Khiêm tốn là con đường cần thiết để tiến tới một tình yêu hoàn hảo. Sự hoàn hảo cốt ở trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhưng con đường dẫn đến sự hoàn thiện lại là sự khiêm tốn. Người ta chỉ thực sự hạ mình xuống khi tha thiết yêu thương một con người: hạ mình xuống để say mê, để cảm phục, để đi theo, để bám lấy và để dâng hiến tất cả đời mình cho một tình yêu.
Khi chiêm ngưỡng Thánh Giuse, ngoài những nhân đức nổi bật đã được Giáo hội đúc kết thành kinh cầu kính Ngài, ta còn thấy nơi Ngài một nhân đức nổi bật khác nữa, đó là đức tính âm thầm, khiêm tốn không muốn thể hiện mình hay nói theo ngôn ngữ ngày nay Thánh Giuse là người không thích nổ. Thánh Giuse không chỉ âm thầm khiêm nhường trước Thiên Chúa mà còn âm thầm tự xoá mình đi trước Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Như biến cố Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ vào dịp hành hương Giêrusalem, Thánh Giuse có thể la rầy hay sửa dạy Chúa Giêsu để thể hiện uy quyền của người cha, nhưng Ngài đã nhường cho Mẹ Maria, Ngài không nói một lời.
Thánh Giuse là người sống rất khiêm tốn:
Khiêm tốn nhận ra vị trí của mình đối với Đức Mẹ và Chúa Giêsu, trong vai trò làm chồng và làm người bảo trợ Con Thiên Chúa.
Khiêm tốn chấp nhận mình là đầy tớ vô dụng, để góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài như một nền nhà kiên cố thầm lặng chôn dưới lòng đất, để cho tòa nhà vĩ đại là Chúa Giêsu và Đức Maria nổi bật giữa phong ba sóng gió cuộc đời.
Nếu không có sự khiêm tốn, Thánh Giuse sẽ oán trách Thiên Chúa sao để Đấng cứu thế lại sinh ra trong hang đá Belem nghèo hèn không một mảnh vải che thân.
Nếu không có sự khiêm tốn, Thánh Giuse sẽ trở nên kiêu căng khi thấy các Thiên Thần từ trời xuống ca hát chúc vinh, các Mục Đồng và các Hiền Sĩ phương đông đến thờ lạy Đấng Cứu Thế.
Nếu không có sự khiêm tốn, Thánh Giuse sẽ than trách Thiên Chúa sao nỡ tàn sát các trẻ sơ sinh và gia đình mình khi bị vua Hêrôđê tìm giết.
Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy nếu không có một sự khiêm tốn thẳm sâu và nhờ ơn Chúa giúp, Thánh Giuse sẽ hành động theo cách suy nghĩ của con người trần gian: giận dữ, oán trách và buông xuôi. Bài học cho chúng ta về nét đẹp khiêm tốn nơi Thánh Giuse là:
- Không tìm cách tỏ ra ta đây tài giỏi, đạo đức hơn người.
- Không oán trách Thiên Chúa khi bị thử thách và hiểu lầm.
- Không tự ti mặc cảm về những tài năng Chúa ban nhưng biết sử dụng theo thánh ý Chúa.
- Biết nhìn nhận con người giới hạn, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa.
- Biết nhìn nhận đúng vị trí của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Thánh Giuse đã sống mầu nhiệm đời mình trước mặt Thiên Chúa. Chính cái âm thầm làm nên mầu nhiệm. Chúng ta không thích âm thầm và ẩn danh. Chúng ta thích quyền lợi và nhiệm vụ phải tương xứng. Nhưng khi phá vỡ cái âm thầm riêng tư, chúng ta cũng có nguy cơ phá vỡ cả mầu nhiệm và đời sống chúng ta sẽ mất đi một điều rất quý, điều mà chỉ riêng Thiên Chúa và ta mới hiểu được, cái thế giới thần linh riêng tư giữa Thiên Chúa và ta mà người khác chỉ đứng ngoài. Không cần thiết người ngoài phải biết hết, phải hiểu được hết mọi sự trong đời ta. Ta cũng không cần chia sẻ mọi sự mình có, để mãn nguyện vì được cảm thông, được biện minh. Cần duy trì khoảng cách với thụ tạo (đó là từ bỏ) để có thể nói được rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiểu mình thật là như thế nào. Chúng ta thường cảm thấy mình là điều người khác nghĩ (thậm chí sống theo điều người khác nghĩ về mình). Chúng ta dễ quên rằng “Thiên Chúa nghĩ về ta như thế nào thì ta là thế ấy” (thánh Têrêsa Nhỏ).
Nét đẹp nội tâm, nét đẹp bên trong là một từ tu đức học để diễn tả sự hoạt động dồi dào của tâm hồn tín hữu, phát xuất từ những nguyên tố bên trong ân sủng, đức tin, đức mến để tinh luyện tâm hồn kết hợp với Chúa trong lời nói và việc làm. Sau Đức Mẹ, không ai có nét đẹp nội tâm bằng Thánh Giuse. Ngài sống thân mật với Chúa dưới một mái nhà. Ngài không phải nhớ Chúa trước mặt mà thấy Chúa nhãn tiền. Ngài được bồng ẫm, ôm hôn Chúa trong tình cha con thắm thiết, như trong Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa cứu thế số 25, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gợi lại nét đẹp nội tâm nơi Thánh Giuse: “Chúng ta thấy một cách rất đặc biệt con người nội tâm của Thánh Giuse. Các sách Tin Mừng chỉ nói đến những gì Thánh Giuse làm nhưng cũng giúp chúng ta khám phá ra được trong những hành động luôn thấm nhuần sự thinh lặng của người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa”. Càng chiêm ngắm Thánh Giuse, ta càng nhận ra nơi ngài một khuôn mặt trẻ trung đầy nghị lực, một tâm hồn nội lực phi thường. Khoa tâm lý chiều sâu cho thấy: người mạnh là người có khả năng cảm thấy bình tĩnh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Bình thản trước mọi thay đổi đột ngột. Lúc nào cũng tỉnh táo và điềm tĩnh đưa ra những lựa chọn tốt nhất.
Sách Huấn ca dạy: “Có người thinh lặng vì chẳng biết nói chi. Có người thinh lặng để chờ thời. Có người thinh lặng mà lại biết điều. Có người thinh lặng mà được kể là khôn ngoan” (Hc 20,6.1.5). Có thể nói sự thinh lặng khôn ngoan nơi Thánh Giuse có hai cơ năng hoạt động mạnh nhất là: tai nghe và tay làm. Nghe Lời Chúa để thi hành. Ngài là tôi tớ trung thành và khôn ngoan, và có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn tuân phục, hoàn toàn để cho Chúa hành động và mau mắn làm điều Chúa muốn.
Chiêm ngắm cuộc đời Thánh Cả Giuse, chúng ta học được giá trị của bài học tĩnh lặng. Trong thinh lặng, một mạc khải có thể được tỏ lộ: Thiên Chúa “nói” với chúng ta điều mà Người muốn, một sứ mạng, một chương trình Thiên Chúa dự tính trao cho chúng ta qua các bề trên. Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu, thinh lặng để thực thi Ý Chúa. Thánh Cả Giuse là vị thánh của thinh lặng. Thiên Chúa nói với Ngài ngay trong thinh lặng, chúng ta học nơi Thánh Giuse và sẽ khám phá trong thinh lặng nhiều điều thú vị.
Thánh Giuse là người đã giữ thinh lặng trong mọi biến cố của cuộc đời mà Kinh Thánh đã nhắc tới: Nhận thấy Maria có thai mà không phải của mình, ngày Maria sinh con mà phải trú ngụ nơi hang đá, trẻ Giêsu mới chào đời mà phải chạy chốn sang Ai cập,… Để giữ được thái độ ấy, Thánh Nhân phải là người mạnh mẽ phi thường. Đứng trước những nghịch cảnh như vậy mà Ngài vẫn bình thản được.
Lạy thánh Giuse, chúng con cảm phục Ngài. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng Chúa và tha nhân, để khép lại trước những lời mời mọc của ma quỷ; xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho mọi người xung quanh.