Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá
Thứ sáu - 22/03/2024 22:15
3285
Đối với tín hữu Công giáo trên khắp thế giới, Chúa Nhật Lễ Lá có một vị trí đặc biệt trong Năm Phụng vụ, vì ngày này đánh dấu sự khởi đầu của Tuần Thánh và tưởng niệm việc Chúa khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Sau đây là 6 khía cạnh chính yếu về Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta nên biết khi chuẩn bị tâm hồn cử hành ngày quan trọng này.
1. Tín hữu mang theo cành cọ trong Chúa Nhật Lễ Lá giống như được tường thuật trong Tin Mừng
Việc sử dụng những cành cọ vào Chúa nhật Lễ Lá bắt nguồn từ các câu chuyện Tin Mừng, khi đám đông đặt những cành lá trên đường để chào đón Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem: ““Khi ấy, có đám đông dân chúng đến dự lễ, vừa nghe biết Chúa Giêsu đến Giêrusalem, họ liền cầm cành lá đi đón Người và tung hô rằng: 'Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến!'” (Ga 12,12-13).
Trong các nền văn hóa cổ xưa, cây cọ là biểu tượng của chiến thắng và hòa bình, còn đối với tín hữu, cây cọ tượng trưng cho chiến thắng của Đức Kitô trước cái chết và triều đại bình an trong vương quốc của Người.
2. Chúa Nhật Lễ Lá còn được gọi là Chúa nhật Thương Khó
Trong Sách lễ Rôma, tên chính thức của ngày lễ là “Chúa nhật Lễ Lá của Cuộc Khổ Nạn của Chúa”, nhưng tín hữu Công giáo còn gọi là “Chúa nhật Thương khó”. Căn tính kép này nêu bật các chủ đề tương phản về việc đón rước tưng bừng khi Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem và sự chờ đợi cuộc khổ nạn trang trọng của Người những ngày sau đó. Phụng vụ bắt đầu bằng việc hân hoan tưởng nhớ việc Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, được biểu tượng bằng việc làm phép và phân phát lá. Tuy nhiên, niềm vui này chuyển sang u buồn khi Thánh lễ tiếp tục với Bài Thương Khó. Thay cho bài Tin Mừng như thường lệ, hôm nay Bài Thương Khó được công bố trang trọng nhằm chuẩn bị tín hữu bước vào Tuần Thánh.
3. Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá bao gồm cuộc rước lá
Một trong những yếu tố nổi bật nhất của Chúa Nhật Lễ Lá là cuộc rước lá. Tại nhiều giáo xứ, các tín hữu tập trung bên ngoài thánh đường để nhận những cành lá được làm phép, sau đó mọi người tiến vào thánh đường trong một cuộc rước long trọng, nhằm tái hiện việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Sách Lễ Rôma ghi rõ: “Theo đó, việc tưởng nhớ việc Chúa vào thành được cử hành trong tất cả các Thánh lễ, bằng cuộc rước hoặc nghi thức trọng thể trước Thánh lễ chính hoặc cuộc rước đơn sơ hơn trước các Thánh lễ khác”. Cuộc rước này đóng vai trò như một hành trình thể lý và tâm linh, mời gọi tín hữu suy tư về hành trình của chính họ với Đức Kitô.
4. Linh mục mặc Lễ phục màu đỏ vào Chúa Nhật Lễ Lá
Màu Phụng vụ của Chúa nhật Lễ Lá là màu đỏ, tượng trưng cho máu Chúa Giêsu đổ ra trong cuộc Khổ nạn của Người. Việc các linh mục và phó tế mặc lễ phục màu đỏ nhắc nhở một cách sống động về sự đau khổ và hy sinh của Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta.
Trong lịch sử, màu đỏ cũng gắn liền với hoàng gia. Các Tin Mừng mô tả việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem giống như cuộc rước dành cho một vị vua. Do đó, việc sử dụng màu đỏ trong Chúa nhật Lễ Lá cũng có thể được coi là nhằm phản ánh căn tính vương giả của Đức Kitô, bất kể con đường tử nạn mà Người sắp trải qua.
5. Bài Thương Khó có vai trò trung tâm trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá
Trình thuật về cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu là phần trọng tâm của phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Bài Thương Khó kể lại những biến cố dẫn đến việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, từ Bữa Tiệc Ly với các môn đệ cho đến cái chết của Người trên Thập Giá. Lắng nghe trình thuật Thương Khó, các tín hữu được mời gọi suy niệm về tình yêu sâu xa của Đức Kitô và thực tại tội lỗi của con người.
6. Chúa Nhật Lễ Lá phải được coi là ngày để suy tư và đổi mới
Là ngày khởi đầu của Tuần Thánh, Chúa nhật Lễ Lá mang lại cho tín hữu một cơ hội đặc biệt để suy tư và đổi mới tâm linh. Đây là thời gian để chiêm niệm những mầu nhiệm về cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tín hữu được khuyến khích tham gia trọn vẹn các nghi thức Tuần Thánh, và bước vào Mầu nhiệm Vượt qua với trái tim và tâm hồn rộng mở.
Trình thuật Cuộc Thương Khó cũng nhắc tín hữu duyệt xét lại đời sống của chính mình. Trong bài giảng Chúa nhật Lễ Lá, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ vào các nhân vật trong trình thuật Cuộc Khổ nạn và mời gọi mọi người tự hỏi: “Trái tim của tôi ở đâu? Tôi giống ai trong số những người này?”
Gần đến Chúa nhật Lễ Lá, tín hữu Công giáo ở khắp nơi cử hành những truyền thống phong phú và tính biểu tượng sâu sắc của ngày lễ này. Khi làm như vậy, chúng ta có cơ hội đào sâu đức tin của mình, đến gần Chúa Giêsu hơn, và chuẩn bị trải nghiệm niềm vui Phục Sinh với con tim được đổi mới.
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com