Giỗ 1 năm thầy Giuse Mỹ - Tưởng nhớ người anh em
Chủ nhật - 05/11/2023 20:37
2888
Ông bà ta có câu “sống kể ngày, chết kể năm”. Câu nói hữu lý ấy cho thấy kinh nghiệm xương máu và ý thức của con người nói chung và người Việt nói riêng về sự sống và cái chết, cũng như về giá trị của thời gian, nhất là sự mong manh của phận người, sự chóng qua của kiếp nhân sinh.
Thật vậy, có khởi đầu, ắt phải có kết thúc, có sinh ắt có tử… Đó là quy luật từ muôn thuở mà không ai có thể phủ nhận dù muốn từ chối hay chạy trốn. Con người là một hữu thể hữu hạn, yếu đuối và nhất là phải chết. Dù cố gắng kéo dài tuổi thọ và đạt được những thành tựu đáng nể trong việc gia tăng sức khỏe hay kéo dài tuổi thọ, nhưng cuối cùng con người vẫn phải chấp nhận một sự thật dù đau đớn: một ngày kia tất cả chúng ta, dù là ai, địa vị nào cũng đều phải chết. Cái chết luôn hiện diện và rình rập. Nó biến mọi thứ tương đối thành tuyệt dối, biến không gian thời gian trở thành hư vô. Tất cả trở về với cái mà chẳng ai biết biết chẳng ai hay, có chăng cũng chỉ còn một thân xác bất động, thối rữa và rồi sẽ trở về với cát bụi trở... Ai trong chúng ta cũng từng đã và sẽ chứng kiến, cũng như kinh nghiệm về cái chết của người khác. Nhưng chẳng ai trên thế giới này có thể kinh nghiệm về cái chết của chính mình, bởi khi nó đến với ta cũng là lúc ta không thể nói kinh nghiệm ấy cho bất cứ ai nữa. Tất cả chúng ta đều sinh ra để phải chết, cũng như ai đó từng nói: “chúng ta đã bị kết án tử ngay từ lúc sinh ra”. Chúng ta đều đang đi về với cái chết… Điều khác biệt là cách chúng ta rời khỏi đời này và thời điểm chúng ta rời bỏ thế gian mà trở về với Chúa mà thôi.
Con người không ngừng suy tư về sự hiện hữu của mình. Dù ngại ngùng cùng khiếp sợ, nhưng con người cũng không ngừng suy tư về cái chết của chính mình để rồi càng suy tư con người càng thấy mình hữu hạn, bất lực và phải chết. Thái độ của mỗi người, mỗi hệ tư tưởng và mỗi tôn giáo với cái chết có thể khác nhau, người bi quan thì sợ hãi, người tích cực thì đón nhận, người dửng dưng thì mặc kệ và cho là phi lý. Và những thái độ ấy dẫn tới thát độ sống của mỗi người, mỗi tôn giáo và cách nhìn nhận giá trị của sự sống và những công việc trên trần gian theo cách mà mình tin và sẽ đón nhận ngày cuối cùng của cuộc đời nơi dương thế. Con người là thế và cuộc đời vẫn vậy… Đức tin Công Giáo giáo xác tín vào linh hồn bất tử và sự phục sinh của thân xác cũng như sự sống đời đời nhờ Đấng Cứu độ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Từ đó, người Công giáo luôn nhìn cái chết với cái nhìn của đức tin và coi đó một bước chuyển tiếp để di vào sự sống đời sau, với sự thưởng phạt dựa trên những việc mà mình đã làm và sống trên trần gian. Chết không phải là hết và người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc đích thực mà chỉ có được nơi Thiên Chúa và nên trọn vẹn trong Nước Trời…
Thời gian có sức mạnh kì lạ, nó cuốn mọi thứ vào quá khứ để rồi chôn vùi mọi thứ và khiến chúng ta có thể bị quên lãng hoặc quên lãng rất nhiều thứ. Thế nhưng, cũng chính thời gian có thể kéo tất cả những thứ tưởng như bị quên lãng vào hiện tại nơi tâm trí trong trí nhớ và trong hồi ức của chúng ta, về những con người và những sự vật hay bất cứ điều gì đã xảy ra và đã qua đi trước chúng ta. Thời gian tiếp tục làm nhiệm vụ của nó và tiếp tục vần xoay. Tháng mười một với một không khí trầm buồn của tiết chuyển mùa, gợi lên trong tâm hồn con người chút gì đó sâu lắng để gẫm và để suy. Giáo hội cũng khôn ngoan đặt tháng này là tháng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục mà trong đó có thể có những người thân của chúng ta. Đó cũng là thời gian Giáo hội, trong niềm tin của mình, muốn con cái mình suy tư về thời cánh chung của con người nói chung và của chính mình nói riêng, bởi ai một ngày kia cũng sẽ phải chết và ra trước tòa phán xét. Nhờ đó, chúng ta không chỉ tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta nhưng còn để ý thức về sự hiện hữu của chính mình cũng như về đời sống của chính mình như những lời thật sâu sắc trong sách Giảng Viên: “một thời để chào đời, một thời để lìa thế”. Dẫu vậy, những ngày đầu của tháng cầu cho các linh hồn giờ đây lại gợi nhớ trong tâm trí nhiều người, nhất là anh em chủng sinh về một con người, một người anh em đã hoàn tất hành trình nơi dương thế cách mà không ai muốn, ở một cái tuổi rất trẻ, đang sung sức và đầy hứa hẹn của đời tu. Cuộc đời là thế và phận người là vậy, thật mong manh, thật đáng thương… nhưng luôn là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu hết được ngoại trừ một mình Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin tưởng và tôn thờ cũng như xác tín chỉ nơi Ngài mới có sự sống lại và sự sống đích thực đời đời…
Thời gian thấm thoát trôi, gần một năm kể từ cái ngày mà cả gia đình Chủng viện cũng như mọi người bàng hoàng về sự ra đi của anh, người chủng sinh như bao chủng sinh khác. Những hình ảnh về sự ra đi của anh, từ lúc nhận được tin sốc ấy cho tới những ngày đám tang và cả sau đó như ùa về và làm dậy lên trong tâm trí em bao điều đáng để suy gẫm, để tưởng nhớ, để cầu nguyện cho anh cũng như để nhìn lại và nhìn lại chính mình. Người xưa có câu “sinh-lão-bệnh-tử” là quy luật mà một đời người phải trải qua. Tuy vậy, có thể nói anh đã kết thúc hành trình ngắn ngủi nơi dương thế mà mới chỉ trải qua hai giai đoạn của đời người. Anh được sinh ra trên đời, được sống là con Chúa, nhất là được tuyển chọn là người của Chúa trong tư cách một chủng sinh dưới mái trường Mẹ Vô Nhiễm. Nhưng có lẽ anh chưa cảm nếm được cái gọi là bệnh và đương nhiên lão là cái mà anh chưa và không bao giờ trải qua. Ấy thế mà, vào cái lúc mà chẳng ai ngờ tới, cái quy luật cuối cùng đã viếng thăm anh và đưa anh về với Chúa mãi mãi. Dẫu biết là con người thì phải chết nhưng sự ra đi của anh ở lúc mà không ai dám hay muốn nghĩ tới lại để lại những ưu tư và suy nghĩ khắc khoải bởi nhiều người, trong đó có em, người mà có lẽ đến lúc anh phải ra đi, mối tương quan của anh em mình thậm chí đã giảm chỉ còn ở mức đồng môn, bởi sự khác biệt về lớp và về tuổi tác… Đó là một quy luật bình thường, nhưng trong tâm trí em, dù không nhiều nhưng cuộc gặp gỡ, mối duyên làm nên tình anh em, tình bạn bè vẫn là thứ đáng để nhớ và nhất là để cầu nguyện cho anh mỗi khi nhớ đến… Tuy nhiên, trong niềm xác tín, em luôn tin rằng “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi…” và anh đã được biến đổi để đi về cõi vĩnh hằng trước chúng em…
Hôm nay, gần tới ngày giỗ một năm của anh, em tản mạn vài dòng không phải để kể lể, cũng chẳng phải để mua nước mắt hay gợi lại bất cứ nỗi đau nào. Trái lại, đôi dòng trước là để suy gẫm về cái mà ai rồi cũng phải trải qua, sau là để cầu nguyện và nhất là để tưởng nhớ lại hình ảnh cũng như những kí ức về anh, người mà em đã từng được sống cùng. Anh là người bình thường về nhiều phương diện, có thể nói không có gì trổi vượt với người khác, có chăng cũng chỉ về ngoại hình và cân nặng, hay về một thứ mà được coi là bí mật của chủng sinh… Thế nhưng, nơi anh vẫn toát lên sự hiền dịu của một người chín chắn, để rồi với sự đào tạo và tự đào tạo, càng tu càng toát ra nơi anh chất tu của một chủng sinh mang danh Mẹ. Những kí ức và những kỉ niệm về anh dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi của lớp Tiền Chủng viện, với những giờ học, những công việc, những cuộc nói chuyện và nhất là những trò nghịch mà chỉ nhà tu và chỉ chủng sinh với nhau mới biết và ôn lại cho nhau mỗi cuộc hội ngộ. Vẫn còn đó ngày nào anh em được sống cùng phòng, ăn cùng bàn, chơi cùng sân. Vẫn còn đó những tiếng ngáy đặc trưng, điêụ cười hiền, những bước chân thong thả với tạ người hơi quá khổ, cùng những kỉ niệm, những hình ảnh vẫn còn sót lại trong kí ức của người đang tiếp tục hành trình này. Anh em chúng ta là những con người, nhất là người trẻ nên sẽ vẫn còn đó những cái thuộc về tuổi trẻ và tất nhiên là những dấu ấn không lệch vào đâu của nhưng tâm hồn dâng hiến, người của Chúa. Một thời để nhớ, để quên, để hồi tưởng và giờ là để cầu nguyện cho linh hồn Thầy Giu-se…
Dẫu vậy, sự ra đi của anh vẫn còn đó những câu chuyện, những lời bàn tán tích cực có và tiêu cục cũng có, thậm chí cả nhưng thêm thắt và nhiều hướng suy nghĩ thật đa dạng và rất người của mỗi người. Nhưng anh mới là người rõ nhất về sự ra đi của mình dù chẳng thể nói với ai được nũa mà có lẽ anh cũng chẳng cần phải giải thích cho bất cứ ai ở cái nơi và giờ đây và mãi mãi anh không thuộc về. Con người vẫn là một hữu thể kì lạ và phức tạp mà chắc chắn anh cũng có những kinh nghiệm và những thấu hiểu về điều đó. Sau cái chết của một người luôn là những câu chuyện, những lời ra tiếng vào mà những câu chuyện đó có thể là những lời an ủi động viên cho người ở lại. Nhưng đâu đó cũng có thể là một cái gì đó dằn thêm nỗi đau… Anh đang ở nơi mà rồi một ngày chúng em cũng sẽ thuộc về. Nhưng chắc chắn anh đã được diện kiến tôn nhan Chúa và rất gần Chúa. Vì thế, anh cũng hãy thông cảm cho nghững con người ở lại bởi đã là người và vẫn là người thì sẽ vẫn những câu chuyện của con người, nhưng hy vọng những câu chuyện, những lời phán xét sớm dừng lại để không dằn thêm nỗi đau, sự mất mát của người ở lại, vì người nằm đó cách đây một năm có thể không phải là anh, mà là bất cứ ai trong chúng ta, những người đang nói về anh và cầu nguyện cho anh. Hãy nghĩ và ngẫm về điều đó. Để rồi, dù không dám hứa cầu nguyện cho anh mỗi ngày, bởi em sợ em cũng chỉ là một kẻ đầy yếu đuối, tội lỗi và xen lẫn đâu đó sự lãng quên, một sự nhớ và quên của con người. Nhưng sẽ vẫn còn đó những lời cầu nguyện của bao người dành cho anh, có thể trong đó có em, và khi anh được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nơi Đấng mà chúng ta tôn thờ và bước theo, xin đừng quên chuyển cầu cho chúng em…
Tắt một lời, con người vẫn thế, vẫn bị chi phối bởi nhớ và quên, bởi sống và chết. Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương và xoa dịu mọi nỗi đau , dù vẫn còn đó những vết sẹo để rồi mỗi khi trái gió trở trời, nỗi nhớ, những kỉ niệm và nhất là nỗi đau của sự mất mát lại ùa về với những người ở lại. Từ đó, những lời cầu nguyện của niềm hy vọng và niềm tin vẫn vang lên mỗi ngày, dù âm thầm hay thành tiếng, để cầu nguyện cho các linh hồn, mà trong đó có người anh em của chúng ta. Ước mong mỗi chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Thầy Giu-se sớm về hưởng nhan thánh Chúa muôn đời...