Nhật ký hành trình linh thao...

Thứ tư - 22/06/2022 05:02  920
picture1 1Đời sống Thánh hiến thật đẹp và linh thánh khi được sống những giây phút Linh thao, hay còn gọi là hành trình lên núi. Đó là những khoảnh khắc bình an, vượt xa thế giới ồn ào để đi vào cõi riêng tư “một mình con với Chúa”. Hơn nữa, đây còn là khoảnh khắc lắng đọng để tìm kiếm một chân lý mới, một sự xác tín hơn nữa trong đời sống ơn gọi qua một bước tiến mới. Như lời Đấng Sáng Lập đã khuyên dạy chị em: “Khi tâm hồn khao khát tìm Chúa trong chân lý và Thần khí, thì chắc chắn sẽ gặp được Người”. Vì vậy, hành trình lên núi lần này là một bước ngoặt đối với chị em tuyên khấn lần đầu và chị em tuyên khấn trọn đời theo linh đạo Đức Cha Lambert. Và hơn nữa, như một lời nhắc nhở chị em nhìn lại hành trình bước theo Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mỗi chị em. Đồng hành với chị em trong những ngày linh thao này là Đức nguyên Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn.

Ngày đầu tiên...

Đức Tổng đưa chúng tôi lên núi với ông Môsê. Đây là một hành trình lý thú, nhiều phân cảnh đẹp và hấp dẫn, chúng ta hãy từ từ đi vào để khám phá từng chi tiết. Môsê là người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, được Thiên Chúa dùng và tuyển chọn để dẫn đưa dân của Người. Tuy nhiên, để có được Môsê như ngày nay ca ngợi, Thiên Chúa đã chuẩn bị và đào tạo ông ngay từ khi sinh ra. Chúng ta cũng thế, những gì chúng ta đạt được không do ngẫu nhiên mà có, nhưng đó là một kế hoạch tiệm tiến Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người. Môsê đã từng lý tưởng tự tin, nhưng lại gặp thất bại, gặp phải đau khổ. Cuộc sống chúng ta cũng thế chăng? Chúng ta tự hào là người nữ tu hay tự hào là người thành công, tài giỏi. Nhưng chúng ta có nghĩ  đến ngày nào đó những thứ đó chỉ là hư vô, bị mất và trở nên vỡ mộng. Như thế, cuộc sống là một chuyến tàu, ngày nào đó khởi hành nhưng đến đâu, dừng ở đâu là do chúng ta quyết định.

Ngày thứ hai...

Môsê đã nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ dù đã nhiều tuổi, nhưng tâm hồn ông vẫn còn trẻ, còn hăng say. Đó là hiện tượng bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi. Ông đã tìm thấy được tuổi thanh xuân, một cuộc sống mới. Mặc dù lý tưởng đã bị thất bại, nhưng tâm hồn của ông luôn tươi trẻ, còn tò mò, còn thắc mắc… vì thắc mắc là khởi điểm của tiến bộ. Lúc này, Môsê đã nhận ra được ý Chúa. Hành động cởi dép là cởi bỏ con người mình để bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Môsê là người đã được đào tạo trong hoàng cung, được học tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập, nhưng giờ đây ông nhận ra điều quan trọng là ông không biết Thiên Chúa. Chúng ta thì sao? Sự khôn ngoan thế gian chúng ta được lĩnh hội còn về Thiên Chúa thì như thế nào? Chúng ta có dùng sự khôn ngoan đó để cộng tác vào công việc của Thiên Chúa, hay đời sống Đức tin giải trình làm sao. Thiên Chúa luôn đem đến sự bất ngờ và dùng chúng ta trong những hoàn cảnh mà chúng ta không nghĩ đến. Những gì chúng ta tưởng chừng là đúng, là chân thực, nhưng lại sai lầm trước ý định của Thiên Chúa như bụi gai nhìn thì cháy nhưng lại không có hiệu quả gây nguy hiểm. Đời sống của chúng ta cũng có nhiều chướng ngại vật cản, nhưng hãy như Môsê từ bỏ để nhận ra tiếng Chúa mời gọi.

Ngày thứ ba...

Trong câu chuyện và đời sống của Môsê đã gặp phải người cai trị như Pharaô. Vậy Pharaô là người như thế nào mà liên quan đến trong hành trình của Môsê và của chúng ta. Thực ra Pharaô là người tốt, một người cởi mở, đón nhận cái mới, nhưng lại là người bị lệ thuộc vào địa vị và quyền hành. Có thể nói Pharaô là nhân vật phản diện trong câu chuyện của Môsê và cũng là hình ảnh phản chiếu trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng là người tốt, người tử tế, nhưng vẫn gặp phải những cản trở, những khó khăn và những giới hạn. Như trong Tin Mừng, câu chuyện về anh thanh niên, Chúa Giêsu đã ngạc nhiên và khen ngợi về đời sống đức hạnh. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu nói anh về bán của cải chia cho người nghèo và theo Chúa thì anh ta buồn sầu bỏ đi. Thế đó, nơi chúng ta luôn còn ẩn giấu những yếu điểm và đòi hỏi chúng ta phải vượt thắng. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn để những khuyết điểm đó tồn tại trong ta, để chúng ta nhận ra chính mình. Đời sống chúng ta được mời gọi trở nên Thánh chứ chúng ta chưa phải là con người trọn hảo.

Ngày thứ tư...

Ông Môsê là ai và là con người như thế nào? Ông cũng là con người tự do chọn lựa như chúng ta, cũng có lúc khí dũng và bị thất bại nhưng đã chiến thắng và và không bị ràng buộc bởi những sai lầm. Khi nhận ra bản thân mình, ông đã bước theo con đường Thần Khí, đã hành động, kiên trì để tiếp tục phục vụ Lời của Chúa. Khi trước ông hành động theo ý bản thân, nhưng nay ông đã thi hành dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Ông đã không dùng ngôn ngữ của chính mình, nhưng là ngôn ngữ của Thiên Chúa. Còn chúng ta, có gì còn đang ràng buộc trong cuộc sống và nơi môi trường xung quanh, khiến chúng ta không còn tự do. Nhất là khi chúng ta rơi vào tình cảnh như hành trình vượt Biển đỏ, sau lưng chúng ta là sự lùng bắt của Pharaô, trước mặt là vùng biển khủng khiếp. Dừng lại cũng không được mà tiếp bước cũng rơi vào tình cảnh khốn cùng. Thời khắc đó chúng ta chọn ai và tin vào điều gì? Cũng khó để đưa vào cuộc sống của chúng ta. Mô sê là người lãnh đạo, là người luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, đó cũng là bài học để chúng ta nhận ra cuộc sống của mình. Chúng ta cố gắng đừng để rơi vào hoàn cảnh bế tắc, mất tự do. Hãy bước ra khỏi mình để thấy khung trời hạnh phúc và bình an, không còn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Ngày thứ năm...

Môsê đã thi hành ý Chúa như một người tôi tớ. Ông từng  là người tự hào, là người muốn giải phóng dân, là người có tất cả như một hoàng tử ở Ai Cập. Nhưng giờ đây, ông đã nhận ra chính mình, thực hiện công việc của Thiên Chúa như một người tôi tớ trung tín: phục vụ, an ủi, trách nhiệm, chuyển cầu và sống Lời Chúa. Để lãnh đạo và đưa dân tới một số lượng đông như dân Itsrael, đó là một bài toán khó đối với Môsê. Nhưng ông đã chấp nhận và từ từ giải quyết bài toán đó với ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Ông luôn hỏi ý kiến Thiên Chúa. Khi dân kêu trách than van, ông trình bày xin Chúa chỉ dẫn. Mặt khác, ông lại có lòng yêu mến, trấn an, và chuyển cầu cho dân. Là người lãnh đạo hay là người trung gian, nhiều khi cũng khó để phân giải. Một bên là thi hành trách nhiệm tốt, một bên là phải làm hài lòng những đòi hỏi. Chúa Giêsu cũng thế, Người đến thế gian như một người tôi tớ, phục vụ bằng những công việc tầm thường, an ủi những người tội lỗi, yêu thương và đem chiên lạc trở về và Người luôn cầu xin Thiên Chúa tha tội cho nhân loại. Môsê chính là hình bóng phục vụ của Chúa Giêsu, còn chúng ta là hình bóng của ai? Chúng ta có sẵn sàng phục vụ khi người khác cần hay chúng ta có vui khi thi hành bổn phận. Ơn gọi của người Kitô hữu là phục vụ. Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “chúng ta phải biết cám ơn người nghèo, bởi giúp chúng ta biết cách phục vụ”. Yêu thương và phục vụ là hai thông điệp mà Chúa Giêsu cũng như Hội thánh kêu mời chúng ta thi hành, đúng lúc, đúng cách, đúng việc cũng là điều chúng ta nên học hỏi và trải nghiệm.

Ngày thứ sáu...

Sự đau khổ và bất an của ông Môsê ra sao khi lãnh đạo dân, khi là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Đôi lúc ông cũng cảm thấy sợ hãi, yếu đuối và khó khăn trước áp lực của dân. Chấp nhận công việc của Thiên Chúa, chấp nhận sự kêu trách than phiền của dân. Ông đã thương dân, chiều lòng dân bởi một phần ông là người trực tiếp đưa họ ra khỏi Ai Cập “vì các ngươi mà ta phạm tội trước mặt Thiên Chúa”. Trải qua cuộc đào tạo 40 năm trong sa mạc và kinh nghiệm về sự thất bại trong sự ảo tưởng, Môsê giờ đây đã ý thức làm theo ý Chúa, nhưng bênh vực dân là điều ông phải là, phải chấp nhận. Thế nhưng, chúng ta cũng khôn so sánh được vói sự đau khổ của Chúa Giêsu, Người đã tự trao nộp chính mình để cứu độ con người. Ông Môsê còn được dân chấp nhận, còn Chúa Giêsu thì bị chính con người phản bội và đem đóng đinh trên Thánh giá. Chúng ta đối diện thế nào khi gặp phải sự đau khổ, trái ý. Khi đau khổ chúng ta than trách ai, đổ lỗi cho người nào. Trong cuộc sống đôi khi thật khó để chấp nhận lỗi lầm của mình và khó để tha thứ cho người khác. Phải thực tập, thao luyện mỗi ngày mới trở nên người tốt, phải trải qua đau khổ mới học được thế nào là sự chiến đấu, sự từ bỏ. Người biết đứng lên từ chỗ vấp ngã, người nhận ra yếu đuối nơi mình mới là người khôn ngoan, tìm được cuộc sống mới. Chúng ta cầu xin lòng yêu thương của Thiên Chúa ban cho chúng ta sự can đảm, sự thanh thoát để bước ra từ những đau khổ do cuộc sống hằng ngày đem đến. Xin nâng đỡ và dìu dắt chúng ta mỗi ngày để chúng ta vững vàng bước lên.

Ngày thứ bảy...

Chúng ta chiêm ngắm cái chết của ông Môsê, liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu để từ đó suy nghĩ về cái chết của mỗi người chúng ta. Cả Môsê và Chúa Giêsu đều vâng phục Thiên Chúa, chấp nhận cái chết và đó là một cái chết trong cô đơn. Thế nhưng ông Môsê đã chết một mình, ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng mặc dù ông bị Chúa  phạt không được vào đất hứa, nhưng Thiên Chúa vẫn chỉ cho phần đất hứa đó. Còn Chúa Giêsu, Người đã chết cách trần trụi, nhục nhã, không còn hình tượng. Phải chăng ai trong chúng ta cũng sợ cái chết, sợ bóng đêm đến bất chợt. Vậy lí do là gì, liệu chúng ta có vượt qua được chính nó không? Đức Mẹ trong vai trò tình mẹ con bình thường, trong ý nghĩa cao quý là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã mong muốn vượt qua cái chết để trở về với Chúa Giêsu bé nhỏ. Bởi không còn gì khiến Mẹ bám víu, Mẹ đã can đảm để bước vào vinh quang. Thật thế một trong những lí do chúng ta sợ chết đó là chúng ta còn bám víu quá nhiều vào thế gian. Còn nhiều nỗi băn khoăn, sự gắn bó, khiến chúng ta bị chi phối và không muốn dứt bỏ. Lời mời gọi chết đi cho tội lỗi, cho những thú vui trần gian không phải là điều dễ dàng chấp nhận, nhưng không phải không thể xảy ra. Chúng ta tập vượt qua cái chết, vượt qua những cám dỗ từng ngày, từng phút, tùng giây. Để rồi khi cái chết đến, chúng ta dễ dàng chấp nhận tập luyện lòng tự do, thanh thoát, không có gì khiến chúng ta quá chú trọng, chỉ có một điều quan trọng là mến Chúa, học hỏi nơi Chúa lòng tự nguyện, đón nhận thánh ý Chúa Cha.

Ngày thứ tám...

Suốt hành trình lên núi với ông Môsê, Chúa Giêsu và Đức Mẹ, chúng ta nhận ra bản thân mình là ai, đang ở vị trí nào. Chúng ta nghĩ mình là gì trước mặt Chúa, được yêu mến, là người quan trọng hay là người đau khổ, bị bỏ rơi. Mặt khác, cuộc sống nơi những người xung quanh, chúng ta là ai và họ là ai. Tất cả mỗi chúng ta đều được Chúa yêu và mọi người kính trọng, khi chúng ta thăng hoa cuộc sống này. Trong dụ ngôn con chiên lạc, Chúa đã đi tìm một con trong chín mươi chín con. Hay trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người con thứ hư hỏng bỏ đi dù có người con cả hiền lành ở nhà nhưng người cha vẫn ngong ngóng người con thứ trở về. Đó chính là hình ảnh nổi bật của Thiên Chúa nhân từ, vậy tại sao chúng ta cong tự ái không dám trở về với lòng Cha yêu dấu. Đối với Chúa ai cũng là đứa trẻ, mà đứa trẻ thì, luôn được chiều chuộng, yêu thương, chăm sóc, quan tâm vỗ về. Đừng sợ hãi, đừng lo lắng khi đến với Chúa, Ngài luôn sẵn sàng, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta dù chúng ta không hẹn trước. Ngài lắng nghe tất cả những khó khăn, thử thách, trái ý. Hãy can đảm, mạnh bạo lên! Mở lòng lắng nghe Lời Chúa, đón nhận những người xung quanh mình.

Ngày cuối cùng...

Xuống núi trong niềm hân hoan, phấn khởi, đầy tràn ân phúc của Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc tuần Linh Thao trong bầu khí linh thiêng của ngôi Nguyện Đường đơn sơ của Đan viện, chúng tôi cảm nghiệm được dòng suối tình yêu thôi thúc chúng tôi xuống núi, để trở về với cuộc sống bình thường. Một chặng đường lên núi với biết bao điểm dừng. Mỗi điểm dừng chúng tôi đều khám phá ra một chân lý mới, một sự thay đổi thẳm sâu. Và có lẽ tâm tình tạ ơn chị em muốn gửi đến đó là sự hi sinh, hướng dẫn của Đức Tổng Giuse,  tri ân Cha Bề trên cùng quý Thầy Đan viện đã tếp đón và giúp đỡ. Cùng một tâm tình đó, chị em cũng không quên cám ơn Chị Tổng Phụ trách, quý Chị trong Ban Tổng Cố Vấn và quý chị em trong Hội Dòng đã hy sinh tạo điều kiện để chị em có những ngày linh thánh được gặp gỡ Chúa và nhìn lại chính mình. Thời gian lắng đọng bên Chúa đã mang đến cho mỗi chị em sự biến đổi, ơn bình an, vui tươi và tràn ngập hạnh phúc trong ân sủng của Thiên Chúa, quyết tâm, sẵn sàng bước theo Đức Ki tô Chịu-Đóng-Đinh trên mọi nẻo đường.

Tác giả: Đào Mai Mary

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập171
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại873,212
  • Tổng lượt truy cập69,933,086
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây