ChatGPT và đạo đức Kitô giáo

Thứ năm - 23/11/2023 23:08  345
Cuộc phỏng vấn với nhà đạo đức sinh học John Wyatt

ChatGPT, một chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, đã thu hút sự chú ý của thế giới vì khả năng tạo ra các phản hồi tinh vi, thậm chí giống con người, đối với mệnh lệnh của người dùng, đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để sử dụng công nghệ này một cách có đạo đức và sự tồn tại của nó có ý nghĩa gì đối với cách Kitô hữu hiểu về bản chất con người của chính họ.

Được phát triển bởi OpenAI và ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT là sản phẩm cải tiến mới nhất trong lĩnh vực gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Nó vừa nhận được lời khen ngợi vừa làm dấy lên lo ngại.

ChatGPT có tiềm năng làm đảo lộn ngành công nghệ theo những cách mà chúng ta hiện giờ chưa thể dự đoán được. Nó cũng tiềm ẩn các nguy cơ như các kế hoạch lừa đảo tinh vi hơn và các cuộc tấn công mạng, cũng như các công trình học thuật đáng ngờ.

Bài viết này là bài đầu tiên trong một loạt các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia công nghệ Kitô giáo và các nhà đạo đức học, những người đang vật lộn với ý nghĩa đạo đức và luân lý của công nghệ AI mà ChatGPT đại diện.

Tiến sĩ John Wyatt là Giáo sư danh dự về Nhi Sơ sinh, Đạo đức và Sản khoa tại Đại học College ở London, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học và Tôn giáo Faraday ở Cambridge. Ông là biên tập viên của cuốn sách "The Robot Will See You Now: Artificial Intelligence and the Christian Faith" - Robot sẽ gặp anh ngay bây giờ: Trí tuệ nhân tạo và Đức tin Ki-tô giáo. Ông cũng là người dẫn chương trình podcast "Matters of Life and Death- Những vấn đề sinh tử " và gần đây đã được giới thiệu trên "Unbelievable" của Premier?

Làm việc như một bác sĩ nhi khoa chuyên về chăm sóc trẻ sơ sinh trong hơn 25 năm, Tiến sĩ Wyatt ngày càng nhận thức hơn các câu hỏi về đạo đức sinh học do công nghệ mang lại. Ông hiện đang tập trung hầu hết công việc của mình vào các vấn đề đạo đức, triết học và thần học được nêu ra bởi những công nghệ tiến bộ nhanh chóng.

Dưới đây là những câu hỏi chúng tôi đặt ra cho Tiến sĩ Wyatt và câu trả lời của ông.

Phóng viên: ChatGPT mang lại những lợi ích gì? Những rủi ro tiềm ẩn là gì?

Tiến sĩ Wyatt: ChatGPT và công nghệ AI tương tự khác, có khả năng tạo ra các văn bản dường như thông minh, sáng tạo và giống con người để đáp ứng một lệnh prompt cụ thể. Các chương trình này là ví dụ về cái mà ngày nay được gọi là "AI – trí tuệ nhân tạo tạo sinh", các thuật toán có thể tạo ra nội dung mới - bao gồm văn bản, âm thanh và hình ảnh – dựa trên các mô hình học được từ khối dữ liệu huấn luyện khổng lồ.

OpenAI, công ty tạo ra chương trình này, đã đạt được thỏa thuận trị giá 10 tỷ đô la với Microsoft và công nghệ này hiện đang được tích hợp vào phần mềm Office và công cụ tìm kiếm Bing. Google đang triển khai chatbot của riêng mình, LaMDA. Các công ty công nghệ khác sắp phát hành các chương trình phát sinh được cho là thậm chí còn tinh vi và giống con người hơn ChatGPT.

Chúng ta sắp bước vào một thế giới nơi chúng ta có thể không bao giờ biết liệu một bài báo, một bài giảng, một bài luận của sinh viên, một bài báo khoa học, thậm chí là một cuốn sách, được tạo ra bởi một con người hay bởi một hệ thống AI vô tri vô giác hoặc một số kết hợp của cả hai. Và AI không chỉ trở nên giỏi đáng sợ trong việc tạo văn bản gốc mà còn cả hình ảnh, thiết kế tài liệu, kế hoạch kiến trúc, âm nhạc, mã máy tính, v.v.

Những lợi thế rõ ràng cho bất cứ ai phải tạo văn bản gốc trong một thời hạn ngắn là hiển nhiên. Một số chuyên gia máy tính đang gọi công nghệ mới này là một bước đột phá quan trọng như chính Internet. Nhưng chắc chắn, có rất nhiều rủi ro và cạm bẫy cho tất cả mọi người khi sử dụng công cụ phi thường và mạnh mẽ này. Và các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo bị cám dỗ sử dụng những công cụ này cần phải đặc biệt thận trọng.

Thứ nhất, những từ ngữ mà chúng ta đang áp dụng có hoàn toàn trung thực và chính xác không? ChatGPT có khả năng truyền tải thông tin một cách cực kỳ tự tin và trôi chảy. Nhưng một số trong đó hóa ra là sai hoặc gây hiểu lầm cao.

Và nó không chỉ là sự thiếu chính xác về sự kiện, mà còn là sự thao túng tinh vi và nghiêm trọng hơn về ý tưởng và nội dung vì những lý do bí mật.

Thuật toán đã được đào tạo trên một lượng lớn văn bản và dữ liệu khác trên Internet. Kích thước của bộ dữ liệu đào tạo đã được ước tính là 300 tỷ từ vựng và dựa trên mối tương quan chính xác giữa hàng tỷ từ này, một mô hình dự đoán thống kê đã được rút ra với 175 tỷ biến khác nhau. Tất cả những dữ liệu này chứa những định kiến ẩn giấu và công khai, bao gồm thông tin sai lệch và giả mạo có chủ ý, và thậm chí là điều độc ác khủng khiếp.

Đồng thời, các công ty thương mại đang cạnh tranh tìm cách thao túng và thay đổi nội dung mà các chương trình AI tạo ra để tối đa hóa lợi nhuận của họ.

Và cơ chế chính xác mà ChatGPT chọn những từ ngữ cụ thể đó để đáp lại lệnh prompt là hoàn toàn không rõ ràng. Ngay cả các kỹ sư thiết kế và viết mã đằng sau chương trình cũng không thể cho bạn biết lý do tại sao những từ cụ thể đó được chọn. Tất cả đều bị mất trong quá trình toán học thống kê kết hợp 175 tỷ biến. Đó là "hộp đen" tuyệt đối. Vì vậy, làm thế nào bạn có thể tự tin về nguồn gốc và bản chất của văn bản mà bạn đang được mời gọi để kết hợp như lời nói của riêng bạn?

Phóng viên: Những rào cản đạo đức của một chatbot AI như ChatGPT là gì? Ví dụ, học sinh sử dụng nó để hình thành suy nghĩ cho bài luận có đạo đức không? Còn một mục tử sử dụng nó để soạn bài giảng thì sao?

Tiến sĩ Waytt: Rõ ràng là ChatGPT mang nguy cơ đạo văn rất cao — theo định nghĩa của Đại học Oxford là "trình bày công trình hoặc ý tưởng của người khác như của chính mình, có hoặc không có sự đồng ý của họ, bằng cách kết hợp nó vào công trình của mình mà không có sự ghi nhận đầy đủ".

Sinh viên ở tất cả các cấp học hiện có thể cung cấp một bài luận gốc và viết tốt về bất kỳ chủ đề nào. (Hiện tại dường như không có cách nào đáng tin cậy để phát hiện xem bất kỳ văn bản nào có nguồn gốc từ con người hay được tạo bởi một chatbot.)

Vì đạo văn tấn công vào cốt lõi của tất cả các hoạt động học thuật và thực hành giáo dục bình thường, điều này rõ ràng có những hệ quả lớn đối với các nhà giáo dục. Vào tháng 1/2023, các trường công lập ở New York đã cấm sử dụng ChatGPT, mặc dù những người khác cho rằng nó nên được tích hợp công khai vào giáo dục trường học và đại học.

Từ quan điểm Kitô giáo, đạo văn là lừa dối. Tính xác thực, tính liêm chính, trung thực và chân thật đều quan trọng. Điều này chắc chắn áp dụng đặc biệt cho những gì các nhà lãnh đạo Kitô giáo viết và nói trước công chúng. Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy sự khác biệt giữa người duy trì vẻ ngoài công bình và những người sống với sự chính trực "từ tấm lòng", cốt lõi ẩn giấu của nhân cách cá nhân mà chỉ có Thiên Chúa thực sự nhìn thấy và biết.

Vì vậy, có lẽ những người trong chúng ta muốn bảo vệ các giá trị Kitô giáo về tính xác thực và trung thực sẽ phải tuyên thệ long trọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ sử dụng tài liệu do AI tạo ra mà không đánh dấu rõ ràng phần nào thực sự là suy nghĩ và lời nói của chính chúng ta và phần nào là nhân tạo.

Một trong những mục tiêu của các công nghệ tiên tiến như AI tạo sinh là làm cho tất cả các hoạt động và cuộc sống làm việc của chúng ta trở nên trơn tru và dễ dàng nhất có thể. Bất cứ điều gì chúng ta muốn viết hoặc tạo ra, không cần hàng giờ tập trung nhìn chằm chằm vào màn hình sáng hoặc mảnh giấy trắng trong nhiều giờ đồng hồ vất vả. Sự sáng tạo có sẵn ngay lập tức chỉ bằng một bấm chuột điều khiển.

Nhưng làm người là trải nghiệm sự hài lòng khi vượt qua những chướng ngại. Chúng ta phát triển khả năng phục hồi và tính cách khi chúng ta vượt qua những thử thách. Thật kỳ lạ, dường như sự kháng cự, ma sát, trau dồi kỷ luật và sức chịu đựng khi đối mặt với khó khăn - đây chính xác là con đường mà chúng ta học hỏi, phát triển và thăng tiến.

Vì vậy, ChatGPT có thể giúp chúng ta dễ dàng sản xuất tài liệu mới ấn tượng. Nhưng nó sẽ giúp chúng ta phát triển như những con người theo những cách nào, và nó có thể dẫn đến sự yếu đuối của chúng ta theo những cách nào?

ChatGPT giống hoặc khác với các công nghệ AI khác trước đó theo những cách nào? Liệu nó có đặt ra những câu hỏi đạo đức mới, hay chỉ đơn giản là đưa những câu hỏi hiện có lên hàng đầu?

Năm 1950, thiên tài máy tính Alan Turing đã viết một bài báo nghiên cứu mang tên "Máy tính và trí thông minh". Bài báo đặt ra một câu hỏi cơ bản: "Một cỗ máy có thể suy nghĩ không?" Câu trả lời của Turing là nếu một cỗ máy có thể tạo ra văn bản trả lời những người hỏi của con người mà không thể phân biệt được với câu trả lời của con người, thì cỗ máy có thể được mô tả là "thông minh".

Mặc dù các chương trình trước đó đã đến gần kết quả này, nhưng rõ ràng là ChatGPT đã vượt qua Bài kiểm tra Turing. Nhưng câu hỏi vẫn là: liệu chương trình có thực sự thông minh hay nó chỉ đơn giản là một mô phỏng trí thông tài nhưng vô tri vô giác?

Ở một mức độ nào đó, các câu hỏi liên quan tới đạo đức đang được nêu ra không phải là mới. Chúng đã đóng một vai trò trung tâm trong những tưởng tượng khoa học viễn tưởng trong nhiều thập kỷ. Bộ phim truyền hình khoa học viễn tưởng của Mỹ "Westworld" lấy bối cảnh trong một công viên giải trí giải trí với những robot hình người rất chân thực. Trong một tập đầu, một du khách con người đến công viên được chào đón bởi một phụ nữ trẻ xinh đẹp, người hỏi liệu cô ấy có thể giúp đỡ không. Anh nhìn chằm chằm vào cô và hỏi, "Cô là một trong số họ hay cô là thật?" Cô ấy trả lời: " Nếu anh không phân biệt được, thì có quan trọng không?"

Những gì từng là giả tưởng khoa học viễn tưởng giờ đang trở thành hiện thực. Vì vậy, đây là một câu hỏi chúng ta sẽ phải đối mặt nhiều lần trong những năm tới. Nếu bạn không thể phân biệt sự khác biệt giữa những sáng tạo tuyệt vời, gốc, thậm chí sâu sắc, được tạo ra bởi những cỗ máy vô thức mô phỏng con người và những thứ được phát minh bởi con người yêu thương, suy nghĩ, chăm sóc, điều đó có thực sự quan trọng không?

Hầu hết mọi người đọc những lời này sẽ có trực giác Kitô giáo sâu sắc rằng nó thực sự quan trọng, nhưng có một nhu cầu cấp thiết cho cuộc tranh luận và thảo luận Kitô sâu sắc về cách công nghệ này đang tác động đến cuộc sống của chúng ta.

Làm thế nào công nghệ AI như ChatGPT, vốn tạo ra vẻ bề ngoài của con người, ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa?

Con người luôn cố gắng hiểu bản thân bằng cách so sánh với công nghệ tân tiến nhất của thời đại. Vì vậy, việc cho rằng con người thực chất là "máy tính làm bằng thịt xương" không có gì đáng ngạc nhiên.

Ý tưởng này dường như đã trở thành một lăng kính méo mó mà qua đó nhiều người hiện đại sử dụng để hiểu về nhân tính của chính họ. Chúng ta tìm thấy điều này trong việc sử dụng ngôn ngữ ngày càng tăng như "cứng nhắc bẩm sinh", "bị quá tải thông tin" hoặc "được lập trình để thất bại".

Mặc dù mỗi chúng ta gắn bó chặt chẽ với cơ thể và bộ máy sinh học của nó, chúng ta còn hơn cả máy móc. Sự ra đời của ChatGPT là cơ hội để làm nổi bật sự khác biệt giữa cơ chế vô tri vô giác do con người xây dựng và con người độc đáo, được thể hiện bằng xương bằng thịt và được tạo ra như một sự phản ánh độc đáo của Thiên Chúa vô hình.

Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa biết rõ và yêu thương và được ban cho phẩm giá tự do và trách nhiệm về những lựa chọn và hành động của mình. Vâng, công nghệ này thật đáng kinh ngạc và phi thường, nhưng con người thậm chí còn tuyệt vời hơn.

Và, cuối cùng, tôi đảm bảo rằng các câu trả lời trong bài viết này được tạo ra hoàn toàn bởi một con người.

Tác giả: Dale Chamberlain

Dale Chamberlain (M.Div) là Giám đốc Nội dung cho ChurchLeaders. Với kinh nghiệm trong mục vụ cũng như thế giới tiếp thị doanh nghiệp, ông cũng là một tác giả và podcaster đam mê giúp mọi người giải quyết các sự thật cổ xưa trong môi trường hàng ngày. Dale sống ở Nam California với vợ Tamara và ba con trai của họ.

Hình ảnh minh họa được tạo ra bởi Bing chat AI

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập401
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm364
  • Hôm nay39,898
  • Tháng hiện tại900,259
  • Tổng lượt truy cập78,903,710
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây