Bí quyết nên thánh cho con người yếu đuối
Thứ hai - 30/10/2023 05:51
1270
“Nhắn mẹ ở nhà, con đi làm Thánh,
Khi mẹ về, đôi cánh đã bay xa…
Đừng mong con khi trong cửa ngó ra,
Chớ tìm con trong những đường hẻo lánh”
(Lm. Hoàng Diệp – DCCT)
Đó là mảnh giấy viết để lại cho mẹ, lúc Giêrađô từ giã mẹ để đi theo quý cha giảng đại phúc Dòng Chúa Cứu Thế: “Con đi làm thánh”. Để rồi từ đó, ngài bắt đầu sống thánh trong chính cuộc đời khiêm tốn, bình thường và rất đỗi giản dị, đầy lòng khiêm hạ của một tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế.
Có bao giờ bạn ước mơ được làm Thánh? Làm thế nào để nên Thánh? Có tới hàng ngàn con đường nên thánh khác nhau, bằng chứng là Giáo hội đã tôn phong rất nhiều vị lên bậc hiển thánh. Và mỗi vị đều mang một màu sắc rất cá vị. Tất cả làm nên một vườn hoa muôn màu, muôn sắc trong ngôi nhà Giáo hội.
Thế nhưng, nhiều và rất nhiều Ki-tô hữu cho rằng “Ước mơ nên thánh” là một ước mơ quá viển vông, quá xa vời. Và rồi, họ chỉ để trong tâm trí mình một sự yên trí: Yếu đuối, tội lỗi như tôi làm gì mà làm thánh được? Trong tâm thức của nhiều tín hữu, tồn tại khá nhiều những suy nghĩ không chính xác về ơn gọi nên thánh.
Một số cách hiểu không đúng về việc “nên thánh”
Nên thánh chỉ dành riêng cho các giám mục, linh mục và tu sĩ.
Người sống thánh thì sống khác thường, làm những điều phi thường.
Sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện.
Những người sống thánh không hề phạm tội, không biết hờn, không biết giận, không biết ghét, không sa ngã phạm tội…
Người thánh thiện phải tuyệt đối hoàn hảo
Bằng nỗ lực cá nhân, tự dựa vào sức riêng chúng ta có thể nên thánh
Nên thánh chỉ dựa vào sự đánh giá người khác.
Những giáo huấn chắc chắn của Hội Thánh:
Để minh định một cách chắc chắn về những nẻo đường nên thánh, Huấn quyền của Giáo hội đã không ngừng suy tư và đưa ra những văn kiện, thông điệp, tông huấn và những dẫn chứng cụ thể giúp cho người Ki-tô hữu vượt qua những lối nhìn hạn hẹp về việc nên thánh trong thế giới ngày nay.
Sáng ngày 09.04.2018, Tông huấn mới của Đức Giáo hoàng về ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người trong thế giới ngày nay đã được công bố tại Vatican. Tông huấn có tựa đề "Gaudete et Exsultate" (Hãy vui mừng và hân hoan). Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng việc nên thánh không phải là một chuyện cao siêu phi thường, nhưng được thực hiện trong chính cuộc sống hằng ngày; tuy nhiên, không có đường nên thánh rẻ tiền, bởi vì nó đặt ra nhiều yêu sách, cụ thể qua việc sống tám mối phúc thật.
“Để nên thánh, không nhất thiết phải là các giám mục, linh mục hay tu sĩ: không, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh… Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Người không gọi cho chúng ta làm một điều gì nặng nề, buồn thảm… Đó là một lời mời để chia sẻ niềm vui của Người, để sống và dâng hiến với niềm vui từng giây phút của cuộc đời mình, đồng thời nó trở thành một món quà yêu thương cho những người ở bên cạnh chúng ta.”[1]
Công đồng Vaticanô II, trong chương Năm của Hiến chế tín lý về Hội thánh, đã đề cập đến “ơn gọi phổ quát nên thánh”. Tông huấn tìm cách diễn tả ý tưởng ấy với những thuật ngữ tương đương: sự thánh thiện của “giới trung lưu” (theo nghĩa là: phổ thông, bình dân), để đánh tan ý tưởng sai lầm cho rằng việc nên thánh chỉ dành riêng cho một thiểu số (giai cấp quý tộc); hoặc : sự thánh thiện của “người hàng xóm” (GE 7), để nhắn nhủ ta hãy nhận ra chân dung các thánh ở nơi những con người chúng ta gặp hằng ngày (chứ không chỉ nơi các thánh đội hào quang trên trời). Các thánh là những con người bất toàn, vẫn còn mang nhiều khuyết điểm, nhưng họ tiếp tục tiến bước, tìm cách làm đẹp lòng Chúa (GE 3). Thực vậy, sự thánh thiện đạt đến cách tiệm tiến, chứ không phải cách chớp nhoáng, và trong tổng thể đời sống chứ không chỉ giới hạn vào danh mục của vài nhân đức.
Bí quyết nên thánh cho người yếu đuối
Tác giả cuốn sách “Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giê-su?” - Linh mục Brian Treacy, SPS đã suy tư rất sâu sắc về linh đạo bất toàn của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Trong cuốn sách nghe có vẻ rất lạ này, vị thánh tiến sĩ của Giáo hội đã chỉ ra bí quyết nên thánh dành cho những người yếu đuối, tội lỗi.
Khi nhìn về sự yếu đuối tội lỗi, thánh nữ Tê-rê-sa cho rằng tội lỗi của chúng ta không phải là một sự mất mát mà là cả một hồng ân. Chẳng phải dễ dàng gì để Tê-rê-sa đi đến kết luận này. Thật ra, chị đã phải chật vật gần hết cả quãng đời ngắn ngủi của mình trước khi chị không còn nghi ngờ gì rằng, để đến được với Thiên Chúa, yếu đuối không phải là một gánh nặng, nó là cả một kho tàng. Chị thánh viết:
“Sự bất toàn em nhận ra nơi mình mỗi ngày không còn khiến em ngạc nhiên hay phiền muộn. Cả sự yếu đuối của em cũng chẳng khiến em buồn lòng. Ngược lại, chính yếu đuối của em lại là vinh quang của em, như thánh Phao-lô nói… Nhưng có một niềm an ủi lớn lao là Chúa hoàn toàn thấu hiểu sự yếu đuối của ta và Người biết cả. Chúa biết rõ bản chất mỏng giòn của chúng ta. Vậy thì còn gì để mà lo sợ nữa?”[2]
Thánh nữ đã chọn cho riêng mình một lối đi. Một nẻo đường nên thánh hoàn toàn bởi lòng tín thác sâu sa. Một con đường thơ ấu thiêng liêng để kết hiệp với Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi, bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của bản thân. Thánh nữ không để cho những yếu đuối cản lối người đến với Thiên Chúa.
“Phải hiểu điều này là, càng yếu đuối, nhỏ bé và mỏng giòn, người ta càng thích hợp để đón nhận tình yêu vô vàn của Thiên Chúa, chứ chẳng phải tình yêu đến từ lòng khao khát mãnh liệt hay các nhân đức thánh thiện.”[3]
“Điều làm Chúa hài lòng là Chúa nhìn thấy em biết yêu mến sự nhỏ bé và yếu đuối của mình; em đặt hết hy vọng mịt mờ của em vào Lòng Thương Xót từ nhân của Chúa – kho tàng quý giá của em.”[4]
Nói về sự thánh thiện, thánh nữ cho rằng, thánh thiện không phải là một thành tựu nhưng là một quà tặng nhưng không đến từ Thiên Chúa. Tê-rê-sa đã mất một khoảng thời gian dài để điều này khắc sâu trong tâm hồn. Sự thánh thiện hệ tại ở việc chịu để cho Thiên Chúa khuất phục hơn là lòng nhiệt thành hay việc luyện tập các nhân đức.
Thông điệp chính của Tê-rê-sa không dành cho những người mạnh mẽ nhưng hướng đến những người yếu đuối, tới những ai muốn nên thánh nhưng gần như từ bỏ hết mọi hy vọng, tới những ai khao khát yêu mến Thiên Chúa nhưng cảm thấy gần như không thể. Dường như chị bảo với chúng ta rằng để theo chân Thầy Chí Thánh, bạn không cần phải thật mạnh mẽ, nhưng là ý thức rõ sự yếu đuối của bản thân.
“Em đã luôn khao khát để nên thánh, để được leo lên núi thánh của Chúa, nhưng tự mình em còn không thể leo lên dù chỉ một bước. Em như thể một hạt bụi đất nhỏ nhỏ dưới chân núi mà ai cũng có thể giẫm đạp lên. Dẫu có nỗ lực cách mấy, em cũng chẳng tài nào lớn lên trong tình yêu. Thế nên em đã chấp nhận bản thân như chính mình là với tất cả sự yếu đuối bất toàn.”[5]
Vậy bí quyết nên thánh dành cho người yếu đuối theo thánh nữ Tê-rê-sa là gì? Thánh nữ trả lời: “Nên thánh không dựa vào luyện tập nhân đức này hay việc lành kia, nhưng là ý thức về sự yếu đuối của mình và đồng thười, cậy trong hoàn toàn vào sự tốt lành và thánh thiện của Chúa là Cha trên trời.”[6]
Chân phước Julian thành Norwich cũng nói về điều này cách tương tự: “ Chúa nhìn tội lỗi của chúng ta như những vinh dự, Ngài không trách phạt chúng ta về điều đó. Ngài chỉ nhìn thấy những vết thương ta phải mang lấy vì tội lỗi của mình và Ngài chạy đến để đỡ nâng khi chúng ta quỵ ngã.”
Ước chi một chút suy tư về nẻo đường nên thánh trong ngày lễ trọng kính Các Thánh nam nữ sẽ tiếp thêm lửa yêu mến, lửa tín thác và cậy trông, cho những người môn đệ đang trên đường lữ hành. Tội lỗi và yếu đuối của chúng ta chỉ là những giọt dầu. Ý thức về kiếp người mỏng giòn, chúng ta hãy để giọt dầu đó tan biến trong biển lửa của Tình Yêu Thiên Chúa với niềm hy vọng và “niềm vui trong Đấng cứu độ tôi”.
[1] Bài giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 19 tháng 11 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
[2] Lm. Brian Treacy, SPS Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giê-su? Nữ tu Đưc Bà Truyền Giáo chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2023, trang 73 -74
[3] Lm. Brian Treacy, SPS sđd, trang 72
[4] Lm. Brian Treacy, SPS sđd, trang 73
[5] Lm. Brian Treacy, SPS sđd, trang 90
[6] Lm. Brian Treacy, SPS sđd, trang 83