Đời tu vắng Giêsu
Thứ tư - 06/03/2024 02:20
1361
“Khó khăn nhất đối với thế giới hậu hiện đại là tin nơi Thiên Chúa và nơi Con Một của Người” (trích trong cuốn Thiên Chúa hoặc không, Tr 184). Mở sách đọc đúng đoạn mình đang băn khoăn, tôi bỗng thấy sự phát hiện của mình đã được Đức Hồng Y Robert Sarah đưa vào kinh nguyện và suy tư từ rất lâu.
Tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta ngày càng bi đát. Hoàn cảnh và sự phát triển của thế giới không giúp chúng ta dành cho Thiên Chúa vị trí đích thực của Người. Ngược lại, với guồng quay của cuộc sống “duy vật chất”, con người tự tổ chức đời sống mình như thể Thiên Chúa không tồn tại. Trong đó, bản thân các kitô hữu, trong nhiều trường hợp, đã để mình trong một tình trạng bỏ đạo âm thầm. Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, bởi nếu mối bận tâm của con người đương thời là gần như chỉ hướng tới kinh tế, kỹ thuật, sung túc vật chất trước mắt trong một thứ tình cảm giả tạo, Thiên Chúa tất nhiên trở nên xa lạ.
Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi phát hiện ra, đôi khi, chỉ là đôi khi thôi: những người thánh hiến chưa thực sự sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này thật nguy hiểm. Nguy hiểm nơi bản thân chúng ta, là môn đệ Đức Kitô, là lời chứng hùng hồn của Giáo hội lại có vẻ như quên mất rằng trung tâm đời sống của ta chỉ có thể đặt nơi Thiên Chúa mà thôi. Trong ngày sống, chúng ta dành quá ít thời gian cho Người để rồi khi đứng trước thử thách gian nan, ta không chống đỡ nổi, ta dùng trí tuệ để phân tích, so đo, tính toán, một ít người sống như không có Thiên Chúa. Thật sự đáng sợ biết chừng nào!
Thật vậy, khi người thánh hiến sống cuộc sống vắng Chúa Giêsu thì hoa trái họ tạo ra là gì? “Cây sâu không thể sinh trái tốt”, lời Chúa Giêsu như nhắc nhở mỗi chúng ta, những người môn đệ thân tín của Người: Ngày nào chúng ta không để Thiên Chúa bước đi với mình trong cuộc sống, trong mọi biến cố, mọi quyết định, mọi công việc, ngày đó ta không thể trổ sinh được hoa trái tốt lành. Một cuộc sống cằn cỗi, tìm vui thú đời này mà quên đi đời chứng tá. Đáng buồn là chúng ta đang làm mờ đi khuôn mặt của Người thay vì để Người sống động trong lòng Giáo hội. Thay vì đưa Người cùng đi, ta lại đưa Người cất kỹ trong Nhà tạm để ta thoả sức làm theo ý mình.
Chúng ta bị vướng víu với quá nhiều thứ chúng ta sở hữu. Đành rằng, thực tế là phải cần những thứ “thực tế” để có thể vận hành cách trôi chảy đời sống mình, nhưng nếu ta quá chú trọng tới vật chất, danh tiếng và địa vị thì Chúa không còn là vị trí đầu tiên. Giàu không phải là một tội, nhưng nó là tội khi ta sống quá sung túc so với đời sống của những tín hữu đang sống quanh ta, nó là tội khi ta gieo vào tâm trí người tín hữu rằng: Ta quá đầy đủ.
Khi được hỏi về giải pháp cho vấn đề này, Đức Hồng Y Robert Sarah đã đưa ra phương án “xưa như trái đất” nhưng cũng chỉ có cách này nhân loại mới trả về cho Thiên Chúa trọn vẹn vị trí hàng đầu của Người: “Khi đối mặt với thực trạng hiện sinh này, Giáo hội chỉ còn lại một khả năng duy nhất: phải toả sáng nhờ chính Đức Kitô, Người chính là vinh quang và niềm hy vọng của Giáo hội…Sự giảm sút con số các Linh mục, những thiếu sót trong sự dấn thân và sự thiếu sót đáng lo ngại của đời sống nội tâm, do thiếu cầu nguyện và lơ là đối với các bí tích, có thể dẫn đến việc cắt đứt các tín hữu khỏi các nguồn ban phát ân sủng của họ…. Có một hình thức làm nghèo đi, làm ra khô khan, nguội lạnh đến từ chính nội tâm của các thừa tác viên của Chúa”.
Chúng ta, những con người là máu, là con tim của Giáo hội phải cầu nguyện, nếu không ta sẽ làm khô cứng toàn bộ thân mình của thể chế mà Đức Kitô đã mong muốn. “Cầu nguyện là nhu cầu lớn của thế giời ngày nay; cầu nguyện là công cụ cải tổ thế giới. Trong một thế kỷ không còn cầu nguyện, thời gian như bị xoá bỏ, và cuộc sống biến thành một cuộc chạy điên cuồng” (ĐHY Robert Sarah). Bởi vậy, cầu nguyện mang lại cho con người thước đo của chính mình và của cái vô hình.Vì cầu nguyện chính là tác động của tình yêu.