Gặp Chúa vùng sơn cước

Thứ sáu - 29/07/2022 05:07  646
mountainNgồi trong xe, nhìn đồi núi hai bên đường như đang chạy ngược chiều với hướng xe, lòng tôi thấy chùng chình, mênh mang một nỗi niềm. Thầm nể phục Đấng Tạo Hóa vì công trình của Ngài thật kì vĩ, tôi nghĩ đến khung cảnh thiên nhiên đa dạng mà chỉ bàn tay thần linh mới có thể tạo ra. Quê tôi là vùng đồng bằng trù phú, cánh đồng lúa trải rộng mênh mông. Địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, dễ dàng nối liền các làng xã. Còn nơi đây, con người lạc giữa thiên nhiên như một ấu trùng nhỏ bé trước rừng núi hùng vĩ. Những quả đồi, dãy núi như một người khổng lồ, có thể nuốt chửng con người dễ dàng như nhai nuốt một viên kẹo ngọt vậy. Mà địa hình hiểm trở, khiến cung đường đi cũng gập ghềnh, uốn lượn chẳng khác gì chú cá chạch luồn lách trong các bụi rêu hay nơi ghềnh đá ngầm dưới lòng sông. Ở nhà, tôi ăn cua đồng, cua biển, còn ở đây, “cua đồi”, “cua núi” lại là “thổ sản”! Thành thử, lòng tôi rộn lên một tâm trạng khó diễn tả. Tức cảnh sinh tình, mà tình ở đây thật mặn mòi, tha thiết hơn bao giờ hết.

Tiếp xúc với người dân nơi đây, tôi được nghe lại thời khai hoang, lập nghiệp tại mảnh đất mà cực chẳng đã mới phải đến. Rừng luôn được coi là nơi thiêng, không phải chỉ là sự ghê sợ bởi những hiểm nguy ẩn chứa trong đó, nhưng còn là bởi rừng là tài nguyên, là nguồn trữ kho báu, mang đến lợi ích lớn lao cho con người. Những thập niên bảy mươi, tám mươi, chín mươi, cái đói, cái nghèo, cái khó nơi đồng bằng cùng chính sách tản dân, phát triển kinh tế các vùng, từng đoàn người đã mạo hiểm, đánh canh bài cuộc đời nơi vùng đất dấu chân thú rừng nhiều hơn dấu chân người này. Họ đến đó với tâm trạng hoang mang về sự bất định của tương lai, cả những hiểm họa có thể xảy đến khi không có sự bao bọc của tình làng xã vùng thôn quê. Cùng với nỗi hãi hùng đó, họ cũng gieo ước vọng khát khao cho sự đổi đời, đổi vận, đổi số của bản thân và gia đình mình. Hành trình truân chuyên, cuộc sống hoang dã thời ăn lông ở lỗ. Có nhiều người đi ngược dòng sông Hồng, rẽ vào sông Lô, rồi men theo con đường nước để đặt chân đến vùng đất chưa người cắm cọc. Thời đó, đâu có máy móc gì, tất cả là sức người, máy chạy bằng cơm để đẩy, để chài. Phương tiện cũng thô sơ, đồ phòng hộ không có. Tuy thế, họ đã lên đường, mang theo những hạt giống của niềm tin, của hi vọng. Hạt giống đó ngày nay đã bén rễ, kết hoa và sinh quả tốt, quả ngọt, quả chín.

Vùng quê tôi, nóc nhà cao tầng mọc lên san sát, nhưng nóc nhà thờ vẫn sừng sững, cao vượt giữa khu dân sinh. Mang ý niệm đó, tôi cứ ngỡ được nhìn lại ngọn tháp nhà thờ với vẻ kiêu hãnh, đứng hiên ngang giữa núi đồi. Ôi, nhưng không, nhà thờ ở đây hiếm khi có tháp, chỉ là những căn nhà gỗ nhỏ bé, có phần lụp xụp hay là khung tôn như trong phân xưởng sản xuất ở những vùng phát triển vậy. Quả chuông được treo lên bởi bốn cây cột điện cao thế, chứ chẳng được rước vào “cung điện hoàng gia” như kiểu các tháp chuông vùng đồng bằng. Nghe người dân thuật chuyện, ngôi nhà thờ hay nguyện đường, cả quả chuông báo tưởng chừng có thể treo đơn giản, nhưng là cả một nỗ lực, sự kiên gan, dũng tâm, mưu kế mới có thể thi công và trở thành điểm tụ họp cho sinh hoạt tôn giáo. Kẻ thù của Tin Mừng vẫn luôn tìm mọi cách để cản ngăn, triệt tiêu, hủy hoại mầm tin yêu trong lòng người. Lịch sử vẫn chứng minh, sức mạnh trần thế không phá tan được nền móng Giáo Hội. Chính lúc cơ hàn, khó khăn, ngăn trở lại là lúc niềm tin được thử thách, tôi luyện và trưởng thành hơn bao giờ hết. Hạt giống đức tin đã gieo trong lòng người tín hữu, hợp thổ nhưỡng, hợp khí hậu đã bung mình vươn lên, để lời kinh vẫn ngân vọng giữa núi đồi, cộng đoàn phụng vụ sốt sắng cùng tiếng hót muôn chim, cộng đồng tình thương lan tỏa hơi ấm, đượm vị yêu đến mọi người. Tinh thần Kitô giáo trải rộng vùng sơn cước, cũng tự nhiên lớn lên như cỏ cây nơi núi đá vôi kia. Gió thổi đưa hạt giống. Tự bản chất có sự sống, hạt giống ấy mọc lên, thành cây, thành hệ sinh thái tự nhiên. Chúa đã thổi làn khí thần hứng, cây đức tin âm thầm mọc, dẫu gai góc, sỏi đá có chèn chặn.

Lạc theo dòng tư tưởng miên man, xốn xang khi nhìn ngắm con chiên của Chúa ngoan đạo, vẫn trung thành, kiên định với đức tin của mình, tôi tự hỏi tìm gặp Chúa nơi đâu giữa rừng rú mịt mùng? Cánh rừng bất tận kia như một trận đồ bát quái, nhưng không làm lạc lối người dân bản địa, thì dẫu trần thế mù khơi sương khói, người tín hữu vẫn tìm gặp được Chúa, không lung lạc đức tin của mình đâu. Bởi lẽ, Chúa đã chiếm ngự trong trái tim họ. Người tín hữu luôn ý thức ấn tích của phép Rửa Tội, và ấn tích ấy luôn chói sáng, không thể phai mờ hay nhạt nhòa theo thời cuộc. Đạo sống ở trong tâm khảm, trong suy nghĩ, trong ý thức mình đã được chọn làm con Chúa. Mặc cho đời bể dâu hay thế sự xoay vần, mầm đức tin ấy vẫn tích đầy nhựa sống, dung nạp dưỡng chất từ ân sủng của Thiên Chúa và lòng tin đặt để nơi Ngài. Có cấm đạo, họ giữ đạo ngầm, sống đạo trong lòng. Thời bình đến, họ tìm đến nhau, quy tụ thành giáo điểm, thành cộng đoàn đức tin để giúp nhau sống đạo, tương trợ bác ái và yêu thương hết tình. Chúa trong lòng họ trở nên cục nam châm dính kết, trở nên chất keo bền chặt. Dẫu khác nhau về môi trường sống, quê quán, thói lề địa phương, khi họ đặt chân lên đây, họ trở thành anh em, quy tụ thành đại gia đình.

Đàn chiên luôn cần người chăn dắt. Tôi thấy Chúa nơi các Đấng Bậc của Giáo Hội. Các ngài đã nghe theo tiếng gọi đời dâng hiến, trao ban tuổi xuân, sức khỏe, cả thú vui cá nhân lẫn dự tính riêng tư, vượt mọi chông gai muôn hình muôn dạng để đưa đàn chiên về một mối. Có những khi phải lặn lội mấy trăm cây số chỉ để dâng một Thánh Lễ có vài chục người, trốn chui trốn lủi khỏi tầm nhắm của cán bộ hay cực thân đi bộ, trèo đèo vượt suối, các ngài không quản ngại. Gặp được giáo dân là mừng, chia sẻ Lời Chúa cho họ là sự vui tươi, ban Bí Tích cho họ là niềm khoái lạc. Dân nghèo, các ngài sống nghèo như dân. Dân chưa biết lễ độ, các ngài kiên nhấn giáo hóa. Dân bế tắc trong cảnh sống, các ngài đưa ra sáng kiến, chỉ dạy đường đi nước bước. Vui buồn sướng khổ cùng sớt chia. Các ngài trở nên hiện thân sống động của Thiên Chúa giữa cộng đoàn, để rồi mọi tâm tình, người tín hữu đều đến thân thưa với vị mục tử của mình. Sức mạnh của Chúa huyền diệu lắm thay!
Ơn Chúa quan phòng phủ kín, như lớp bông mền mại, êm ái bao bọc cuộc sống của ta. Tôi thấy Chúa trong thiên nhiên, nơi việc canh tác và kế sinh nhai của người dân nơi đây. Từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, dẫu núi đồi thoải dốc hay gồ ghề, Chúa cho mưa rơi để tưới gội mùa màng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi trong cả năm. Từng hecta đồi hợp với từng loại cây trái, mang lại thu nhập, đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. Đúng như câu Thánh Vịnh, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”! Vùng được Chúa cho thổ nhưỡng hợp với giống cây cam sành, mận, đào, hồng, ổi. Vùng Chúa cho cây chè mọc lên, phủ kín đồi nương. Nhất là giống ngô, có thể mọc ở mọi địa hình, khe đá. Cả đến loài hoa Tam giác mạch được biết đến như một vẻ đẹp cuốn hút lạ lùng dành cho khách thập phương… Chỉ cần tâm thái mở rộng, hình ảnh của Chúa hiện lên thật sống động, rõ nét, đầy tính thuyết phục.

Thế đấy, biết Chúa là một chuyện, còn cảm nhận được Chúa, tìm được niềm vui trong Chúa lại là chuyện khác. Theo đạo không phải là ghi danh vào một tổ chức hay thủ đắc tri thức với triết thuyết trong đạo. Trái lại, đó là chọn cho mình lý tưởng Giêsu, cảm nếm niềm hạnh phúc được sống thân tình với Người, đốt lên lửa say mê Người. Có Chúa trong mình, cuộc đời ta đổi thay. Có Chúa hiện diện, sự sống của ta vươn tới sự sống thần linh. Chính khi đó, dù sống trong hoàn cảnh nào, tình cảnh ngặt nghèo đến mấy, sóng đời có đập liên hồi vào mạn thuyền, ta vẫn bình tâm, an vững, vì niềm tin của ta là nguồn sáng cho ta rồi!

Tác giả: Gỗ Thô

 Tags: mênh mang
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập276
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm255
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,119,265
  • Tổng lượt truy cập71,147,022
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây