Về quê - Ai cũng có ngày xưa
Thứ năm - 14/12/2023 04:00
842
Con người là sinh vật của sự ra đi. Họ không bao giờ hài lòng với chính mình, cũng như không bao giờ muốn dừng lại hay giậm chân tại chỗ. Trái lại, con người luôn ra đi, ra đi để được lớn lên; ra đi để đến với những miền đất lạ; ra đi để khám phá những chân trời mới… và nhất là để khẳng định vị thế thủ lãnh của mình trên mọi thụ tạo. Có những cuộc ra đi để trở về, nhưng cũng có đó những cuộc ra đi mà chẳng bao giờ quay trở lại…
Thế nhưng, dù đi thật xa, dù đi muôn nẻo, dù có nhiều nơi để đến, có nhiều chốn để tựa nương, nhưng sâu thẳm nơi mỗi người, nhất là những người mang trong mình kiếp di dân, luôn có một khát vọng hiện sinh của sự trở về - đi thật xa để trở về. Trở về nơi những gì thân thương và quen thuộc nhất; trở về bên chiếc nôi nơi những câu hát à ơi từng đưa mình vào giấc mơ êm đềm; trở về bên những con sông quê uốn lượn, vốn là một phần không thể thiếu của những ngày thơ bé; trở về bên những con đường thân thuộc đã ghi dấu những bước chân đến trường; trở về bên ngôi nhà thờ, nơi đời sống đức tin đã được vun trồng và lớn lên mỗi ngày; trở về bên những cây đa, mái đình, sân nhà thờ, những rặng tre… bên những “khu vui chơi giải trí” của cái thời mà những trò nghịch ngợm đã trở nên những mảnh tâm hồn mà thế hệ thời nay không thể hình dung; trở về nơi đã hằn lên tận đáy tim một kí ức về tuổi thơ, về một thời để nhớ dù có cố quên; cũng như về bên nơi và người mà ta đã phải để lại để ra đi; và nhất là trở về với quê hương, bên gia đình, nơi những con người đã cùng ta sống và trải qua những cung bậc khác nhau của cuộc sống và làm nên cái mà chúng ta đã đang và sẽ là….
Dù có muôn nẻo đường để đi, nhưng con người chỉ có một chốn để trở về, đó là quê hương, hay là nhà. Hai tiếng quê hương, một chữ nhà tưởng chừng thật nhẹ nhàng, thậm chí vô vị với những người chưa bao giờ đi xa hay biết đến sự rời bỏ, hoặc đã vô cảm và quên mất nơi chôn nhau cắt rốn của mình, lại trở thành một thứ thật thiêng liêng và ngọt ngào nơi những tâm hồn đã quen với sự ra đi, đã quen và đã chấp nhận cảnh viễn xứ… Để rồi mỗi khi được trở về, con người ta lại thấy mình như bé lại, như quay ngược thời gian để trở về với cả một bầu trời tuổi thơ, một bầu trời thương nhớ… Thật đúng với câu hát ngọt ngào vẫn được cất lên mọi nẻo đường: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay. Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ, êm đềm khua nước ven sông…”
Mỗi lần trở lại quê hương là một lần nhấm nháp sức mạnh của thời gian. Thời gian là thứ không màu, không mùi, không vị… nhưng lại là thứ ướp cho cuộc đời muôn màu, muôn mùi muôn vị để làm nên cái chất của cuộc đời. Thời gian cứ lững lờ, chẳng đợi chờ ai, chẳng quan tâm đến ai. Nó cứ lặng yên, nhưng lại cuốn trôi mọi thứ, mặc cho sự ồn ã của vũ trụ và loài người bởi tất cả cuối cùng cũng phải lặng yên và bị xóa nhòa trong nó; thời gian cứ êm trôi nhưng sức mạnh ghê gớm của nó lại có thể nhấn chìm mọi thứ sôi động nhất, dập dồn nhất và tưởng chừng mạnh mẽ nhất của kiếp nhân sinh, để rồi đẩy lui vào quá khứ tất cả mọi sự đã đi qua nó; thời gian như thể vô cảm lặng lẽ nhìn từng người, từng thế hệ xuất hiện, đi qua, rồi biến tan trong nó… Thời gian là thứ nhanh nhất nhưng cũng là thứ chậm nhất dù nó đều nhất, bởi vòng xoay của nó luôn bền vững, luôn vần xoay mà chẳng một thứ gì, chẳng một tiến bộ nào có thể ngăn bước nó… Thời gian chứa đựng mọi sự biến đổi dù là nhỏ nhất của một kiếp người hay của bất cứ sự vật nào; thời gian luôn chứng kiến mọi sự biến đổi và chẳng bày tỏ bất cứ cảm xúc nào trước những được hay mất của những gì diễn ra trong nó... Nó cứ lặng lẽ, cứ vô cảm, cứ miệt mài làm nhiệm vụ của nó… đón nhận tất cả để rồi cũng biến đổi và nghiền nát tất cả…
Dù đã có không ít lần ra đi để trở về, về với cái nôi đã làm nên tuổi thơ và cuộc đời, nhưng mỗi lần trở về lại làm dậy lên trong tâm hồn người xa xứ bao điều ngạc nhiên, khi nhận ra sự thay đổi nơi tất cả mọi không gian, mọi sự vật và nhất là nơi những con người mà đã đang hoặc đi qua trong đời, để làm nên một cuộc đời, nơi ghi dấu bao kỉ niệm, bao dấu chân và bao nỗi lòng của một người con khi trở về, nhất là khi phải đối diện với một nhịp sống nhộn nhịp và luôn thay đổi không ngừng của thời đại kĩ nghệ và ảo hóa thế giới…
Mọi thứ luôn thay đổi và phải tuân theo quy luật biến đổi của thời gian. Không gian thay đổi theo thời gian, vũ trụ thiên nhiên cũng đổi thay theo thời gian; mọi công trình, mọi nẻo đường và nhất là mỗi con người cũng đều phải thay đổi theo thời gian. Dù đôi khi con người muốn chối bỏ hay chống lại thời gian, thậm chí thay đổi và làm chủ thời gian, nhưng sau tất cả, con người chỉ biết ngậm ngùi đầu hàng trong sự bất lực và hèn yếu của mình. Con người chỉ còn biết cúi đầu lắng nghe tiếng reo mừng chiến thắng ngạo nghễ của thời gian, mặc nó biến đổi và nghiền nát chính mình trong cái quá khứ của nó. Để rồi đi vào dĩ vãng, mà nơi đó, chỉ trong niềm tin vào Thiên Chúa và linh hồn bất tử, sự hiện hữu của con người mới còn và nên ý nghĩa. Thời gian đồng hành với con người trong tiến trình nỗ lực và vươn lên để làm ra những công trình, nhưng cũng chính thời gian là kẻ chứng kiến sự sụp đổ của tất cả. Những công trình, dù vĩ đại đến đâu, cũng sẽ theo thơi gian mà trở thành những di tích, những dấu vết của sự hiện hữu, của lịch sử và của chính nó – thời gian… Cũng vậy, con người dù là ai, dù vĩ đại đến mức nào, tài giỏi ra sao, quyền lực thế nào thì cuối cùng vẫn phải tặc lưỡi ngậm ngùi chia tay, rời bỏ thời gian để đi vào trong cõi lặng lẽ của lòng đất và chốn hư vô của cái chết. Nơi đó, sự sống được biến đổi và không còn phụ thuộc thời gian. Dẫu vậy, thời gian vẫn là kẻ lưu giữ những kí ức của mọi thứ và mọi kẻ đã sống trong và đi qua nó. Nhờ đó, dù một khoảng nào đó, những kí ức đó tưởng chừng bị lãng quên và chìm sâu vào một tầng vô thức, nhưng đến một lúc nào đó đủ chín, đủ cảm, con người sẽ dậy lên trong lòng mình những kí ức, những kỉ niệm về một thời đã qua và về những thứ đã đổi thay, nhất là nơi những người thường xuyên phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình…
Dẫu biết mọi sự luôn vận động và luôn biến đổi, nhưng đến một lúc, dường như bất cứ ai cũng giật mình nhận ra sức mạnh biến đổi kinh hoàng của thời gian nơi chính mình, nơi mọi người và vạn vật trong thế giới, nhất là nơi những thứ tưởng chừng đã trở nên quá quen thuộc, bất biến. Để rồi khi trở về, chúng ta chỉ biết kinh ngạc về nhưng thứ đã dần phai mà nay còn đâu ngoài hai chứ - “kỉ niệm, kỉ vật và kí ức”…
Còn đâu những con đường làng quanh co, khúc khuỷu gập ghềnh ngày nắng, nhếch nhác, trơn tuột ngày mưa, nơi mà từng lớp học sinh phải luôn mang trong mình tư thế phải nhảy những “điệu remix hay disco” hay “trượt ba-tanh” mỗi khi cắp sách đến trường, để rồi đôi khi hay nhiều lúc khi về tới nhà, thứ tồn tại duy nhất là hai con mắt…, nhưng tuổi thơ vậy mà vui. Vậy mà giờ đây, những con đường ấy đã phải nhường chỗ cho những con đường rải nhựa thẳng băng và đẹp đẽ, để các lứa học trò băng băng đến trường, bằng đủ loại phương tiện, mà trong mơ cái tuổi thơ trước đây cũng không dám mơ tới. Cũng nơi những con đường bằng phẳng ấy, từng tốp xe thể dục của bậc trung và cao niên cứ nhẹ nhàng, rộn ràng những câu chuyện vào mỗi buổi sáng mát mẻ hay mỗi chiều tà in bóng sự êm ả, giữa một nhịp sống xô bồ. Dường như người ta cũng bắt đầu ý thức hơn để sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống trước khi thời gian làm cho mọi ước mơ trở nên hão huyền…
Cũng thế, con sông quê ngày đó như người mẹ hiền nâng niu tuổi thơ những trưa hè, làm dịu cơn nóng của cái gay gắt ấy, giờ đã phải lui vào kí ức để trả cho một con sông tĩnh lặng êm ả gợn sóng bồng bềnh… Vẫn còn đó như in trong kí ức hình ảnh từng đoàn, từng lũ trẻ đủ các độ tuổi khắp xứ đạo, vô tư thả mình trên dòng nước ấy cùng những trò nghịch mà có lẽ giờ đây chỉ còn trên phim ảnh; còn đâu những cu cậu, những cô bé làm bạn với dòng nước bên những cây chuối hay những chiếc bè khi nước lên…
Thân thương hơn, kí ức về ngôi nhà thờ cũ, nơi nâng niu bao con người nay cũng đành nhường lại cho một ngôi nhà thờ mới, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn sạch sẽ hơn... Nhưng dường như sự rộn rã, tấp nập như ngày hội, điều vốn có nơi những buổi tụ tập sau giờ đọc kinh của đám trẻ để đá bóng hay đuổi bắt cùng đủ trò, giờ đã không còn. Sân nhà thờ dù rộng rãi giờ đây mỗi buổi chiều hay tối chỉ còn lác đã những bóng người đi dạo, có chăng trên tay là đứa con nhỏ, khiến một không gian tuyệt vời, sân chơi duy nhất của lũ trẻ giờ đây chỉ còn sự tĩnh lặng, mà thay vào đó nơi mỗi góc nhà là những chiếc điện thoại nơi mọi thứ đã được số hóa và cuốn hút cùng những trò chơi điện tử hay các lớp học thêm… Cũng vậy các ngã ba, ngã tư, các gốc cây, những con đường và nhà thờ giờ đây thiếu vắng sự rộn ràng, nhộn nhịp của lớp thiếu nhi nghịch ngợm, vốn coi sân nhà thờ là sân chơi duy nhất, một ngôi nhà thứ hai, để không chỉ là một nơi để cử hành phụng vụ, mà còn thành sân chơi thảnh thơi sau một ngày học hành vất vả. Đó là một phần kí ức không thể thiếu của một con người từng được lớn lên với nhau trong cùng xóm giềng hay xứ đạo…
Tuy nhiên, có lẽ sự thay đổi rõ nhất, khốc liệt nhất, nhưng đôi khi lại bị lãng quên là sự thay đổi nơi những con người, nhân vật chính của hai tiếng quê hương và của cuộc đời. Thật vậy, chính con người là hữu thể chịu sự tác động của thời gian rõ nhất và nhanh nhất. Từng ngày từng giờ trôi qua, con người luôn vận động và biến đổi theo thời gian. Từng lớp từng lớp các thế hệ cứ đến để hòa chung nhịp đập với thời gian, để sinh ra lớn lên cùng thời gian cho tới khi phải chia tay thời gian, mà trở về cát bụi, nơi chỉ còn niềm hy vọng vào sự phục sinh và ơn cứu độ, nơi không còn thời gian, chẳng còn không gian nhưng chỉ còn hạnh phúc viên mãn bên Đấng là thời gian và làm chủ thời gian.
Thật nghịch lý, những người thân thương nhất, gần gũi nhất đôi khi lại là những người mà chúng ta ít thấy và nhận ra sự biến đổi nhất. Để rồi đến một lúc, khi trở về, chúng ta giật mình nhận ra sự biến đổi và già hóa của những con người thật khốc liệt và nhanh chóng. Đến lúc nào đó, chúng ta giật mình nhận ra người cha người mẹ già đi và tàn phai theo năm tháng, mà khi thời gian như ngắn lại, họ đang từng bước nói lời tạm biệt thời gian. Những vết nhăn, những vết chân chim, những đồi mồi hằn dấu vết của thời gian; những bước chân chậm chạp, những bầu sữa đã cạn và chảy sệ của những bà mẹ từng một thời một thân một mình lo cho đàn con khôn lớn. Những thế hệ đã đến trước cứ dần hoàn tất hành trình của mình và ra đi trước chúng ta để lại trong tâm trí chúng ta và kí ức của chúng ta không ít những nỗi bâng khuâng và sự trống vắng, cùng những kỉ niệm đã gắn bó cuộc đời và thân phận chúng ta với họ, nhất là những tháng ngày của tuổi thơ… Thay vào đó, những thế hệ kế cận mà trong đó có những người bạn, những người đã cùng lỡn lên và gắn tuổi thơ với chúng ta đã dần thay thế và đảm nhiệm những vị trí vai trò của những người đã và đang đi nốt phần còn lại của cuộc đời; Cũng vậy, những đứa trẻ của các thế hệ lần lượt hiện hữu và thay thế những thế hệ đã qua đi mà có lẽ nhiều thế hệ trẻ giờ đây đối với chúng ta thật xa lạ. Trong khi đó, nhiều người trong số những người đã qua đi lại là những người gắn với kí ức tuổi thơ của chúng ta nơi các trò nghịch ngợm hay trong đời sống đạo, mà nay chỉ còn một nấm mồ xanh để lại trong kí ức những người ở lại một thời để nhớ để ôn và để sống…
Dẫu ai cũng có tuổi thơ, ai cũng có ngày xưa, vậy mà chẳng ai có thể thậm chí muốn ở mãi cái tuổi thơ và cái ngày xưa ấy. Phan Mạnh Quỳnh đã diễn tả thật sâu sắc về cái nghịch lý đáng yêu này khi nhìn thời gian trôi và cuốn mất cái tuổi thơ ấy để rồi chỉ còn lại đâu đó nỗi bâng khuâng và chút nuối tiếc: “Ngày xanh trôi nhanh hơn khi xưa ta nghĩ, lúc ấy chỉ muốn mau lớn lên, để không ai gọi trẻ con… Rồi khi bao bon chen ưu tư cuộc sống, ta mơ trở về ít phút thôi, tiếc những tháng năm êm đềm. Lại nhớ đến những lúc mới biết trước sau,Mấy đứa cuối xóm chơi rất thân, mà mỗi đứa nay một nơi.Chẳng biết nghĩ đến những khi ta cười đùaCó thấy rất vui hay chạnh lòng, vì chỉ còn dĩ vãng…Ngồi buồn tôi hát…Ahhhh...Tôi cũng có tuổi thơ, tôi cũng có ngày xưa… Thế nhưng, thời gian luôn vận động và con người cũng phải lớn lên, để trưởng thành, để rời xa và chia tay cái tuổi thơ, cái ngày xưa ấy, mà bước vào đời và đối diện với đời, trong vòng xoay của thời gian để tiếp tục sự hiện hữu của mình mà đi trọn kiếp người . Chính vì thế, tuổi thơ, và quê hương của cái ngày xưa ấy, dù đã đi qua và giờ chỉ còn lại là những kỉ niệm, những kí ức bồng bềnh và thật đẹp để mỗi lần nhớ và để thương, nhưng nhờ những kí ức tuyệt vời ấy mà mỗi người có thể nhận ra giá trị và ý nghĩa của cuộc đời, cũng như những giá trị của thời gian, để trân quý những tháng ngày còn lại và để vươn lên sống một cuộc đời đáng sống và ắp đầy ý nghĩa trong tư cách là một ki-tô hữu, một chứng nhân về Đức Ki-tô giữa cuộc đời này…
Thời gian vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của nó vẫn mang đến và cuốn đi tất cả những gì trong nó để rồi chỉ trong thời gian, những kí ức về một thời đã qua mới có thể sống lại một cách sống động và cụ thể nhất. Nhờ sự hồi tưởng, nhất là mỗi lần về quê, những người xa xứ nhận ra sự nhỏ bé và chóng qua của kiếp người, để trân quý những gì chúng ta có và đang có trong thời gian còn lại của cuộc đời. Từ đó cố gắng sống một cuộc đời có ý nghĩa và tràn đầy … Cộc đời là vậy và thời gian là thế… Và cuối cùng, các kitô trở về với cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa, quê hương đích thật của mình là thiên quốc…
https://zingmp3.vn/album/Di-De-Tro-Ve-Single-SOOBIN/ZOUAAD00.html
https://www.youtube.com/watch?v=i0g9reyIPGc
https://nhac.vn/bai-hat/ai-cung-co-ngay-xua-phan-manh-quynh-sopvkyE