Thiên Chúa tình yêu nhất thiết phải Ba Ngôi
Thứ năm - 01/06/2023 22:59
1289
Thông thường, khi nhắc đến Chúa Thánh Thần, chúng ta thường nghĩ tới ơn soi sáng, để: chúng ta biết việc phải làm, cùng những trợ giúp, để: chúng ta hoàn thành các công việc theo đúng ý Chúa. Tuy nhiên, tác động của Chúa Thánh Thần trước hết, trên hết và thiết yếu hơn hết, đó chính là tình yêu. Chúng ta thường thích cậy nhờ Thánh Thần để “biết”, hơn là để “yêu”, bởi vì, “biết” sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh, quyền lực, và ở vị trí của người được phục vụ, còn “yêu” sẽ làm cho chúng ta yếu thế, nhún nhường, và đứng vào chỗ rốt hết để phục vụ như chính Đức Giê-su đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Công Đồng Ni-xê (325) đã định nghĩa Thiên Chúa luôn luôn là tình yêu, bởi vì, từ thuở đời đời, ngay cả trước khi có một đối tượng bên ngoài chính mình để yêu, thì Người đã có Ngôi Lời, Con Một, mà Người đã yêu bằng tình yêu vô hạn, nghĩa là trong Chúa Thánh Thần. Một Thiên Chúa thuần túy toàn năng, toàn tri, thì không cần phải Ba Ngôi, nhưng, Thiên Chúa là tình yêu, do đó, Người là Ba Ngôi: Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp Chúa Cha và Chúa Con.
Chúng ta thường nghĩ: Đức Giê-su được sai đến trần gian là do tội của A-đam. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Ngôi Lời Thiên Chúa được sai đến trần gian, trước hết và trên hết, là bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Dù cho A-đam không phạm tội, Thiên Chúa vẫn nhập thể làm người. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế, là vì loài người chúng ta, mà chúng ta là một hữu thể được Thiên Chúa dựng nên với biết bao nhiêu điều phong phú và cao cả, chứ đâu chỉ có tội không đâu; Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế, là vì để cứu rỗi chúng ta, mà ơn cứu độ của Thiên Chúa thì bao la, mênh mông, bát ngát, chứ đâu chỉ có tha tội không đâu.
Thiên Chúa là tình yêu, mà bản chất của tình yêu là cho đi, cho nên, Người muốn có một Ngôi Vị ngoài mình, ngang hàng với mình, đồng bản thể với mình, để là tình yêu và ban phát tình yêu cũng giống như mình, và ai có thể đảm nhận được điều này, ngoài Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su: “Người bởi Đức Chúa Cha mà ra”; và tuyên xưng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”, còn Đức Chúa Cha, không bởi ai hết, Người tự mình mà có, nhưng, vì Người là tình yêu, mà bản chất của tình yêu, thì không thể tự yêu mình, tự yêu mình là ích kỷ, nên Người cần một đối tượng để yêu thương, đối tượng đó là ai: là loài người, là vũ trụ này hả? Vậy, khi chưa có loài người, chưa có vũ trụ, hoặc khi loài người và vũ trụ này tan hoại, thì Người không còn là Thiên Chúa, không còn là tình yêu nữa sao?
Thiên Chúa thì vô hạn, nên tình yêu của Người cũng vô hạn. Con người là loài thụ tạo hữu hạn, thì làm sao có thể đón nhận được tình yêu vô hạn và làm cho tình yêu đó tuôn trào chan chứa đến khắp mọi nơi, đến hết mọi người, mọi loài, và mọi vật. Thiên Chúa cần một trung gian: vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật, để vừa có thể đón nhận tình yêu vô hạn, vừa có thể trao ban tình yêu cách trọn vẹn nhất. Chính vì thế, khi Ba Ngôi đưa ra quyết định: Chúng Ta hãy làm ra con người giống hình ảnh Chúng Ta, thì Mầu Nhiệm Nhập Thể đã bắt đầu khởi động, chứ không phải chờ cho tới khi A-đam phạm tội, để giam giữ loài người trong tội không vâng phục, để rồi, tỏ lòng xót thương. Ngôi Lời Thiên Chúa được sai đến trần gian, để trong tư cách là con người thật, Đức Giê-su đại diện cho toàn thể nhân loại đón nhận tình yêu vô hạn của Chúa Cha, và trong tư cách là Thiên Chúa thật, Đức Giê-su trút cạn tình yêu bất tận của Người cho nhân loại. Cho nên, khi chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, chúng ta không tưởng niệm những đau khổ, những cực hình, nhưng, chúng ta chiêm ngắm một tình yêu hiến tế, tự hủy của Đấng là tình yêu. Điều làm cho Chúa Cha thỏa lòng không phải là những đau đớn, những khổ hình của Chúa Con, nhưng chính là: ý chí tự do vâng phục để yêu nhân loại cho đến cùng của Đức Giê-su, do đó, Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào cuộc Thương Khó không phải như đi tới một cuộc buôn bán, đổi trác, đòi nợ, nhưng là: đi vào một cuộc tình, để chiêm ngắm một người tình: đã trở nên ngu dại và điên rồ vì người mình yêu…
Loài người chúng ta được tác tạo từ chính tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúng ta là đối tượng của tình yêu, là nơi Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu đầy tràn chan chứa, tội lỗi chỉ là một điểm, một chấm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ phủ lấp tất cả: dù tội chúng ta có đỏ như son, thấm tựa vải điều, sẽ nên trắng như bông; ở đâu tội lỗi ngập tràn, thì ân sủng Chúa càng chứa chan gấp bội… Do đó, tội lỗi và những hậu quả do tội lỗi gây ra cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, nếu, chúng ta biết quay về ngụp lặn trong đại dương bao la thương xót của Người. Thiên Chúa có thể viết những dòng chữ thẳng trên những đường cong, rút được điều lành từ sự dữ. Thiên Chúa toàn thiện, nên Người không thể là nguyên nhân của bất cứ sự dữ nào trên trần gian này, còn những gì Chúa cho phép xảy đến với chúng ta, ắt hẳn, phải có gì đó ích lợi cho phần rỗi của chúng ta. Khi gặp những nghịch cảnh đau thương, ước gì chúng ta đừng ngã lòng, thất vọng, nhất là khi phải đối diện với cái chết của chính mình hay của người thân mình, bởi vì, dù chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn mãi ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu.
Tóm lại, những gì chúng ta nói về Thiên Chúa, thì cũng giống như ngón tay vẽ trên mặt đại dương. Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, chúng ta chỉ có thể mượn tạm một vài hình ảnh loại suy để nói về Người như: 1 tam giác đều có 3 cạnh bằng nhau, 1 chiếc kiềng có 3 chân, 1 ngọn nến có 3 đặc tính: cháy, nóng, sáng, 1 người có 3 nghề nghiệp khác nhau, v.v. Chỉ nhờ đức tin, cầu nguyện, và lòng khiêm nhường quy phục Thiên Chúa, chúng ta mới được Thiên Chúa mặc khải cho biết những mầu nhiệm cao cả của Người.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền