Cuồng thần tượng, thờ ngẫu tượng, sống tưởng tượng

Thứ hai - 14/07/2025 22:45  79
unnamed 5Tuổi trẻ luôn là cái thời đáng để một người ước mong. Thật vậy, không ai thích tuổi già, mà cũng chẳng mấy ai thích cứ mãi trẻ con. Tuổi trẻ luôn là tuổi của những đam mê, tuổi sung sức nhất, sáng tạo nhất, phiêu lưu nhất, mạo hiểm nhất… Nhưng ngặt một nỗi, tuổi trẻ lại cũng là tuổi yếu đuối nhất, mong manh nhất, dễ vỡ nhất, dễ sa ngã nhất, dễ thất bại và dễ khủng hoảng nhất. Nhưng dù thế nào thì tuổi trẻ, hay thời thanh xuân vẫn luôn là thời hầu hết trong chúng ta muốn tận hưởng và níu giữ lâu nhất. Do đó, chúng ta dễ hiểu tại sao người già hay tiếc nuối tuổi thanh xuân, còn trẻ con lại ước vọng tuổi trẻ, bởi tuổi trẻ là “khung giờ vàng” cho việc thể hiện bản thân, hay thực hiện những điều dang dở, dù không thể hoặc chưa đến lúc… Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, khi mà con người ngày càng leo lên, thậm chí vượt qua những đỉnh cao về trí tuệ, thì cùng lúc con người cũng tạo ra những thế giới hấp dẫn, lung linh, huyền ảo, thậm chí hơn thế giới thực.

Trong một thế giới lấp lánh ánh quang của văn minh tiến bộ như thế, người trẻ nghiễm nhiên trở thành người thừa tự, thụ hưởng mọi thành tựu của sự phát triển. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng, như hai mặt một đồng tiền, nhiều bạn trẻ cũng trở thành nạn nhân, con mồi ưa thích của những mớ bòng bong ấy. Hệ quả là, trong vũng lầy nhớp nháp của thời đại đề cao kim tiền và kĩ nghệ, nhiều bạn trẻ lại để mình lạc trôi, bị nghiền nát bởi dòng xoáy của sự ảo tưởng, khiến họ rơi vào tình trạng bi đát: cuồng thần tượng, thờ ngẫu tượng và chết ngộp trong thế giới tưởng tượng… Để rồi, với chủ nghĩa tự do cá nhân cực đoan, thích hưởng thụ, ưa tiện nghi, ngại dấn thân, bất chấp mọi quy chuẩn, không ít người trẻ trong thế giới hôm nay đánh mất chính mình, trở thành nô lệ cho chính thứ tự do mà họ chọn lựa, nhất là đánh rơi niềm tin vào Thiên Chúa, khiến niềm hy vọng chỉ còn leo lét, chực tắt, chẳng bận tâm tới sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc đích thực nơi Ngài… Dẫu vậy, vẫn còn đó bao tâm hồn thực sự khát khao và không mệt mỏi tìm kiếm chân lý đích thực, chọn cho mình một thần tượng lý tưởng để neo đậu và gieo bước hy vọng. Đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, cánh cửa và niềm hy vọng đích thực và không bao giờ làm chúng ta thất vọng[1]… Chúng ta tin tưởng với những tâm hồn đầy khát vọng và nhiệt thành ấy, thế giới vẫn là nơi đáng sống và tràn đầy hy vọng.

Cuồng thần tượng

Trong bất cứ thời đại nào, để phát triển và phát huy khả năng, người trẻ luôn chọn cho mình một khuôn mẫu, một mẫu hình lý tưởng để rập khuôn, để noi theo bắt chước. Đó hẳn nhiên là điều dễ hiểu và đáng khích lệ. Đó có thể là một người nổi tiếng, một hiện tượng mạng, một vị thánh, hay đơn giản là một ai đó trong gia đình hay trong cuộc sống thường nhật… Song khi hiện tượng này kéo theo sự thái quá, cực đoan, cùng với những hệ quả tiêu cực thì đó lại trở thành một hiện tượng được gọi là cuồng thần tượng. Có thể nói, chúng ta đang sống trong một thế giới của những idol. Tuy nhiên, khi nói tới việc chạy theo hay sùng bái thần tượng (idol), chúng ta thường gán ngay cho giới trẻ. Quả vậy, với trí tưởng tượng bay bổng, với nguồn năng lượng sung mãn, khát khao khám phá và thể hiện, cùng những mộng ước tương lai, thì với giới trẻ nói chung, hiện tượng thần tượng được bộc lộ tự nhiên và “ồn ào” hơn các lứa tuổi khác. Điều này rất dễ hiểu bởi tâm lý tuổi mới lớn thường nhạy cảm với cái mới, bắt nhịp nhanh nhạy với các trào lưu, yêu thích sự trẻ trung, hiện đại. Đó là chưa kể đến sự lây lan tâm lý đám đông, dẫn đến a dua, bắt chước.[2] Cuồng thần tượng xuất hiện, khi thái độ và hành vi diễn ra vượt quá khung cho phép của chuẩn mực đạo đức. Là khi một cá nhân từ giai đoạn cổ động viên nhiệt tình sang dạng cổ động viên quá khích, bắt đầu từ từ một sự yêu thích và sau đó chuyển qua trạng thái tôn sùng thái quá. Vì nằm trong trạng thái cảm xúc thái quá nên các hành vi của người cuồng thần tượng dễ vượt qua khung ứng xử giới hạn có thể chấp nhận được. Cuồng thần tượng có thể chỉ biểu hiện trong bối cảnh cá nhân nhưng cũng có thể xuất hiện cả trong bối cảnh tập thể. Không ít các trường hợp một số cá nhân đã vô tình hay cố ý kích động các cá nhân cuồng thần tượng và kết quả là những hành vi của họ đã trở thành những cuộc nổi loạn, gây mất trật tự an ninh làm thiệt hại về tài sản và tính mạng.[3] 

Thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây sự đổ bộ ồ ạt của công nghiệp văn hóa giải trí từ phim ảnh, âm nhạc… cho đến thời trang đã tác động khá lớn đến giới trẻ. Rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu trở thành thần tượng. Số lượng các bạn trẻ tuổi mới lớn đặc biệt là ở thành thị hâm mộ các thần tượng tăng lên nhanh chóng. Sự yêu mến thần tượng ở nghĩa tích cực thì sẽ làm đẹp và phong phú đời sống tinh thần mỗi người. Thế nhưng “cuồng thần tượng” thái quá và lệch lạc thì lại trở thành một vấn đề khá nhức nhối trong xã hội.[4] Hiện tượng cuồng này cũng ảnh hưởng và tác động đến nhiều bạn trẻ Công giáo. Hệ quả là thay vì đặt niềm tin và đời mình trên Idol lý tưởng là Đức Ki-tô, thì không ít bạn trẻ Công giáo cũng chạy theo những thần tượng khác, để rồi đánh mất niềm tin, chôn vùi cuộc đời và tương lai của mình trong sự hư vô, trống rỗng, vô định, thậm chí sự hư mất…

Chính vì thế, dẫu vẫn biết thần tượng một ai là chuyện bình thường, đáng khích lệ, nhưng cuồng một thần tượng, một trào lưu nào đến mức tôn sùng mù quáng lại là điều đáng lưu tâm, đáng báo động và thực sự cần sự quan tâm của những người hữu trách của xã hội cũng như Giáo hội, nhất là trong việc định hướng và giáo dục cho người trẻ về việc chọn lựa những giá trị cốt lõi, nhất là về đức tin và đời sống tâm linh của mình…

Thờ ngẫu tượng

Trong Kinh Thánh, nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh con bò vàng như biểu tượng cho việc thờ ngẫu tượng của Dân Do Thái cũng như con người mọi thời đại (x. Xh 32). Chia sẻ về hình ảnh con bò vàng trong sách Xuất Hành, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh việc ông Aharon không chống lại lời xin của dân chúng và tạo ra con bò vàng như một kiểu mẫu điển hình trong việc thờ ngẫu tượng. “Trong vùng Trung Đông Cổ con bò có hai ý nghĩa: một đàng nó diễn tả sự phong phú và thịnh vượng, đàng khác nó diễn tả năng lực và sức mạnh. Nhưng trước hết nó bằng vàng, vì thế nó là biểu tượng của sự giầu có. Thành công, quyền lực và tiền bạc. Các điều này là các thần tượng lớn: thành công, quyền bính và tiền bạc. Chúng là các cám dỗ muôn thuở! Đó, con bò vàng là gì? Nó là biểu tượng của tất cả mọi ước muốn cho ảo tưởng của sự tự do, nhưng trái lại chúng nô lệ hóa, bởi vì thần tượng luôn luôn nô lệ hóa. Có sự hấp dẫn, và bạn đi tới. Sự hấp dẫn của con rắn nhìn con chim con, và con chim con không thể động đậy, và con rắn bắt nó. Ông Aharon đã không biết chống cự lại…”[5]

Quả vậy, Giáo hội luôn lên án việc thờ ngẫu tượng. Thờ ngẫu tượng cũng là thờ thần tượng, là sùng bái ai đó hoặc cái gì đó ngoài Thiên Chúa, hay là đặt một thụ tạo vào chỗ mà chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng... Về việc thờ ngẫu tượng, Đức thánh cha Phan-xi-cô nói: “Không có quyền tối thượng của Thiên Chúa thì người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng, và hài lòng với các trấn an bần cùng. Nhưng đây là một cám dỗ mà chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh”.[6]

Tuy nhiên thờ ngẫu tượng vẫn luôn là một cơn cám dỗ thường hằng mà con người phải đối diện dù trong bất cứ thời đại nào, dù văn minh hay man rợ, bần cùng hay hưng thịnh. Quả thế, ngẫu tượng tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, có thể là một sự vật, một thực tại nào đó, mang tính vật chất hay tinh thần, vô hình hoặc hữu hình, mà nơi đó con người hoàn toàn bị chi phối, tin tưởng và thậm chí phó thác đời mình cho nó. Như thế, có nhiều loại ngẫu tượng và nhiều hình thức thờ ngẫu tượng: có thể là các vị thần, một hiện tượng nào đó, một thực tại, hay đơn giản là một loại vật chất hay một đam mê xấu nào đó.

Thực tế cho thấy, trong một thế giới mà công nghệ lên ngôi, mạng xã hội và thế giới ảo chi phối người trẻ, thì các hình thức ngẫu tượng lại có thêm những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ để tung hoành, mê hoặc, và nghiễm nhiên trở thành một vị thần thay thế Thiên Chúa đích thực. Trong một thế giới như thế, những con bò vàng của thế giới hôm nay ngày càng trở nên tinh vi, đa dạng và thực sự khó kiểm soát, bởi với nhu cầu cá nhân, sự tò mò khiến nhiều bạn trẻ trở thành những tín đồ cuồng tín của các trào lưu thờ ngẫu tượng và xây dựng cho mình những ngẫu tượng để sụp lạy cũng như buông bỏ đời mình cho những ngẫu tượng hư vô đó.

Những ngẫu tượng mà người trẻ ưa thích có rất nhiều, nhất là với thị hiếu ngày càng khó hiểu và phức tạp của người trẻ, nơi các bạn trẻ vẽ ra cho mình những huyễn tượng lý tưởng, để rồi vô hình trung trở thành ngẫu tượng cho cuộc đời mình. Những ngẫu tượng “truyền thống” của giới trẻ là tiền bạc, quyền lực, danh vọng kết hợp với những ngẫu tượng của thời đại như tiện nghi, hưởng thụ, tự do quá chớn và nhất là những thực tại ảo trên không gian mạng đang lôi kéo, mê hoặc và khiến nhiều người trẻ mất phương hướng, thậm chí chết ngộp trong vũng lầy nhớp nháp của ngẫu tượng. Như thế, có quá nhiều hình thức ngẫu tượng mà không ít bạn trẻđã chọn và phục lạy, để rồi gạt bỏ, thậm chí phủ nhận Thiên Chúa. Hệ quả là, đến một lúc, khi nhận ra những giấc mơ ấy, những ngẫu tượng ấy chỉ là một giấc mộng hão huyền, những thực tại hư ảo, người trẻ vỡ mộng, nhận ra những ngẫu tượng này không thể mang lại những giá trị đích thực và chân lý toàn vẹn, nhưng tiếc thay khi ấy, nhiều thứ đã trở nên quá muộn màng…

 Ưa sống tưởng tượng

1Tưởng tượng là khả năng đặc biệt của con người mà có thể nói chỉ con người mới có khả năng tưởng tượng và mơ mộng. Nhờ trí tưởng tượng phong phú, con người không chỉ vẽ ra những thứ mà thực tế không thể hoặc chưa thể nghĩ tới, mà trí tưởng tượng còn đẩy bước con người nỗ lực để thực hiện hóa nhiều thứ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Thật vậy, với trí tưởng tượng phong phú, con người không ngừng thực hiện hóa nhiều điều mà trí tưởng tượng tưởng như chỉ là những thứ bay bổng, phi thực tế và chạm bến những viễn tượng, những bến bờ mà không phải ai cũng có thể tưởng tượng hay nghĩ tới: máy bay, tên lửa, tàu sân bay, điện thoại, Internet, mạng xã hội, AI…

Trong chiều hướng đó, có thể nói tuổi trẻ vẫn là cái tuổi có trí tưởng tượng phong phú nhất, thậm chí điên rồ nhất... Những thế giới, những thực tại mà người trẻ tô vẽ hay xây dựng trong đầu minh rất phức tạp, đa phức, đôi khi rối rắm đến kì lạ mà khó ai có thể kiểm soát được. Tuy vẫn biết trí tưởng tượng là cần thiết và làm cho cuộc sống con người thêm ý vị, cách riêng với người trẻ, bởi trí tưởng tượng giúp cho các bạn trẻ trở nên sáng tạo hơn, năng động và linh hoạt hơn, nhưng khi mà các bạn trẻ chôn vùi cuộc đời trong thế giới tưởng tượng đến mức ảo tưởng về mọi thực tại, quên lãng và trở nên xa lạ với mọi thực tại thì lại là một vấn nạn đáng báo động và nguy hiểm. Bởi vì, khi vùi mình trong thế giới tưởng tượng, nhiều bạn trẻ sẽ trở nên vô cảm với mọi thực tại, xa lạ trong các mối tương quan, thậm chí chết chìm trong những tưởng tượng hão huyền của mình… Chính vì thế, trong một thế giới mà mạng xã hội và không gian ảo lên ngôi, vấn đề đặt ra là phải làm sao để kiểm soát và đặt giới hạn cho những thực tại, những thế giới đó, những thực tại vốn dĩ rất muốn dung túng cho trí tưởng tượng phi lý của người trẻ và có thể nuốt chửng, nghiền nát nhiều tâm hồn…

Tất nhiên, nói như thế không phải đánh đồng tất cả người trẻ đều sống không mục đích, cuồng thần tượng, thích ngẫu tượng và ưa tưởng tượng để rồi thế giới này chỉ là một buwccs tranh đen ngòm. Trái lại, nơi người trẻ bất cứ thời đại nào, và nhất là trong thế giới hôm nay vẫn còn đó rất nhiều tâm hồn thực sự khao khát cái đẹp và không ngừng khắc khoải, truy tìm chân lý đích thực cũng như đặt đời mình trên Đức Ki-tô. Chính vì thế, cuộc sống này vẫn là nơi đáng sống và tuổi trẻ vẫn luôn là tuổi đáng sống nhất, đáng ước mong nhất và giàu hy vọng nhất vì tuổi trẻ luôn và mãi là tương lai của Giáo hội và của thế giới mọi nơi mọi thời…

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay14,610
  • Tháng hiện tại398,659
  • Tổng lượt truy cập90,327,226
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây