Sống đời trinh khiết để hoà mình vào thiên thu

Thứ năm - 07/03/2024 03:19  789
st josephLật mở các trang Tin Mừng, có rất ít những chỉ dẫn về thánh Giu-se; vì vậy, rất khó để cho chúng ta tái tạo một cách chính xác và đầy đủ về cuộc sống của Ngài. Tuy nhiên, đó không phải là lý do làm cho Thánh Giu-se bị lãng quên; ngược lại, ta thấy có một số lượng không hề nhỏ những suy tư về thánh Giu-se. Ngài thật xứng đáng khi là “Cha nuôi con Đức Chúa Trời” bởi vì nơi Ngài hội tụ nhiều nhân đức trổi vượt cho chúng ta noi theo: Ngài là người công chính, Ngài là một người gia trưởng trong gia đình Na-da-rét, Ngài là mẫu gương cho những người lao động, v.v. Khơi gợi và nhắc nhớ tới những vẻ đẹp thánh thiêng của thánh cả Giuse, cùng danh hiệu là “cha”, là đấng “cực thanh cực tịnh” Đức Thánh Cha Phanxicô trong “Tông thư Trái tim của người cha” (Patris Corde) đã nhấn mạnh một cách rõ nét và chỉ cho chúng ta thấy rằng: “Những tước hiệu đó không đơn thuần là một dấu chỉ của lòng yêu mến, mà còn tóm lược một thái độ đối lập với tính chiếm hữu. Thanh khiết là sự tự do thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống của mình. Chỉ khi nào tình yêu thanh khiết, thì khi đó tình yêu mới là thực sự…” Đàng khác, cũng trong Tông thư này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã miêu tả thánh Giuse như là một người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là đấng rất thanh khiết, nghĩa là đối nghịch với sự chiếm hữu. Ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là trao tặng chính mình, luôn tin tưởng, không than van, luôn thinh lặng, nhưng thể hiện bằng những việc làm cụ thể.

Trong lịch sử Giáo hội, sự thanh khiết, khiết tịnh của Thánh Giu-se đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh luận. Trước tiên, chúng ta cùng đi tìm hiểu khái niệm “đồng trinh” và “trinh khiết”. Thông thường khi nói đến “đồng trinh” hay “khiết tịnh” người ta thường hay gắn với người nữ hơn là người nam. Trong Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đồng trinh là một đặc sủng, một quà tặng, Thiên Chúa ban cho những người tự nguyện hiến thân vì Nước Trời, và là một hồng ân cho Hội thánh. Trinh khiết được hiểu là giữ thân xác trong sạch, không quan hệ tính dục. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo từ số 2337 đến số 2359 có đề cập tới vấn đề này:

Sự khiết tịnh là việc hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị, và qua đó, là sự thống nhất nội tâm của con người là thực tại vừa thể xác, vừa tinh thần…Nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân.

Đồng trinh là tình trạng những người thanh sạch, về mặt thể lý và luân lý, dù nam hay nữ (Kh 14,4-5). Trong Tin Mừng Mát-thêu (19,10-12), Đức Giê-su đề cập đến sống khiết tịnh:

Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất về sự “trinh khiết” hay “khiết tịnh” là một nhân đức, chỉ những người thanh sạch, họ luôn giữ thân xác và tâm hồn trong sạch.

Khi nhìn vào các ảnh tượng về Thánh Giu-se, chúng ta có thể nhận thấy rằng: Phần lớn, Thánh Giu-se được phác họa như một ông lão với râu tóc đã bạc mầu, nhưng đặc biệt hơn nữa là chúng ta thường thấy Thánh Giu-se tay cầm cành hoa huệ. Phải chăng hình ảnh ngụ ý về nhân đức khiết tịnh của thánh Giu-se, vì chúng ta thường thấy hoa huệ gắn liền với sự khiết tịnh, trinh khiết. Vì thế, sự khiết tịnh của Thánh Giu-se là điều suy đoán dựa trên sự thánh thiện của ba nhân vật trong gia đình Na-da-rét. Các thánh Giáo phụ cũng giải thích sự khiết tịnh của Thánh Giu-se thông qua lời nói của Đức Ma-ri-a khi sứ thần truyền tin cho mẹ: “Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a, vào thời điểm này cô đã thành hôn với Thánh Giu-se: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít …” (Lc 1, 26-27) . Vậy thì tại sao Đức Ma-ri-a lại trả lời với sứ thần “…vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” – một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây. Các thánh giáo phụ giải thích rằng dù Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã đính hôn với nhau nhưng cả hai đều đã khấn giữ đồng trinh, nên Mẹ Ma-ri-a mới trả lời với sứ thần như vậy. Sau này, thánh Tô-ma A-qui-nô trong Tổng luận Thần học của ngài cũng đã khẳng định sự khiết tịnh của Thánh Giu-se.[1] Đức thanh khiết của thánh Giuse không phải là sự thanh khiết đóng kín tâm hồn trốn chạy thực tế, cũng không phải sự thanh khiết loại bỏ những vướng bận thân tâm; nhưng là sự thanh khiết mở ra với Thánh Ý của Chúa để xuôi theo dòng chảy của ơn thánh, một sự thanh khiết làm cho tâm hồn quảng đại hơn, đón nhận cuộc sống một cách ân cần và tử tế hơn với những người xung quanh, cụ thể là Đức Trinh nữ Maria bạn trăm năm của ngài.

Người ta có thể so sánh cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a với cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa A-đam và E-và, cuộc gặp gỡ vô cùng đặc biệt, nó diễn ra trước khi tội lỗi xâm chiếm con người và trước khi ngọn lửa dục vọng gặm nhấm tâm hồn con người. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a đã tìm lại, khơi dậy được sự trong trắng ban đầu của cái nhìn giữa người nam và người nữ, các ngài không bị khuấy động do những thèm muốn lộn xộn của một xác thịt luôn chống kháng tinh thần. Trong đời các Ngài, xác thịt trở lại ý nghĩa đích thực của nó, giúp cho vẻ đẹp tâm hồn được tỏa chiếu. Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp. Xác thịt ở lại vị trí của nó, chỗ mà Thiên Chúa đã đặt để trước khi tội lỗi xâm chiếm loài người. Nghe những tất cả điều đó có vẻ như bất bình thường, lạ lùng với ta nhưng lại là điều vô cùng tự nhiên đối với Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, và là sự hoàn tất những khát vọng căn bản của các Ngài: một cuộc kết hợp trinh khiết. Thật là một điều có thể rất khó hiểu, khó lý giải: Tại sao có thể nói Thánh Giu-se đồng trinh, trinh khiết khi đã kết hôn cùng Mẹ Ma-ri-a? Tại sao đã khấn đồng trinh rồi mà còn thành hôn với Đức Ma-ri-a? Thánh An-be-tô và Thánh Tô-ma A-qui-nô đã khẳng định rằng[2]:

Việc khẳng định đức khiết tịnh trọn hảo của Thánh Giu-se không nhất thiết đòi hỏi rằng Ngài đã khấn hứa hoặc riêng với Chúa hay cùng Đức Ma-ri-a. Không có tài liệu nào khẳng định điều đó (nhưng cũng không có tài liệu nào nói ngược lại). Thiết tưởng nên hiểu sự khấn hứa như là một điều dốc quyết của ý chí hơn là một thứ nghi thức đặc thù. Sự khiết tịnh được thánh hiến cho Nước Chúa là một sự tuân phục liên lỉ. Nó thiêu đốt chúng ta hoàn toàn bởi vì nó là một hành động tự dâng hiến có liên quan đến ước muốn sâu thẳm nhất của con người chúng ta, đó là muốn được yêu thương và trân trọng. Chỉ khi chúng ta thực sự biết mình được Thiên Chúa yêu thương và trân trọng sâu xa, thì chúng ta mới có thể thật sự tự do đặt tất cả các món quà tự nhiên và siêu nhiên của mình trên bàn thờ của lễ, cùng với Đức lang quân của chúng ta, trong một của lễ kết hợp với sự dâng hiến của chính Người.[3]

Thánh Hê-rô-ni-mô quả quyết rằng: “Kẻ đáng được gọi là dưỡng phụ của Chúa thì trót đời giữ mình đồng trinh.”[4] Trong nhiều tác phẩm của mình, thánh Âu-tinh đã chứng minh rằng: Thánh Giu-se là kẻ trinh khiết; hôn nhân với Đức Ma-ri-a là giá thú thực sự; Thánh Giu-se là dưỡng phụ của Đức Giê-su một cách độc đáo. Thánh Giu-se là chồng của Đức Ma-ri-a không phải vì ăn nằm nhưng do tình yêu, không phải vì giao hợp thân xác nhưng là kết hợp tinh thần.[5]  Một trong ba nữ Tiến sĩ Hội thánh – thánh Tê-rê-sa A-vi-la đã nói rằng: “Thánh Giu-se trong trắng tựa Thiên Thần, nên Thiên Thần năng hiện đến cùng ông”. Tin Mừng Mát-thêu thuật lại Thiên thần đã hiện ra với Thánh Giu-se ba lần: Truyền tin cho ông Giu-se (Mt 1, 18-25), chỉ dẫn Thánh Giu-se trốn sang Ai Cập để tránh sự tìm giết của vua Hê-rô-đê (Mt 2, 13-18), thông báo cho Thánh Giu-se từ Ai Cập trở về đất Ít-ra-en (Mt 2,19-23).

Không chỉ các thánh giáo phụ, nhiều vị giáo hoàng gần đây cũng có những suy tư, những bài huấn giáo liên quan đến sự khiết tịnh của Thánh Giu-se, đặc biệt là Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Chúng ta có thể tìm thấy trong loạt bài giáo huấn về Đức Ma-ri-a, Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có đề cập đến vấn đề này như sau:

Có thể giả thiết rằng giữa ông Giu-se và bà Ma-ri-a, vào lúc đính hôn, họ đã đồng ý với nhau về cuộc sống trinh khiết. Mặt khác, Chúa Thánh Thần, Đấng đã gợi hứng cho Đức Ma-ri-a lựa chọn sự trinh khiết để nhằm tới mầu nhiệm Nhập Thể và đã muốn cho mầu nhiệm này diễn ra trong khung cảnh một gia đình thích hợp cho sự tăng trưởng của Hài Nhi, thì ắt là Ngài cũng có thể gợi nơi ông Giu-se lý tưởng trinh khiết. Kiểu hôn nhân mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn bà Ma-ri-a và ông Giu-se chỉ có thể hiểu được trong toàn bộ kế hoạch cứu độ và trong khung cảnh một linh đạo cao siêu. Việc thực hiện cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể đòi hỏi sự hạ sinh trinh khiết để nêu bật Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, và đồng thời đòi hỏi một gia đình để bảo đảm cho nhân cách của Hài Nhi được phát triển hài hòa. Chính vì phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể mà ông Giu-se và bà Ma-ri-a đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân. Sự hiệp thông tình yêu trinh khiết giữa Đức Ma-ri-a và ông Giu-se, tuy tạo nên một trường hợp hết sức đặc biệt, gắn liền với việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng vẫn là một hôn nhân đích thực.[6]

Như vậy, sự khiết tịnh của Thánh Giu-se không được nói đến một cách rõ ràng như sự khiết tịnh, đồng trinh của Đức Ma-ri-a nhưng điều này đã được khẳng định một cách rõ ràng và được chứng minh nhờ những suy tư của các giáo phụ, các vị thánh tiến sĩ dưới ánh sáng của đức tin.

Ngày nay, nền văn hoá tiêu thụ đang thống trị thế giới, đi theo nó là sự hưởng thụ và vất bỏ. Người ta chỉ để trong nhà những người và những đồ vật khiến cuộc sống thoải mái, dễ chịu. Người ta đang tâm vất bỏ những đồ vật và bỏ cả những con người khiến người ta bận rộn, long đong. Người ta chỉ liên đới với những người giúp họ thành đạt, giúp họ thu được lợi nhuận và tránh xa những người gây phiền hà, khiến họ mất thì giờ, mất công sức, mất tiền của. Với những nét duyên thánh của “vị cha nuôi Con Chúa uy linh,” chắc hẳn chúng ta cũng phần nào cảm nghiệm được dấu ấn của lòng khát khao lưu giữ sự thanh khiết trọn vẹn xác hồn và vui nhận mọi điều Chúa gửi trao trong đời sống. Nhờ đó, mỗi lần ngắm nhìn thánh Giuse là mỗi lần, chúng ta vừa có được trải nghiệm yêu mến của thánh Têrêsa Avilla: “Thánh Giuse trong trắng tựa thiên thần, nên thiên thần năng hiện đến cùng ngài,” vừa tha thiết nguyện xin thánh Giuse chuyển cầu cho chúng ta biết ý thức gìn giữ vẻ thuần khiết cho tâm hồn mình và sự an bình cho mọi người theo gương ngài.

Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria. Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài; Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài; Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài. Lạy Thánh Giuse diễm phúc, xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời, xin giúp chúng con biết sống thanh khiết và đón nhận mọi người mà Chúa đã trao gởi trong cuộc sống như ngài.[7]
 
[1] X. ST. III, q. 28, a. 4.
[2] Phan Tấn Thánh, Thánh Giu-se trong cuộc đời Chúa Ki-tô và Hội thánh, tr. 105.
[4] Adversus Helvidim, 19: PL 23, 213.
[5] Bối cảnh là những cuộc tranh luận với nhóm Pelagio và nhóm Manikhe. Xc. T.Stama San Giuseppe nel pensiero di Sant’Agostino. L’unione coniugale, in: Temi di Predicazione 98 (2006).
[6] Bài huấn giáo, ngày 21/08/1996.
[7]  x. Tông thư Patris Corde - Trái tim của Người cha, Lời cầu nguyện ở cuối.
 

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập213
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay60,736
  • Tháng hiện tại307,339
  • Tổng lượt truy cập71,673,685
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây