Te Deum - Khúc hát tạ ơn
Chủ nhật - 01/01/2023 08:19
912
Những ngày cuối cùng của năm dương lịch, đây là thời khắc thật ý nghĩa để mỗi người chúng ta nhìn lại những thước phim cuộc đời của mình. Điều gì sẽ còn đọng lại trong ký ức của chúng ta khi năm cũ đã qua, tâm tình mà chúng ta cầu nguyện với Chúa hôm nay là tâm tình nào? Thật thích hợp thay khi chúng ta suy ngẫm về 365 ngày đã qua với lời chúc tụng tạ ơn. Dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, lời tạ ơn vẫn là lời đẹp nhất và xứng đáng nhất của chúng ta trước ân huệ diệu vời đến từ Trời cao. Nhìn cảnh sách đất trời, những cành đào, đóa mai bắt đầu bung ra những sắc vàng sắc đỏ để cùng chung tâm tình với con người hát lên nhạc khúc tạ ơn. Cuộc đời mỗi người lại sang một năm mới, một hành trình để tiếp tục dựng xây dự tính của cá nhân, một hành trình lên đường đổi mới mặt đất này; và đặc biệt, mỗi người Kitô hữu, một hành trình làm chứng cho Tin Mừng lại được mở ra.
Theo truyền thống, vào ngày cuối cùng của năm dương lịch, tại nhiều nhà thờ Kitô giáo, Đoàn dân Chúa tụ họp để long trọng xướng lên bài thánh ca Te Deum. Tuy nhiên, nếu muốn trích trọn vẹn thì phải là “Te Deum laudamus” – Chúng con ngợi khen Chúa. Lời kinh Te Deum có gì mà Giáo Hội lại chọn là lời kinh đọc mỗi khi một năm kết thúc?
Có lẽ tục lệ này bắt nguồn từ truyền thuyết cho rằng thánh thi này do hai thánh Ambrôxiô và Augustinô sáng tác để tạ ơn Chúa sau khi Augustinô được ơn trở lại. Theo các sử gia, tục lệ hát kinh này vào dịp tạ ơn tương đối hơi muộn, nghĩa là khoảng thế kỷ VIII: thánh thi Te Deum được hát vào dịp tấn phong giám mục, viện phụ hay là lễ đăng quang các vua, để chúc tụng ngợi khen Chúa luôn luôn dìu dắt dân của Ngài. Tuy nhiên, thánh thi đã được du nhập vào phụng vụ sớm hơn, qua một cửa ngõ khác. Nhiều bộ luật của các đan sĩ, trong đó có cả luật của thánh Biển-đức (526), đã buộc hát kinh Te Deum vào kinh đêm (Matutinum) các ngày Chúa nhật. Đăc biệt là các quy luật phụng vụ cổ thời đã gắn liền hai kinh Te Deum với kinh Gloria (tức là kinh “Vinh danh Thiên Chúa”) với nhau, nghĩa là ngày nào trong Thánh lễ có hát kinh “Gloria” thì trong kinh thần vụ cũng hát kinh “Te Deum”.[1]
Te Deum Laudamus về sau này đã được dệt nhạc nhạc bởi một số lượng lớn các nhà soạn nhạc - Charpentier, Berlioz, Gounod, Purcell, Handel (năm lần), Ralph Vaughn Williams, Gabrieli, Scarlatti, Verdi, Hayden, Bach, Mozart và Bruckner. Quyền tác giả của bài thánh ca thường được quy cho Nicetas of Remesiana, nhưng Thánh Ambrose, Thánh Augustinô, Thánh Hilary của Poitiers, và những người khác đã được chỉ định trong nhiều thế kỷ có thể là tác giả. Bách khoa toàn thư Công giáo cũ nói rằng nó chắc chắn được viết bởi Thánh Caesarius thành Arles, mặc dù có những phiên bản dài hơn và ngắn hơn. Ban đầu nó dường như được viết bằng tiếng La Tinh, không phải tiếng Hy Lạp, và đã được sử dụng phụng vụ ở miền nam Gaul, Milan và miền bắc nước Ý.[2]
Thánh thi Te Deum gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là bài ca tụng Thiên Chúa Cha và kết thúc bằng lời chúc tụng Chúa ba Ngôi. Hai cụm từ tiếng Latinh đầu tiên là “Te Deum laudamus; te Dominum confitemur.” Những lời này được nhóm Phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ dịch là: “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tôn vinh Ngài là Đức Chúa”. Câu tiếp theo là: “Chúa là Cha, Đấng trường tồn vạn đại, hoàn vũ này kính cẩn suy tôn.” Những lời trên đây nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng những lời ca ngợi của là tất cả hoàn vũ. Đây là một sự khẳng định vinh quang tối thượng của Thiên Chúa Cha. Phân đoạn tiếp theo của kinh Te Deum đề cập đến lời cảm tạ và cung chúc tôn thờ của các thiên thần Cherubim và Seraphim. Chúa không chỉ là vua cả đất trời và ngôn ngữ loài người chỉ có thể biết tôn vinh bằng “Thánh, thánh, thánh”. Rồi đến các Tông đồ, các vị tiên tri, và các vị tử đạo chúc tụng tôn vinh. Phần thứ hai của kinh Te Deum được dành đẻ ca ngợi Thánh tử Giêsu: Người được tuyên xưng là Đấng Kitô, Vua vinh quang, Thánh tử vĩnh cửu phát xuất tự cung lòng Chúa Cha. Đấng Kitô đã trử nên con người và ở giữa chúng ta. “Người đã chẳng nề mặc lấy xác phàm, nơi cung lòng Trinh Nữ. Đức Kitô, Ngài đã chiến thắng sự chết để khai mở một vương quốc vĩnh cửu cho tất cả những ai tin vào Người. Chính bố cục gồm hai phần và nhấn mạnh đến thiên tính của đúc Kitô trong phần thứ hai, đã đưa một số học giả kết luận rằng hai thánh thi Te Deum và Vinh danh đã ra đời trong cùng bối cảnh không gian và thời gian, nghĩa là nhằm chống lại lạc giáo Ariô, chối bỏ thiên tính đức Kitô.
Một mùa đông đã tàn phai và một mùa xuân mới sắp đến, cả đất trời như ngập trong hạnh phúc. Cây cối đang đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Những mầm non đang bừng tỉnh sau giấc ngủ Đông dài. Thật đẹp biết nhờng nào khi lời kinh Te Deum được xướng lên trong thời điểm Giáo hội khai mạc ngày lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Mỗi người tín hữu Kitô, nhờ sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sẽ vươn vai vẫy lá chào đón gió Xuân, tiếp tục sống và làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại của nền “văn minh sự chết”[3] này, để tất cả lẽ làm nên một bản trường ca Te Deum bất tận.
Bánh xe thời gian một khi đã vào guồng, nó sẽ quy không ngừng nghỉ. Một năm đã qua với biết bao hồng ân ngang qua những niềm vui tràn đầy, cũng có thể đó là hồng ân ngang bao trùm bởi những thất bại ê chề. Thời khắc cuối cùng của năm là lúc mọi người gạt bỏ âu lo, bộn bề trong kiếp người lắm khổ đau đắng cay này để nhìn lên Chúa là Đấng rất mực yêu thương. Biết hi vọng và tin tưởng vào Chúa thì cuộc đời ắt sẽ không còn những cái nắng run rẩy nép mình trong se lạnh của mùa Đông, mà quá trưa mặt trời vẫn không ló mặt, đêm về chỉ nghe những tiếng kẽo kẹt nơi gốc tre già hay những cành cây khẳng khiu chống chọi với giá lạnh, mà thay vào đó, là những tia nắng vàng ấm áp, những chồi non nhú lên chào đón mùa xuân đầy sức sống: Khi hạt lúa rơi vào bùn đất tội nghiệp, nó sẽ lại trả một vụ mùa bội thu. Cuộc đời có thể có những nhọc lao, nhưng thành quả khi biết tin tưởng vào Ân Sủng, Tình Yêu và Lòng Thương xót thì hẳn là sẽ lớn lao. Sống như thế, ta có thể hiên ngang cất cao lời ca:
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui (Tv 125,3 – 4)
Xin được chung lời chúc tụng cùng với Mẹ Maria:
Magníficat ánima méa Dóminum, et exultávit spíritus méus in Déo salutári méo.
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. (Lc 1,46 – 47).
[1] Phan Tấn Thành, hiểu để sống Đức Tin, Tập II, trang 154
[2] Fr. James V. Schall, S.J, Te Deum Laudamus: Praising God for Our Year (Bản dịch của người viết)
[3] Thuật ngữ ĐGH Gioan Phaolô II đề cập trong thông điệp Evangelium Vitae ở các số 12, 21, 24, 26, 28, 50.