Tết và những nỗi sợ

Thứ năm - 15/02/2024 02:55  566
unnamedKhông khí Tết đã ngập tràn trên mọi nẻo đường quê hương với những dấu hiệu đặc trưng của nó. Pháo nổ đì đùng, lì xì đỏ thắm, cùng bao lời chúc và những ước mong một năm mới nhiều an vui, hạnh phúc và bình an… Tết Nguyên Đán, hay trong tiếng Anh được gọi là “Tet holiday” không chỉ là thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là dịp lễ cổ truyền lớn nhất trong năm của người Việt. Dịp lễ này chứa đựng những nét đặc trưng văn hóa truyền thống và tâm linh của người Việt từ thuở xưa đến nay.[1]  Tết là ngày truyền thống trong văn hóa Á đông, trong đó có Việt Nam, ngày mà mọi người mọi lứa tuổi, mọi tầng lóp người Việt đều hướng tới mỗi dịp đông hết Tết đến xuân sang. Dù “Tết” chưa được chính thức đưa vào từ điển tiếng Anh cùng với “ao dai” (áo dài), “banh my” (bánh mỳ) hay “pho” phở, nhưng “Tet” cũng là một trong ít từ hiếm hoi được người nước ngoài hiểu với nguyên từ tiếng Việt mà không cần chuyển ngữ. Ai cũng háo hức đến ngày Tết, bởi Tết là ngày của đoàn viên, ngày gửi trao tình yêu thương, ngày của gặp gỡ, của giao duyên giữa đất trời và con người, cũng như giữa con người với nhau. Dù đi khắp chốn, nhưng ai ai cũng mong đến ngày Tết để lại được trở về, để được gác lại, được nghỉ ngơi bên những người thân yêu nhất…

Thế nhưng, con người luôn là một sinh vật rất lạ và đầy nghịch lý. Trong khi nhiều người háo hức, nô nức đến tết, mong một cái Tết đầm ấm, sum vầy, Tết đong đầy yêu thương, thì vẫn còn đó biết bao nhiêu người sợ cái Tết. Con người vốn bị bủa vây bởi biết bao nỗi sợ. Nỗi sợ trở thành một thứ virus vẫn ám ảnh, rình rập và tấn công con người. Bất cứ khi nào còn hiện hữu, con người còn phải đối diện với nỗi sợ. Con người sợ những cái không đáng sợ, nhưng đôi khi lại không sợ những cái đáng sợ. Nỗi sợ thâm nhập và gặm nhấm mọi ngày sống và mọi ngóc ngách trong đời sống cũng như trong tâm hồn con người. Và nỗi sợ cũng không buông tha ngày Tết, ngày mà có lẽ người ta chỉ muốn nói tới niềm vui và sự hạnh phúc khi đã cố gác lại mọi lắng lo, bộn bề lo toan. Thế nhưng, trong những ngày Tết, con người vẫn chất chứa những nỗi sợ. Thâm chí, ngay cả chính trong những người đang háo hức đến Tết, cũng còn nhiều người sợ chính cái háo hức ấy. Nỗi sợ có muôn hình muôn vẻ, có những nỗi sợ hiển hiện như ban ngày và có thể gọi tên, nhưng cũng còn đó bao nỗi sợ không tên, những nỗi sợ vô hình luôn khiến con người phải sợ, sợ cái sợ của chính mình và sợ cái sợ của người khác…

1. Những nỗi sợ xoay quanh chữ “Tết”

Tiếng Việt là độc âm nghĩa là nói từng tiếng góp lại thành một câu, viết từng từ góp lại thành một bài văn. Tiếng Việt dùng 32 chữ cái của mẫu tự La Tinh để viết, nguyên thủy do các Linh mục Bồ Đào Nha và Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 16, phiên âm tiếng Việt để truyền đạo Thiên Chúa, dần dần lập thành Chữ Quốc Ngữ thay thế Chữ Nho cho đến nay.[2] Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, hình tượng. Với một hệ thống các từ láy, từ ghép, từ tượng hình, tượng thanh, tiếng Việt có khả năng gợi ra được những hình ảnh rất rõ nét trong trí óc của người nghe.[3] Nhờ sự giàu hình ảnh và mang tính đơn âm ấy, mà một từ chỉ cần khuyết hay lược bỏ một hay một số kí tự, thanh âm là có thể dẫn tới một từ hoàn toàn khác nghĩa, chưa kể đến những từ đồng âm khác nghĩa. Nói chung, có thể nói tiếng việt là một ngôn ngữ thú vị mà người nói, người viết có thể chơi với từng con chữ, để có thể tạo ra những điều vô cùng lý thú mà không thiếu sự tinh tế, sâu sắc. Chữ “Tết” là một trong những từ như thế.

Thật vậy, chữ Tết đứng một mình và đầy đủ thì thật đẹp, đẹp từ sự cân đối cho tới ý nghĩa. Tết trong tiếng Anh có thể hiểu với nguyên nghĩa của nó, vì chỉ có chữ Tết mới diễn tả đầy đủ nội hàm của từ cũng như nói lên giá trị truyền thống riêng mà cái “Tết tây” hay ngôn ngữ nước ngoài không diễn tả hết được. Thế nhưng, nếu Tết bị khuyết đầu, khuyết đuôi, hay cả đầu cả đuôi thì sẽ “mất Tết”, không những chỉ làm thay đổi ý nghĩa, nhưng còn mang đến những điều mà chẳng ai mong muốn, thậm chí ai cũng sợ, nhất là là trong những ngày giao thời.

Sợ T - “ẾT” mất đầu

Nếu chữ Tết mất chứ T đầu tiên thì có lẽ ai cũng giật mình và sợ hãi. Khi không còn đầu, Tết trở thành tên của căn bệnh thế kỉ (T-ẾT) đáng sợ, mà bất cứ ai nhiễm vào đều có thể nói là dấu chấm hết cho cuộc đời. “ẾT” là điều ai cũng sợ, và có lẽ không ai muốn mình rơi vào cảnh huống này. Khi mắc vào căn bệnh trầm kha này, điều duy nhất là con người chỉ biết cầm cự và hy vọng phép lạ để níu giữ sự sống dài nhất có thể, dù đó là ai, tỉ phú hay người nghèo đều phải sợ cái Tết mất đầu này. Thật vậy, ai cũng biết cả thế giới đã chao đảo thế nào kể từ lần đầu tiên căn bệnh xuất hiện và liên tục lây nhiễm trong diện rộng và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù cho y học phát triển và đã có những cải tiến trong việc đối phó và kiềm chế căn bệnh đáng sợ này, nhưng giấc mơ về loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này vẫn còn là một giấc mơ đang được viết tiếp… Vì thế, cái Tết với những người mắc căn bệnh thế kỉ ấy dù nguyên nhân là do mình hay do người khác, chắc chắn sẽ kém vui và bớt ý nghĩa thậm chí là bi kịch. Nhất là mỗi ngày, người bệnh phải trải qua trạng thái lo âu, buồn chán khi sự sống, sự hiện hữu của mình đang bị đe dọa và đang bị gặm nhấm mỗi ngày, mà nếu không có một thái độ lạc quan, thần chết có thể gõ cửa bất cứ lúc nào.

Sợ “TẾ” - T mất đuôi

Ngôn ngữ Việt nam rất thú vị khi nhiều từ nếu bị khuyết sẽ chuyển hẳn sang một nghĩa hoàn toàn khác. Cách riêng với chữ Tết, nếu mất đuôi thì chỉ còn là cái chết, nghĩa là “Tế”. Thật buồn khi một ai đó ra đi gần hay trong dịp Tết, vì khi đó Tết trở thành những bài văn tế, những lời kinh cầu hồn, những bài thánh ca tiễn biệt cùng với bầu khí tang tóc. Dù trong đức tin Ki-tô giáo, cái chết chỉ là trm dừng chân, là bước chuyển tiếp đi vào đời sống mới, nhưng cái chết vẫn luôn là nỗi sợ và nỗi ám ảnh với mọi người, bởi đó là cái ác lớn nhất và đáng sợ nhất mà bất cứ ai cũng phải bước qua. Thật vậy, không ai muốn cái chết viếng thăm mình hay những người thân thiết trong dịp này, vì khi đó sẽ mất Tết. Bởi khi mà người người nhà nhà quây quần đón tết, thì mình lại lạnh lẽo cô đơn bởi sự mất mát và nỗi buồn cùng bao nhung nhớ của những kỉ niệm với người đã khuất cứ ùa về khiến lòng không thể không chạnh lòng…

Sợ T - “Ế” - T mất cả đầu cả đuôi

Cái sợ này là cái sợ rất thú vị, nhất là đối với những ai chưa tìm được một nửa của mình hay đã đánh mất một nửa ấy để rồi vào cảnh Tết mất cả đầu cả đuôi, cảnh “Forever Alone”.

Bố kêu mẹ hò, bạn bè giục giã, khiêu khích lấy vợ, lấy chồng đi… Vậy mà giờ tôi vẫn ế bền vững. Nhìn chúng bạn mà chạnh lòng, người ta thì có người để tâm sự, để sum vầy, còn mình vẫn ế trường kì, ế dai dẳng, ế dài hơi, thì có Tết cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa bởi lời ra tiếng vào, bởi tủi thân. Nhất là với những người ế chính hãng, ế xịn xò, thì khi nhìn mọi người, nhất là bạn bè cùng trang lứa có đôi có cặp thì sự chạnh lòng là không thể tránh khỏi. Do đó, những người đang trong tình trạng “Ê sắc”, nếu không vượt qua được mặc cảm, sẽ sợ Tết và trốn Tết ở một nơi xa hay một góc nào đó trong căn nhà của mình để vùi mình trong những công việc thông Tết hay bên những chiếc điện thoại với những trò chơi, những bộ phim hoặc trên những chiếc giường với những giấc ngủ dài mong Tết qua mau…

Như vậy, chữ Tết chỉ đẹp khi đầy đủ các bộ phận mà thôi, còn nếu bị khuyết đầu, khuyết đuôi hay cả đầu cả đuôi thì đều trở thành nhưng tình trạng tiêu cực mà nhiều người đều sợ những cái Tết như vậy. Chính vì thế, những lời chúc, những khát vọng về một ngày Tết sum vầy, đầm ấm vẫn mãi còn dang dở và chưa thành toàn với nhiều người, nhất là những người phải đón cái Tết trong những cảnh huống trên.

2. Những cái sợ khác trong những ngày tết

Ngoài những cái sợ thú vị xoay quanh chữ Tết ở trên, thì trong ngày Tết, muôn hình muôn vẻ niềm vui thì cũng còn đó muôn màu muôn sắc của những nỗi sợ thâm nhập và khiến con người quay cuồng và sợ hãi. Người sợ cái này người sợ cái kia, có những cái sợ theo độ tuổi, có những cái sợ theo đẳng cấp, bậc sống hay tầng lớp và còn nhiều lắm những nỗi sợ có thể ai đó trong chúng ta đều sợ khi tết đến xuân về…

Sợ Tết vì … đoàn viên

Tết luôn là dịp mọi người trong gia đình, xóm giềng hay xứ đạo trở về sau những tháng ngày làm lụng vất vả phương xa. Bất cứ ai dù ở nơi nao, nếu còn quê hương, còn gia đình, cũng đều mong về với gia đình và mong đến Tết để có thể đoàn viên bên gia đình và người thân bên những mâm cơm, những nồi bành hay những Thánh Lễ cùng những sinh hoạt đã làm nên cuộc đời mỗi người…

Tuy nhiên, nếu Tết là niềm vui của những ngày đoàn viên, thì nơi đó cũng chất chứa nỗi buồn của sự chia ly, của sự mất mát, của sự thiếu vắng hay của sự sợ hãi. Tết không… đoàn viên vì người thân yêu không còn, hay không thể đoàn tụ, hoặc không muốn đoàn tụ, nên đến ngày Tết luôn có hai thái cực giữa vui và buồn. Từ đó, có những gia đình sợ Tết vì không thể đoàn viên; có những gia đình sợ Tết vì chưa thể đoàn viên; cũng có những gia đình sợ Tết vì không muốn đoàn viên…

Sợ Tết vì không thể đoàn viên khi trong gia đình có những người đã khuất, nhất là mới mất hoặc đau đớn hơn là mất ngay trong những ngày Tết. Đó là điều không ai muốn trong dịp tết, khi cha mẹ con cái quây quần sum vậy trong mâm cơm ngày tết mà thiếu một ai đó mà ta đã từng yêu từng sống, thì mâm cơm đó dù thịnh soạn, cũng phần nào bớt sự ấm cúng và trở nên nguội lạnh. Khi Tết đến xuân về, những kỉ niệm về người quá cố như ùa về có thể khiến bầu khí như chùng xuống và cách nào đó trầm buồn hơn. Tuy nhiên đó là quy luật của cuộc sống mà bất cứ ai, dù sợ vẫn phải đối diện và vượt qua. Cũng vậy, có những người sợ Tết vì không còn nơi để về, không còn gia đình để sẻ chia để sum vầy, nhất là với những cảnh đời vô gia cư phải lang bạt và lang thang khắp chốn. Với những cảnh đời ấy, cái Tết dường như là cái sợ vô hình len lỏi và gặm nhấm tâm hồn và cuộc đời họ, nhất là trong những ngày Tết…

Sợ Tết vì chưa thể đoàn viên vì trong gia đình có ai đó đang ở chốn xa, hay vì một lý do nào đó do bệnh tật hay công tác mà chưa thể hay không thể trở về trong dịp Tết, hoặc do mâu thuẫn bất đồng mà chưa thể hòa giải. Thật vậy, trong nền kinh tế thị trường và trong vòng xoáy của kim tiền, nhất là tại Việt Nam, nhiều người phải tha phương cầu thực, phải sống kiếp “nước ngoài”, để rồi những cuộc chia ly ấy khiến mỗi khi tết về đối với họ là một sự nặng lòng. Cảm giác xa nhà, nhớ quê hương và gia đình, cùng với những giọt nước mắt sau những tiếng cười gượng khi gọi điện về chúc tết người thân có lẽ là một trong những cảm giác khó vượt qua nhất của người xa xứ trong dịp Tết. Để rồi sau đó họ vùi mình vào công việc hay những giấc ngủ để nỗi sợ và nỗi buồn tha hương bớt nhấm nháp tâm hồn họ. Nỗi sợ này có lẽ cũng ám ảnh với những gia đình có những người thân yêu phải đón Tết trong bệnh viện hay nơi nơi chiến trường, trong quân đội…

Không những thế, dù hầu hết mọi người đều mong đến Tết để có thể đoàn viên, nhưng vẫn còn đó nhiều gia đình sợ Tết vì không muốn đoàn viên. Nghịch lý thay bao gia đình đầm ấm mỗi khi được sum họp, thì vẫn còn đó sự ám ảnh của bao con người mỗi khi phải trở về với gia đình và bên những người mà lẽ ra sẽ yêu thương và nâng niu họ. Thế nhưng thay vì đoàn viên là gặp gỡ là yêu thương thì nơi những gai đình đó vẫn còn sự áp bức, bạo hành và bao chia rẽ, xung đột khiến không ai muốn trở về ngôi nhà hay xứ sở của mình. Khi đó, mỗi dịp Tết về có lẽ là một hố sâu ngăn cách khiến bao người vừa muốn lại vừa không muốn trở về vì… sợ Tết.

Sợ Tết vì sợ… mất tuổi

Tết là khi nhiều người vui khi mình thêm tuổi, nhất là trẻ con, thanh niên, bởi thêm tuổi thì thêm khôn ngoan, thêm trưởng thành, thêm vị thế trong gia đình hay trong tập thể. Thật vậy, khi đã lớn thì con người tự tin hơn vững bước và trưởng thành hơn cũng như tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời. Nhưng cuộc đời luôn chứa bao nghịch lý khi niềm vui vủa người này là nỗi buồn của người khác, sự mong ước của người dưới, lại là nỗi sợ đối với kẻ trên. Niềm vui với thời gian cũng là nỗi sợ đối với thời gian, bởi vì thời gian trôi và thời gian đẩy những con người về gần với cái chết hơn, nhất là với những người đang và đã đi gần hết vòng tua của cuộc đời. Nói đến Tết, nói đến tuổi là nói đến nỗi lo của những người lớn tuổi vì cái tuổi nó đuổi xuân đi. Sau bao năm tháng miệt mài với cuộc đời, mỗi dịp Tết đến cũng là nỗi sợ vô hình bởi thời gian cứ trôi, thì ngày mà bản thân phải rời xa gia đình và không được ăn tết bên con cháu lại càng gần. Nhìn chung, sợ chết là một cái sợ vô hình len lỏi trong tâm khảm bất cứ ai, nhất là với những người đã thành công và đề huề đang tận hưởng niềm vui bên con cháu và người thân.

Sợ Tết vì sợ bội chi

Ông cha ta vẫn từng nói “kiếm củi ba năm đốt một giờ”. Điều đó có phần nào đúng trong dịp Tết. Cả năm mọi người lo làm việc, lo tích góp để rồi mỗi độ Tết đến, người người nhà nhà, khi tạm gác lại những công việc sẽ dùng tài sản mình kiếm được để chi tiêu để sắm sửa cho gia đình và người thân trong dịp Tết.

Tuy vậy, bên cạnh những gia đình giàu có, những con người có đồng ra đồng vào, có của ăn của để thì việc chi tiêu trong những ngày tết dường như thật nhẹ nhàng và chính đáng. Vì đó là thời gian để họ thật sự nghỉ ngơi và để quan tâm đến những người mình yêu thương nhất theo kiểu rút tiền không sợ run tay. Nhưng với nhiều cá nhân và gia đình nghèo, nhất là trong tình trạng suy thoái, thì không những một năm mà nhiều năm kinh tế buồn sẽ khiến hầu bao của họ bị ảnh hưởng, thậm chí khánh kiệt. Do đó, nỗi sợ bội chi chắc chắn luôn ám ảnh và khiến bao người phải tính toán mỗi khi chi tiêu và mua sắm trong dịp Tết, để rồi dù khó khăn, mọi người vẫn có được một cái tết đầm ấm và yêu thương.

Sợ tết vì sợ… mất chức

Có lẽ không ai không nhớ cũng độ này năm trước, cả đất nước bàng hoàng khi nghe tin Chủ tịch nước bị cách chức. Đó là một nỗi buồn với cả quốc gia nhưng cách nào đó, dù khá nhạy cảm, mỗi độ Tết đến cũng là nỗi sợ của các quan chức khi có thể “bay ghế” bất cứ lúc nào vì những hành vi sai trái của mình.

Nỗi sợ này có lẽ cũng ám ảnh nhiều người dù làm trong cơ quan công quyền hay nơi các công ty, xí nghiệp bởi sự nghiệp và công danh cả đời gầy dựng có thể tiêu tán chỉ trong nháy mắt. Nỗi buồn đó sẽ buồn hơn khi xảy ra vào dịp Tết. Thật vậy, dịp Tết luôn là dịp bị lạm dụng để hối lộ, để biếu xén, để chạy chức quyền với những gói quà tết siêu to khổng lồ... Do đó, cùng với những cái ghế sẽ được thay thế chủ nhân, thì cũng đồng nghĩa với những người bị mất ghế, mất chức và mất vị thế. Vì thế cuộc sống vốn là cạnh tranh, ganh đua nên âu đó cũng là lẽ thường và nỗi sợ Tết vì sợ mất chức sẽ vẫn luôn thường hàng và hiện hữu trong nhiều người, nhất là với những người đang ngấp nghé bên bờ vực của sự suy tàn…

Và còn nhiều nỗi sợ khác

Nỗi sợ là một thực tại vẫn tồn tại và con người không thể phủ nhận hay chạy trốn, nhưng phải nhìn nhận sự hiện diện của nó dưới mọi dáng vẻ ở khắp mọi nơi và mọi thực tại. Nỗi sợ sẽ tiếp tục kí sinh nơi hữu thể người, tiếp tục gặm nhấm và hành hạ sự hiện hữu vốn đã mong manh này. Do đó, sự hiện hữu của con người luôn ngập tràn trong cơ man sợ hãi mà nếu không có một sức đề kháng tốt, sự hiện hữu của con người sẽ vị vùi lấp và hủy diệt bởi nỗi sợ, nhất là nỗi sợ mang tế đau khổ và chết chóc. Nỗi sợ cũng không kiêng kị hay lẩn tránh dù đó là ngày Tết, ngày mà ít ai nhắc đến hay thích đối diện với sợ hãi. Nỗi sợ luôn bủa vây con người dưới muôn hình dáng vẻ và mọi thời điểm trong suốt cuộc đời. Do đó, dù nỗ lực và cố gắng để gạt bỏ hay loại trừ nỗi sợ hãi, con người sẽ vẫn phải tiếp tục đối diện và học cách chấp nhận thực tại này mọi ngày trong suốt cuộc đời mà trong đó có cả những ngày Tết… Những nỗi sợ mà con người vẫn phải đối diện và trải qua trong ngày Tết cũng không hề ít: sợ đi lại, sợ ăn uống, sợ thiếu ngủ, sợ mệt, sợ chi tiêu, sợ giao thông, sợ say sưa, sợ nhậu nhẹt… và còn bao nỗi sợ vẫn còn đó và rình rập ập tời bất cứ ai.

Nhưng vẫn còn đó… Vắc-xin chống sợ hãi

Dù con người luôn phải đối diện với bao nỗi sợ trong thế giới và trong chính con người mình. Tuy nhiên, dưới nhãn quan ki-tô giáo, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã vì yêu, đã chết và Phục sinh để chiến thắng hoàn toàn mọi nỗi sợ hãi, con người tìm ra “vắc-xin toàn năng” giúp con người có đủ sức đề kháng, loại trừ và vượt thắng nỗi sợ hãi để đạt tới thành công và hạnh phúc đích thực dù vẫn phải đối diện và trải qua những nỗi sợ cuối cùng là đau khổ và cái chết. Nhờ đó, thay vì tiếp tục gieo rắc và đè nặng lên nhau những gánh nặng sợ hãi, con người biết mỗi ngày biết học cách can đảm đối diện với mọi nỗi sợ hãi, để chiến đấu và chế ngự nó, tránh việc làm lây lan cho người khác. Từ đó, nhờ sự bao dung, tha thứ, nhất là một tình yêu vị tha, cuộc sống và sự hiện hữu của con người trở nên nhẹ nhàng hơn, bình an hơn và đáng sống hơn, dù vẫn còn đó những nỗi sợ, nhưng chỉ còn là những nỗi sợ trong tầm kiểm soát. Thậm chí, những nỗi sợ cách nào đó còn giúp con người biết cảm thông hơn, khiêm tốn hơn, tha thứ nhiều hơn và nhất là yêu thương nhiều hơn.

Cũng vậy, niềm hy vọng cũng là liều vắc xin hữu hiệu để chống lại nỗi sợ. Như chiếc hộp Păng-đo, niềm hy vọng còn sót lại vẫn đã đang và sẽ tiếp tục giúp con người làm tất cả để ché ngự nỗi sợ và tiếp tục sự hiện hữu của mình một cách tròn đầy hơn. Bởi dù bị bao quanh bởi bao nỗi sợ, con người vẫn còn đó niềm hy vọng, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, một ngày mai tươi sáng và một cuộc sống bình an hơn, mỗi người sẽ biết dùng mọi nỗ lực và khả năng của mình để học cách chung sống với nỗi sợ để giúp cuộc sống mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn. Nhất là trong những ngày Tết, dù vẫn còn đó những nỗi lắng lo, sợ hãi, những không khí đoàn viên, tâm tình chia sẻ, tấm lòng quan tâm, yêu thương và thứ tha, nhất là niềm hy vọng qua bao lời chúc tốt đẹp, cùng với một niềm xác tín nơi Chúa Xuân, Đấng là mùa xuân bất tận và Đấng duy nhất có thể mang lại hòa bình cho nhân loại, con người sẽ tiếp tục hy vọng và tiếp tục thực hiện hóa niềm hy vọng đó trong niềm tin vào Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng nỗi sợ hãi và khuất phục ác thần. Vì thế hãy sống tâm tình lạc quan và hy vọng, cái Tết sẽ đến ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và bình an.

[1] https://ames.edu.vn/tin-tuc/21117/tat-tan-tat-tu-vung-ve-tet-trong-tieng-anh
[2] https://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2013/08/24/tieng-viet-ky-dieu/
[3] https://baitapsgk.com/lop-7/ngu-van-lop-7/su-giau-dep-cua-tieng-viet-tieng-viet-la-thu-ngon-ngu-giau-hinh-anh-hinh-tuong-voi-mot-he-thong-cac-tu-lay-tu-ghep-tu-tuong-hinh-tuong-thanh-tieng-viet-co-kha-nang-goi-ra-duoc-nhung-hinh-anh-r.html

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm169
  • Hôm nay47,191
  • Tháng hiện tại1,209,962
  • Tổng lượt truy cập71,237,719
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây