Sống Đức Cậy nơi vùng Ngoại biên

Thứ ba - 28/06/2022 04:47  983
vungcaoĐáp lại lời kêu mời của Bề trên hai giáo phận, 40 anh em chủng sinh Bùi Chu chúng tôi hào hứng lên đường mục vụ hè 2022 tại “vùng sơn cước” Hưng Hoá. Chỉ một số anh em đã có kinh nghiệm mục vụ tại vùng “thập tỉnh”[1] này trong những mùa hè trước, còn hầu hết đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến những giáo xứ vùng Tây Bắc này với tư cách là thầy giúp xứ. Đây là khoảng thời gian quý giá để chúng tôi có cơ hội quan sát, học hỏi và thực tập mục vụ nơi những môi trường rất mới lạ so với vùng đất chúng tôi được sinh ra và lớn lên, nhất là để hun đúc trong mình ngọn lửa nhiệt huyết truyền giáo cho sứ vụ tương lai. Thế nhưng, chắc hẳn cũng còn đó những băn khoăn, lo lắng. Lo lắng không biết liệu mình có thích nghi được không với “nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái”? Băn khoăn không biết thời gian phục vụ ở đây sẽ thế nào?...

Trước lúc lên đường, quý cha giáo Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu đã căn dặn chúng tôi nên chuẩn bị đồ đạc hết sức gọn nhẹ với những gì thực sự cần thiết. Hành trang quan trọng nhất của người môn đệ Đức Giêsu đến với “vùng ngoại biên” là tinh thần nhiệt tâm và lòng phó thác. Tin cậy như thế, anh em sẽ không có gì phải lo lắng quá mức. Những nỗi lo bồn chồn trước mắt rất hữu lý và chính đáng nhưng không nên để mình quay quắt vì sợ hãi, phiền muộn mà ngại ngần dấn thân. Trong thời gian ngắn tập trung tại Toà Giám mục Hưng Hoá, quý đức cha và quý cha nơi đây khích lệ và hứa hẹn với chúng tôi rằng chắc chắn anh em sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị cũng như gặt hái được những bài học ý nghĩa cho cuộc đời dâng hiến của mình.

Thật trùng hợp khi trong Thánh lễ ban sáng tại Nhà nguyện Toà Giám mục Hưng Hoá trước khi đến với các giáo xứ, chúng tôi được nghe bài Tin Mừng nói về sự tin tưởng vào Chúa quan phòng: “... Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha của anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,24-34).

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha đặc trách Uỷ ban Đào tạo và Ơn gọi giáo phận Hưng Hoá nói đến hai chữ lo liệu. Dù cho mình có lo lắng đến độ thái quá nhưng không tin Chúa định liệu quan phòng thì vẫn sẽ cảm thấy bất an. Dù cho cố gắng nặn mình công phu nhưng chỉ cậy dựa vào sức riêng thì cũng dễ nản lòng, nhụt chí. Một khi mải loay hoay bận tâm với những tính toán cho tương lai, nhất là quá lo lắng về đời sống vật chất sẽ dễ đánh mất đi niềm vui, sự bình an thanh thản và cũng dễ ngã lòng trông cậy. Nói như thế không có nghĩa là ngây thơ không biết gì đến ngày mai nhưng luôn thư thái nhẹ nhàng, không căng thẳng vì biết rằng không bơ vơ một mình nhưng có Chúa cùng hoạt động và thêm sức cho. Dù cho khó khăn thử thách đến mấy nhưng tin rằng có Chúa “liệu” thì mọi chuyện sẽ bình an. Dân gian vẫn thường nói: “người tính không bằng Trời tính” hay “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Sau Thánh lễ, chúng tôi “khăn gói” lên đường với những khuôn mặt vui tươi nhưng cũng đầy hồi hộp. Chúng tôi nhớ đến những lời nhắc nhở, dặn dò phải xem bất cứ nơi nào mình được sai đến cũng là “nhà” của mình: “Đâu cùng là đất Chúa, đâu cũng là dân Chúa, đâu cũng là việc Chúa”. Thời gian mục vụ ngắn ngủi này đòi buộc chúng tôi phải có một thái độ cậy trông vững vàng liên lỷ. Tôi không muốn dừng lại ở những nỗ lực của bản thân nhưng muốn chia sẻ ngay một kinh nghiệm sống đức cậy của đồng bào nơi vùng đất tôi được sai đến. Đây cũng là khám phá đầu tiên mà tôi nhận ra, là bài học trước nhất mà tôi học hỏi được.

Sau một vài ngày làm quen với môi trường giáo xứ, cha xứ đưa chúng tôi đến với một họ đạo mà toàn bộ giáo dân là người dân tộc H’Mông. Bà con nơi đây đang mùa thu hoạch lúa. Chúng tôi được cùng cha xứ vào cử hành bí tích Xức dầu Bệnh nhân cho hai người già yếu và thăm viếng một vài gia đình gần đó. Sau những cái bắt tay thân tình là những câu chuyện rất vui vẻ. Cha xứ hỏi rằng vụ này nhà mình được bấy nhiêu thóc có đủ ăn không? Họ cười và lắc đầu. Cha xứ hỏi thêm: “Vậy có lo lắng đói không”? Họ trả lời: “Nếu chúng con lo thì chắc là không đủ nhưng có Chúa với có cha lo cho thì chúng con không sợ thiếu”. Một người khác thêm vào: “Chúng con còn có lúa nương nữa mà cha!”

Chúng tôi không khâm phục câu trả lời có vẻ khôn ngoan của họ nhưng nhìn đến một sự tín thác nơi các tín hữu đồng bào dân tộc H’Mông này. Người ta hẳn sẽ có chút băn khoăn, do dự về thói quen dựa dẫm, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác ít nhiều có thể có nơi một số người đồng bào dân tộc nhưng không thể phủ nhận niềm trông cậy đơn sơ và vững vàng nơi họ.

Những người giáo dân H’Mông nơi “vùng ngoại biên” này đang dạy chúng tôi cách sống động về niềm trông cậy trong mọi hoàn cảnh. Người tín thác cũng phải biết lo lắng, tiên liệu, hoạch định cho tương lai nhưng không phải là cái lo sợ hãi hùng quá đáng hoặc buông trôi, thờ ơ phó mặc nhưng là cái lo của một người có trách nhiệm, một người đặt trọn vẹn cuộc đời mình nơi Thiên Chúa quyền năng và thông biết mọi sự, nhân lành và yêu thương. Nói cách khác, người tin cậy luôn tận tuỵ hết mình cho công việc nhưng không bất an, sợ sệt. Như đứa con thơ ngồi trong lòng cha, họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết và tin rằng mọi sự khác sẽ được Người lo liệu cho (x. Mt 6,33).

Quả thực, đức cậy Kitô giáo không phải là một thái độ ỷ lại vào Ơn Trên nhưng đúng hơn, đó là một nỗ lực khiêm tốn chân thành cộng tác với lòng tin tưởng, trông cậy và mến yêu. Tín thác không phải là vô lo, lười biếng, thiếu trách nhiệm nhưng vững niềm tin rằng mình có một Người Cha quyền năng và yêu thương luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của con cái và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng. Chúa “biết rõ” tất cả những gì chúng ta cần, ngay cả trước khi chúng ta cầu xin (x. Mt 6,8.32).

Người xưa cũng dạy: “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” (Làm hết sức mình mới hiểu được ý Trời). Thái độ cậy trông phải luôn đi kèm với việc sống trọn vẹn giây phút hiện tại cách ý nghĩa nhất. Sống phó thác sẽ biết tránh cái lo âu sợ hãi của người kém lòng tin nhưng biết bám vào Chúa trong mọi cảnh huống. Người tín thác luôn ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc sắp đặt cách ăn nết ở của mình phù hợp với Thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Quá khứ hãy trao cho Lòng Thương Xót của Chúa, hiện tại thuộc về lòng trung thành của chúng ta, còn tương lai phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa”.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lời chúc tụng vì Chúa ban sức mạnh cho chúng con chống trả cơn cám dỗ, chấp nhận mọi gian lao[2]. Con vững dạ an lòng, lạy Thiên Chúa (Tv 108,2; Tv 57,7) vì niềm hy vọng con đặt nơi Ngài. Giữa muôn vàn gánh lo cuộc đời, xin cho chúng con đừng để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng, đơn giản vì tương lai của chúng con ở trong tay Ngài.


[1] Giáo phận Hưng Hoá trải rộng trên địa bàn của 10 tỉnh thành, trong đó có Sơn Tây cũ (nay thuộc TP. Hà Nội), Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một phần các tỉnh: Hoà Bình, Tuyên Quang và Hà Giang.
[2] x. Lời cầu Kinh Sáng Thứ Tư Tuần XII Thường Niên.

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập338
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm308
  • Hôm nay18,583
  • Tháng hiện tại995,970
  • Tổng lượt truy cập78,999,421
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây