“Tôi đã từng là một người Công giáo,” người phụ nữ cách tôi vài bước trong bãi đậu xe đang vừa nói vừa đưa tờ giấy nhỏ gì đó cho một người khác. Câu nói này thu hút sự chú ý của tôi, khiến tôi không thể không chú ý đến câu chuyện giữa họ. Tôi quyết định xen vào.
"Xin lỗi," tôi nói với người phụ nữ "Cô có thể cho tôi xin một tờ thông tin gì đó như kia không?"
Gương mặt người phụ nữ trở nên rạng rỡ. Người phụ nữ hỏi tôi: "Bác đã được Chúa cứu chưa?" Tôi tự tin trả lời: "Tất nhiên rồi; tôi là một người Công giáo mà.” Ấy vậy mà người phụ nữ ấy nhìn tôi như thể tôi vừa nói điều gì sai trái.
Người phụ nữ ấy tiếp tục: “Con rất muốn nói với bác điều này, rằng con cũng từng là một người Công giáo -Con là đạo gốc nữa kìa. Vậy mà hơn 30 năm theo đạo, con chẳng biết gì về Chúa. Nhưng bây giờ, con đã tìm thấy Đấng Christ và con đang cố gắng nói với mọi người mà con quen biết về sự cứu rỗi qua Đấng Christ.”
“Wow, đó chắc hẳn phải là một điều rất có ý nghĩa với cô! Cô có thể cho tôi biết lý do nào khiến cô rời bỏ Giáo hội không?” Tôi biết chắc bằng cách đặt câu hỏi như vậy, người bạn mới quen của tôi sẽ rất phấn khích chia sẻ vì bây giờ cô ấy đối diện với một người mà cô ấy có thể “làm chứng” cho Chúa.
“Bác biết đó” cô ấy nói, “Con sinh ra trong gia đình Công giáo. Con tham dự Thánh lễ hàng tuần, lãnh nhận các Bí tích và học giáo lý đầy đủ. Nhưng tiếc thay, chưa một lần con được nghe công bố Phúc Âm. Chưa hề một lần! Chỉ đến khi có một người bạn thân đã chia sẻ 'Phúc Âm' với con và vì thế mà con đã chấp nhận Chúa Giê-su là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của riêng mình và trở thành một người Tin Lành. Bây giờ con thuộc về một hội thánh 'tin theo Kinh thánh' và con sẵn lòng chia sẻ Phúc Âm với bất kỳ ai muốn lắng nghe."
Lời chia sẻ của người phụ nữ này khiến tôi bị sốc. “Ý cô là cô thuộc về Giáo hội Công giáo hơn ba mươi năm và cô chưa bao giờ nghe Phúc Âm?”, tôi hỏi lại cho chắc chắn điều mình mới nghe. Cô ấy lại càng trở nên phấn khích hơn. “Đúng vậy, con chưa từng một lần nghe Phúc Âm cứu rỗi được rao giảng, dạy dỗ hoặc thậm chí được đề cập đến trong Giáo hội. Nếu người ta không rao giảng Phúc Âm, xin thứ lỗi cho con nói thẳng, họ không phải là người tin Chúa.”
Tôi lắc đầu và nói, “Thật lạ. Tôi đã theo đạo Công giáo suốt cuộc đời và tôi dám khẳng định rằng tôi được nghe Phúc Âm hàng tuần tại Nhà thờ.”
Nụ cười của cô ấy nhanh chóng biến thành một cái nhìn tò mò. “Có thể tôi hiểu nhầm ý của cô chăng?”, tôi tiếp tục. “Cô làm ơn cho tôi biết ý của cô muốn nói là gì khi nhắc đến 'Phúc âm?'”
Người phụ nữ thò tay lại vào ví để rút ra một mẩu giấy in nhỏ và nói, “Tờ giấy này giải thích ngắn gọn phúc âm của sự cứu rỗi. Nó có thể được chia thành bốn bước đơn giản.
“Đầu tiên, chúng ta thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân cần được Chúa tha thứ.
Thứ hai, chúng ta nhận biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu chúng ta.
Bước thứ ba là Chúa Giê-xu Christ đã chết trên Thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta và để đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời.
Và bước thứ tư và cuối cùng là mỗi cá nhân cần chấp nhận Chúa Giê -xu Christ là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của riêng họ để được cứu rỗi .”
Tôi suy nghĩ trong vài giây và nói, "Nếu tôi có thể chứng minh với cô rằng người Công giáo nghe "phúc âm" mà cô vừa nói vào mỗi Chủ Nhật, cô có sẵn lòng đồng ý tìm hiểu kỹ hơn về giáo hội Công giáo không?"
Người phụ nữ gật đầu đồng ý: “Bác thử chứng minh điều đó đi.” Tôi cáo lỗi xin một, hai phút để chạy ra xe lấy cuốn Sách Lễ.
“Vì cô đã tham dự Thánh lễ gần như suốt cuộc đời, nên chắc cô không quên những lời cầu nguyện này.” Tôi lật mở những lời cầu nguyện đầu của Thánh lễ và tiếp tục chỉ cho cô ấy thấy cách người Công giáo nghe, cầu nguyện và sống sứ điệp phúc âm vào mỗi Chủ Nhật.
Bước đầu tiên trên con đường tin nhận Chúa của người bạn mới quen của tôi nói rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân cần được Chúa tha thứ. Tôi đọc to đoạn văn bản trong sách Lễ cho cô ấy nghe và cô ấy đọc thầm theo. Sau lời nguyện nhập lễ, Thánh lễ tiếp tục với phần được gọi là Nghi thức Sám hối.
“Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm, và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”
Tôi đã giải thích tỉ mỉ rằng chính ở đây trong phần này, mỗi người Công giáo tuyên bố công khai rằng cá nhân mình là một tội nhân - không chỉ theo nghĩa chung chung - mà cụ thể là trong suy nghĩ, lời nói và việc làm. Liệu còn sự sám hối nào đầy đủ hơn thế nữa?
Tôi tiếp tục đọc: “Vì vậy tội xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chung ta. Amen.”
Sách Lễ cũng yêu cầu vị linh mục tái khẳng định sự thú nhận tội lỗi này bằng cách cầu nguyện: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.” Và cả cộng đoàn đồng thanh thưa "A-men", nghĩa là, "Tôi tin." Vị Linh mục tiếp tục: "Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con Xin Chúa thương xót chúng con."
Tôi nhìn cô ấy và nói, "Cô thấy đấy, những người Công giáo bắt đầu mỗi Thánh lễ bằng một lời tuyên bố công khai về tội lỗi cá nhân của chính mình và cầu mong ơn Chúa tha thứ."
Cô ấy trả lời, “Nhưng những người Công giáo không tin rằng chỉ có một mình Chúa Giê-su mới có thể cứu họ. Họ còn tin rằng Mẹ Maria và các thánh sẽ cứu họ ”.
Tôi lắc đầu không đồng ý. “Không, chúng tôi không tin như vậy. Hãy nhớ lại những gì chúng ta vừa đọc trong Thánh lễ. Người Công giáo cầu xin Mẹ Maria, các thiên thần, các thánh và toàn thể cộng đoàn thay mặt họ cầu xin Chúa thương xót - giống như tôi xin cô cầu nguyện cho tôi với Chúa. Điều đó có nghĩa là tôi tìm đến cô để cô 'cứu' tôi ư? Không, tất nhiên là không phải như vậy. Tôi chỉ yêu cầu sự giúp đỡ của cô. Bên cạnh đó Kinh Vinh Danh được cất lên trong Thánh lễ cũng minh nhiên cho thấy rằng người Công giáo chỉ trông cậy vào Chúa để được cứu mà thôi.”
Tôi bắt đầu đọc đoạn kinh Vinh Danh trong Sách Lễ và nhấn mạnh những từ nhất định để chứng minh quan điểm của tôi:
“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
Là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa
là Con Ðức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,
cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha.
Amen. "
Tương tự như vậy, vị linh mục khi cầm đĩa với bánh thánh và chén, nâng cả hai lên và nói:
“Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa
Là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Khi tôi nhìn lên, tôi có thể thấy người phụ nữ đang chăm chú đọc theo. Cô không thể tin rằng cô đã cầu nguyện bằng những lời cầu nguyện này trong nhiều năm và không bao giờ để ý đến ý nghĩa của chúng. Nhưng rõ ràng, giấy trắng mực đen hiển thị rõ điều mà cô cho là cô mới khám phá ra khi từ bỏ giáo hội và tin theo niềm tin mới.
Tôi tiếp tục với bước thứ ba - sự thừa nhận rằng Chúa Giê-su Kitô đã chết trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta và để đưa chúng ta đến với Đức Chúa Cha.
Kinh Tin Kính mà chúng ta đọc có đoạn như thế này:
"Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô."
Trong Kinh nguyện Thánh Thể 1, linh mục cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin nhớ đến (những) tôi tớ của Chúa là... Và mọi người đang sum họp nơi đây: mà Chúa biết rõ lòng tin kính và sùng mộ. Chúng con dâng thay hoặc chính họ dâng lên Chúa hy lễ ca tụng này cầu cho mình và cho mọi người thân thuộc: hầu linh hồn được cứu chuộc, thân xác được an lành mạnh khoẻ như lòng mong ước: Như vậy, họ được tôn vinh Chúa là Thiên Chúa thật, hằng hữu và hằng sống.
Tôi cũng đọc cho cô ấy nghe cả 3 lời nguyện còn lại để thấy được điều mà cô ấy tưởng là mình mới khám phá ra, lại chính là điều mà giáo hội công giáo tuyên xưng mỗi ngày trong thánh lễ.
Tôi giải thích cho người phụ nữ ấy hiểu rằng nếu người Công giáo cần tin những gì họ đang cầu nguyện, lời cầu nguyện ấy mới có giá trị. Chúng ta không thể đọc được cảm xúc của trái tim người khác, chúng ta không nên đánh giá liệu họ có thực sự tin những gì họ đang nói hay không.
Tiếp theo, tôi chỉ ra bước cuối cùng - nơi người Công giáo đón nhận Chúa Giê-su vào lòng. Ngay trước khi rước lễ, linh mục cầm bánh thánh (bây giờ là Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa chúng ta dưới hình dạng của bánh và rượu) và cầu nguyện.
“Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” và cộng đoàn đáp lại, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Tôi nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ và nói, "Tại đây, tất cả những người chuẩn bị đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô đều bước đến trước nhà thờ nhưng họ không chỉ tin vào Chúa Giê-su hay chỉ dừng lại ở việc cầu xin Chúa Giê-su trong lòng họ. Còn hơn thế nữa, họ đón nhận Đức Ki-tô đã chết trên thập tự giá trên đồi Can-vê vào miệng và vào dạ dày của họ - thân xác, máu, linh hồn và thần tính - và trở thành một với Người một cách không thể tả xiết. Đó chính là việc đón nhận Đức Ki-tô đích thực! ”
Người phụ nữ im lặng, không có phản hồi. Tôi không chắc rằng cô ấy đã bao giờ thực sự nghĩ về Thánh lễ và sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hay chưa vì tôi thấy cô ấy tỏ ra vừa ngạc nhiên vừa tò mò.
Tôi cho cô ấy số điện thoại của mình và mời cô ấy tham gia một nhóm học hỏi Lời Chúa mà tôi đang hướng dẫn để truy xét lại nền tảng Kinh thánh cho giáo lý Công giáo. Khi chúng tôi chào tạm biệt nhau, tôi phân vân tự hỏi có bao nhiêu người khác, như người bạn mới quen này của tôi, đã rời bỏ Giáo hội vì nghĩ rằng giáo hội không có gì để nói về ơn cứu độ. Tuy nhiên, sự phong phú của phụng vụ Thánh lễ và hơn thế nữa là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, vượt trội hơn hẳn các buổi cầu nguyện của những anh chị em có niềm tin khác chúng ta!
Thật vậy, mầu nhiệm của Thánh lễ vượt xa lời “cầu nguyện đơn thuần của tội nhân”. Điều tôi muốn chứng minh là tất cả các yếu tố mà người Tin lành coi là “cốt yếu” của sự cứu rỗi con người đều được trình bày trong phụng vụ Thánh Thể và điều đó đủ để phủ nhận mọi cáo buộc rằng Giáo hội đang lơ là trong việc trình bày “phúc âm" theo cách nào đó.