Giám mục Gioan Kim Khẩu
Thứ hai - 11/09/2023 05:40
488
Thời hoàng kim của các giáo phụ: khi phản bác lại những luận đề lạc giáo đặc biệt là thuyết Ario, giáo lý Kitô giáo càng ngày càng hoàn thiện và vững chắc hơn. Giai đoạn từ đầu thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỉ thứ V là thời kỳ hoàng kim của nền tư tưởng Kitô giáo. Trong thời này, xuất hiện các bậc tiến sĩ, các giáo phụ nổi danh.
Giáo phụ Hy lạp: Thánh Athanasio thành Alexandia (295-373), Basilio thành Cesare (329-379), thánh Gregorio Nazianzo (330-390), tiếp đến là thánh Gioan Kim Khẩu (kh. 344/354-407). Ở đây ta chỉ tìm hiểu Thánh Gioan Kim Khẩu, với một vài nét chính của ngài.
A. Tiểu sử
Kim Khẩu nghĩa là miệng vàng, nói lên khả năng diễn giảng thuyết tuyệt vời vẫn sống mãi với chúng ta hôm nay qua rất nhiều tác phẩm ngài để lại. Tác phẩm của ngài đã giúp cộng đoàn tín hữu sống niềm tin ngay cả khi vắng mặt vì bị lưu đày phương xa. Ngài chào đời khoảng năm 349 ở Antiokia vùng Syria (nay thuộc vùng Antakya ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ).
1. Ngài sống ở Antiokia
Gioan Kim Khẩu mất cha lúc còn niên thiếu, nên chỉ sống với mẹ là bà Anthusa. Ngài được hướng dẫn bởi thầy Libanius một người ngoại giáo và là nhà hùng biện nổi tiếng thời bấy giờ. Nhờ thầy Libanius chỉ dạy, Gioan Kim Khẩu trở thành nhà giảng thuyết vĩ đại nhất của thời kỳ Hy lạp cổ đại. Ngài lãnh nhận phép rửa năm 368, và chính Đức Cha đã cắt cử Gioan Kim Khẩu giữ chức đọc sách 371. Từ năm (367-372) Gioan Kim Khẩu tham dự Asceterius một chương trình đào tạo linh mục ở Antiokia, dưới sự hướng dẫn của nhà chú giải Diodore thành Tacxo, người khơi dậy nơi Gioan Kim Khẩu khuynh hướng chú giải theo nghĩa đen, và văn phạm như truyền thống của vùng Antiokia. Sau đó, Gioan rút vào nơi hoang vắng, sống ẩn tu 4 năm trên ngọn núi Silpius. Trong thời gian đó, ngài dành thời gian hoàn toàn cho việc suy niệm luật của Đức Kitô về sách Tin mừng và đặc biệt thư của Phaolo.
Năm 381 ngài lãnh nhận chức phó tế và thụ phong linh mục năm 386. Thánh nhân là một trong những giáo phụ để lại nhiều văn phẩm nhất (17 khảo luận, hơn 70 bài giảng chính thức, các bài chú giải Tin mừng theo thánh Matthêu và chú giải thư Phaolo). Có thể nói Gioan là một nhân chứng tỏ tường về bước phát triển tín lý của Giáo hội từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ V. Thần học của thánh nhân đích thực là thần học mục vụ, trong ngài luôn quan tâm đến sự nhất quán tư tưởng giảng dạy và kinh nghiệm hiện sinh của con người. Mọi bài giảng của thánh nhân đã nhằm mục đích giúp các tín hữu ngày càng biết sử dụng trí tuệ và lý trí đúng đắn. Dự phóng mục vụ của thánh nhân luôn gắn chặt chẽ với đời sống Giáo hội, trong đó người giáo dân đảm nhận chức vụ Tư Tế, Vương Đế và Ngôn Sứ sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội.
2. Những năm ở Constantinopolis
Sau thời gian sống ở Antiokia, năm 397 thánh nhân được chỉ định làm giám mục thành Constantinopolis thủ phủ của đế quốc Roma phía đông. Ngày từ đầu, Gioan đã có kế hoạch cải tổ cộng cộng đoàn Giáo hội của người. Tính nghiêm ngặt của tòa giám mục phải là gương mẫu cho tất cả mọi người. Gioan tổ chức thiết lập những tổ chức bác ái và trong nhiều lãnh vực, thánh nhân đã trở thành đối thủ nguy hiểm. Ngài mời gọi mọi người tín hữu tham gia vào đời sống phục vụ.
Trong nội bộ Giáo hội, sau khi cắt chức giám mục ở vùng Asia năm 401 do những vị này được bầu chọn không thích hợp, thánh Gioan bị tố cáo là đã vượt quá thẩm quyền của mình và vì thế, dễ dàng trở thành mục tiêu của những lời kết án. Một cuộc tranh luận gay gắt nổi lên, thánh Gioan Kim Khẩu lên tiếng chỉ trích hoàng hậu Eudoxia và những cận thần của bà. Ngài ra khỏi hội nghị do thượng phụ Theophilus tổ chức năm 403. Năm 406 một lần nữa ngài bị lưu đầy và lần này bị tống khứ đến Cucusus ở Armenia. Đức Giáo Hoàng tin rằng ngài vô tội nhưng cũng bất lực và không thể trợ giúp cho thánh nhân.
Hành trình lưu đày của ngài đã dừng lại ở Comana vùng Ponto. Tại đây, người ta thấy ngài kiệt sức hấp hối nên mang ngài đến nhà nguyện thánh Basiliscus tử đạo và chính tại đây thánh nhân đã phó dâng linh hồn trong tay Chúa vào đúng ngày 14/9 lễ suy tôn thánh giá năm 407. Năm 438, hoàng đế Theodosis II đã phục hồi thanh danh cho ngài. Các di tích của vị Giám mục thánh thiện này mới đầu đặt ở nhà thờ các tông đồ ở Constantilopolis nhưng sau đó năm 1204 chuyển đến Vương Cung Thánh Đường ở Constantino ở Roma. Ngày nay được đặt ở giữa cung nguyện của các kinh sư trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô.
Ngày 24 tháng 8 năm 2004, Đức Giáo Hoàng Phaolo đã gửi một phần lớn các thánh tích ấy cho thượng phụ Batolomeo I của Giáo hội chính thống ở Constantinopolis. Phụng vụ kính nhớ thánh nhân vào ngày 13/9. Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên phong thánh Gioan Kim Khẩu là bảo trợ của Công Đồng Vaticano II.
B. Tác phẩm
1. Chú giải Kinh thánh
Người của Kinh thánh: Ngài không những đọc và suy ngẫm mà còn giảng Kinh thánh tổng cộng lên đến 700 bài. Chỉ mình ngài đã chú trọng toàn bộ thư của thánh Phaolo. Ngài thấm nhuần tư tưởng của Phaolo. Vậy đừng tìm kiếm bậc thầy nào khác, vì bạn sở hữu Lời của Thiên Chúa sẽ không ai giáo huấn bạn như Lời Thiên Chúa đâu.
2. Các bài giảng tín lý và hộ giáo
Bản tính Thiên Chúa Vượt qua tầm hiểu biết của chúng ta.
3. Những bài giảng luân lý và hoàn cảnh
Người bảo vệ những kẻ mọn và nghèo hèn: Ngài tấn công những thảm họa xã hội thời mình, không chỉ bằng lối sống đời sống khổ hạnh của ngài mà những người bị bỏ rơi, buộc tội, sự xa hoa vô độ của triều đình và của tầng lớp giàu có và tham lam. Ít có mục tử nào giỏi như Gioan, trong việc rút ra từ Bí tích Thánh Thể nền tảng của sự công bằng xã hội của đức ái đối với những người bất hạnh: “Đức Kitô là lương thực của chúng ta”.
Nhà giáo dục đức tin và mục tử: Từ ngài mà có thành ngữ : “gia đình Kitô hữu là một Giáo hội thu nhỏ” cho nên tác phẩm của ngài được trình bày như một cuốn sách giáo khoa hoàn chỉnh về đời sống Kitô hữu. Lịch sử đặt cho ngài biệt danh “Kim khẩu” - miệng vàng (Chrysostoms).
Bài giảng theo hoàn cảnh: Bài giảng được đọc nhân các ngày lễ phụng vụ hàng năm (Giáng sinh, Hiển linh, Phục sinh). Sự phá đổ các tượng, bênh vực ông Eutropio, ba bài diễn từ chung quanh vụ lưu đày thứ nhất năm (403/404).
4. Khảo luận
Về chức Linh mục: Đây là tác phẩm của ngài và nổi tiếng nhất viết khoảng năm 382.
5. Thư tín
Phần lớn bộ sưu tập 240 lá thư được viết trong thời gian bị lưu đày gửi cho thân tín lo lắng về thân phận của mình. Qua bức thư, người ta có thể hiểu thêm tình hình Giáo hội vào thời ấy cũng như tính khí của Ngài.
C. Tư tưởng
So với các giáo phụ đương thời, thánh Gioan Kim Khẩu không sánh được với Athanasio hoặc Ambrosio về tài ngoại giao trong cách đối xử với chính quyền, không sánh được với Gregori Nissa về thần học sâu sắc. Tuy nhiên, điểm nổi bật của ngài là tài giảng thuyết. Các bài giảng bắt đầu bằng việc chú giải đoạn Kinh thánh liền đó kèm theo những suy niệm, những thí dụ cụ thể, những hình ảnh thực hành cho đời sống đạo.
Về đạo lý, thánh Gioan Kim Khẩu trung thành với đạo lý chính thống về Chúa Ba Ngôi. Người được mệnh danh là tiến sĩ về Thánh Thể vì đã giúp đào sâu niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích này. Trong lĩnh vực thần học luân lý thánh Gioan Kim Khẩu bênh vực người nghèo, và đề cao việc tôn trọng phẩm giá của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- ADALBERT – G. HAMMAN, Để đọc các giáo phụ, chuyển ngữ: Minh Thanh Thủy - Lm Trần Ngọc Anh.
- PHILIPPE TOULT, Nhập môn lịch sử giáo hội, dịch giả: Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, Học Viện Đaminh, Gò Vấp 2020.
- GIÁO HOÀNG BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI, Đăng Trình Với Giáo Phụ, Dịch giả: Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa Học Viện Đa minh, Gò vấp 2020.
- PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn (tập 4)-Thời các Giáo Phụ-Giai đoạn II, Chân Lý 2000.