Đầu năm bàn chuyện hái lộc Lời Chúa

Thứ sáu - 23/02/2024 08:45  1022
hailocloichuaNgày nay ở hầu hết các giáo xứ tại Việt Nam đều có nghi thức hái lộc xuân vào Thánh lễ Giao thừa hoặc Thánh lễ Minh niên sáng ngày Mồng Một Tết. Lộc xuân là những khổ giấy nhỏ in màu có câu Lời Chúa được trích dẫn từ Kinh Thánh Cựu ước hay Tân ước. Những lộc này gọi là lộc thánh Lời Chúa, được cuộn lại treo trên cành mai hay cành đào hoặc đặt trên khay để các tín hữu lấy sau Thánh lễ. Thông thường, mỗi gia đình sẽ cử một đại diện lên nhận lộc thánh, và cũng không có cảnh chen lấn hay giành giật.

Dưới ánh sáng đức tin, Đức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà (1931-2017) đã có những phân tích sâu sắc về nghi thức này trong bài viết “Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa” đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam[1]. Một số tác giả khác cũng đóng góp những bình luận cá nhân về chuyện hái lộc thánh[2]. Những dòng sau đây không cung cấp thêm góc nhìn mới nhưng chỉ như một cố gắng tổng hợp cộng thêm chút ít tư liệu bổ sung nhằm giúp hiểu rõ hơn, đúng đắn hơn về tập tục mang màu sắc hội nhập văn hoá này.
  1. Từ truyền thống hái lộc đầu năm
Người Việt Nam chúng ta có tục “hái lộc” vào dịp đầu Xuân. Sau khi đi lễ chùa đền ngày Minh niên, người ta hái một cành cây mang về đặt trước bàn thờ và để đó cho đến hết Tết. Lộc non tượng trưng cho ơn Trời giúp con người phát đạt thịnh vượng[3]. Một bài hát xuân rất rộn ràng, vui tươi thường được cất lên trong dịp Tết, mang tên Ngày xuân long phụng sum vầy, có những ca từ diễn tả về tập tục này: “Cánh én nơi nơi, khắp phố người người đi hái lộc. Đẹp xinh đất trời, màu áo trắng tung bay cùng muôn ngàn hoa…”

Tương truyền, tục “hái lộc” đã có từ thời các vua Hùng và dần dà trở thành một trong những nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam vào ngày Tết. Khi xuân sang, cây cối đâm chồi nảy lộc, có thêm sức sống, cho nên hành động hái lộc với hàm ý mang lộc về nhà, thể hiện khát vọng nhận được nhiều an lành, may mắn trong năm mới: “thuận khởi vạn sự hưng”. Thật vậy, ý nghĩa của hái lộc vào đầu xuân là “tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn, đón tài lộc về nhà, mong một năm đầy điều mới mẻ, tốt đẹp. Mặc dù lộc non mang ý nghĩa biểu tượng như thế nhưng việc hái lộc đầu năm quan trọng còn ở cái tâm con người. Trước khi hái lộc, chúng ta cần giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh và thuần khiết thì lộc mà chúng ta hái được, nhận được mới thât sự tốt đẹp và ý nghĩa. Bên cạnh việc hái lộc, thì chúng ta cũng nên gieo nhân lành, tu tâm tích đức bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện trong đời sống ứng xử. Nếu có tấm lòng thành kính, lạc quan vui tươi thì chỉ cần những cành bé nhỏ cũng đủ mang hương xuân, phúc khí về nhà.

Vì thế, việc hái lộc cốt là ở ý nghĩa hành động. Những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, biến tướng, mang màu sắc tiêu cực, lạm dụng, gây ra những hình ảnh phản cảm, không đẹp. Chúng ta không còn lạ lẫm gì với hình ảnh nhiều người đi hái lộc bằng cách cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc to, lộc đẹp. Thậm chí, có người còn tìm đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc… để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”. Đôi khi không còn phải là tục “hái lộc” nữa mà có thể gọi là tệ nạn “cướp lộc”. Ngày đầu năm, cảnh cây cối tan hoang vì bị bẻ gãy, nhiều cây xanh bị phá hoại đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với ban quản lý các đền chùa và chính quyền địa phương, cũng như gây hại cho cảnh quan môi trường.

Trong những ngày xuân, cùng với tục hái lộc là việc rút quẻ thẻ (hay còn gọi là xin xăm). Xin xăm trước kia chỉ là một trò chơi may rủi, nhằm đem đến nhưng giây phút vui vẻ cho con người trong dịp đầu năm mới. Nhưng trong tín ngưỡng dân gian hiện nay, nó dường như trở thành một hoạt động tâm linh, giúp con người nối kết với các bậc siêu nhiên để có thể biết trước vận hạn của mình trong năm mới. Theo tục cũ, người dân đi chùa sau khi dâng lễ xong sẽ lắc mạnh ống gỗ đựng các quẻ thẻ cho đến khi một chiếc thẻ rơi ra ngoài. Khi đó, người rút thẻ sẽ chọn lấy chiếc thẻ đó và nhờ thầy trong chùa giải thẻ. Nội dung trong các quẻ thẻ nói về bản mệnh (bản thân người rút thẻ), gia trạch (nói về gia đình người rút quẻ thẻ), hành vân (nói về công việc đi làm ăn xa), cầu danh (nói về con đường công danh trong năm mới), thất vận (xem có bị mất mát gì không), hôn sự (nói về con đường tình duyên)…

Cũng xin nói thêm, Cựu ước cũng nói tới các thẻ xăm: “Người ta gieo quẻ trong vạt áo, nhưng mọi quyết định của phàm nhân đều bắt nguồn từ Đức Chúa” (Cn 16,33). Quẻ có thể là một số viên đá cuội. Qua việc gieo quẻ, người ta nhận ra câu trả lời của Thiên Chúa (x. Xh 28,30), và đi đến quyết định (x. Cv 1,26). Người Hípri cổ dùng hình thức này để giải quyết những điều còn nghi ngờ và tranh chấp (x. Lv 16,9; Cn 18,18; Gs 7,14; 1Sm 10,20tt). Sau lưu đày, lối tìm ý Chúa như trên dường như bị mai một[4].
  1. Đến sáng kiến hái lộc Lời Chúa
Tập tục “hái lộc” đã được hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của người Công giáo chúng ta khoảng từ đầu thập niên 1980. Thay vì hái cành cây, chúng ta nhận một câu Lời Chúa. Câu Lời Chúa này sẽ trở thành phương châm sống đức tin cho chúng ta trong Năm Mới và suốt cả cuộc đời. Như vậy, “hái lộc Xuân” đối với người Công giáo là “hái lộc Thánh”[5]. Nói cách khác, hái lộc thánh chính là một hình thức mà đạo Công giáo “rửa tội” cho tập tục hái lộc xuân trong truyền thống dân tộc Việt Nam.

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là người Công giáo, cách riêng tại Việt Nam, vô cùng lười đọc Kinh Thánh, vì thế lộc thánh đầu năm là một phương thế để phổ biến, học hỏi và gợi nhớ Kinh Thánh cách rất tốt[6]. Có thể nói, việc hái lộc thánh Lời Chúa xét như là một sáng kiến để thăng tiến việc học hỏi và sống Lời Chúa. Cảnh hái lộc Lời Chúa vào ngày Xuân cho thấy chưa bao giờ Lời Chúa được phổ biến trong các giáo xứ cách rộng rãi và phong phú nội dung đến như vậy. Khung cảnh này cũng gợi ý, nhắc nhớ người tín hữu luôn có nhu cầu được soi sáng cuộc sống theo Lời Chúa cách đúng đắn.

Nếu như người hái lộc đầu năm mang trong mình khát vọng cầu an, cầu tài, cầu vinh thì người hái lộc thánh cần có thái độ mau mắn lắng nghe và sẵn sàng thực hành Lời Chúa dạy. Trong khi chồi lộc cây cối đem lại cho người hái hình ảnh một sức sống phát sinh và đang phát triển, thì lộc Lời Chúa lại đi lên tới chính Đấng “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, vì Lời Người “là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta đi” (x. Tv 119,105); và “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68)[7].

Ngoài ra, nghi thức hái lộc thánh giúp người tín hữu ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Giữa những ngày Tết ê hề thức ăn vật chất thì của ăn thiêng liêng cũng thật cần thiết. Hơn nữa, giữa một thế giới ồn ào và thực dụng, chúng ta đã nghe lời của thế gian quá nhiều mà không mấy khi để cho Lời Chúa lên tiếng. Khi đối lại với ma quỷ đến cám dỗ, chính Đức Giêsu đã nhắc lại lời Kinh Thánh này: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3; Mt 4,4; Lc 4,4). Lời Chúa mới thực sự làm con người no thoả chứ không phải cơm bánh vật chất. Vì thế, việc đọc Kinh Thánh, tiếp xúc với Lời Chúa luôn được các vị chủ chăn trong Giáo hội khuyến khích để Lời Chúa thực sự trở nên của ăn bồi bổ cuộc đời người tín hữu.
  1. Để Lời Chúa soi sáng cuộc đời
Qua nghi lễ hái lộc thánh, chúng ta tin tưởng rằng câu Lời Chúa chúng ta nhận được chính là Lời Chúa muốn gửi riêng cho từng người và cho gia đình chúng ta. Chúng ta cũng tin tưởng rằng khi suy niệm và sống theo lời nhắn nhủ đó, ân phúc Chúa sẽ đổ chan hoà lai láng trên Năm Mới của chúng ta[8]. Vì thế, Giáo hội cũng khuyên khi đem lộc thánh về nhà, cần đặt vào nơi xứng đáng và dễ nhìn thấy nhất. Lộc thánh chứa đựng Lời Chúa cần được tôn kính là điều chính đáng nhưng cần để chỗ nào thật gần gũi để mọi người trong gia đình có thể nhìn thấy được hằng ngày, có thể dễ dàng nhẩm đi nhắc lại câu Lời Chúa ấy trong ngày và cố gắng sống theo Lời Chúa răn dạy.

Ở đây, chúng ta có thể lặp lại lời ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh” (Gr 15,16). Mặc dù đôi khi Lời Chúa cũng “khó nhằn”, “khó nuốt”, nhất là với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng, nhưng chúng ta cần xác tín rằng: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3,16-17).

Hơn nữa, tờ Lời Chúa mà mỗi gia đình nhận được dịp đầu năm chỉ là một hình thức chứa đựng Lời Chúa mà không phải là chính Lời Chúa. Lời đó chỉ thực sự là Lời của Chúa khi được công bố lên, được lắng nghe và suy ngẫm trong lòng, trong tâm trí. Lúc đó Lời Chúa mới có sức mạnh uy quyền để biến đổi, gìn giữ, che chở cũng như hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Vì thế, có người đưa ra đề nghị rất thiết thực là cố gắng dành thời gian công bố đoạn lộc Lời Chúa đầu năm mỗi ngày trong giờ kinh chung của gia đình, để mọi người cùng được lắng nghe tiếng Chúa phán, để Lời ấy vang lên xua trừ ma quỷ; chữa lành những vết thương, gia tăng niềm vui, sự bình an cùng gìn giữ bạn cũng như mọi người trong gia đình suốt một năm trong Bình An và Hy Vọng[9].

Trong ý hướng ấy chúng ta có thể hiểu câu nói của thánh Grêgôriô Cả (540-604), giáo hoàng: “Kinh Thánh phát triển cùng với những ai đọc nó” -  Scriptura cum legentibus crescit (Moralia in Job 20, 1, 1). Trong một đoạn văn khác, thánh nhân giải thích về điều này: “Thật vậy, người ta càng hiểu (Kinh Thánh) sâu sắc hơn khi người ta chú ý đến chúng hơn” (Hom in Ez. I,7,8)[10].
  1. Với một thái độ đúng đắn
Sau khi bốc lộc thánh, nhiều bạn trẻ đua nhau khoe lên mạng xã hội câu Lời Chúa kèm theo lời tự nhủ sẽ cố gắng thực hiện. Tất nhiên, phần nhiều trong số đó là những câu Lời Chúa mang tính tích cực, khích lệ. Có người bốc được câu Lời Chúa nhưng băn khoăn lo lắng rồi đi tìm người “giải lộc”. Có người hái được câu Lời Chúa không như mong muốn nên đâm ra hoang mang. Có người vừa mở ra xem đã vội vàng cất lộc vào ngăn tủ không cho ai biết. Có người chọn đi chọn lại câu Lời Chúa cho “đúng ý” của mình. Có người lại còn hả hê khi kẻ mình không ưa bốc phải lộc thánh ghi nội dung mang tính răn đe, trách móc… Những hành động này ít nhiều đang có nguy cơ biến lộc thánh thành một thứ “gieo quẻ đầu năm”. Hơn nữa, khi làm như thế, chúng ta đang mong Chúa nói “lời của tôi” chứ tôi không muốn nói “Lời của Chúa”; và ép “Lời Chúa” phải ứng nghiệm “lời tôi”.

Lộc thánh đơn giản là một hình thức học hỏi Kinh Thánh, nhớ đến Chúa ngày đầu năm mới để khắc sâu lời dạy của Ngài trong cả năm và trong suốt cuộc đời. Mỗi câu lộc thánh cho ta thêm niềm vui, sự lạc quan tin tưởng và thêm yêu mến Chúa. Xin đừng suy diễn Chúa gò ép mình phải thực hiện câu lộc thánh ấy, nhưng là sự động viên của Ngài để mình nên hoàn thiện giống Chúa hơn[11]. Trên nguyên tắc, đã là Lời Chúa thì lời nào cũng soi sáng và hướng dẫn con người; có lời khuyên bảo, có lời răn đe, có lời hứa hẹn với điều kiện… và tất nhiên nếu muốn sống theo Lời Chúa cũng đòi hỏi rất nhiều hy sinh[12].

Vì thế, khi hái lộc Lời Chúa, chúng ta không nhằm cầu may hay để tìm hiểu về tương lai hậu vận… nhưng là để chọn cho mình, cho gia đình mình một trong nhiều câu Lời Chúa để suy gẫm và thực hành cách đặc biệt trong suốt năm. Với một tâm thế tin tưởng phó thác, chúng ta không còn phập phồng lo lắng về câu lộc Lời Chúa năm nay “lành” hay “dữ” chính vì Lời Chúa đã ứng nghiệm và luôn luôn ứng nghiệm. Chúng ta không nên vội vàng kết luận qua loa rằng câu Lời Chúa này rất “đúng”, rất “hợp” với mình như một thứ quẻ thẻ mê tín. Lời Chúa là lời ban sự sống, lời có sức giải thoát và biến đổi chứ không phải lời chiều theo ý muốn con người. Vì thế, khi đã hái Lời Chúa thì không nên đổi lại nhưng cần suy ngẫm Lời Chúa để cải thiện đời sống.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức bói toán, với ý nghĩ cách sai lầm rằng sẽ “vén mở” được tương lai như: coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng. Bởi đó là những hình thức biểu lộ ý muốn thống trị thời gian, lịch sử và cuối cùng là con người, và đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực ác thần. Những điều này là nghịch lại với sự cung kính và tôn trọng, được kết hợp với sự kính sợ đầy yêu mến, mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi (số 2116).

Thái độ đúng đắn của Kitô hữu cốt tại việc phó thác mình một cách đầy tin tưởng trong tay Chúa Quan Phòng về những gì liên quan đến tương lai, và từ bỏ mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, không biết tiên liệu lại có thể là một sự thiếu trách nhiệm[13]. Tác giả sách Châm ngôn khuyên nhủ chúng ta phải biết trông cậy vào ơn Chúa: “Suy nghĩ lo toan là việc của con người, còn nói câu trả lời là do Đức Chúa” (Cn 16,1). “Hãy ký thác việc bạn làm cho Đức Chúa, dự tính của bạn ắt sẽ thành công” (Cn 16,3). Vịnh gia cũng nói tương tự: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Kết luận

Nghi thức hái lộc thánh Lời Chúa sẽ thật dồi dào ý nghĩa khi mỗi người Kitô hữu xác tín Lời Chúa là Lời Hằng Sống, luôn ứng nghiệm trong mọi thời và mọi nơi. Lời Chúa trao cho chúng ta sứ mạng chứ không phải phần thưởng. Ước gì mỗi người biết từ bỏ ý riêng, sẵn sàng tôn vinh, rao giảng và thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ của đời sống hằng ngày. Nghi thức hái lộc thánh đầu năm như một lời nhắc nhở mỗi tín hữu luôn trung thành thực thi thánh ý Chúa, như khí cụ tăng thêm niềm tin, thêm phúc lộc bình an cho mỗi người trong năm mới.

Cuối cùng, xin cùng đọc lại lời nguyện trong nghi thức làm phép lộc thánh: “Xin cho Lời Chúa chúng con nhận được luôn luôn vang vọng trong tâm trí chúng con, nhắc nhở chúng con luôn trung thành thực thi ý Chúa. Ước gì những lộc thánh này trở thành khí cụ đem lại phúc lộc bình an cho chúng con trong năm mới”[14].


[1] x. GM. NGUYỄN VĂN HOÀ, Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa, theo WHĐ (01/02/2011): https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tu-hai-loc-va-xin-xam-ngay-xuan-den-hai-loc-loi-chua-22728
[2] x. Một góc nhìn về Lộc Thánh ngày đầu năm mới: Lộc Thánh mùng 1 Tết có phải là “gieo quẻ đầu năm”?, theo Văn Thơ Công Giáo (23/01/20123): https://www.vanthoconggiao.net/2023/01/mot-goc-nhin-ve-loc-thanh-ngay-dau-nam-moi-.html; x. CHIARA, Suy nghĩ về lộc Lời Chúa đầu năm, theo WGPHN (06/02/2022): https://www.tonggiaophanhanoi.org/suy-nghi-ve-loc-loi-chua-dau-nam/; x. LÊ HỒNG BẢO, Hái lộc thánh đầu năm của người Công giáo, theo conggiao.vn (03/01/2022): https://conggiao.vn/hai-loc-thanh-dau-nam-cua-nguoi-cong-giao/; x. QUỐC VIỆT, Lộc Lời Chúa, theo Công giáo và Dân tộc (01/02/2024): https://www.cgvdt.vn/public/loc-loi-chua_a18055
[3] x. Nghi thức làm phép và hái lộc thánh Lời Chúa, theo: https://tinmung.net/nghithuc/Phung-Vu-Giai-Dap/nghi%20thuc%20lam%20phep%20va%20hai%20loc.htm
[4] x. Chú thích đ trong Kinh Thánh ấn bản 2011 của nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2011, tr. 1308.
[5] x. Nghi thức làm phép và hái lộc thánh Lời Chúa, theo: https://tinmung.net/nghithuc/Phung-Vu-Giai-Dap/nghi%20thuc%20lam%20phep%20va%20hai%20loc.htm
[6] x. Một góc nhìn về Lộc Thánh ngày đầu năm mới: Lộc Thánh mùng 1 Tết có phải là “gieo quẻ đầu năm”?, theo Văn Thơ Công Giáo (23/01/20123): https://www.vanthoconggiao.net/2023/01/mot-goc-nhin-ve-loc-thanh-ngay-dau-nam-moi-.html
[7] x. GM. NGUYỄN VĂN HOÀ, Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa, theo WHĐ (01/02/2011): https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tu-hai-loc-va-xin-xam-ngay-xuan-den-hai-loc-loi-chua-22728
[8] x. Nghi thức làm phép và hái lộc thánh Lời Chúa, theo: https://tinmung.net/nghithuc/Phung-Vu-Giai-Dap/nghi%20thuc%20lam%20phep%20va%20hai%20loc.htm
[9] CHIARA, Suy nghĩ về lộc Lời Chúa đầu năm, theo WGPHN (06/02/2022): https://www.tonggiaophanhanoi.org/suy-nghi-ve-loc-loi-chua-dau-nam/
[10] ĐHY. RANIERO CANTALAMESSA, Bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Mùa Vọng 2023, Bài 1 - “Tiếng của người kêu trong sa mạc”, Gioan Tẩy Giả: Một nhà đạo đức học và một ngôn sứ, Nt. Anna Ngọc Diệp, OP. chuyển ngữ, theo WHĐ (23/12/2023): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-tinh-tam-danh-cho-giao-trieu-mua-vong-2023-bai-1-tieng-cua-nguoi-keu-trong-sa-mac-53189
[11] x. Một góc nhìn về Lộc Thánh ngày đầu năm mới: Lộc Thánh mùng 1 Tết có phải là “gieo quẻ đầu năm”?, theo Văn Thơ Công Giáo (23/01/20123): https://www.vanthoconggiao.net/2023/01/mot-goc-nhin-ve-loc-thanh-ngay-dau-nam-moi-.html
[12] x. GM. NGUYỄN VĂN HOÀ, Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa, theo WHĐ (01/02/2011): https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tu-hai-loc-va-xin-xam-ngay-xuan-den-hai-loc-loi-chua-22728
[13] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2215.
[14] Nghi thức làm phép và hái lộc thánh Lời Chúa, theo: https://tinmung.net/nghithuc/Phung-Vu-Giai-Dap/nghi%20thuc%20lam%20phep%20va%20hai%20loc.htm

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập294
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay65,173
  • Tháng hiện tại1,227,944
  • Tổng lượt truy cập71,255,701
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây