Truyền giáo trên "xa lộ kỹ thuật số"

Thứ ba - 08/07/2025 05:28  579
image 7Chúng ta đang sống trong một thế giới mà không gian mạng từng bước chi phối, thậm chí thống lĩnh mọi hoạt động của con người, thậm chí ngay tới cả tôn giáo, lãnh vực mà tưởng như không một thực tại nào có thể chạm tới. Quả vậy, khi thế giới ảo ngày càng lên ngôi, sự tác động mang tính hai mặt của Internet và mạng xã hội, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) tới văn hóa và nếp nghĩ của nhiều người là điều không thể chối cãi. Đứng trước thực trạng đó, Giáo hội không phủ nhận hay loại bỏ, nhưng tiếp nhận, thích ứng chúng như dấu chỉ thời đại, một mảnh đất phì nhiêu, một cánh đồng vàng ươm lúa chín chờ thợ gặt. Tuy nhiên, trên “xa lộ kĩ thuật số”[1], bên cạnh những cơ hội tiềm năng, cũng đầy dẫy những nguy cơ tiềm ẩn, mà nơi đó không thiếu “nọc độc” có thể đánh lạc hướng, thậm chí bóp nghẹt đức tin của bất cứ ai. Do đó, lời mời gọi “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (x. Lc 5,4) của Thầy Chí Thánh vẫn vang vọng và tha thiết kêu mời mọi con cái Giáo hội hãy ra khơi, can đảm và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, mọi nơi, ngay chính trên và trong “xa lộ kĩ thuật số” này.
Xa lộ số – Mảnh đất phì nhiêu
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thế giới ảo trở thành thế giới thứ hai của nhiều người, mà trong đó có thể có chúng ta. Đây quả thật là một mảnh đất mới có nhiều tiềm năng để loan báo Tin Mừng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong chiều hướng đó, “xa lộ kĩ thuật số” quả thật là một mảnh đất phì nhiêu, nơi có bao tâm hồn đang khao khát được loan báo Tin Mừng cứu độ. Nhưng đây cũng là một mảnh đất đầy sỏi đá, gai góc hay vệ đường cần được Lời Chúa và người của Chúa canh tác, thanh tẩy nên đất tốt. Ý thức điều đó, Giáo hội luôn mời gọi con cái mình can đảm tham gia vào thế giới này, kiên trì gieo vãi hạt giống Lời Chúa trên mảnh đất này, chấp nhận những rủi ro, hiểm nguy, với ước mong hạt giống Lời Chúa nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Giáo hội củng cố hình ảnh của mạng xã hội như là những “không gian”, chứ không chỉ là “công cụ”, và kêu gọi việc loan báo Tin Mừng cả trong môi trường kỹ thuật số.[2]
Quả vậy, dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13, 3-9) phác họa một bức tranh toàn cảnh và hiện sinh về truyền giáo. Trong dụ ngôn, hạt giống Lời Chúa, cùng với sự hào phóng hay lơ đãng của người gieo giống, được gieo vãi khắp nơi, bất kể mảnh đất ấy như thế nào: vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay đất tốt. Mảnh đất được gieo vãi có thể là chính tâm hồn mỗi người, nhưng cũng có thể là một thực tại như xa lộ kĩ thuật số, hay thế giới ảo. Theo đó, tâm hồn mỗi người là một mảnh đất, tuy khác nhau, nhưng vẫn có cơ hội để hạt giống nảy mầm, bởi mảnh đất tâm hồn mỗi người chúng ta như một mảnh đất hội tụ đủ loại đất, có khi là đất tốt, nhưng cũng không thiếu những lúc là đất xấu hay cằn cỗi. Chính vì thế, để hạt giống Lời Chúa có thể nảy mầm, chúng ta phải cải tạo, canh tác thật chu đáo mảnh đất tâm hồn, hầu cho hạt giống Lời Chúa không những nảy mầm, nhưng còn sinh hoa kết trái dồi dào cho người khác.
Cũng vậy, “xa lộ kĩ thuật số” cũng là mảnh đất đa màu như thế, nơi đây cũng còn đó bao tâm hồn chới với, đang khát khao tìm kiếm một điểm tựa, một chút sinh khí để vươn lên; nơi đây cũng có nhiều tâm hồn đang khao khát hạnh phúc mà vẫn vô vọng tìm kiếm; nơi đây cũng còn đó nhiều trái tim khô cằn, chai đá của những mảnh đất vệ đường, sỏi đá hay bui gai, đang cần canh tác để có thể tiếp nhận hạt giống trường sinh; nơi đây cũng còn đó những mảnh đất tốt sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa để trổ sinh… Chính vì thế, dù không phủ nhận những mặt trái của thế giới ảo, nhưng quả thật đây cũng là mảnh đất phì nhiêu, có nhiều nguồn dinh dưỡng, nhiều cơ hội, dù còn đó nhiều gai góc, sỏi đá, đang cần người chăm bẵm, canh tác, cải tạo để mảnh đất đầy tiềm năng này trổ sinh hoa trái dồi dào “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (x. Mt 13, 9).
Xa lộ số - Chỗ nước sâu thời đại mới
“Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (x. Lc 5,4) luôn là lời mời gọi thiết thực của Đức Giê-su với mọi thành phần của Giáo hội mọi nơi, mọi thời. Đặc biệt trong thời đại mới này, thời mà con người và não trạng nhân loại không chỉ dậm chân trên mặt đất hay trong không gian thật, nhưng còn phải tham gia và góp phần mình trong không gian ảo, nơi có thể coi như “chỗ nước sâu thời đại mới”. Quả vậy, chỗ nước sâu mà Chúa Giê-su mời gọi thả lưới thời nào cũng có, và mỗi thời chỗ nước sâu lại có những đặc trưng khác nhau. Chính vì thế, xa lộ kĩ thuật số mà chúng ta đang sống cũng là một chỗ nước sâu như thế, nơi mà Chúa và Giáo hội đang kêu mời sự cộng tác đắc lực của “các môn đệ thời đại hôm nay”, can đảm, thậm chí liều lĩnh ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (x. Lc 5,4), vì nơi đây, một mẻ cá lạ đến gần chìm (x. Lc 5,7) đang sẵn chờ những “ngư phủ đích thực” như các tông đồ xưa.
Quả vậy, trước những thành quả của khoa học kĩ thuật, Giáo hội luôn ý thức mình “không thể khép kín như trong một pháo đài, chỉ nhắm tới việc bảo vệ quyền lợi và các thành viên của mình. Hội Thánh nhìn nhận mình đang sống trong thế giới này, đang chia sẻ cuộc sống của con người để đem cho họ sự sống của Thiên Chúa” [3] bằng chính phương tiện của thời đại. Cụ thể, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn rất hăng say, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực cho các công việc tông đồ khác nhau…”[4] Cũng vậy, chính các Đức Giáo hoàng cũng tham gia mạng xã hội, thậm chí các ngài luôn là những tâm điểm nơi xa lộ kĩ thuật số, khi trở thành những nguồn truyền cảm hứng đức tin cho nhiều người, nhất là giới trẻ. Các ngài cũng luôn khuyến khích mọi người tham gia xa lộ này, tất nhiên trong sự khôn ngoan, như một công cụ để loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, trong thông điệp đưa ra trong ngày Truyền thông Thế giới 24.1.2013, ĐGH Bênêđictô XVI đánh giá: “Mạng Xã Hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin Mừng và hy vọng”[5].  
Các môn đệ xưa đã không vì nước sâu mà sợ hãi, nhưng đã trọn vẹn tin tưởng vào Chúa và vâng lời Thầy thả lưới (x. Lc 5,5), và kết quả là thu về một mẻ cá lạ đến gần chìm (x. Lc 5,7). Chúng ta ngày nay cũng vậy, cũng cần dẹp bỏ nơi mình sự sợ hãi, ra khỏi vùng an toàn để đến chỗ nước sâu là xa lộ kĩ thuật số, nơi chắc chắn có nhiều cạm bẫy và cám dỗ. Nhưng với xác tín giữa muôn ngàn nguy hiểm đó là những mẻ cá lạ đang chờ chúng ta tới thả lưới đem về cho Chúa, vì có Chúa, chỉ cần tin và kiên trì, chắc chắn phép lạ sẽ xảy ra. Và dù có được những mẻ cá lạ ấy, chúng ta không vì kiêu ngạo để tự mình kéo lên, nhưng cần sự cộng tác giúp đỡ của nhiều người, nhiều thành phần và nhất là tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa, công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội sẽ mỗi ngày một tăng triển và sinh nhiều hoa trái…[6]
Xa lộ số - Cánh đồng vàng ươm lúa chín
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (x. Lc 10,2) hẳn nhiên luôn là thao thức của Thầy Chí Thánh, những ước mong Giáo hội trở thành nơi ươm trồng và cung cấp những thợ gặt lành nghề. Trên không gian ảo, nơi hàng tỉ người đang thực sự khao khát và hy vọng một điều gì đó[7], thì quả thật, đây chính là một cánh đồng vàng ươm lúa chín.
Dẫu trên xa lộ kĩ thuật số, nhiều người đang mất dần ý thức, dửng dưng với tôn giáo hay đang tuyệt vọng, nhưng vẫn còn đó biết bao tâm hồn thực sự đang đói khát sự sống và hằng ngày vẫn miệt mài tìm kiếm sự thật và chân lý mà chưa có câu trả lời hay nhiều tâm hồn dù đã biết Chúa, nhưng đang chới với và khủng hoảng cần sự nâng đỡ. Đó chính là niềm hy vọng, là sứ mạng của mỗi chúng ta, những thợ gặt của Chúa, phải sẵn sàng và trang bị cho mình để trở thành những thợ gặt lành nghề đi gặt lúa về cho Chúa mà thôi. Điều này càng trở nên khẩn thiết khi nhiều người “chuyển sang mạng xã hội để có một cảm thức thuộc về và khẳng định, biến nó thành một không gian sống, ở đó diễn ra sự truyền đạt các giá trị và các niềm tin cốt lõi.”[8]
Trong chiều hướng đó, “xa lộ kĩ thuật số” trở thành cánh đồng truyền giáo mới, nơi lúa đã chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít (x. Lc 10,2). Nơi đó, tất cả chúng ta đều có thể trở thành thợ gặt lành nghề, mà trên tay là những chiếc liềm sắc bén của Lời Chúa, với sự hỗ trợ của công nghệ, chắc chắn chúng ta đều có thể đưa về cho Chúa những bó lúa trĩu bông…
Nhiều cơ hội, nhưng cũng không thiếu rủi ro và nhiều vấn nạn
Những thành tựu do sự phát triển của nền khoa học và kĩ nghệ mang tới cho mọi mặt cuộc sống con người là không thể phủ nhận. Sự phát triển ngày một vượt bậc của khoa học và công nghệ đã nhanh chóng nâng tầm và biến xa lộ kĩ thuật số trở thành nơi cung cấp nhiều nguồn lực, với vô số cơ hội cho người tham gia trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, khoa học và cả tôn giáo. Nơi đây, nếu biết tận dụng những thành quả đáng kinh ngạc ấy, mọi người hoàn toàn có thể góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội khi trở thành những chính trị gia, nhà kinh tế, sử gia… và nhất là trở thành những nhà truyền giáo năng động và linh hoạt.
Quả vậy, “những trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Hơn nữa, môi trường kỹ thuật số là bối cảnh để tham gia chính trị và xã hội và để thực thi quyền công dân cách tích cực, và môi trường ấy có thể tạo thuận lợi để truyền tải một nguồn thông tin độc lập, có khả năng bảo vệ cách hữu hiệu những người yếu thế nhất bằng cách vạch trần giữa thanh thiên bạch nhật những hành vi xâm phạm các quyền của họ”[9]. Cũng vậy, có rất nhiều ví dụ về sự tham gia cách trung thành và sáng tạo vào mạng xã hội trên khắp thế giới, từ các cộng đoàn địa phương, cũng như các cá nhân làm chứng cho đức tin của mình trên những nền tảng này, thường có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cả Giáo hội thể chế. Cũng có rất nhiều sáng kiến mục vụ và giáo dục được phát triển bởi các Giáo hội địa phương, các phong trào, cộng đoàn, hội dòng, các trường đại học, và các cá nhân.[10]
Tuy nhiên, nơi đây cũng là nơi nhiều rủi ro, với cảnh tranh tối tranh sáng, thật giả lẫn lộn, thậm chí quyện lấy nhau, mà nếu không khôn ngoan và tỉnh thức, bất cứ ai, dù người có đức tin hay không, đều có thể trở thành nạn nhân đáng thương, hay những con mồi ưa thích của những thế lực đen tối với những âm mưu hay trào lưu trôi nổi đáng sợ. Hệ quả là, trên các “xa lộ kỹ thuật số”, nhiều người bị tổn thương bởi chia rẽ và hận thù”.[11] Không những thế,“thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến cực điểm là trường hợp các trang web đen (dark Web)… Nhiều hình thức bạo lực mới đang được phổ biến qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như việc ma cũ ăn hiếp ma mới bằng cách tra tấn tinh thần trên mạng; mạng cũng là một kênh để phổ biến các nội dung khiêu dâm và để khai thác người dùng nhằm mục đích tình dục hoặc bóc lột họ qua các trò chơi may rủi”.[12] Ngoài ra, cũng nơi đây, nhiều khi các cá nhân vừa là người tiêu dùng vừa là hàng hóa[13] và còn nhiều vấn đề nan giải khác nữa...
Khôn ngoan tiếp nhận – linh hoạt tiếp cận
Đứng trước những cơ hội và rủi ro nơi xa lộ kĩ thuật số, Giáo hội không chùn bước. Trái lại, Giáo hội luôn ưu tư và tích cực tìm những giải pháp cụ thể và hữu hiệu “để làm thế nào chúng ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách cộng đoàn Giáo hội, có thể sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số””[14].Tuy vậy, Giáo hội luôn nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn tỉnh thức, để rồi khôn ngoan trong việc tiếp nhận và linh hoạt trong việc tiếp cận những thực tại nơi “xa lộ kĩ thuật số”. Để rồi, với sự khôn ngoan, cùng với sự cộng tác với mọi người, bằng sự linh hoạt, và trên hết, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người có thể trở thành những nhà truyền giáo đích thực và hiệu quả trên xa lộ phong phú này.
Tắt một lời, “xa lộ kĩ thuật số” mở ra cho Giáo hội và mỗi người chúng ta một môi trường đầy tiềm năng cho hoạt động loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Tuy nhiên, để tận dụng và hiện thực hóa tối đa những tiềm năng ấy, xa lộ này cũng luôn đòi hỏi các nhà truyền giáo tho sự thận trọng, khôn ngoan và linh hoạt để thực thi cách hiệu quả sứ mạng vãi gieo hạt giống Tin Mừng. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta cũng phải xác tín rằng cùng đích của việc tham gia “xa lộ kĩ thuật số” không bao giờ chỉ dừng lại ở các tương quan ảo, nhưng niềm ước mong làm cho mạng xã hội trở thành một không gian nối kết và nhân văn hơn phải được chuyển thành những thái độ cụ thể và những cử chỉ đầy sáng tạo,[15] nghĩa là phải trở về với thực tại là thế giới thật, nơi các mối tương quan sống được vun đắp và phát triển bền vững giữa người với người. Đúng như lời Đức Thánh cha Phanxicô nhắc chúng ta trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2019, mạng xã hội bổ sung – nhưng không thay thế cho – một cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt trở nên sống động qua cơ thể, trái tim, đôi mắt, cái nhìn và hơi thở của người khác…[16] Nhờ đó, với xác tín truyền giáo là việc của Chúa, mà mỗi người chỉ là những cộng tác viên, chúng ta tin rằng Chúa có cách của Ngài, và nếu Chúa muốn, chúng ta có thể mang về cho Chúa và Giáo hội những vụ mùa bội thu.

[1] Cụm từ này được sử dụng trong Văn kiện “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy, Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh
[2] Cf. Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, số 3
[3]Cf.  Thomas P. Rausch, SI, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 72
[4] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 13
[5] Cf. http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/duc-giao-hoang-va-mang-xa-hoi_a2405
[6] Cf. Tạp chí Ra khơi số 29, tr. 101
[8] Cf. Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, số 10
[9] Cf. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Chúa Ki-tô đang sống, số 87
[10] Cf. Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, số 2
[11] Cf. ibid., số 18
[12] Cf. ibid., số 2
[13] Cf. Ibid., số 13
[14] Cf. Ibid., số 1
[15] Cf. Ibid., số 50
[16] Cf. Ibid., số 63

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay14,291
  • Tháng hiện tại320,037
  • Tổng lượt truy cập90,248,604
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây