Thánh Giuse truyền giáo bằng đời sống chứng nhân

Thứ ba - 30/11/2021 09:04  980
dd10gw1. Truyền giáo là gì?

Nói đến truyền giáo là nói đến sứ mạng cơ bản của Hội thánh, tức là nói đến việc loan báo Phúc âm cho mọi dân tộc, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20; GLHTCG 849). Một cách cụ thể, nói đến truyền giáo là nói đến việc giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. Như thế, mục đích cuối cùng của truyền giáo là làm cho mọi người được hiệp thông trong Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, làm cho Phúc âm của Chúa Giêsu thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống.

Theo nghĩa hẹp, nói đến truyền giáo là nói đến việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô “Công việc truyền giáo bắt đầu bằng việc rao giảng Tin mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Đức Kitô; tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Kitô hữu, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, và thành lập Hội thánh địa phương, tiến trình hội nhập văn hoá được thúc đẩy để Tin mừng nhập thể vào các nền văn hoá của các dân tộc” (GLHTCG 854).

2. Làm thế nào để truyền giáo có hiệu quả

Muốn truyền giáo một cách hiệu quả, Hội thánh vừa phải ra đi rao giảng: nói về Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài cho các dân tộc; vừa phải lấy đời sống của mình để minh chứng cho lời rao giảng. Nếu Hội thánh chỉ rao giảng mà không hành động thì việc rao giảng của Hội thánh sẽ không thể thành công mĩ mãn. Chúa Giêsu, mẫu gương loan báo Tin mừng tuyệt đối, đã luôn kết hợp hài hoà giữa lời nói và việc làm. Ngài vừa rao giảng vừa chữa lành, trừ quỷ, tha thứ...; vừa giảng dạy vừa sống những gì rao giảng. Chẳng hạn trước khi dạy các tông đồ, các môn đệ bài học phục vụ, Chúa Giêsu đã phục vụ “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Ngài phục vụ bằng cách chia sẻ thân phận kiếp người, sống giữa nhân loại, rao giảng Tin mừng, chữa lành, rửa chân, lập các bí tích, và nhất là chết trên thập giá để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Thánh Gioan kể rằng trong bữa tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, rồi Ngài nói với các ông “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15).

Khi sai các tông đồ, các môn đệ ra đi loan báo Tin mừng, Ngài cũng trao cho họ sứ mạng cùng quyền năng chữa lành và trừ quỷ. Ngài còn yêu cầu họ sống những gì họ rao giảng “Ai muốn làm lớn, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Dẫu cho chưa thể thực hiện được ngay bài học này, nhưng dần dần các ông đã biến nó thành lý tưởng sống. Việc các ông theo Chúa đến cùng và sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho Chúa là bằng chứng tuyệt vời nhất về việc loan báo Tin mừng sau ngày Hội thánh được khai sinh.

3. Thánh Giuse truyền giáo bằng đời sống

a. Thánh Giuse âm thầm thi hành ý Chúa

Một trong số những mẫu gương nổi bật về việc loan báo Tin mừng là thánh Giuse. Thánh Giuse không đi đây đi đó để rao giảng; ngay trong cuộc sống hằng ngày, thánh nhân cũng chẳng nói Tin mừng với ai. Ngài chỉ âm thầm thi hành thánh ý Chúa qua các bổn phận thường ngày. Nếu như vậy thì chúng ta chỉ có thể nói thánh Giuse rao giảng Tin mừng bằng một đời sống âm thầm, vâng theo ý Chúa, làm cho Tin mừng yêu thương, Tin mừng cứu độ sáng lên ngay trong cuộc sống thường nhật của mình.

Thật thế, đến tuổi kết hôn, thánh nhân lập gia đình với Mẹ Maria. Trước khi về chung sống, Maria đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Khi chưa biết rõ kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa và vì là người công chính, thánh nhân đã định tâm bỏ Maria cách kín đáo. Sau khi được báo mộng và yêu cầu đón Maria về làm vợ, thánh nhân đã cúi đầu xin vâng. Theo yêu cầu của hoàng đế, thánh nhân đã đem Maria về thành của Đavit để kê khai hộ khẩu. Tới Belem, không tìm được quán trọ trong khi Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa, thánh nhân đành chấp nhận để Maria sinh con trong hang đá Bêlem. Được sứ thần báo mộng phải đem con trốn sang Ai cập, thánh nhân khiêm tốn thi hành. Sau khi được sứ thần báo mộng đem con trở về, thánh nhân lại khiêm tốn đưa con vể Nazareth. Tại quê hương, thánh nhân đã chăm chỉ làm việc để lo cho cuộc sống của Mẹ Maria và Chúa Giêsu...

Cuộc đời của thánh nhân xem ra chẳng có gì nổi bật: một thanh niên kết hôn với một phụ nữ trẻ đã mang thai trước khi về chung sống, đem con đi trốn và đưa con trở về theo lệnh của sứ thần, làm việc để nuôi sống gia đình, không than van kêu ca khi gia cảnh khó khăn... Người chồng, người cha bình thường nào chẳng làm như vậy? Ấy thế mà trong những cái tầm thường của Giuse, chúng ta khám phá ra cái phi thường. Ngài phi thường ở chỗ đặt thánh ý Chúa lên trên hết và mau mắn thi hành. Không bao giờ thánh nhân nghi ngờ Thiên Chúa, không căn vặn, không chất vấn, không gặng hỏi... Tại sao thế? Thưa, để làm được như vậy, thánh nhân phải có lòng tin mạnh mẽ, lòng mến nồng nàn, và niềm cậy trông sâu sắc đặt ở nơi Thiên Chúa. Chính nhở ở điểm này và qua việc trung thành gìn giữ Chúa Giêsu trong giai đoạn của công trình cứu độ mà thánh nhân trở thành nhà truyền giáo vĩ đại.

b. Thánh Giuse khiêm tốn chu toàn bổn phận đối với gia đình

Người ta vẫn bảo rằng “con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”. Nếu nói mà không làm, giảng dạy mà không sống thì đó chỉ là lời nói suông, lời dối trá, lừa lọc, lời nói không đi đôi với việc làm, ngôn hành bất nhất. Nếu bảo rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa không làm gì để cứu nhân loại thì Thiên Chúa ấy cũng chỉ là Thiên Chúa trong trí tưởng. Nếu đức tin không có việc làm hay không được thể hiện bằng đức ái thì đức tin ấy cũng chỉ là đức tin chết, đức tin không sinh hoa trái. Cũng vậy, cách thức truyền giáo hiệu quả nhất phải là cách truyền giáo bằng hành động, điều mà con người ngày hôm nay thích hơn cả. Vì thế mà Đức chân phước Giáo hoàng Phaolo VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Tôi có một người bạn khá thân là một giáo dân thuộc giáo xứ Chính toà, giáo phận Nha Trang. Anh tâm sự với tôi rằng: con lấy nhà con hơn 20 năm. Con là người ngoại, còn vợ con là người Công giáo. 20 năm chung sống với vợ, với gia đình vợ, không ai trong họ đề nghị con theo đạo. Vợ con chỉ âm thầm, vui vẻ chu toàn bổn phận trong gia đình. Bố mẹ vợ con cũng thế, chưa một lần yêu cầu con theo đạo. Ông bà chỉ hết mực thương con như một người con trai trong gia đình. Sau 20 năm, con nhận ra rằng họ tốt quá. Vì họ tốt quá nên con không thể không theo đạo. Sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm kitô giáo, trở thành tín hữu Chúa Kitô, con mới cảm nghiệm được thế nào là theo đạo. Hiện giờ, con đang cố gắng diễn tả những gì con tin bằng việc thực thi bác ái.

Truyền giáo là thế đó! Hội thánh không chỉ truyền giáo bằng lời rao giảng, nhưng còn bằng một đời chứng nhân. Hội thánh vừa lên tiếng rao giảng Tin mừng, vừa bênh vực các giá trị nhân văn, vừa đứng về phía người đau khổ, nghèo khó... Đối với những ai không thể rao giảng bằng lời, cách truyền giáo tốt nhất vẫn là sống đời chứng tá hay rao giảng bằng một đời sống thánh thiện. Về điểm này, thánh Giuse là gương sáng cho mọi tín hữu. Ngài nỗ lực sống các giá trị Tin mừng, cố gắng thực thi thánh ý Chúa ngay trong đời thường, lấy yêu thương phục vụ làm lý tưởng sống cho mình và cho các thành viên khác của gia đình. Cho dù ngài không rao giảng bằng lời, nhưng cuộc đời của thánh nhân thực sự xứng đáng là lời rao giảng giá trị nhất. Mong sao mỗi tín hữu biết bước theo gương sáng của thánh nhân sống các giá trị Tin mừng và nỗ lực vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đó là cách rao giảng Tin mừng tuyệt vời nhất, hiệu quả nhất!

Tác giả: Lm. Jos. Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập421
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại928,177
  • Tổng lượt truy cập78,931,628
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây