Khát sống
Thứ tư - 23/11/2022 04:10
752
Tháng Mười Một đang dần trôi về những ngày cuối, những ngày quý báu cho ta nhìn về sự chết không phải để tuyệt vọng nhưng là để khát khao sống. Sự sống mà không ai có quyền tước đoạt ấy lại đang bị cướp đi nơi những mầm sống nhỏ bé. Đứng giữa nghĩa trang thai nhi Ngọc Hồ, cảm giác của tôi là rùng mình, sững sờ, ngao ngán và quặn thắt. Phá thai, tôi đã nghe nhưng không ngỡ nhiều quá sức tưởng tượng. Tôi chợt nhớ lại cảm giác đuối nước của mình giữa dòng suối chảy xiết. Khi đó, tôi vùng vẫy, ngạt thở và sợ hãi. Tôi khát khao sống nhưng đã bất lực buông theo dòng nước, may mắn có người bạn cứu sống. Dù sao tôi cũng còn có thể vùng vẫy và kêu cứu, còn các thai nhi “ngoan ngoãn” câm lặng không một cơ hội vũng vẫy mà cũng chẳng một tiếng kêu cứu. Các em bị chính cái gọi là “tình mẫu tử” trói buộc và bóp chết. Tôi còn nhớ như in thời sinh viên đi thu các thai nhi xấu số về an táng và ghi lại nhật ký. Chỉ từ 24/6/2013 đến 3/10/2014, khu vực thành phố Nam Định nhỏ bé đã có tới 979 thai nhi bị phá công khai, chưa kể đến những thai nhi bị phá cách âm thầm kín đáo. Như thế cứ mỗi ngày có 10 sinh mạng bị giết, thử hỏi cả nước Việt Nam mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm có bao nhiêu tội ác rùng rợn như thế?
“Ôi cha mẹ sao xử con như thế
Phanh thây, bóp nát chẳng kể lương tri
Cha mẹ ơi! Con chỉ là hài nhi
Kìm kẹp, kéo cắt… còn gì mẫu tử?”
Thật đau thương hơn khi:
“Có ngày tử khi ngày sinh chưa tới
Buộc chào đời bằng cái chết oan khiên”
(Khuyết danh).
Các em đã bị tước mất cả tự do chính đáng là được sinh ra. Nhiều bà mẹ lí luận rằng: Chẩn đoán gene bất thường, đứa bé sinh ra sẽ thiệt thòi nên giải phóng cho nó. Thực ra, bà mẹ đó sợ trách nhiệm và gánh nặng phải nuôi một đứa trẻ không lành lặn mà thôi. Không ít người lại suy nghĩ lệch lạc rằng: «Thai nhi chưa phải là người nên họ có quyền loại bỏ», nhưng họ quá nhầm. (X. Docat số 71). Họ nên nhớ rằng: «Một phôi thai không phát triển thành người, mà phát triển như một con người». (x. Docat số 74). Mặt khác, nếu thai nhi chưa phải là người thì sao có thể nói «giải phóng». Chiếc mặt nạ «giải phóng» ấy vẫn tồn tại được trong thời đại 4.0 hay lòng người quá ác độc? Các thai nhi nơi đây nằm bất động (mà kì thực chưa từng được cử động) đáng lẽ có em sẽ là sinh viên, công nhân hay thậm chí là những mầm non ơn gọi. Vậy mà… điều tưởng như tốt đẹp ấy giờ đây chỉ là nấm đất khô hay ngôi mộ trắng oan khuất.
Chẳng lẽ các em không còn hi vọng gì? Không! Các em đang bên Chúa và cầu nguyện cả cho những người giết mình:
«Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa
Nhưng vẫn còn có Chúa đón nhận con».
(Tv 27,10).
Chúng ta tin tưởng và phó thác các em cho lòng thương xót của Chúa và hi vọng tình yêu của Chúa xoa dịu nỗi đau mà các em đã chịu cách bất công.
Hỡi những ai chuẩn bị làm mẹ (dù trong cảnh huống nào) hãy dùng tình mẫu tử để đón nhận vinh dự thay Chúa ươm mầm sống mới cho công trình sáng tạo, đừng để sự ích kỷ biến mình thành kẻ sát nhân mang án vạ tuyệt thông tiền kết. Hãy nhớ rằng mỗi con người dù bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa vẫn khát khao được sống thì các thai nhi là khởi điểm của mầm sống còn khát sống gấp bội. Mong rằng mỗi người trẻ hãy tôn trọng phẩm giá và tự do của con người vì mỗi người đều có trong dự định của Thiên Chúa như Chân Phước John Henry Newman đã nói: «Tôi được tạo dựng để thực hiện một điều đặc biệt, để trở nên một người độc đáo; Thiên Chúa đã dự tính cho tôi một vị trí trong kế hoạch của Ngài, dù tôi giàu hay nghèo, dù được người đời khen ngợi hay bị họ khinh thường, Thiên Chúa vẫn biết đến và gọi chính tên tôi». Mỗi chúng ta cũng hãy để các thai nhi được đặt đúng vị trí mà Thiên Chúa đã dự tính để niềm khát khao sống toại nguyện nơi các em.