Ba chục năm nay, cứ đến ngày lễ Dầu, Thứ Năm Thánh, là tôi nhớ đến anh ấy – cả khi anh còn sống lẫn sau khi anh qua đời…
Chuyện là, như bạn biết đó, Thánh lễ Làm Phép Dầu là dịp tràn đầy niềm vui của các linh mục. Ngày Thứ Năm Thánh được gọi là Ngày Linh Mục. Niềm vui sâu thẳm bên trong, gắn với việc tưởng niệm Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục thừa tác! Niềm vui trào dâng bên ngoài, gắn với cuộc qui tụ cộng đoàn dân Chúa đông đảo trong Thánh lễ duy nhất buổi sáng hôm nay được cử hành bởi Đức Giám mục giáo phận giữa toàn thể các linh mục sum họp đầy đủ xung quanh ngài! Bạn hình dung đoàn rước dài hun hút của các linh mục đồng tế, đi qua giữa cộng đoàn và nhận được những ánh nhìn, những nụ cười đong đầy yêu thương cảm mến từ đoàn chiên của Chúa…
Và bạn hãy hình dung, lẩn khuất trong đám đông ngưỡng mộ chiêm ngắm đoàn đồng tế đi qua ấy, có một … anh linh mục! Đó là anh. Anh là linh mục chui, nên suốt mười mấy năm anh phải tham dự Thánh lễ Truyền Dầu trong tư cách một ‘thường dân’ như thế.
Tôi gặp anh lần đầu vào năm 1986, khi anh đang qui tụ một số anh em trong khuôn khổ một tu hội đời. Nhiều anh em vốn là những chủng sinh đang ‘lang thang’ vì con đường ơn gọi bị dang dở do thời cuộc. Chúng tôi quí mến anh và coi anh như một điểm tựa tinh thần vững vàng mà Chúa ban cho mình. Còn anh thì tự coi mình là người ‘đi nhặt những cánh hoa rơi’, cả những cánh hoa đã bị phong trần dập vùi tơi tả… Anh cũng là một cựu chủng sinh, cũng lận đận long đong con đường ơn gọi không khác chúng tôi mấy, nên anh em xúm xít gần gũi ấm áp lắm – nương tựa nhau giữa bao khó khăn của thời thế lúc ấy mà anh em phải cùng nhau đương đầu. Anh miệt mài truyền lửa và giữ lửa. Cùng với anh, chúng tôi luyện dịch sách, phát hành sách, học tập, tĩnh tâm hằng tháng, linh thao hằng năm, và cả những vui đùa giải trí nhẹ nhàng nữa…
Năm 1993, sau bảy năm ‘theo’ anh, tôi rời Bàu Cá chuyển hẳn về Sài Gòn, và cho đến lúc đó anh mới tiết lộ riêng cho chúng tôi biết anh là linh mục đã 12 năm rồi. Là linh mục chui, có nhiều nỗi niềm lắm. Và ‘tâm trạng’ nhất – như anh chia sẻ - chính là mỗi lần tham dự Thánh lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh. Không được xúng xính trong lễ phục giữa các linh mục khác, không được đĩnh đạc tiến lên trong hàng đồng tế, không nhận được những ánh nhìn trìu mến, những nụ cười biết ơn và cảm thông của cộng đoàn dân Chúa, không vinh dự, không ‘hào quang’, không cả tiếng ‘chào cha’ từ mọi người mà mình gặp gỡ! … Tôi từng đi lễ Dầu với anh tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, và chính tôi cũng cảm nhận một nỗi niềm khó tả khi đứng bên anh trong bầu khí tưng bừng với những âm thanh và hình ảnh hoành tráng ấy… Là linh mục chui, tất cả là âm thầm, lặng lẽ, như một chiếc bóng nhẹ lướt qua dòng đời. Không ai biết, không ai truy nhận mình là ai và mình làm gì, trừ Chúa! …
Ngay cả người nhà của anh cũng không biết! Suốt ngần ấy tháng năm, ngày trong tuần, anh rón rén thức dậy lúc ba giờ sáng và âm thầm dâng Thánh lễ trong căn phòng nhỏ của mình trên gác. Ngày Chúa Nhật, anh đi lễ nhà thờ giáo xứ như những con chiên thuần thành. Dường như người nhà của anh cũng chỉ được biết anh là linh mục xấp xỉ cùng thời gian với chúng tôi mà thôi. Rồi ngay cả khi đã biết, cũng phải tiếp tục giữ kín, vì anh vẫn chưa công khai cho bên ngoài…
Tôi ở Sài Gòn được một năm thì thân phụ anh qua đời. Đây là một biến cố bi tráng. Vì anh là linh mục chui, nên đành ‘nín nhịn’ không dâng lễ an táng cho thân phụ được! Trước mặt mọi người, anh cũng chỉ là một anh con trai lớn của người quá cố, tu làm linh mục không thành nên tiếp tục sống độc thân và tu kiểu ‘đời’ vậy thôi!...
Lại nhớ, lần chúng tôi được anh giúp linh thao ở Vũng Tàu, vì anh đã ‘bật mí’ nên chính anh dâng lễ cho chúng tôi, nhưng việc giải tội thì anh thu xếp nhờ một cha khác. Đến lúc chúng tôi xưng tội, cha ấy lại bận việc đột xuất và không đến được. Anh đành phụng mạng làm luôn công việc này, nhưng có một trục trặc nhỏ: anh không nhớ công thức xá giải! Thế là phải gọi điện thoại nhờ người đọc chính tả để chép lại cái công thức ấy. Mười hai năm linh mục, anh nào có dịp giải tội cho ai đâu! Và thời ấy chưa có Internet và Google Search để mà tra ngay và có ngay như bây giờ…
Mười mấy năm linh mục chui của anh cũng còn nhiều chuyện cười ra nước mắt. Về sau, khi công khai dần, khi mà mọi người đều biết, thì cái cốt cách âm thầm lặng lẽ như đã thấm sâu trong anh. Anh làm việc và cống hiến thật đắc lực, nhưng vẫn chọn phong cách của một chiếc bóng, nhẹ nhàng, khiêm tốn… cho đến kiệt lực và nằm xuống vĩnh viễn!
Tôi tính nhẩm, trong vô số công việc của mình, người linh mục âm thầm ấy đã ‘nhặt những cánh hoa rơi’, và đã giúp giữ lửa ơn gọi cho Giáo hội có được hàng chục linh mục khác, thậm chí có cả giám mục…
Riêng mình, tôi tạ ơn Chúa vì đã ban anh cho tôi, một nguồn cảm hứng cho đời linh mục của tôi. Deo gratias!
********
TIỂU SỬ CHA PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH
– Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1954 tại Hải Phòng
– Năm 1965: vào Tiểu Chủng Viện, giáo phận Quy Nhơn
– Năm 1972 – 1977: theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt
– Năm 1977 -1981: làm việc tại gia đình
– Ngày 26.12.1981: thụ phong linh mục giáo tịch giáo phận Bắc Ninh
– Năm 1981 – 2007: thi hành mục vụ tại Tổng giáo phận Sài Gòn; tham gia Tu hội Thánh Tâm
– Năm 2007 đến năm 2013 thuộc Linh mục đoàn Tổng giáo phận Hà Nội; giáo sư thần học kiêm chức vụ giám học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội; đặc trách tu sỹ Tổng giáo Phận Hà Nội.
Ngài đã được Chúa gọi về lúc 19 giờ,
thứ Tư, ngày 27.11.2013, tại Hà Nội
Hưởng thọ 60 tuổi, sau 31 năm thi hành tác vụ linh mục.
Tác giả: Lm. Lê Công Đức