Lời tự sự của cây đèn chầu

Thứ tư - 23/07/2025 21:40  950
 
Mình là cây đèn chầu.
Nghe đến chuyện mình lên đây để thân thưa đôi điều với mọi người, hẳn không ít người sẽ bĩu môi chê cười, đèn chầu thì có cái gì đặc biệt để người ta phải lắng nghe đâu mà bày đặt tự với chả sự?
Nếu chỉ xét về mặt tự nhiên, thì một cây đèn cháy bằng dầu, cấu trúc lại hết sức đơn giản: phần đế, phần thân chứa dầu, một đoạn bấc đèn và một bóng thủy tinh để bảo vệ ngọn lửa bé tẹo, đúng là tầm thường thật. Nghe các bậc lão thành trong dòng họ nhà đèn kể lại, thì giai đoạn hưng thịnh của chúng mình, cách đây cũng đã ngót nghét ba chục năm, mà cũng chỉ phổ biến những vùng nông thôn nghèo, đặc biệt những nơi chưa có điện. Còn bây giờ, giữa một thời đại vô cùng phát triển về công nghệ, nơi mà việc chiếu sáng, trang trí đã được trao phó cho đủ loại đèn điện sáng choang, rực rỡ sắc màu, với muôn vàn mẫu mã tinh xảo, thì việc cái thứ chỉ có thể tỏa sáng cách yếu ớt, lại còn cổ lỗ sĩ như chúng mình, bị “đá” văng ra khỏi đời sống thường nhật cũng là chuyện dễ hiểu.

Mình nói thế nhưng các bạn đừng hiểu lầm là mình đang than thở về thân phận bèo bọt của bản thân! Không, mình sẽ không làm mất giờ của các bạn với những thứ u ám, tiêu cực như vậy! Nhưng mình muốn tâm sự với các bạn với một góc nhìn hoàn toàn khác, một cảm nghiệm đầy hy vọng và cũng hết sức nhiệm mầu.
Như mình đã nói ngay ở đầu, mình biết rõ sự tầm thường của bản thân, thế nhưng mình không xấu hổ, cũng chẳng giấu diếm sự tầm thường đó. Trái lại, mỗi khi nhìn về sự thật xem ra có vẻ trần trụi này, trong lòng mình lại dâng lên một cảm giác rất khó tả, pha trộn giữa sự ngỡ ngàng, sung sướng, biết ơn và tự hào nữa. Cảm giác đó không đến từ thái độ huênh hoang về tài năng, đức độ của mình, nhưng là bởi mình nhận thức được rằng dù mình thấp kém là thế, ấy vậy mà lại được thương chọn đặt vào một vị trí vô cùng cao trọng: đặt ngay bên cạnh nhà chầu, có sự hiện diện đích thực và trọn hảo của Chúa Giêsu.
Mới đầu được đặt cạnh nhà chầu, mình run rẩy ghê gớm! Cảm giác một người nghèo khổ, rách rưới lần đầu bước vào một cung điện hào nhoáng, tráng lệ, nó rụt rè, bối rối, lo lắng thế nào, thì cảm giác của mình lúc đó còn ghê gớm hơn thế nhiều! Bởi ngay bên cạnh mình là Chúa cả trời đất cơ mà, và theo ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử thì cái sợ hãi của mình được gọi cách văn thơ là “run như run thần tử thấy long nhan”. Hơn nữa, vẻ tĩnh lặng đến mức cô liêu bao trùm lên không gian nhà thờ rộng lớn, càng khiến mình cảm thấy lúng túng. Nhưng rồi chỉ ngay sau đó, vẻ giản dị, khiêm cung của Ngài khiến mình nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh. Ngài lặng lẽ ở đó, chẳng khoác hoàng bào, cũng chẳng hô ra sấm, thét ra lửa, mọi vinh quang của một vị Chúa cao sang, uy quyền đều bị ẩn giấu thật sâu, dưới một hình thức vô cùng đơn giản. Đơn giản đến độ người ta chỉ có thể nhận ra sự cao trọng ấy, để mà chiêm ngắm, bái thờ cho “chính đáng và phải đạo”, bằng sự tỉnh thức trong thinh lặng của lý trí và con tim, chứ không phải bằng khả năng hời hợt và bất toàn của giác quan.
Con người thường muốn tìm gặp Chúa nơi những điều vĩ đại, lớn lao mà giác quan của họ có thể cảm nhận thấy: nơi những phép lạ, điềm thiêng qua đó vinh quang của thần tính được tỏ lộ rõ ràng. Mặc dù Thiên Chúa có đôi lần cũng tỏ lộ phần nào vinh quang đích thực của Ngài cho người ta qua những chuyện lạ lùng, vĩ đại nơi này nơi khác, nhưng nếu bạn đòi phải được là người trong cuộc, phải “tai nghe mắt thấy” mới chấp nhận sự hiện diện của Ngài, thì quả thực bạn đã sai lầm! Thiên Chúa hành động theo cách thức tự do và khôn ngoan của Ngài, chứ không phải theo cách bạn muốn Ngài đáp ứng. Một cách thông thường, cũng giống với kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa thường không chọn cách đến với con người qua cuộc thần hiện với sấm sét rền vang, núi lửa phun trào, đất trời rung chuyển, mà Ngài thích đến với con người trong “làn gió hiu hiu”. Ngài che giấu vinh quang rạng ngời đích thực của bản tính Thiên Chúa, để con người không sợ hãi khi diện đối diện với Ngài, và để họ được thoải mái bộc lộ những gì là tự nhiên nhất trong con người của họ. Bởi lẽ, sức mạnh của uy quyền bên ngoài dễ khiến người ta đánh mất đi sự tự do của bản thân, vì sợ hãi mà ép buộc bản thân làm những điều mình không muốn. Do đó, một Thiên Chúa sẵn sàng trao hiến mọi thứ, ngay cả sự sống bất diệt của Ngài, để mang đến cho con người sự tự do đích thực, chắc chắn sẽ ước mong con người đến với Ngài trong tâm thế của một người bạn hữu, một người con trong nhà, chứ không phải trong vẻ khép nép, run rẩy của một người nô lệ.
Nhưng ngặt nỗi, đường lối tốt lành và khôn ngoan đó của Thiên Chúa vướng phải một trở ngại: con người đã quá lệ thuộc vào sự hữu hạn của giác quan. Thật vậy, hiện thực, dù cao quý và đẹp đẽ dường nào đi nữa, nếu không kích động được sự ngây ngất của giác quan, thì cũng dễ bị coi thường, thậm chí chối bỏ. Mình chẳng dám nói là mình có thể khiến giác quan của con người phải choáng ngợp. Không, điều đó vượt quá tầm khả năng của mình! Vai trò của mình bên cạnh nhà chầu chỉ là le lói cháy, để rồi, một đàng, sự có mặt của mình không hề phá vỡ đường lối hiện diện khiêm nhường của Chúa Giêsu, bởi mình chỉ có chút ánh sáng nhỏ bé và yếu ớt; đàng khác, vẫn đủ để giác quan con người nhận ra ánh sáng của mình, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng hãy kéo mình ra khỏi tình trạng vô thức, dửng dưng trước sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu nơi nhà chầu.
Nhưng rồi như mình nói trước, mình quá tầm thường so với tiêu chuẩn vĩ đại cần có để giác quan con người ngay lập tức chú ý, nên dù mình có cố cháy đến tiêu hao, kiệt quệ, nhiều người vẫn chẳng thấy gì, hoặc có thấy cũng chẳng cảm thấy gì khác biệt. Họ vào nhà thờ cách ngổ ngáo, bất xứng, như chốn không người. Có người lại mang vào nhà thờ quá nhiều lắng lo, đầu óc huyên náo đủ mọi thứ tính toán, nên họ chẳng thể hướng tâm trí đến điều gì khác, dù đó có là sự hiện diện của Chúa Giêsu. Mình muốn hét thật to, này bạn gì ơi, Chúa đang ở đây này, thái độ của bạn thế là bất xứng lắm, nhưng thứ duy nhất mà mình có thể để thức tỉnh ý thức của bạn ấy vẫn chỉ là leo lét cháy. Chắc các bạn cũng đoán được là rất nhiều lần mình đã thất bại khi nhắc người ta về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà tạm. Khi đó, mình buồn lắm chứ, cảm giác như thể mình chưa hoàn thành nhiệm vụ vậy! Nhưng rồi Chúa lại động viên mình: “Ngươi đã làm rất tốt vai trò của mình! Đừng quá quan tâm đến kết quả, nó nằm ngoài tầm với của ngươi. Đến Ta làm cho chúng biết bao nhiêu điều trọng đại, chúng còn chẳng nhận ra, chẳng nhớ, thì làm sao chút khả năng cỏn con của ngươi có thể làm chúng mở lòng với Ta”. Ngài an ủi mình thế, nhưng trong giọng nói của Chúa, mình cảm nhận được một nỗi buồn rất thầm kín. Làm sao có thể không buồn được cơ chứ, khi một trái tim rộn nhịp yêu thương, khát khao đến bỏng cháy được tuôn trào sự âu yếm, dịu ngọt, mà lại chỉ nhận về sự dửng dưng, coi thường, hắt hủi?
Tuy vậy, không phải là mình không được chứng kiến những khoảnh khắc thật đẹp đẽ, và diệu vời của ân sủng. Mình nhớ nhất cái lần giữa khung cảnh tối om của nhà thờ, chỉ có chút ánh sáng nhỏ nhoi, le lói của mình, mình thấy một người lặng lẽ bên dưới, với dáng vẻ khổ sở, lam lũ, quỳ mọp hướng về Thánh Thể, với lời cầu nguyện chỉ là những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài, thi thoảng lại nấc lên những tiếng thút thít uất nghẹn. Hẳn người đó đang đau khổ, chông chênh và cô đơn lắm. Và rồi, mình được chứng kiến khoảnh khắc thật xúc động biết bao, cũng như Chúa Giêsu đã từng khóc khi thấy cô Maria khóc trước cái chết của người em trai Lazarô, lần đó mình cũng thấy Chúa Giêsu khóc. Ôi giọt nước mắt thánh! Ngài khóc không phải vì bất lực, nhưng Ngài khóc chỉ bởi vì, trong tình yêu, người ta sẽ đau cùng nỗi đau của người mình yêu. Ngài để mình gần gũi với trái tim nhàu nhĩ trong sầu muộn kia. Giọt nước mắt trong quyền năng của Ngài, là lời đảm bảo về sự can thiệp để chữa lành và xoa dịu. Thật lâu sau, người ấy ra về, mặt vẫn còn buồn thiu, nhưng mình biết, bạn ấy đã đúng khi trao gánh nặng cuộc đời mình cho Đấng yêu thương và luôn mong được làm những điều tốt đẹp nhất cho con người. Rồi còn biết bao lần khác mà mình chẳng thể kể chi tiết hết được về những tâm hồn tìm thấy sự bình an, tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời…, nhờ tìm đến tựa nương nơi Chúa Giêsu Thánh Thể.
Mình cũng nhiều lần được chứng kiến nụ cười thật vui vẻ, hiền dịu của Chúa Giêsu, khi có người biết đến tạ ơn Ngài vì tình yêu của Ngài trên cuộc đời họ. Thật ra, Chúa chẳng cần lễ vật gì quá lớn lao, to tát, chỉ cần người ta dừng lại chốc lát khi lướt qua Ngài, cúi chào cách cung kính, thầm thĩ những lời rất đơn sơ: “Con chào Chúa”, là đã đủ để vui lòng Chúa rồi. Tuy vậy, các bạn đừng lầm tưởng niềm vui của Chúa là một niềm vui có tính ái kỷ, quy chiếu về bản thân Ngài, vì Ngài được cho thêm điều gì đó! Không, Chúa quá hoàn hảo, chẳng ai có thể thêm bớt gì vào nơi Ngài. Thực ra, vui hay buồn khi gán cho Thiên Chúa, chỉ là cách dùng ngôn ngữ nghèo nàn của con người, để diễn tả một thực tại quá cao siêu, phong phú, là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, theo nghĩa “niềm vui” của Thiên Chúa là con người biết tìm đến hạnh phúc đích thực, và ngược lại, “nỗi buồn” của Ngài là khi con người tự hủy hoại chính phẩm giá cao quý của mình.
Các bạn ạ! Có thể các bạn nghĩ rằng Thiên Chúa quá quyền năng, quá cao sang để mà gần gũi với một người chẳng có gì nổi trội như bạn. Có thể bạn cho rằng Thiên Chúa có nhiều chuyện lớn lao để giải quyết, hơn là dành thời gian để lắng nghe, quan tâm đến những vấn đề cỏn con, tầm thường của bạn. Nhưng mình dám đảm bảo rằng đó thực sự là một sai lầm tệ hại, một sai lầm khiến các bạn lãng phí biết bao cơ hội được đụng chạm vào trái tim của Đấng thổn thức vì yêu thương bạn. Hãy nhìn mình đây này, một thứ tầm thường, thậm chí còn vô dụng dưới con mắt của thời đại, ấy thế mà vẫn được Chúa thương, cho được ở gần Ngài, được Ngài đón nhận, trân trọng những nỗ lực chỉ là nhỏ nhoi, leo lét của mình; huống chi là các bạn, dung mạo đẹp đẽ của Thiên Chúa, các bạn chẳng đáng được Thiên Chúa đón nhận và cho ở gần Ngài hơn mình gấp nhiều nhiều lần sao? Vậy bao lâu còn cơ hội, xin hãy trân trọng những phút giây được bên Chúa, đừng để khi mọi thứ vụt khỏi tầm tay, khi sự sống đời này lịm tắt, cái theo bạn sẽ chỉ là một vĩnh cửu tăm tối đầy sự nuối tiếc và đau khổ.

Tác giả: Văn Hoạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay20,451
  • Tháng hiện tại743,496
  • Tổng lượt truy cập90,672,063
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây