó quanh ta tình trạng chỉ “vật giá mới tăng, trong khi phẩm giá hay nhân phẩm lại bị mất giá”. Trên các mặt báo hằng ngày, hằng giờ vẫn nhan nhản và thường xuyên xuất hiện những sự việc mà nơi đó, nhân phẩm lại bị coi thường và xúc phạm nghiêm trọng. đáng sợ hơn là bên cạnh sự bất bình của nhiều người, lại len lỏi sự bình thản đến vô cảm của không ít người. Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng ở đây, người viết xin điểm qua ba nguyên nhân thiết tưởng trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến việc nhân phẩm con người dù đáng quý song vẫn bị coi thường dù ở đâu và ở thời nào: đặt giá trị kinh tế cao hơn giá trị con người; não trạng vô cảm, cùng chủ nghĩa cá nhân cực đoan; và học thuyết vô thần loại trừ Thiên Chúa.

Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thức và lối nghĩ của nhiều người Việt. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực giúp cuộc sống ngày một được cải thiện, ngày càng có nhiều người bị vòng xoáy của kim tiền làm chao đảo và coi kinh tế hay tiền là cùng đích của kiếp nhân sinh. Nhiều người lao vào kiếm tiền, và dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, thậm chí kiếm tiền trên  xương máu của đồng loại bất chấp việc vi phạm hay xúc phạm nhân phẩm của người khác để trục lợi ngày một tinh vi, thậm chí đội lốt dưới những vỏ bọc mĩ miều và nhân đạo. Tiền từ một tên đầy tớ tốt bỗng dưng lên ngôi và trở thành những ông chủ vô cùng độc ác và xấu xa nhấn chìm cuộc đời và tương lại của nhiều người. Chúng ta không lạ lẫm gì hiện tượng nhiều kẻ buôn bán người, buôn bán hàng giả, thuốc giả và như gần đây nhất là vụ kit-test của công ty Việt Á hay vụ chuyến bay giải cứu. Nơi đó, nhiều kẻ giở thủ đoạn để kiếm tiền trên chính nhân phẩm của người khác mà không chút áy náy. Đơn giản bởi đồng tiền đã chi phối và bóp nghẹt lương tâm của họ khiến họ coi nhân phẩm của người khác và của chính mình thấp hơn “thực phẩm”, thấp hơn giá trị của đồng tiền và sự hưởng lạc. Chúng ta không còn quá ngạc nhiên bởi hàng ngày trên mặt báo, qua các phương tiện thông tin, cũng như trong cuộc sống, thậm chí đời sống cộng đoàn, hàng loạt những vụ án, những sự việc bị lật tẩy và phanh phui cho thấy nhân phẩm của nhiều người đang bị đe dọa và coi thường.

pham gia con nguoi 00Không những thế, khi kinh tế hay đồng tiền lên ngôi, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kĩ thuật tự tôn, sự vô cảm cũng theo đó mà gặm nhấm và bào mòn lương tâm con người. Hơn nữa, nhiều người Việt vẫn còn bị đánh lừa và bị tẩy não bởi những chủ thuyết cực đoan, coi vật chất kinh tế là thượng tầng, từ đó đánh mất tâm thức tương thân tương ái của người việt cùng loại bỏ nhiều giá trị văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc mình. Từ đó, trong sự lầm tưởng và ảo tưởng, nhiều người ngày càng trở nên vô cảm trước những nỗi đau của người khác, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Vô cảm đã trở thành một căn bệnh kinh niên, cùng với sự tàn phá của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, coi mình là trung tâm mà bỏ qua và coi thường mọi chuẩn mực đạo đức. Những luồng tư tưởng đó dần làm xói mòn lối sống đạo đức tốt đẹp của người Việt, khiến nhiều người dửng dưng trước việc người khác bị xúc phạm nhân phẩm, cũng như trước đau khổ của người xung quanh. Nếu không vô cảm, thì có lẽ không ai để thản nhiên đi qua, mặc cho người bị tai nạn giao thông quằn quại giữa đường; nếu không vô cảm, có lẽ sẽ có nhiều người lên tiếng hơn cho việc nhiều cụ già, phụ nữ hay trẻ em bị hành hạ và bóc lột nơi này nơi khác… Và nếu không vô cảm thì có lẽ nhiều người Việt đã lên tiếng thay cho đồng bào của mình về biết bao những bất công và đau khổ trong xã hội mà hằng ngày vẫn nhan nhản khắp nơi… Sự im lặng đôi khi cũng là một tội ác. Cũng vậy, nếu không tôn sùng chủ nghĩa cá nhân cực đoan, làm những gì mình thích, thì nhiều người đã không để lương tâm bị ăn mòn mà bất chấp mọi thủ đoạn để làm những công việc hay hành vi không thể chấp nhận với thuần phong mĩ tục hay pháp luật Việt Nam…

Thế nhưng, sự coi trọng đồng tiền hay sự cô cảm của nhiều người Việt cũng chỉ là hệ quả của một hệ tư tưởng ngấm ngầm và âm thầm bào mòn tinh thần Việt. Đó là học thuyết duy vật vô thần kiểu mới, một học thuyết hoặc phủ nhận, hoặc loại trừ hoặc vô tri, dửng dưng với sự hiện hữu của thực tại Thần Linh. Những chủ thuyết đó, với nọc độc của mình đang dần làm biến chất, thậm chí là mất hẳn tôn giáo tính trong tâm thức người Việt. Người Việt luôn là một dân tộc của tín ngưỡng, bởi trong văn hóa của chúng ta, không thiếu những tín ngưỡng, những niềm tin cho thấy người Việt luôn tin con người không chỉ là vật chất mà thôi, nhưng còn có một thế giới tinh thần và thế giới ấy được người Việt tin và thể hiện cũng nư thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chủ thuyết vô thần đã khiến nhiều người mất niềm tin và phủ nhận thế giới tinh thần, coi tất cả chỉ là vật chất. Khi con người không còn tin vào một thế lực hay một thế giới cao hơn thế giới vật chất, thì con người dễ rơi vào sự tuyệt vọng, mất niềm tin và coi con người chỉ như một con vật hay vật chất mà thôi... Chính hệ tư tưởng và não trạng vô thần này khiến nhiều người vô cảm và coi thường nhân phẩm của người khác, hay dửng dưng bất quan tâm, không chạnh lòng trước việc người khác bị coi thường, xúc phạm, bất chấp mọi chuẩn mực của luân lý đạo đức hay pháp luật. Đồng thời, khi vô thần, nhiều người sẽ tự coi mình là ông chủ và hợp lý hóa cho mọi hành vi xúc phạm người khác, cũng như sẵn sáng kiếm tiền trên xương máu đồng loại. Điều này có thể thấy rất rõ qua cơn đại dịch vừa qua cũng như trong rất nhiều ngành kinh doanh, mà ở đó con người chỉ được coi như một thứ hàng hóa rẻ tiền... Không những thế, khi không có niềm tin vào linh hồn bất tử, họ coi nhân phẩm và tính mạng của người thật rẻ mạt chẳng đáng quan tâm. Và còn rất nhiều hệ lụy đáng sợ mà chúng ta vẫn chứng kiến hằng ngày mà những chủ thuyết đáng sợ mà nhiều người tiếp thu và gây ra cho nhân loại nói chung và cho xã hội Việt nam nói riêng.

Đứng trước thực trạng nhân phẩm nhiều người ngày càng bị coi thường và xúc phạm, những cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những quy định hay những luật nhằm bảo vệ nhân phẩm của người khác, như việc Việt Nam tham gia và thực hiện Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như ban hành những điều luật, dù cho việc thực hiện vãn còn quá nhiều lỗ hổng và nhiều dấu hỏi lớn. Đồng thời, cũng ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân có lương tri vẫn hằng ngày lên tiếng bảo vệ cũng như hành động để bảo vệ và trợ giúp những người đã và đang còn bị xúc phạm, mà Giáo Hội Công Giáo là một trong những tổ chức tích cực và có tiếng nói, dẫu cho vẫn còn nhiều vấn đề và ngăn cấm và khó khăn. Tuy nhiên, cũng do nhiều nguyên nhân mà những nỗ lực của các cơ quan tổ chức và cá nhân đôi khi vẫn còn chỉ dừng lại nhiều trên mặt lý thuyết, cũng như vẫn là một con đường dài đầy chông gai để nhân phẩm của người Việt được tôn trọng và bảo vệ đúng mực…

mt and poorNhân phẩm luôn là mối bận tâm của con người nói chung và của Việt Nam nói riêng, đơn giản bởi vì đó là thứ quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Thế nhưng, vì tội lỗi mà nhân phẩm, từ một món quà vô giá và bất khả xâm phạm lại trở thành một thứ thường bị coi thường và xúc phạm ở mọi nơi và mọi thời. Vì thế, đây là một vấn đề lớn đã và đang được mổ xẻ rất nhiều, để giải quyết từng bước những vấn đề nhiễu nhương liên quan đến nhân phẩm của con người. Để từ đó, từng bước, phẩm giá con người ngày một được tôn trọng và đề cao đúng theo tinh thần nhân văn và nhất là tinh thần của Tin Mừng. Trên đây chỉ là một vài nét chấm phá của người viết về một vài nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu tôn trọng nhân phẩm ở Việt Nam. Ước mong cùng với sự phát triển nhận thức, con người ngày càng ý thức hơn về những quyền căn bản mà mọi người đáng có và phải tôn trọng dù người đó là ai và ở địa vị nào vì tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Để từ đó, mọi người cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp để xứng đáng với truyền thống và văn hóa đáng quý của Việt Nam mà nay ít nhiều đã bị mai một và lãng quên….
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A2n_ph%E1%BA%A9m

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập266
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm206
  • Hôm nay52,513
  • Tháng hiện tại1,215,284
  • Tổng lượt truy cập71,243,041
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây