Tiểu sử thánh Vinhsơn Liêm Hoà Bình

Thứ tư - 15/11/2023 20:34  496
image 20231116084541 10Sinh năm 1732 tại làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, trấn Nam Sơn Hạ (nay thuộc giáo họ Thôn Đông, giáo xứ Phú Nhai, Bùi Chu; xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
  • 1744:     Dâng mình vào Nhà Đức Chúa Trời tại Nhà Chung Lục Thủy.
  • 1748:     Du học tại Trường Juan de Letran (Manila, Phillipines).     
  • 1753:     Nhập Dòng Đa Minh.
  • 1754:     Tuyên khấn trọng thể,
lấy hiệu là Vicente de la Paz (Vinh Sơn Hòa Bình).
  • 1758:     Thụ phong Linh mục.
  • 03.10.1758: Hồi hương.
  • Từ 20.1.1759: làm giáo sư chủng viện tại Trung Linh.
  • Quãng 1760-1773: Mục vụ giáo xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, Lai Ổn…    
  • Lãnh triều thiên Tử đạo ngày 07/11/1773 tại pháp trường Đồng Mơ, Thăng Long.
  • Suy tôn Chân phước ngày 20/5/1906, tại Rôma, bởi Giáo hoàng Piô X.
  • Tôn phong Hiển thánh ngày 19/6/1988, tại Rôma bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
  • Lễ kính ngày 07 tháng 11 hàng năm.
TIỂU SỬ

CHA THÁNH VINH SƠN LIÊM

(1732-1773)

“Ước vọng lớn lao nhất của tôi là tiếp tục tỏ bày đức tin
cho quý đồng bào bất hạnh của tôi,
là những người chưa nhận biết đức tin.”

(Thánh Vinh Sơn Liêm)

CHƯƠNG I
  • Thời thơ ấu[1]
  • Ở Nhà Đức Chúa Trời
  • Du học tại Manila, Phi Luật Tân
  • Chịu chức linh mục
  • Trở về phục vụ tại Đàng Ngoài
Thánh Vinh Sơn Liêm Hoà Bình sinh tại làng Trà Lũ[2], tỉnh Nam Định, Đàng Ngoài (Đông Kinh, Bắc Việt) vào năm 1732. Cha mẹ ngài đều là các Kitô hữu[3] và đã dưỡng dục ngài rất chu đáo. Khi ngài được 12 tuổi, cha mẹ ngài dâng con vào Nhà Đức Chúa Trời. Ngay sau khi sinh, ngài đã bị bệnh tật ốm yếu hiểm nghèo, đến nỗi mẹ ngài là bà Monica sợ không kịp giờ để gọi thầy giảng, nên đã rửa tội riêng cho ngài và chọn tên thánh cho ngài là Vinh Sơn[4].

picture1 3Trong Nhà Đức Chúa Trời, dưới sự hướng dẫn của cha (Episnoza)[5] Huy, ngài tỏ ra là một cậu bé chăm ngoan, hồn nhiên và tiến triển nhanh chóng trong đạo đức cũng như học hành. Ngài giúp lễ các cha để được gần gũi và phục vụ bàn thờ. Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, ngài cùng các chú các cậu chia phiên nhau giúp việc nhà chung, như phục vụ nhà bếp, phục vụ bàn ăn, và đôi khi tháp tùng các thầy đi làm mục vụ. Ngoài việc chu toàn các bổn phận ấy, thời gian còn lại ngài dành cho việc học chữ Nho dưới sự hướng dẫn của một ông đồ.

Vinh Sơn Liêm đã chứng tỏ khả năng rất đặc biệt về đàng nhân đức và học tập, vì mới ở tuổi 16, ngài đã được gửi đi Manila để học trường Latinh. Gia nhập Học Viện Gioan Letran tại Manila, ngài đã vượt trội các bạn đồng môn và làm cho các giáo sư hết mực hài lòng.

Năm năm sau, vào lúc 21 tuổi, ngài đã bày tỏ nguyện vọng không những chỉ muốn trở thành linh mục mà còn ước ao trở thành tu sĩ Dòng Thánh Đa Minh. Các bề trên, sau khi chứng nghiệm sự trưởng thành của ngài, đã chấp nhận cho ngài lãnh tu phục dòng vào ngày 8 tháng 9 năm 1753. Cũng vào ngày 8 tháng 9 một năm sau đó, cùng với ba anh em Bắc Việt và một anh em người Trung Hoa khác, ngài long trọng tuyên khấn dâng mình cho Chúa qua tay Bề trên tỉnh dòng tại Manila. Ngài học thần học và các khoa học thánh trong bốn năm, rồi được thụ phong linh mục và vượt qua cuộc thi trắc nghiệm lãnh năng quyền giải tội. Ngày 3 tháng 10 năm 1758, ngài tạm biệt tu viện Manila, lên tàu về lại Bắc Việt, nơi ngài đã rời xa suốt 10 năm trước đó. Trải qua 77 ngày vật lộn trên tàu biển, ngài đã đặt chân lên bờ biển quê hương yêu dấu ngày 20 tháng Giêng năm 1759. Trở lại quê hương giữa cộng đoàn anh em thuyết giáo, như một linh mục và một thành viên tu sĩ của Dòng, ngài mang trong mình đầy ắp nhiệt huyết và thiện chí mang ơn cứu độ cho các linh hồn. Mong ước Chúa luôn khứng ban trên ngài sức sống và tự do.

CHƯƠNG II

Mười bốn năm Sứ Vụ Tông Đồ
 
Thánh Vinh Sơn Liêm thi hành sứ vụ suốt 14 năm để phục vụ anh chị em đồng bào của mình. Ở đây chúng ta chỉ đưa ra mấy điểm chính yếu để học hỏi mà thôi. Những sự kiện đặc biệt mà chúng ta ngày nay quan tâm có lẽ đã bị chôn vùi trong quá khứ quên lãng. Nhưng cũng tạm đủ cho chúng ta khi chỉ nhắc đến những hoạt động rất thành công của Ngài ở các vùng Phủ Thái[6], Quất Lâm, Trung-Lao, Lục-Thuỷ, Trung Linh, Thu-ong (?), Kẻ Mèn[7]

Trong suốt 14 năm từ 1759-1773, giáo hội Đàng Ngoài được an bình. Nhưng hoàn cảnh bấp bênh cũng khiến các nhà thừa sai hết sức thận trọng. Đức cha Reydellet, giám quản tông toà Tây Đàng Ngoài có viết vào năm 1769 rằng: “Đạo thánh Chúa dưới thời triều đại của vua mới khá yên ổn. Các thừa sai và Kitô hữu vui hưởng an bình tự do tương đối, có thể tham dự các phận sự và thi hành dễ hơn trước. Tuy nhiên, những chỉ dụ [cấm đạo] cũ vẫn còn tồn tại và vẫn chưa thu hồi lại”.

Hỡi ôi, vào chính năm này một sự kiện bất hạnh đã dẫn tới việc phục hồi các chỉ dụ đó. Một nhà sư đã phạm một tội ác nặng nề nên bị toà án triều đình kết án tử hình, kèm theo cả việc ngăn cấm một số việc trong tế tự Phật giáo. Điều này đương nhiên gây nguy cơ cho an ninh chung của đất nước. Để tránh làm ra vẻ thiên vị với các Kitô hữu, viên quan này, vì e sợ vấn đề trở nên quá nghiêm trọng, đã nghĩ tới việc kết án đồng thời cả việc thực hành đạo của các Kitô hữu nữa. Nhưng viên quan đã đẩy thiên kiến và sự kiện tàn bạo này đi quá mức tới độ tử hình tất cả những linh mục mà chúng có thể bắt được.

Cuộc săn lùng bắt đầu. Các quan lại đã bắt được nhiều linh mục. Đầu tiên là cha Horta, dòng Tên, người mà sau đó các tín hữu đã chuộc với giá rất cao. Tiếp đến các linh mục bản quốc cũng bị bắt và được tha nhờ sự sắp xếp và tấm lòng rất ư quảng đại của các tín hữu, khi mà giới quan lại hám lợi nước đục thả câu[8].

Cha Vinh Sơn Liêm, như đã nói trên, đã cố gắng không ngừng để thánh hiến chính mình, và với tâm hồn tràn đầy lòng nhiệt thành bừng cháy cho việc cứu độ các linh hồn được giao phó cho các ngài. Đêm đêm, ngài thường dùng thuyền nan do các tín hữu chuẩn bị để đi thăm hỏi các bệnh nhân, ban các Bí tích, rồi cử hành Thánh lễ vào sáng sớm sau khi đã giải tội cho giáo dân, củng cố đức tin giúp họ vững vàng trong thử thách, khuyên nhủ họ trung tín với Chúa, hoà giải các bất đồng, khuyến cáo những ai khô khan, xao lãng. Trong suốt 14 năm trường, ngài vô cùng hạnh phúc vì đã giữ vững và thăng tiến đức tin của số đông các tín hữu, đưa về cho Chúa nhiều tội nhân, gặt hái cho Giáo hội rất nhiều người ngoại giáo, nâng đỡ vô số những người túng thiếu, thi hành nhiều công việc từ thiện, tốt lành, chỉ với mục đích làm chứng cho Chúa và vì thế mà giờ đây ngài đang vui hưởng phần thưởng trọng đại.

Đây là lời chứng của Giuse Bi (Bích), một đồ đệ của thánh Vinh Sơn Liêm: “Suốt nhiều năm trời tôi phụ giúp Cha Liêm, trong thời gian ngài thi hành sứ vụ giữa các tín hữu, tôi thấy từ lễ thánh Đa Minh đến Mùa Vọng, rồi từ Lễ Tro đến Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, ngài có thói quen ngồi toà giải tội đến nửa đêm, và thỉnh thoảng vào những ngày lễ, ngài ngồi toà cả tới tảng sáng. Ngài rao giảng cho các tín hữu, rao giảng cho người ngoại giáo, thúc đẩy khuyên răn họ tuân giữ thánh luật của Chúa. Khi có bất hoà chia rẽ nổi lên giữa đoàn chiên, ngài liền thi hành sứ mệnh mang lại bình an, hoà thuận và bác ái. Khi được mời thăm kẻ liệt, dù là ban ngày hay ban đêm, kể cả khi trời mưa gió hay nóng bức cực lòng, ngài đều đi ngay không trì hoãn, bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến. Ngài tận tình chỉ dạy các con cái thiêng liêng của ngài, thúc bách họ học hành, khuyên răn họ tuân giữ lề luật nghiêm chỉnh, nhất là cẩn trọng trong liên hệ với nữ giới…

Hàng ngày tôi chứng kiến ngài đọc kinh Thần Vụ; ngài đặc biệt cảm thương người nghèo và làm tất cả những gì có thể để giúp họ có cơm ăn, áo mặc, tiền nong chi tiêu cần thiết. Khi các tín hữu nghèo xây nhà nguyện, ngài không chỉ lấy tiền túi của mình để giúp họ mà còn đi xin những người khá giả giúp cho họ nữa.”

 

 

 

CHƯƠNG III
  • Rơi vào tay dân ngoại
  • Khổ cực trong tù
  • Bị xử án
  • Phúc tử đạo
  • Ngày vinh quang
Ngày 1 tháng 10 năm 1773, áp lễ Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Cha Vinh Sơn Liêm rời làng Thanh Long[9] đi dâng lễ sáng tại làng Lương Đống (Cu-Duong). Ngài mang theo hai chú trong Nhà Đức Chúa Trời để giúp lễ cho ngài. Đó là Mát-thêu Vi (Vũ) và Giuse Bi (Bích). Dù đã cẩn thận hết sức, các chú vẫn bị các nhân viên ngấm ngầm theo dõi và tố cáo các chú với một tên ngoại đạo trọc phú vốn thù ghét các Kitô hữu dữ dội. Đó chính là Điều Can (Điều Cam) khét tiếng, đã từng ra tay bắt cha Castañeda vào năm trước đó.

Say men với cơ hội hả hê lòng thù ghét đạo, Điều Can hạ lệnh bao vây làng Lương Đống trong đêm đó với toán lính đông đảo của bạn bè hắn ta. Tảng sáng hôm sau chúng tấn công nhà ông Nhiêu-Nhuệ, là một tín hữu đang đón tiếp Cha Vinh Sơn Liêm trọ nghỉ. Chủ nhà không kịp cất giấu các phẩm phụ và đồ thánh; trước khi kịp tẩu thoát, thánh nhân đã bị những người ngoại này bắt giữ cách dã man: chúng ném ngài xuống đất, rồi kêu rú như dã thú, chúng giật tóc lôi ngài đi, trói chặt ngài lại. Chúng cũng làm như thế với hai chú giúp lễ, rồi áp giải cả ba cha con đi, hành xử với các ngài một cách rất ư khổ nhục. Cha Vinh Sơn Liêm mất máu nhiều do vết thương bị đánh ở đầu.

Rồi họ điệu các ngài sang làng bên cạnh. Tại đây họ có tổ chức một cuộc đấu tố để dân chúng hung hãn chửi rủa, quăng ném bùn đất, gạch đá, chống lại các ngài. Không có lời lẽ lăng mạ xúc phạm nào mà họ đã không văng ra để làm cho các ngài đau khổ, nhục nhằn. Cha thánh Liêm khát khô lả người mới khiêm cung xin một chút nước, thế mà không những họ không cho nước lại còn mắng chửi lăng mạ ngài sa sả. Người môn đệ Chúa Kitô bắt đầu nhập cuộc thương khó, thông phần vào những cực hình và sỉ nhục của Thầy Chí Thánh.

Vào buổi chiều cùng ngày, Điều Can dẫn giải các tù nhân đến làng Thần Khê (Dau-Hoi), là nơi các ngài phải chịu một đêm cực hình đè nặng giống như thân phận các phạm nhân vậy. Đến ngày kế tiếp, Điều Can bắt cha Liêm đóng cũi và đưa ngài lên chánh tổng (Xích Bích), rồi lại bị điệu lên quan trấn thủ (Phố Hiến), nơi Cha Castañeda đang bị bắt giữ. Như chúng ta đã kể lại trên đây, trong bản tiểu sử trước thuật lại, hai vị truyền giáo đã an ủi lẫn nhau, khích lệ nhau chịu đau khổ vì Thầy Chí Thánh. Ngày 14, họ chuyển các ngài đến thủ phủ Nam Định và bốn ngày sau, họ áp giải các ngài lên kinh đô Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay).

Các ngài đã chịu rất nhiều đau khổ nhưng đã anh dũng tuyên xưng Đức Tin trước vua chúa và quan quyền. Trong quá trình xét hỏi, chúa Trịnh có hỏi Cha Vinh Sơn Liêm rằng: “Tên ngoại quốc này đã đột nhập vào nước ta để truyền giảng đạo cấm, vì không biết luật cấm, nhưng nhà ngươi là người An Nam, sinh ra lớn lên ở đây, sao nhà ngươi dám vi phạm luật lệ triều đình là điều ngươi không thể nào không biết tới?”

Thánh nhân trả lời: “Thưa ngài, tôi không coi thường luật lệ nhà vua, nhưng dù là một Kitô hữu non trẻ thôi, mà Chúa trời đất, Đấng tôi vâng phục trên hết, cũng đã ban xuống cho tôi biết bao ơn huệ và vinh dự được truyền giảng đạo thánh của Người. Tôi không những tin là tôi không làm điều gì sai trái khi tỏ lộ đức tin cho những đồng bào bất hạnh của tôi, những người chưa biết đức tin, nhưng hơn nữa, tôi còn sẵn sàng để tiếp tục (thi hành điều ấy). Đó là nguyện vọng lớn lao nhất của tôi”.

“Ta sẽ xem xét sự vụ này”, chúa Trịnh trả lời và rồi hướng về phía các quan lại, ông công khai đưa ra ý định của mình là với người ngoại quốc thì đương nhiên bị xử trảm rồi, nhưng với ngưởi An Nam thì phân vân không biết thế nào. Cuối cùng, ông quyết định xem ra chỉ cần bỏ tù chung thân cha Vinh Sơn Liêm là đủ, vì cho rằng ngài bị lung lạc và xuyên tạc bởi giáo sĩ ngoại quốc mà thôi.

Nhưng thánh Vinh Sơn Liêm khi nghe những lời ấy thì khẳng khái trả lời: “Nếu ngài kết án người anh em của tôi là cha Gia đây, thì cũng phải kết án tôi, vì theo thiên kiến của các ngài thì tôi cũng lỗi phạm như cha Gia. Nếu ngài để tôi sống thì cũng phải ân xá cha Gia, vì cha Gia cũng vô tội như tôi. Nên tôi đề nghị ngài đối xử với chúng tôi như nhau. Cha Gia là đạo trưởng, thì tôi cũng là đạo trưởng. Cha Gia truyền giảng đức tin Kitô giáo thì tôi cũng làm như vậy. Tất cả những gì cha Gia đã làm thì tôi cũng làm. Nếu ngài nói rằng cha Gia chỉ là người ngoại quốc mà bất tuân luật pháp, không lẽ tôi là công dân của đất nước này lại không buộc phải tuân giữ luật pháp sao? Cha Gia còn có thể không biết rõ luật pháp, nhưng tôi thì rành rẽ luật pháp. Nên thay vì nói tôi ít tội hơn thì phải nói rằng tôi nhiều tội hơn mới là phải. Vậy, nếu vua kết án trảm quyết cha Gia thì sao vua lại không thấy rằng cũng cần kết án tôi như thế?”

Nhà vua và các cận thần của ông, do áp lực của bà mẹ chúa Trịnh, quan trấn và lời dèm pha của các thái giám, đã quyết định kết án xử trảm hai nhân chứng Đức Tin. Ngày 7 tháng 11, các ngài đã lãnh án xử và được điệu đến trước phủ chúa để nghe chỉ dụ mà chúa truyền phải đọc cho các ngài nghe[10].

 Hai đồ đệ giúp lễ cha Liêm bị kết án phục vụ suốt đời tại chuồng voi, nếu không có ai đem tiền ra chuộc cho. Quan trấn được thưởng đất, tiền và được thăng chức. Điều Can được tuyên dương vì “lòng tận tụy” và cũng được nhận phần thưởng [của triều đình].

 Giữa một đám người đông đảo vây quanh, hai chứng nhân tử đạo đã xưng tội với nhau bằng tiếng Latinh và ban phép giải tội cho nhau. Các ngài liền được điệu ngay đến pháp trường Đồng Mơ. Họ tháo cũi cho các ngài, buộc các ngài vào cột và sau khi quan án ra hiệu lệnh, thủ cấp của các ngài rơi xuống đất trong khi linh hồn các ngài được cất lên cõi vinh quang. Các tín hữu và kể cả anh em lương dân cũng đã kính cẩn thấm máu các ngài.

Nhân chứng nói rằng các tín hữu rất đông đã lao ập đến để tìm cách đón xác các vị tử đạo, dù có ba quân đằng đằng sát khí, có lệnh quan đe loi, đánh đập. Thầy giảng Phaolô Châu nói: “Tôi đã giành được thủ cấp cha Gia (Castañeda) nhưng ba bốn người đẩy tôi ngã xuống đất và dùng sức giật mất. Sau đó, tôi lại tìm được thủ cấp cha Liêm và mang đi”.

Bà Ursula Noãn tuyên khai rằng: “Con gái tôi là Lucia đã may mắn nhận được cỗ tràng hạt và một mảnh áo thấm đẫm máu cha Gia mang về nhà”. Trong khi họ đang đem thủ cấp của các ngài đi thì có tám người[11] đã được bố trí từ chiều hôm trước để đón rước thi thể của hai vị tử đạo đáng kính. Dù cho những cơn mưa đòn vẫn ập xuống trên họ, dù họ phải đứng bên ngoài và bị lính bao vây, họ vẫn nhanh chóng dùng võng đưa xác hai ngài ngang qua cánh đồng bạt ngàn, lầy lội tới đầu gối, gần làng Kẻ Sặt. Dọc theo bờ sông, đông đảo tín hữu xếp hàng đi theo. Sau đó, hai chiếc thuyền lập tức chở thánh tích hai ngài xuôi nhanh về hướng Nam, nhờ các tay chèo mạnh khoẻ và lanh lợi.

Đến Trung Linh, các tín hữu đã chuẩn bị sẵn nơi an táng các ngài trong nhà thờ. Các tín hữu tụ họp đông đảo và lớn tiếng cầu khấn các ngài như là những đấng bảo trợ cho họ trên trời.

Thánh tích của các ngài đã được hai lần chứng thực: lần một do Đức Cha Delgado – người đã khởi sự tiến tình điều tra phong thánh – thực hiện vào năm 1818, và lần hai do Đức Cha Fernandez vào ngày 14 tháng 11 năm 1903. Cả hai đấng được Đức Piô X long trọng nâng lên hàng chân phước vào ngày 20 tháng 5 năm 1906.

Trong suốt năm sau đó, các tín hữu đã tổ chức tuần tam nhật sầm uất để tôn kính các ngài. Đất Việt toả sáng năm châu nhờ việc cử hành các ngày lễ long trọng tôn vinh các anh hùng tử đạo. Đặc biệt, tuần tam nhật ở Ninh Cường đã để lại dấu ấn khó phai mờ nơi tâm hồn những người Việt Nam tham dự. Hai mươi chín linh mục ngồi giải tội thâu đêm suốt sáng và con số người rước lễ lên đến 15.000 người.

Lòng nhiệt thành không thể nào kể xiết: những bài ca tán tụng tuyệt vời, những cuộc rước liên tu bất tận cung nghinh thánh tích các vị tử đạo. Trong Thánh Lễ và Kinh Chiều, nhạc tấu vang lừng, kèn trống râm ran, hoa đăng rực rỡ…

Lạy cha thánh Vinh Sơn Liêm Hoà Bình – Xin cầu cho chúng con, xin chuyển cầu cho đồng bào chúng con, nhất là cho rất đông đảo anh chị em còn đang ngồi trong bóng tối vô tín. Xin kéo muôn ơn từ Lòng Thương Xót Chúa xuống trên Đất Việt thân yêu của cha, để đông đảo con dân Việt Nam được đón nhận vào đoàn chiên của Vị Mục Tử tốt lành.

    
Tòa thánh Jacinto Gia và thánh Vicente Liêm tại Trung Linh

GIA PHẢ THÁNH LIÊM…

Theo gia phả Phạm Tộc ở Trà Đông (Xuân Phương), thì đời thứ nhất của Dòng họ Phạm tại Trà Lũ là cụ PHẠM CHÍNH NIỆM, con trưởng của cụ Hoàng giáp tiến sĩ Phạm Đạo Bảo[12]. Cụ có công khai khẩn lập ấp ở Thái Bằng, tổng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định.

Đời thứ 7 (Ông Nội của Cha Vinh Sơn Liêm) là cụ Phạm Viết Đậu, sinh ra thân phụ của Cha Liêm là cụ Phạm Viết Doãn (đời thứ 8).

Cha Phạm Hiếu Liêm là đời thứ 9, con trai trưởng của cụ Phạm Viết Doãn, khi còn nhỏ được một người Công Giáo nhận làm con nuôi, theo đạo, học đạo, khi lớn lên được Giáo hội cho đi tu học nước ngoài và được thụ phong linh mục, trở về nước phục vụ Giáo hội, chịu tử đạo và đến năm 1988 được phong Hiển Thánh. Con thứ 2 của cụ Doãn (em Cha Liêm) là cụ Phạm Viết Hiếu, lập ấp ở xã Phủ Trung, tổng Hưng Đạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Con trai thứ 3 của cụ Doãn là cụ Phạm Viết Hảo, lập ấp ở thôn Lũ Phong, xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, những chi tiết trên đây là theo ông trùm Đồng ghi lại dựa trên Gia Phả Phạm Tộc tại Xuân Phương, chúng tôi chưa kiểm chứng được mà chỉ ghi lại ở đây để rộng đường bàn luận. Tại giáo họ Thôn Đông, dòng họ Cha Thánh Liêm còn có chi chòm Ông Cụ Ty (Ông Mỹ, Ông Vy) và Ông Cụ Số (Ông Kế, Ông Thế).
 

[1] Bài này do Lm. Dominic Trần Ngọc Đăng trích dịch từ M. B. Cothonay, o.p., Lives Of Four Martyrs Of Tonkin Who Belonged To The Dominican Province Of The Holy Rosary In The Philippine Islands Beatified The 20th Of May, 1906, P. J. Kenedy & Sons New, tr. 225-240. Có nhiều sử liệu ghi tên ngài là Phạm Hiếu Liêm, sử liệu khác lại ghi Phan Quang Liêm, Lê Quang Liêm, Nguyễn Thế Liêm… Ở đây chúng tôi theo sát bản tiếng Anh chỉ đề là Vinh Sơn Liêm (Hòa Bình) – ND.
[2] “Sử ký Địa phận Trung” (Phú Nhai Đường 1916) ghi Ngài “sinh ra ở họ Thôn Đông về xã Trà Lũ xứ Phú Nhai năm 1731” (tr. 54). Họ này thuộc Trà Đông (nay là giáo họ Thôn Đông thuộc giáo xứ Phú Nhai). Làng Trà Lũ xưa gồm Trà Bắc (nay là giáo họ Đức Bà thuộc giáo xứ Phú Nhai), Trà Đông (giáo họ Thôn Đông và giáo họ Thánh Tâm thuộc giáo xứ Phú Nhai), Trà Trung (giáo họ Bắc Tỉnh, giáo họ Thất Sự, giáo họ Thánh Giuse, thuộc xứ Phú Nhai, và giáo xứ Kính Danh (trước cũng là một họ lẻ của giáo xứ Phú Nhai) – ND.
[3] Thầy giảng Phao-lô Châu đã làm chứng trong tiến trình điều tra phong thánh: “Cha Vinh Sơn Liêm là con trai ông An-tôn Thiều-Đạo và bà Monica Đạo; cả hai đều là người quý phái vì họ có tước hiệu Thiều-Khanh. Họ là những nông gia khá giàu có, đã quảng đại dâng cúng cho Nhà Chúa”. (Sách “Sử ký Địa phận Trung”, tr. 54, lại ghi cha mẹ Ngài là ông bà cố Antong và Maria Doãn, – ND).
[4] Chi tiết này được ghi lại trong các tài liệu cất giữ tại văn khố của tu viện tại Manila, 20 tháng 5 năm 1748. Mẹ ngài và thầy giảng Giuse Chiêu đã tuyên thệ làm chứng trước các nhân chứng về điều này.
(Theo gia phả Phạm Tộc, thì đời thứ nhất là cụ Phạm Đạo Bảo, sinh năm 1446 tại huyện Ý Yên, Nam Định; đời thứ hai là cụ Phạm Chính Niệm có công khai khẩn lập ấp ở Thái Bằng, tổng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Cha Liêm là đời thứ 10, con cụ Phạm Viết Doãn, khi còn nhỏ được cha mẹ cho một người Công Giáo làm con nuôi. Tuy nhiên, chi tiết này chúng tôi chưa kiểm chứng được) - ND.
[5] Những chỗ trong ngoặc là do chúng tôi thêm vào. – ND.
[6] Sau này đổi thành xứ Lai Ổn, x. Sử ký Địa phận Trung, tr. 196.- ND.
[7] Sách Sử ký Địa phận Trung (tr. 54, 143, 161, 173-197) ghi các địa danh: Lai Ổn, Quất Lâm, Trung Lao, Lục Thủy thượng, Trung Lễ, Trung Linh, Phạm Pháo, Sa Cát, Kẻ Diền, Kẻ Mèn (Trung Đồng). – ND.
[8] Báo tường Giáo xứ tại Hà Nội 1903, trang 56.
[9] Nguyên bản “Thanh-Lan”, đoán theo Sử ký Địa phận Trung, tr. 178. Một số địa danh được phiên âm không dấu nên khó đoán. Chúng tôi theo sách Sử ký Địa phận Trung để viết tên tương ứng hoặc trích nguyên văn trong ngoặc đơn hầu rộng đường dư luận. – ND.
[10] Nhân chứng Phao-lô Khoa kể lại rằng, đang khi nghe đọc chỉ dụ kết án xử trảm, anh ta nghe thấy một người ngoại đạo la to rằng: “Sao Chúa Trời không giải thoát họ để chúng tôi tin họ.” Một cảnh tương tự như đã xảy ra với Vua các anh hùng tử đạo. Hai cha con nạn nhân khác cũng bị hành quyết cùng thời điểm với hai thánh. Một người trong họ nguyền rủa các ngài rằng: nếu không vì các ông thì chúng tôi cũng chẳng bị hành quyết sớm như vậy đâu.
[11] Một trong những thanh niên khai trong tiến trình điều tra phong thánh rằng anh bị phát hiện và bị bắt bỏ tù một năm và bị ép nộp một khoản tiền lớn để được trả tự do.
[12] Cụ sinh năm 1446 tại huyện Ý Yên, Nam Định, là đời thứ 5 của Cụ Thủy Tổ Phạm Đạo Soạn (quãng năm 1386). Cụ Soạn là cháu của danh thần Phạm Sư Mạnh (1303-1384). Xin xem: http://hophamtphcm.org/tim-ve-coi-nguon/1254-2/
 
 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập409
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm347
  • Hôm nay42,402
  • Tháng hiện tại902,763
  • Tổng lượt truy cập78,906,214
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây