Chuyện kể rằng:
Vào một buổi học sáng đầu tuần, tất cả sinh viên rất bất ngờ khi thấy vị giáo sư cho mang rất nhiều túi ni lông và một bao tải khoai tây lớn vào lớp. Vị giáo sư yêu cầu mỗi học trò của mình cứ mỗi lần bị ai đó làm tổn thương mà không bỏ qua được lỗi lầm cho người đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây, viết tên người đó cùng với ngày tháng lên rồi bỏ nó vào chiếc túi ni lông. Sau vài ngày, có nhiều chiếc túi trở nên vô cùng nặng.
Không những thế, vị giáo sư còn yêu cầu các sinh viên phải luôn mang cái túi khoai tây theo bên mình dù đi bất cứ đâu, làm việc thì đặt trên bàn và thậm chi tối ngủ cũng phải để túi bên cạnh giường ngủ. Sau một thời gian, các sinh viên dần dần cảm nhận được sự phiền phức từ túi khoai tây và bất chợt nhận ra rằng toàn bộ tâm trí của họ đều đổ dồn về những củ khoai tây ấy. Chúng khiến họ không thể tập trung để làm việc một cách hiệu quả được.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những củ khoai tây trong túi bắt đầu thối rữa và phát ra những mùi thật khó chịu. Tự thâm tâm, không có ai muốn mang theo túi khoai tây bên mình nữa. Tất cả đều muốn trút bỏ những gánh nặng và sự phiền phức từ chiếc túi mà mình mang theo bấy lâu nay. Và họ đã hiểu ra thông điệp mà vị thầy đáng kính của mình muốn truyền lại. Đó là một bài học về sự tha thứ!
Tha thứ là một chủ đề khá quen thuộc với chúng ta và học cách tha thứ cho người khác luôn là điều rất cần thiết và được coi trọng như là một trong những bài học ý nghĩa về lối sống đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm cuộc sống đã cho thấy chúng ta thường nói nhiều về nét đẹp của sự bao dung và tha thứ trên sách vở và lý thuyết, chứ trong thực tế thì chẳng mấy ai có thể dễ dàng tha thứ cho người đã xúc phạm hay làm tổn thương mình. Vì thế, câu chuyện trên chính là một bài học thực hành rất hữu ích cho mỗi người chúng ta.
Theo lẽ thường, khi bị xúc phạm hay bị tổn thương, phản ứng đầu tiên của chúng ta là bực tức và nghĩ đến việc phải lấy lại danh dự và đòi lại công bằng cho bản thân. Thế nhưng, phản ứng này giống như một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, đã không mang lại cho chúng ta kết quả như mong muốn; mà có khi còn dẫn đến hậu quả tiêu cực, làm cho tương quan của chúng ta với người khác bị đổ vỡ đến mức không thể hàn gắn được.
Có một câu nói rất hay: “Tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình”. Thật vậy, khi chúng ta nổi giận với những lỗi lầm của người khác và không bỏ qua cho họ, thì chúng ta cũng đang mang theo bên mình những củ khoai tây nặng nề và khó chịu giống như các sinh viên trong câu chuyện ở trên. Càng oán ghét và không tha thứ cho lầm lỗi của người khác bao nhiêu, chúng ta càng chất thêm gánh nặng cho lòng mình bấy nhiêu. Như thế, chẳng khác gì chúng ta đang tự trừng phạt và làm tổn thương chính bản thân mình. Bởi đó, tha thứ hay bỏ qua lỗi lầm của người khác chính là cách giúp chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn và giữ được tương quan tốt với những người xung quanh mình.
Thử nhìn lại những lần chúng ta là nguyên nhân gây đau khổ cho người khác và nhận được sự tha thứ từ họ, hoặc có ai đó làm cho chúng ta bị tổn thương, nhưng chúng ta đã bỏ qua, không chấp nhất lỗi lầm của họ xem; những lúc ấy, chúng ta cảm thấy thế nào? Chắc chắn rằng dù là người nói lời tha thứ hay là người nhận được sự tha thứ, thì chúng ta cũng đều cảm nhận được niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn.
Qua dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót, Lời Chúa nhắc cho chúng ta bài học về sự tha thứ vô điều kiện mà chính Chúa đã đi bước trước để tha thứ cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đã được Chúa tha thứ trước; thế nên, nếu chúng ta không sẵn lòng tha thứ cho nhau thì chúng ta cũng sẽ giống với người đầy tớ mắc nợ nhiều được chủ thương tha hết; nhưng lại không tha cho người đồng bạn chỉ mắc nợ anh ta một số tiền nhỏ.
Là người Kitô hữu, không ai trong chúng ta còn xa lạ gì với lời kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ đọc bằng môi miệng, nhưng còn biết sống trọn vẹn lời kinh này với niềm xác tín rằng nhờ vào việc tha thứ cho người khác, chúng ta được chắp cánh để đi vào vương quốc của tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình của Mùa chay thánh, chúng con luôn được mời gọi sống tâm tình trở về, để giao hòa với Thiên Chúa là Cha và với mọi người là anh chị em chúng con. Xin Chúa giúp chúng con trở về với Chúa, với tha nhân và với chính mình bằng con đường tha thứ và yêu thương; để đời sống của chúng con được canh tân, đổi mới và mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng là con cái Chúa hơn. Amen.
Tác giả: Bích Liễu