Ngày 19 tháng 02 năm 1670 thật đáng nhớ!
Thứ năm - 17/02/2022 21:22
1095
Ngày 19 tháng 02 năm 1670, thế kỷ XVII, một cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa khác nhau đó là chế độ mẫu hệ Việt Nam và đời sống tâm linh Pháp. Sự gặp gỡ kỳ diệu lạ lùng đó đã đóng góp cho Giáo hội Việt Nam trong công cuộc truyền giáo, một Hội Dòng đã được khai sinh trên đất nước Việt Nam mang bản sắc Á Đông, nhưng lại chất chứa trong dòng máu tâm linh Pháp. Với đức tính kiên trung, dũng cảm, siêng năng, tận tụy, những cô gái trẻ và góa phụ đã vượt qua thử thách và tiếp nhận giá trị của đời sống tâm linh Pháp và văn hóa mẫu hệ Việt, để tuân giữ một đời sống tu trì cao quý hơn. Bên cạnh đó, vì Cha Lambert xuất thân trong một gia đình quý tộc Pháp nên mọi văn hóa Pháp thấm nhuần trong con người Cha, và Cha đã dùng sự thông minh của mình, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã sáng lập Dòng Mến Thánh Giá trong một bối cảnh khác nhau về mọi phương diện, văn hóa, phong tục và ngôn ngữ. Vì thế, dấu ấn lịch sử luôn là bản tình ca trải theo năm tháng của những người con theo Linh đạo Đức Cha Lambert.
Vào thế kỷ XVII, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh tôn giáo, Giáo hội Pháp đã chứng kiến một sự quay lưng ngoạn mục từ nỗi đau và nỗi thống khổ của quá khứ, một cuộc cải cách Giáo hội Pháp, một bước ngoặt linh thiêng vào thời kỳ này, được gọi là thời kỳ vàng son của Giáo hội Pháp. Thánh Louis Marie de Montfort nhận định rằng: “đời sống gần gũi với các tầng lớp quý tộc, sự phục hưng của Thiên Chúa Giáo bắt đầu đến với họ.” Hơn nữa, đây còn được coi là thời kỳ của những nhân vật tâm linh vĩ đại, tận tâm, đổi mới và thành lập của các cộng đoàn. Chẳng hạn như, Thánh Jean Baptiste de Salle (1651-1719) thao thức ba tâm nguyện: Hồi tâm, Vào đề và Kết luận; Thánh Anlphonso Marie Liguoril (1696-1787) gợi ý ba phương pháp cầu nguyện: Chuẩn bị, Thân bài và Kết bài; Thánh Phaolô de Sales (1567-1622) cũng có ba phương pháp: Chuẩn bị, Thân bài và Kết bài. Bên cạnh đó, một điểm nhấn cho Giáo hội Pháp là đã trải qua những cuộc đổi mới lớn trong ba lĩnh vực quan trọng: Tâm linh, các việc Tông đồ, và công việc Truyền giáo.
Trong khi đó, Giáo hội Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến, “vua chúa cai trị, quan lại điều hành” nên việc truyền giáo tại Việt Nam lúc này gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, do ảnh hưởng của Nho giáo trọng nam khinh nữ nên quyền lợi của người nữ không được bảo vệ. Sẽ là một điều rất hữu ích nếu có một cái nhìn về giá trị văn hóa trước khi khám phá chính xác bối cảnh của xã hội và Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ này. Thánh Vincent đã nói rằng, “sống trong Chúa Kitô để mang Chúa Kitô đến cho người khác, không hơn không kém.” Đức Cha Lambert đã thừa hưởng đời sống tâm linh sau sự tác động của cuộc cải cách Công Giáo Pháp. Nhận thức được bối cảnh của xã hội Việt Nam và quan niệm về những người phụ nữ, Cha luôn tôn trọng phẩm giá của họ và thao thức quy tụ những người mến yêu Thánh Giá thành một tổ chức. Hơn thế nữa, được sinh ra, lớn lên và kinh nghiệm thiêng liêng của các Thánh tại Pháp, đặc biệt là sự cầu nguyện, ăn chay của mình, Đức Cha Lambert đã đưa ra Linh đạo và đặc sủng của mình để quy tụ các chị em yêu mến Thánh Giá ngay tại bối cảnh xã hội Việt Nam.
Vì thế, vào thứ 4 Lễ Tro, ngày 19-02-1670, Cha đã nhận lời khấn công khai của hai nữ tu tiên khởi là Anê và Paul, tại xứ Kiên Lao, và Dòng Mến Thánh Giá chính thức được thành lập. Bản luật, đặc sủng và Linh Đạo của các nữ tu là chiêm nghiệm, chịu thống khổ, và làm việc tông đồ. Đối với Đức Cha Lambert, cuộc sống chiêm nghiệm luôn luôn quan trọng và chính yếu đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, đó là: cầu nguyện cho sự hoán cải của những người không theo đạo Công Giáo và những người tội lỗi; chăm sóc những người bệnh; giáo dục những người phụ nữ; Rửa tội cho những đứa trẻ sắp chết; và hướng dẫn phục hồi cuộc sống cho các cô gái lầm lỡ. Ngài lý luận rằng chăm sóc các bệnh nhân không chỉ đơn thuần là việc bác ái, nhưng cũng có ý mang ơn cứu độ cho linh hồn của họ. Đức Cha Lambert và các trinh nữ góa phụ Việt Nam thời kỳ đó đã chuyển giao, tiếp nhận và thực hiện thành công các giá trị của hai nền văn hóa này trong suốt 351 năm qua.
Nhớ lại Năm Thánh 350 năm khai sinh Dòng, một mầu nhiệm yêu thương và gìn giữ đã ban xuống trên Hội Dòng. Khi công tác chuẩn bị khai mạc Năm Thánh sẽ diễn ra vào ngày 19-02-2020, thì trận đại dịch Covid bắt đầu bùng phát mạnh tại Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới vào đầu tháng giêng. Một nỗi lo lắng bao trùm trên con cái Mến Thánh Giá Bùi chu, Năm Thánh sẽ diễn ra thế nào đây khi bệnh dịch ngày càng lây nhiễm nhanh chóng. Sự kiện được chuẩn bị và dàn dựng chu đáo sẽ phải ngừng trong nay mai sao? Cũng có một số khách quan trọng từ hải ngoại đã điện tín đến sẽ trì hoãn dự lễ trọng đại này. Chị Tổng và toàn thể quý chị em đã cầu nguyện không ngừng, với một niềm tin hoàn toàn phó thác trong bàn tay quan phòng Thiên Chúa. Đêm diễn nguyện và Thánh lễ trọng đại vẫn diễn ra một cách bình thường, bởi vì tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cách riêng tại miền Bắc vẫn ổn định và bình an, chưa có gì đáng nguy hại. Hơn nữa, có bàn tay chuyển cầu của Đấng Tổ Phụ Lambert, các lễ Chúa Nhật hành hương của các đoàn hội vẫn diễn ra một cách bình thường. Và cho đến khi Bế Mạc Năm Thánh ngày 19-02-2021 và sau đó thì đại dịch bùng phát mạnh tại Việt Nam và kéo dài cho đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Suy ngẫm kỹ càng, tôi nhận ra rằng đó là tình thương quan phòng của Thiên Chúa thương ban cho Hội Dòng. Có chăng đại dịch lần này Chúa muốn gửi đến cho thới giới, để con người thêm tín thác và cậy trông hơn. Qua biến cố này, Chúa muốn củng cố đức tin của chúng ta. Mặc dù đại dịch đã và đang xảy ra hơn hai năm, nhưng thế giới vẫn được che chở, gìn giữ và bảo vệ. Bàn tay và lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn giang rộng để lắng nghe và đón nhận những lời chía sẽ, tâm sự của bất cứ ai chạy đến với Ngài. Khi nhìn sâu vào mỗi biến cố, dù vui buồn, đau khổ tuyệt vọng đến mấy, thì ta thấy rằng bàn tay nâng đỡ của Ngài vẫn thấp thoáng.
Cũng vào thời điểm này, hội dòng mừng kỷ niệm 14 chị em tuyên khấn Lần đầu của, 2 Vĩnh khấn, và 1 chị Kim Khánh. Các chị là những cô gái trẻ dũng cảm, yêu mến ơn gọi Mến Thánh Giá. Hôm nay đây, các chị tiếp tục khấn với Đức Kitô sống theo Linh đạo Đức Cha Lambert, để cùng với chị em trong Hội Dòng gìn giữ và làm cho hoa trái Mến Thánh Giá được nở hoa mỗi ngày trong sứ mạng truyền giáo, cách riêng góp phần giáo hội Chúa ngày phát triển hơn. Sự tuyên hứa của các chị sẽ còn vang vọng và tiếp nối cho các thế hệ sau, điều đó giúp chị em cố gắng sống với sứ mạng Dòng, theo đúng với căn tính của người nữ tu Mến Thánh Giá. “Trái đất vần xoay, thập giá đứng vững,” là lời chúc và nhắn nhủ chị em hãy cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày, dù trải qua những sóng gió giữa đường nhưng hành trình và ơn gọi của chị em luôn tươi mới và đẹp lòng Chúa. Chị em cùng nhau cộng tác và xây dựng Hội Dòng theo đúng với gia sản và người Cha Lambert đã sáng lập và khuyên dạy chị em Mến Thánh Giá.
Nói chung, vào thế kỷ XVII, các nữ tu Mến Thánh Giá chỉ như là một hạt giống vừa gieo, chưa thực sự phát triển thành cây, thành cành, nhưng vì tình yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, tinh thần của người nữ tu luôn không ngừng phát triển và sinh hoa trái trong lòng Giáo hội cho đến ngày hôm nay. Nhìn lại hành trình Đấng Tổ Phụ cũng như chị em Mến Thánh Giá đã sống, đôi lúc tưởng chừng như bị mất bóng, nhưng tinh thần và sự hiện của Dòng Mến Thánh Giá luôn cùng chung nhịp sống với Giáo hội. Thế mới thấu cảm Lời Chúa nói, “một hạt giống gieo nơi đất tốt và được chăm sóc đúng cách, nó sẽ bám rễ vững chắc và dù sóng mạnh đến mức nào nó cũng không bị đổ” (x.Mt 13,1-23). Cùng với toàn thể chị em Mến Thánh Giá trên thế giới hướng về ngày thành lập Dòng, nguyện xin Đức Kitô Chịu đóng đinh luôn đồng hành và chúc lành cho công việc phục vụ, để xứng đáng với sự mong muốn của Đức Cha Lambert.
Tác giả: Nt. Đào Mai (MTG)