Chị thân mến,
Trong những ngày đầu năm, tâm tình cầu nguyện của em cứ quanh quanh nơi những suy tư vụn dại. Một buổi tối bình yên, mới tan lễ, ra về, em được người thân giới thiệu về gia đình chị, một gia đình đang có ý tìm hiểu, gia nhập đạo Chúa và họ đưa gia đình chị đến nói chuyện với em. Lúc ấy, hình như em cảm nhận được gia đình chị mong muốn được em nói về niềm tin vào Thiên Chúa cho chị và gia đình nghe bởi gia đình chị đang chuẩn bị cho quyết định trở thành Con Chúa trong Hội Thánh Công giáo. Trong giới hạn về khả năng diễn đạt cũng như những am hiểu giáo lý còn hạn chế, không biết nói về niềm tin và Thiên Chúa liệu nghe lọt tai không nhỉ? Một vài giây suy nghĩ, em quyết định: Thôi cứ thử xem.
Nhưng em đâu hiểu biết gì về gia đình chị? Và em được người thân chia sẻ đôi chút về gia đình, dần em cũng hiểu được phần nào. Nhìn những giọt nước mắt của chị vô tình rơi, em thấy một niềm khao khát mãnh liệt vào một điều gì đó cao cả hơn của gia đình chị nơi cuộc sống phàm trần này. Nếu không, có lẽ chị đã không tới đây.
Em viết nên những hàng chữ này với mong muốn giúp chị một cái gì đó? Cũng có thể! Ngay khi đang viết những dòng này, em cầu nguyện đặc biệt cho chị. Em biết rằng giờ phút này chị đang rất đau khổ. Chắc hẳn những năm tháng qua, chị đã có nhiều đêm thức trắng. Thực sự, em chẳng thể nào hiểu thấu được những gì chị đang phải gánh chịu. Làm sao không thất vọng được khi biết cuộc sống gia đình mình chẳng được như người ta? Làm thế nào để quên đi nỗi ám ảnh cứ hiển hiện trong đầu óc chị? Làm thế nào có thể vui sống được ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã này? Một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Đứng trước đau khổ, tốt hơn hết là không nên nói gì, mà chỉ thinh lặng để hiểu và cảm thông”. Tuy nhiên, những lời nói nếu có thể dọi chiếu được một tia sáng dù yếu ớt, thì cũng có thể là điều cần thiết lúc này. Và em nghĩ chị cũng đang chờ mong một lời khuyên có thể giúp chị tìm ra được một hướng đi cho cuộc đời mình. Đó là lý do mà gia đình chị và em có cơ hội gặp gỡ.
Trong cuộc sống con người, ai mà chẳng có những nghịch cảnh. Không có nghịch cảnh, có lẽ cuộc sống con người sẽ trở nên nhạt nhẽo hơn. Một con thuyền được đóng là để đi ra biển lớn. Con thuyền càng gặp sóng gió, càng có cơ hội chứng tỏ sức bền của nó. Nếu chỉ ở những dòng sông êm đềm, con thuyền sẽ chẳng có cơ hội thử sức mình. Con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Người ta thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Không trải qua những gian nan khốn khó, con người sẽ chẳng học được bài học gì. Đức Giê-su, Thiên Chúa của chúng ta khi làm người, Ngài cũng trải qua những đau khổ. Bài học Chúa để lại cho nhân loại chính là tình yêu thương và sự tha thứ. Vượt lên trên những phản bội, dối trá, bất công là khuôn mặt của Chúa Giê-su tràn đầy tình yêu. Trên Thập giá, Chúa đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình. Chúa cho thấy con người có thể đi đến tận cùng của sự tha thứ như thế đó. Đừng quên Chúa cũng là một con người thực sự. Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng, thực ra chẳng có ai là kẻ thù cả. Kẻ thù lớn nhất vẫn là chính bản thân mình thôi. Khi mình tha thứ thì không phải là tha thứ cho ai cả mà là tha thứ cho chính mình. Chính bản thân mình được giải thoát, được bình an. Nếu hiểu được như thế, sự tha thứ không phải là điều quá khó với chúng ta.
Lật qua những trang Tin Mừng, hình như, Chúa Giê-su không màng chi quá khứ. Ngài luôn nhìn con người trong nhãn quan của hiện tại. Chẳng thế mà Chúa không ngần ngại chọn những con người mà con mắt người đời cho là tội lỗi. Một Matthêu, người thu thuế; một Phê-rô nóng nảy, một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một Giuda phản bội... Chúa vẫn cứ chọn họ. Cả chị và gia đình chị cũng thế ấy. Với Chúa, mọi sự đều có thể mà. Chúa muốn dạy con người bài học hãy luôn nhìn người khác trong cái nhìn đó, và đừng nhìn bản thân trong cái nhìn tiêu cực để rồi thất vọng, mà hãy nhìn lên, nhìn lên bằng cặp mắt hy vọng. Chúa vẫn chờ ta ở cuối con đường. Ngài không để ai phải đau khổ quá sức chịu đựng đâu chị. Hãy luôn sống giây phút hiện tại. Mọi chuyện rồi cũng qua. Sau cơn mưa, trời lại nắng. Sau những gian nan thử thách, em hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp với chị. Xin Chúa chúc lành cho chị và đồng hành với chị trên mọi nẻo đường.
Nghe xong câu chuyện của gia đình, cách riêng là của chị, em nhận thấy mình cũng nên có chút gì đó để nói với chị hầu khơi lên niềm hi vọng. Với em, không ai khác, Chúa là Đấng em sẽ giới thiệu lúc này.
“Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đó là định nghĩa ngắn gọn nhất, đầy đủ nhất mà em hay nói về Ngài. Ngài dựng nên em, nên chị, nên muôn người và muôn vật. Ngài yêu tất cả nên Ngài cho chúng ta quyền tự do lựa chọn. Ngay cả việc lựa chọn Ngài. Niềm Tin không thể cân, đo, đong, đếm được, Nhưng đã là người Công giáo thì chúng ta phải có cách thức thể hiện đức tin của mình. Hẳn là chị có lẽ đã nhìn thấy người Công giáo làm dấu trong những bữa cơm, hay những ngày từ chối đi làm, đi chơi để giữ lễ Chúa Nhật. Rồi hôm nay, đi tham dự Thánh Lễ, chắc chị cũng chẳng hiểu gì những lời kinh lời nguyện mà mọi người đang đọc với nhau... Đi xa hơn, có lẽ lúc này, lý trí mách bảo chị sẽ hỏi em Thiên Chúa có thật không? Em sẽ trả lời cho câu hỏi rất chính đáng ấy một cách đơn giản rằng: Chắc chắn là Ngài có thật. Nếu không niềm tin của em và hàng tỷ người trên thế giới này là trống không hay sao?
Xin được minh chứng bằng một số ví dụ:
Chắc chị cũng cảm nhận được rằng: Có gió. Gió được hình thành khi xảy ra sự thoát khí của các nguyên tố hóa học nhẹ từ khí quyển của một hành tinh vào không gian. Chẳng ai nhìn thấy gió và sự hình thành của nó, tại sao ta vẫn tin là có gió? Cũng như khi chị được cho biết là đỉnh Fanxipăng cao 3147,3 m, nhưng chị có cách nào để kiểm chứng nó cụ thể không? Hay chỉ là tin lời của nhà khoa học? Thiên Chúa cũng như vậy đó chị ạ! Ngài luôn hiện hữu nhưng chị không thể nhìn thấy hình dáng Ngài. Chị chỉ thấy Ngài khi có “con mắt đức tin”. Hẳn là trên thế gian này tất cả mọi người đều phải tin vào kẻ khác vì không ai có thể tự mình biết được mọi sự. Cả trong đời sống nữa, nếu không tin vào những người xung quanh làm sao ta sống được. Nói như vậy mới biết chữ Tin nó quan trọng như thế nào. Tin là chấp nhận cả những khi ta không được “thấy tận mắt, bắt tận tay”. Còn bằng chứng để có thể nhận biết được Thiên Chúa cũng không khó đâu chị. Chị biết tại sao em lại khẳng định Thiên Chúa có thật và niềm tin của em là một hành động hoàn toàn hợp lý không?
Cuộc sống ồn ào quá khiến chúng ta không còn giờ để thinh lặng. Giờ đây, em mong chị mỗi ngày hãy dành chút thời gian trong ngày sống để ngắm cảnh thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá xung quanh chúng ta… Mặt trời, mặt trăng và cả núi đồi, biển cả nữa. Chúng thật đẹp và kỳ vĩ phải không? Vẻ đẹp ấy là một lời tuyên xưng rồi! Loài người liệu có làm ra chúng được không? Hơn nữa khi chúng ta học địa lý, cả chị và em đều thừa biết rằng các hành tinh luôn chuyển động rất trật tự. Trái đất tự quay quanh trục mất 24h, trái đất lại quay quanh mặt trời mất 365 ngày, tương đương với một năm vừa qua và nhờ thế mà sinh ra 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Giả như nếu chúng đứng yên hoặc quay sai trật tự thì sẽ ra sao nhỉ? Ai điều khiển chúng? Con người chăng? Không đâu chị! Do Thiên Chúa, Đấng tạo dựng lên chúng. Nhà bác học Newton từng nói: “Tôi đã nhìn thấy Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi”. Đúng thế, vũ trụ này quả là một sáng tạo kỳ diệu của Người…
Ngay chính cơ thể con người cũng là một kỳ công tuyệt vời hơn hết của Chúa. Có lẽ các bác sĩ sẽ hiểu rõ điều này hơn chúng ta. Cây cỏ, muông thú, cứ mỗi loài một vẻ, không ai giống ai, không vật nào giống vật nào… Chị có Tin hay không là quyền tự do của chị. Còn em, em thấy mình thật nhỏ bé và hữu hạn trước kỳ công của Ngài.
Con người là thế, là hữu hạn, là nhỏ bé. Em cảm nhận rất rõ điều này. Trong 3 ngày, chứng kiến 5 cuộc "lên đường" và đó đều là những cuộc "lên đường" bất ngờ, thật bất ngờ của những người mà theo nhãn quan nhân sinh thì hẳn là họ quá vội vàng: Ra đi không một câu căn dặn, ra đi không một lời chia tay. Người lớn tuổi cũng xấp xỉ lục tuần, kẻ trẻ nhất mới ngoài đôi mươi. Nếu chỉ chứng kiến những thân xác bất động của người đã ra đi, em chắc không có được những dòng chia sẻ này. Tuy nhiên, nhìn những dòng nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào của những người còn ở lại, em được cảm nghiệm một cách rõ ràng về sự hữu hạn, mong manh của kiếp người...
Là con người, chúng ta chỉ có một lần để được sinh ra, có một cuộc đời để sống và một cùng đích để trở về – về với nguồn gốc của chính mình. Nghĩ về cuộc đời, cố nhạc sĩ họ Trịnh đã thổn thức tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi..”. Ai trong chúng ta rồi cũng phải bước qua cánh cửa sự chết. Mỗi người đều phải kinh qua quy luật nghiệt ngã của kiếp nhân sinh: “sinh – lão – bệnh – tử”! Không ai được đặc ân thoát khỏi quy luật đó: dù là người giàu có, quyền cao chức trọng hay thường dân nghèo khổ; người gian manh độc ác cũng như người lành đức, v.v., mỗi người mỗi cách và mỗi thời điểm khác nhau, không ai giống ai. Và những gì sẽ xảy ra sau khi chết vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ… vì đó là một bí mật riêng mỗi người tự mình khám phá. Đó quả là một sự thật phũ phàng, một thực tế trần trụi sau tấm áo nhân sinh. Vịnh gia đã thốt lên những lời chân lí cho chúng ta những cảm nghĩ sâu sắc về kiếp người:
“Đời sống con người chóng qua như cỏ.
Như bông hoa nở trong cánh đồng.
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (Tv. 102:3).
Và:
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,11-13).
Vì thế, sống như thế nào mới là điều quan trọng, đáng để chúng ta lưu tâm. Sống để chuẩn bị cho cái chết là một sự chuẩn bị khôn ngoan. Nhưng chúng ta sẽ sống như thế nào? Và chuẩn bị những gì? Lời khôn ngoan của Vịnh gia đã khuyên dạy chúng ta:
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).
Rồi một ngày nào đó sẽ đến em, đến chị và tất cả chúng ta... Thật là vui khi em được người thân cho biết và cho gặp chị. Chúc mừng chị và gia đình đã dần khám phá ra một Đấng Tuyệt Đối mà mỗi người cần phải tìm kiếm trong cuộc đời. Tuy nhiên, cổ nhân dạy: “vô tri bất mộ”. Hẳn là chúng ta phải hiểu thì mới yêu, có yêu thì mới tin, có tin thì mới sống và hành động đúng được. ĐỨC TIN là cả một quá trình khám phá về Thiên Chúa. Nếu chị và gia đình muốn thì chắc chắn gia đình sẽ làm được. Ước gì có một ngày không xa gia đình chị sẽ chững chạc tuyên xưng rằng: “Tôi tin có Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình…”. Em sẽ rất vui mừng khi gia đình chị chính thức trở thành Kitô hữu trong Hội Thánh của Chúa Kitô.
Để kết thúc, xin hãy đọc cùng em câu kinh cảm động của một vị thánh: “Lạy Chúa tôi, Chúa là gì? Chúa là ai? Nếu Chúa không phải là Thượng Đế, là Thiên Chúa vô cùng uy nghiêm, đồng thời cũng vô cùng tốt lành. Quyền năng của Chúa rất nhân từ và cũng rất công minh. Kín mật hơn cả và cũng rõ rệt hơn cả. Tốt đẹp nhất, hùng mạnh nhất, vững chắc nhất và không sao hiểu thấu được. Bất di bất dịch và là nguyên nhân của mọi thay đổi. Không bao giờ cũ và cũng không bao giờ mới. Luôn luôn hành động và luôn luôn nghỉ ngơi. Lạy Chúa! Lời con nói thì thấm gì với sự thật nơi Chúa. Khi nói về Chúa người ta nói được gì?”
Hãy luôn sống giây phút hiện tại. Mọi chuyện rồi cũng qua. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Sau những gian nan thử thách, em hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp với chị. Xin Chúa chúc lành cho chị và đồng hành với chị trên mọi nẻo đường. Có khó khăn đó, nhưng có Chúa hiện diện mà, chị và gia đình cứ yên tâm. Có Chúa đi cùng!
Mến chào chị,
23h00, 05/01/2024