“Người thân cận” trên mạng xã hội
Thứ năm - 14/12/2023 04:16
972
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45 (năm 2011), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận định: “Các công nghệ mới cho phép người ta gặp nhau vượt qua giới hạn không gian và nền văn hoá của riêng mình, tạo ra một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn và ý thức về những nguy cơ có thể có”. Cũng giống như các phương tiện truyền thông hiện đại khác, mạng xã hội vừa là một ân huệ nhưng cũng vừa là một nguy cơ, đòi hỏi người tín hữu khi sử dụng phải có sự phân định và lựa chọn.
Giáo hội không ngừng củng cố hình ảnh của mạng xã hội như là những “không gian”[1], chứ không chỉ là công cụ và kêu gọi việc loan báo Tin Mừng cả trong môi trường kỹ thuật số (SM 3). Còn hơn là một phương tiện, mạng xã hội là một môi trường trong đó người ta tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp các mối quan hệ chưa từng có trước đây. Nói cách khác, mạng xã hội trở thành một “lãnh thổ truyền giáo mới” không thể bỏ qua. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là: “Dạng nhân văn nào được thể hiện khi chúng ta hiện diện trong các môi trường kỹ thuật số? Được bao nhiêu trong các mối quan hệ kỹ thuật số của chúng ta mang lại hoa trái giao tiếp sâu sắc và chân thực, và có bao nhiêu mối quan hệ chỉ đơn thuần được định hình bởi những quan điểm tiên thiên và những phản ứng cuồng nhiệt? Bao nhiêu phần trong đức tin của chúng ta tìm được cách diễn tả kỹ thuật số sống động và mới mẻ?” (SM 5). Những câu hỏi này liên quan mật thiết đến việc xác định “người thân cận” trên mạng xã hội.
Câu hỏi của nhà thông luật trong Tin Mừng Luca (x. Lc 10,29) được lặp lại một cách hiện sinh: Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Chắc hẳn, dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,30-35) mà Đức Giêsu đưa ra vẫn soi sáng cho câu trả lời. Ngoài ra, Sứ điệp của các Đức Giáo hoàng cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội, cũng như các văn kiện gần đây của Huấn quyền, đặc biệt là Thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội của Đức Thánh cha Phanxicô[3] và Tài liệu Hướng tới một sự hiện diện tròn đầy: Suy tư Mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội của Bộ Truyền thông Toà Thánh[4] cũng giúp minh giải cho vấn đề đặt ra.
1. Ai là “người thân cận” của tôi trên mạng xã hội?
Trên mạng xã hội, “thân cận” là một khái niệm phức tạp. “Người thân cận” trên mạng xã hội rõ ràng nhất là những người mà chúng ta duy trì kết nối. Đồng thời những “người thân cận” của chúng ta cũng thường là những người mà chúng ta không thể nhìn thấy, vì các nền tảng ngăn chúng ta nhìn thấy họ hoặc đơn giản là vì họ không có ở đó. Ngoài ra, “vùng thân cận trực tuyến” cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những tổ chức lập trình và điều hành các nền tảng mạng xã hội (SM 42). Nhưng một cách rất tự nhiên, chúng ta có xu hướng giới hạn “người thân cận” trong số những người cùng nhóm với mình (về quan hệ họ hàng, công việc, quan điểm, tính tình, sở thích...) và ủng hộ mình, hay thậm chí là chỉ những người có lợi cho mình.
Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, chúng ta được mời gọi vượt ra khỏi ốc đảo của mình, thoát ra khỏi nhóm “tương đồng” của mình để gặp gỡ những người khác. Tất nhiên, việc tiếp đón “người khác”, người có quan điểm trái ngược với mình hay một người dường như “khác biệt”, thì chắc chắn không phải dễ dàng (SM 20). Chúng ta được mời gọi nhìn thấy giá trị và phẩm giá của những người khác biệt so với mình. Chúng ta cũng được mời gọi nhìn vượt ra khỏi hệ thống an toàn của mình, khỏi căn hầm của mình, khỏi bong bóng của mình (SM 29). Điều này đòi hỏi mỗi người phải biết tôn trọng quan điểm cũng như thanh danh của người khác; tránh mọi hình thức lợi dụng, miệt thị, bạo lực, gây hận thù...; nhằm kiến tạo sự hiệp nhất và hiệp thông[5]. Bằng không, “không gian mạng khiến mắt chúng ta trở thành mù trước tình trạng dễ tổn thương của người khác”[6].
Mặc dù có bối cảnh rất khác, nhưng dụ ngôn người Samari nhận hậu vẫn truyền cảm hứng cho những mối quan hệ trên mạng xã hội, vì nó minh hoạ khả năng của một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa thâm sâu giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samari phá vỡ “sự chia rẽ xã hội”: anh ta vượt lên trên ranh giới của sự đồng ý và bất đồng. Người lữ khách Samari nhìn thấy nạn nhân, lắng nghe câu chuyện của nạn nhân và chạnh lòng thương, nghĩa là cảm thấy người khác là một phần của mình (x. SM 27). Nói đúng hơn, người Samari nhân hậu trong dụ ngôn không nhìn nạn nhân bị đánh như một “người khác”, mà đơn giản là một người cần được cứu giúp (SM 26). Vì thế, mạng xã hội cần là nơi giúp các cá nhân và cộng đồng đang chịu thiệt thòi giảm bớt được cảm giác bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cảm nhận được nối kết với nhau do các nền tảng mạng xã hội tạo ra đã cho phép họ chia sẻ, thảo luận và tìm kiếm thông tin về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của họ[7].
Quả thật, nhận ra “người thân cận” kỹ thuật số của chúng ta, chính là nhận ra rằng cuộc sống của mọi người liên quan đến chúng ta, cho dù sự hiện diện (hay vắng mặt) của họ được truyền đạt gián tiếp bởi các phương tiện kỹ thuật số (SM 43). Nhìn nhận ai là “người thân cận” phần nhiều sẽ quyết định cung cách hiện diện và tương tác của chúng ta trên mạng xã hội. Và rằng, chúng ta không được phân loại người khác để quyết định ai là và ai không phải là “người thân cận” của mình (SM 55). Rất nhiều “người thân cận” trên mạng xã hội tưởng chừng như không liên quan gì đến cuộc đời của chúng ta. Không phải vì họ đáng yêu nên mới được yêu nhưng khi đã yêu thì sẽ trở nên đáng yêu.
2. Trở nên “người thân cận” của người khác trên mạng xã hội
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã hoàn toàn chuyển hoá cách tiếp cận: Ngài không mời gọi chúng ta đặt câu hỏi ai là người thân cận của chúng ta, nhưng mời gọi chúng ta trở thành người gần gũi, “người thân cận” của mọi người (FT 80). Điều Ngài đề nghị là hãy hiện diện bên cạnh người khác đang cần trợ giúp, không bận tâm thắc mắc người ấy có cùng nhóm với ta hay không. Do đó, tôi không còn nói rằng tôi có những “người thân cận” phải giúp đỡ, nhưng đúng hơn phải nói rằng tôi cảm thấy được kêu gọi trở nên “người thân cận” với những người khác (FT 81). Giáo hội không ngừng mời gọi các tín hữu trở nên “người thân cận” cho những người khác (SGL 1825; 1932). Ngay cả trên mạng xã hội, “chúng ta phải quyết định chọn làm người Samari tốt lành hoặc làm người bộ hành dửng dưng ngoảnh mặt bỏ đi” (FT 69; SM 52).
Trở nên “người thân cận” trên mạng xã hội có nghĩa là hiện diện với câu chuyện của người khác, nhất là những ai đang đau khổ (SM 43). “Thế giới kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một mạng lưới dây nhợ, nhưng là một mạng lưới những con người”[8], nếu chúng ta nhớ rằng ở phía bên kia màn hình không phải là “những con số” hay chỉ là “tập hợp của những cá nhân”, mà là những con người có những câu chuyện, những giấc mơ, những kỳ vọng, những đau khổ. Những con người có tên gọi và có khuôn mặt (SM 47). Thật thế, “người thân cận” không phải là một “cá thể” nào đó giữa tập thể nhân loại, nhưng là “một ai đó”, có nguồn gốc rõ ràng, đáng được mọi người quan tâm và tôn trọng (SGL 2212). Mỗi người phải coi “người thân cận”, không trừ một ai, như “cái tôi thứ hai của mình”, nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng với nhân phẩm (SGL 1931).
“Sự thân cận trong thế giới kỹ thuật số” có thể được thực hiện qua việc thúc đẩy cảm thức cộng đồng và hình thành các cộng đồng chăm sóc. Nó không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ nội dung và sở thích cho nhau nhưng còn phải cùng nhau hành động và trở thành chứng nhân cho sự hiệp thông. Muốn thúc đẩy cảm thức cộng đồng thì cần quan tâm chia sẻ với nhau: các giá trị, kinh nghiệm, hy vọng, nỗi buồn, niềm vui, hài hước và cả những truyện cười, mà tự thân chúng có thể trở thành điểm quy tụ người ta trong không gian kỹ thuật số (SM 51). Điều này chúng ta có thể học hỏi nơi vị thánh trẻ Carlo Acutis. Cùng với đó là việc hình thành các cộng đồng chăm sóc trong bối cảnh kỹ thuật số, như những nhóm được quy tụ để hỗ trợ người khác trong hoàn cảnh ốm đau, mất mát, đau buồn, cũng như những nhóm huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho người gặp khó khăn, và những nhóm cung cấp sự hỗ trợ tâm lý và xã hội giữa các thành viên (SM 57). Các mạng lưới cộng đồng cầu nguyện trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng đáng được nêu tới.
Trở nên “người thân cận” với người khác cũng đồng nghĩa với việc diễn tả một phong cách Kitô giáo hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, tức là mang hình thức của một sự truyền thông trung thực và cởi mở, có trách nhiệm và tôn trọng người khác[9]. Bên cạnh việc tiếp cận người khác với nội dung tôn giáo thú vị, các Kitô hữu cần mang dấu ấn chứng nhân trong tất cả lời nói và hành động (SM 77). Chi tiết những tín đồ tôn giáo, và hơn thế, những chức sắc tôn giáo quay mặt bỏ đi trong dụ ngôn người Samari nhân hậu cảnh báo mạnh mẽ rằng: “Việc tin vào Thiên Chúa và tôn thờ Ngài không bảo đảm cho việc sống theo ý muốn của Ngài” (FT 74). Là một “chức sắc trong đạo” hoặc tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu, thì không có gì bảo đảm rằng họ sẽ giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự chữa lành và sự hoà giải (SM 49). Trở nên những chứng nhân đáng tin cậy của Tin Mừng tức là đang thể hiện sự hiệp thông trên mạng xã hội để xác định căn tính đức tin của mình.
3. Từ “người thân cận” trên mạng xã hội đến “người thân cận” trong đời thực
Ngày nay, chúng ta có thời cơ thuận tiện để chứng tỏ rằng tự bản chất chúng ta là anh chị em với nhau, để trở thành những người Samari tốt lành nhận về mình nỗi đau của người khác, thay vì kích động hận thù và oán giận (FT 77; SM 53). Bởi lẽ, không gian mạng cho chúng ta một phương cách mới để giúp ta trở nên “người thân cận” thật sự, có thể truyền thông tình yêu và tình láng giềng, với những người ở rất xa[10].
Tuy nhiên, một nguy cơ rất dễ thấy nơi những người sử dụng mạng xã hội là việc trở nên rất “gần những người ở xa: nhưng lại rất “xa những người ở gần” (có khi ngay trong gia đình, cộng đoàn, làng xóm). Việc tương tác, lắng nghe và giúp đỡ “người thân cận” trên mạng xã hội cần đi liền với việc tiếp xúc, gặp gỡ và nâng đỡ “người thân cận” trong đời thực. Không thể coi là đúng đắn nếu quá hào hứng với những tương quan trên mạng xã hội mà thờ ơ với những liên hệ thực tế. Sẽ thật thiếu sót nếu quá mải mê với thế giới ảo mà bỏ bê thế giới thực. “Người thân cận” trên mạng xã hội đáng được chúng ta coi trọng nhưng “người thân cận” trong đời thường thì chúng ta cũng không thể bỏ qua. Những mối liên hệ cộng đồng trên mạng xã hội cần phải củng cố các cộng đồng địa phương và ngược lại. Thế giới ảo có thể hướng chúng ta về đời thực, nhưng không thể thay thế đời thực.
Quả thật, việc sử dụng mạng xã hội là bổ trợ cho những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt (x. SM 47). Sau khi những kiến thức được phổ biến rộng rãi trên Internet, việc trao đổi gặp gỡ nhau trên mạng xã hội phải dẫn đến những cuộc gặp gỡ trực tiếp; lúc đó các tín hữu mới có thể trở nên chứng nhân Tin Mừng đích thực[11]. Hơn nữa, Giáo hội dạy rằng: Không có bí tích trên Internet, và thậm chí kinh nghiệm tôn giáo bởi hồng ân của Chúa có thể nhận được trên Internet cũng không đủ, nếu không có sự tương tác thực sự ngoài đời với người khác trong đức tin[12]. Truyền thông chỉ trở nên đúng nghĩa và tròn vai khi “truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực”[13], ở đó có một sự gắn kết chặt chẽ “từ các cộng đồng mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại”[14].
Bộ Truyền thông Toà Thánh cũng khẳng định: Là những tín hữu, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà truyền thông, là những người muốn hướng tới sự gặp gỡ. Bằng cách này, chúng ta có thể tìm kiếm những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa và lâu bền, chứ không chỉ hời hợt và phù du. Thật vậy, khi định hướng các kết nối kỹ thuật số hướng tới gặp gỡ những con người thực, hình thành các mối quan hệ thực và xây dựng các cộng đồng thực, đó là chúng ta đang thực sự nuôi dưỡng mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Nghĩa là, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng phải được nuôi dưỡng qua việc cầu nguyện và đời sống bí tích của Giáo hội, những điều mà tự yếu tính của chúng không bao giờ có thể bị thu gọn vào lĩnh vực “kỹ thuật số” (SM 24).
Có thể nói, vấn đề đối với các Kitô hữu ngày nay không còn là có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số (cách riêng là mạng xã hội) hay không, mà là tham gia như thế nào (SM 2). Việc nhận ra “người thân cận” của mình và thao thức trở nên “người thân cận” của người khác trên mạng xã hội sẽ giúp mỗi tín hữu thực thi sứ mạng Phúc Âm hoá trong môi trường đặc biệt này. Điều này khuyến khích cả cá nhân lẫn các cộng đoàn có một cách tiếp cận đầy tính sáng tạo và xây dựng, vốn có thể củng cố một nền văn hoá tương thân tương ái (SM 5). Nhờ đó, trong tư cách cá nhân và trong tư cách cộng đoàn Giáo hội, chúng ta có thể sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số” (SM 1).
Các chữ viết tắt:
SGL: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo năm 1992.
FT: Thông điệp Fratelli Tutti (03/10/2020) của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
SM: Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy: Suy tư Mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội (28/5/2023) của Bộ Truyền thông Toà Thánh.
[1] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 (năm 2013).
[2] x. Sứ điệp của Đức Thánh cha nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội, theo WHĐ (20/5/2023): https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-50817
[3] PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti (03/10/2020), Nhóm Dịch thuật HĐGMVN chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2021.
[4] BỘ TRUYỀN THÔNG TOÀ THÁNH, Tài liệu Hướng tới một sự hiện diện tròn đầy: Suy tư Mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội (28/5/2023), bản dịch của Uỷ ban Truyền thông xã hội / HĐGMVN, theo: https://www.vatican.va/roman_curia/dpc/documents/20230528_dpc-verso-piena-presenza_vi.html
[5] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992), số 43: “Nhân loại càng ngày càng nhạy cảm đối với sự hiệp thông: ngày nay hiệp thông là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và là một trong những đường lối hữu hiệu nhất của sứ điệp Tin Mừng”.
[6] PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 90.
[7] x. LÊ ĐỨC, “Vai trò của mạng xã hội trong cuộc sống của di dân lao động trẻ Việt Nam ở Thái Lan”, trong Bản tin Hiệp thông của HĐGMVN, số 125 (tháng 7 & 8 năm 2021): Giới trẻ và Mạng xã hội, tr. 129.
[8] x. PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 48 (năm 2014).
[9] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45 (năm 2011).
[10] x. PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 50 (năm 2016).
[11] x. PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 55 (năm 2021).
[12] x. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI, Giáo hội và Internet (22/02/2002), số 9.
[13] x. PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 48 (năm 2014).
[14] x. PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 53 (năm 2019).