Một cái nhìn về sự chết dưới nhãn quan Kitô giáo

Thứ năm - 22/02/2024 20:58  498
thang11nghivecaichetTrong lịch sử hiện hữu, có những giới hạn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với sự vươn lên cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, con người đã và đang lao mình về phía trước, vượt qua những giới hạn, khám phá những quy luật, đạt tới hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác trong mọi lĩnh vực của hành trình tri thức, cũng như làm dày thêm, phong phú thêm kho tàng tri thức của nhân loại. Với bản tính ham sống, con người thậm chí nuôi ảo tưởng về sự toàn năng của mình, không ngừng mơ về một ngày sự hiện hữu của mình không còn bị đe dọa, không còn bị giới hạn bởi một quy luật bất khả thắng, một quy luật đặt giới hạn tuyệt đối cho sự hiện hữu của con người… đó chính là cái chết. Con người có thể làm đủ cách để kéo dài sự sống, nhưng cuối cùng vẫn phải đầu hàng và chấp nhận một quy luật nghiệt ngã mang tính định mệnh của kiếp nhân sinh, đó chính là con người là một sinh vật phải chết, con người được sinh ra là để đi đến với cái chết.[1] Đối diện với cái chết, con người có thế vui vẻ chấp nhận trong niềm tin, cũng có thể nổi loạn chạy trốn, những vẫn phải đón nhận nó dù trong sự tuyệt vọng, hay thản nhiên coi nó như một sự phi lý không thể chấp nhận… tất cả phụ thuộc vào niềm tin và thái độ của từng người. Nhưng sau tất cả, con người vẫn phải chết. Cái chết là điều được phân phát công bằng nhất cho con người không phân biệt họ là ai hay sống ở đâu, địa vị nào, giàu sang hay nghèo hèn, vĩ đại hay bé nhỏ… Cái chết chắc chắn sẽ viếng thăm tất cả mọi người nhưng đó lại là cuộc viếng thăm duy nhất, chỉ một lần duy nhất và chắc chắn nhất, một cuộc viếng thăm đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng, người bạn gặp lần đầu những cũng là người bạn gặp lần cuối để chấm dứt sự hiện hữu của một hữu thể mang tên con người trên thế giới, dù họ là ai, bất cứ ai…[2]

Tất cả chúng ta đều sinh ra để phải chết, cũng như ai đó từng nói: “chúng ta đã bị kết án tử ngay từ lúc sinh ra”. Chúng ta đều đang đi về với cái chết… Điều khác biệt là cách chúng ta rời khỏi đời này và thời điểm chúng ta rời bỏ thế gian mà trở về với Chúa mà thôi. Con người không ngừng suy tư về sự hiện hữu của mình. Dù ngại ngùng cùng khiếp sợ, nhưng con người cũng không ngừng suy tư về cái chết của chính mình. Để rồi càng suy tư con người càng thấy mình hữu hạn, bất lực và phải chết. Thái độ của mỗi người, mỗi hệ tư tưởng và mỗi tôn giáo với cái chết có thể khác nhau, người bi quan thì sợ hãi, người tích cực thì đón nhận, người dửng dưng thì mặc kệ và cho là phi lý. Và những thái độ ấy dẫn tới thát độ sống của mỗi người, mỗi tôn giáo và cách nhìn nhận giá trị của sự sống và những công việc trên trần gian theo cách mà mình tin và sẽ đón nhận ngày cuối cùng của cuộc đời nơi dương thế. Con người là thế và cuộc đời vẫn vậy… Đức tin Công Giáo giáo xác tín vào linh hồn bất tử và sự phục sinh của thân xác cũng như sự sống đời đời nhờ Đấng Cứu độ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Từ đó, người Công giáo luôn nhìn cái chết với cái nhìn của đức tin và coi đó một bước chuyển tiếp để di vào sự sống đời sau, với sự thưởng phạt dựa trên những việc mà mình đã làm và sống trên trần gian. Chết không phải là hết và người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc đích thực mà chỉ có được nơi Thiên Chúa và nên trọn vẹn trong Nước Trời…

Niềm tin Ki-tô giáo xác tín rằng do hậu quả của tội lỗi, con người dường như đánh mất nơi mình tình trạng thánh thiện nguyên thủy để rồi trở nên một sinh vật thống trị, biến mình thành trung tâm nhưng thật yếu hèn, thật mong manh và phải chết. Theo thánh Công đồng thì “những kẻ tin cũng như những kẻ không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật. Nhưng con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa với những khó khăn này, Giáo Hội, vì nhận được mạc khải từ Thiên Chúa, có thể đem lại lời giải đáp cho thấy rõ thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời giúp nhận thức cách xác đáng phẩm giá và ơn gọi của con người.”[3] Nhờ đó, sự trần trụi giúp con người nhận ra sự bất lực yếu hèn của mình, để từ đó cùng nhau tái xây dựng một trật tự xã hội bền vững hơn, nhân bản hơn và đạo đức hơn. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, cuối cùng con người vẫn phải chấp nhận bước qua cánh cửa cuối cùng của cuộc đời là cái chết, mội nỗi khắc khoải lớn luôn thường hằng và gặm nhấm thân phận con người.

Thật vậy, “thoạt nhìn ta thấy xã hội chúng ta ngày nay có những quan niệm mâu thuẫn lạ lùng về cái chết. Một mặt, họ coi đó là điều cấm kị, càng tránh nói hoặc nghĩ tới được chừng nào càng hay. Mặt khác ngược lại, có người lại tìm cách phô bày nó ra. Sự phô bày này hoàn toàn tương ứng với việc phá bỏ những làn ranh thẹn thùng trong mọi lĩnh vực cuộc sống khác… Nhưng nếu quan sát kĩ, có thể đó là một diễn tiến gồm hai giai đoạn, vốn quyện vào nhau nhiều chỗ, những vẫn có thể phân biệt được. Thế giới tư sản che giấu sự chết… khuynh hướng ém nhẹm cái chết được hỗ trợ cách hữu hiệu bởi cơ cấu tổ chức xã hội tân tiến ngày nay…. Tuy nhiên, song song với diễn tiến đó, có một thái độ của một thành phần ưu tú, họ không muốn tham dự vào cuộc chơi giấu giếm chung và nghĩ rằng họ sẽ thắng vượt sự vô nghĩa bằng cách trực tiếp đối diện với cái vô nghĩa đó. Song trái lại, một quan điểm thứ ba ngày càng trở nên phổ biến… đó là việc tầm thường hóa cái chết dựa trên nền tảng chủ nghĩa vật chất… Quan điểm này  chẳng khác gì thái độ cấm kị đối với cái chết của giới tư sản. Cả hai trường hợp người ta đều chặn lại cánh cửa đi vào siêu hình nơi cái chết… Tất cả những điều trên tạo hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ của con người đối với chính mình và đối với thực tế cuộc sống nói chung… Cái giá phải trả cho việc xua đuổi nỗi sợ này quá cao. Khi nhân tính bị loại ra khỏi cái chết, thì đương nhiên cuộc sống cũng mất nhân tính. Khi bện và chết bị đẩy xuống hàng khả thi của kĩ thuật thì con người cũng bị đẩy xuống đó theo….”[4]

Tuy nhiên, Giáo hội, trên nền tảng Kinh Thánh, luôn nhìn nhận cái chết dưới lăng kính đức tin, như một mầu nhiệm mà con người không thế hiểu một cách thấu đáo và có thể giải quyết. Đó là cái ác cuối cùng và ghê sợ nhất mà con người không thể đánh bại tự sức mình ngoại trừ việc tặc lưỡi chấp nhận nó như một thực tại, để rồi hướng tới một sự sống cao cả hơn với linh hồn bất tử và cuộc sống bật diệt. Thật vậy, “trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng tình cảm, con người có lý để ghê sợ cũng như phản kháng tình trạng hủy hoại hoàn toàn và sự kết thúc chung cuộc của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình, vốn không thể chỉ giản lược vào vật chất, luôn vùng lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: thật vậy, việc kéo dài tuổi thọ cho đời sống thể lý không thể thỏa mãn được nỗi khát vọng về một cuộc sống mai sau đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, trong khi óc tưởng tượng của con người đành bất lực, thì Giáo Hội, được mạc khải chỉ bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng: cái chết thể xác, điều mà con người đã có thể tránh nếu như không phạm tội; sẽ bị đánh bại khi con người nhờ Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mà được đón nhận lại ơn cứu rỗi, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa đã và vẫn đang kêu gọi con người gắn bó trọn vẹn với Ngài trong sự thông hiệp đời đời vào sự sống thần linh bất khả hủy diệt. Chúa Ki-tô đã đem lại chiến thắng ấy khi giải thoát con người khỏi tử thần nhờ cái chết của Người và khi sống lại, Người đã đem lại sự sống cho con người.Như thế, đức tin, với những lý chứng vững chắc, đã đem lại lời giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình, đồng thời, đức tin còn giúp con người có thể hiệp thông với những người thân yêu đã chết trong Đức Ki-tô, với niềm hy vọng rằng những người ấy đã nhận được sự sống đích thực bên cạnh Thiên Chúa.”[5]

Như thế, cái chết chính là trạm dừng chân cuối cùng của thân phận con người do hậu quả của tội lỗi. Thiên Chúa không muốn con người phải chết, Ngài yêu con người bằng một tình yêu muôn thuở và vĩnh cửu, mặc cho sự bội phản của con người. Bằng chứng sống động nhất là Ngài đã cho Con Một mình đến thế gian, để nên giống con người: một hữu thể vô biên đã chấp nhận trở thành một hữu thể hữu hạn, bất toàn sống như con người ngoại trừ tội lỗi, để rồi cùng chung sống, đồng cảm với kiếp nhân sinh. Cuối cùng, Đức Giê-su sau khi chấp nhận sống trọn kiếp người, Ngài cũng cảm nếm chặng cuối cùng của phận người, đó là cái chết. Một hữu thể lẽ ra không bao giờ phải chết, lại phải chấp nhận cái chết, một hữu thể tuyệt đối lại chấp nhận bị cái giới hạn của con người hủy diệt. Nhưng Ngài chịu chết bằng chính công cụ, bằng chính hình phạt đáng sợ nhất mà con người có thể nghĩ ra – Thập giá. Để rồi từ hình phạt ấy, Con Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của thân phận con người, Ngài không chỉ chịu đau đớn tủi hổ về thể xác như một con người bình thường, nhưng như một tội nhân, một kẻ thủ ác ngang hàng với quân trộm cướp và lũ giết người, với một hình phạt đáng xấu hổ nhất, trần trụi nhất. Nếu Chúa Giê-su đến trần gian với hai bàn tay trắng, với thân thể trần trụi trong cái giá rét của đêm đông, thì Ngài cũng trở về cùng Chúa Cha không một mảnh vải che thân trong sự trần trụi, cùng nỗi thống khổ thẳm sâu của thân phận con người. Tuy nhiên, nếu hai tên trộm cướp bị đóng đinh vào cây thập giá “xứng với việc họ làm” thì Chúa Giê-su lại chấp nhận hình phạt Ngài không đáng phải nhận, để chịu đau khổ, chịu sự sỉ nhục và chịu cái chết tức tưởi trên thập giá, nhưng trong một tinh thần hoàn toàn tự do, tự nguyện và với sự tha thứ. Để rồi, từ một biểu tượng của cái chết, thân xác của Con Thiên Chúa đã biến cây thập giá thành cây Thánh giá, biến biểu tượng của sự chết thành biểu tượng của sự sống. Hơn nữa, chính từ biểu tượng của cái chết, ơn cứu độ được lan tràn tới toàn thể nhân loại. Đức Giê-su đã kéo mọi tội lỗi nhân loại và đóng vào cây Thánh giá và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm, làm cho ma quỷ và sự chết trở thành kẻ thua cuộc. Từ đó, sự sống mới được phát sinh và ban phát cho những kẻ tin vào Ngài.

[1] Martin Heidegger
[2] Cf. https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/dtc-benedicto-xvi-chi-mot-con-nguoi-13874.html
[3] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 12
[4] Cf. Joseph Ratzinger, Biển Đức XVI, Chết và sự sống đời sau, Phạm Hồng Lam dịch, Nxb Tôn Giáo, tr. 95-98
[5] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 18

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập213
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay70,214
  • Tháng hiện tại1,167,959
  • Tổng lượt truy cập71,195,716
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây