Giáo dục Công giáo: từ quan điểm đến kết quả

Thứ sáu - 19/11/2021 19:56  2507
untitled7Trong Chỉ thị 18-CT/TW ngày 10-1-2018, Bộ Chính trị viết: “ Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới… Phát huy giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Nếu so sánh với các văn kiện của Đảng trước đây chỉ thừa nhận giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, thì đây là bước tiến mới vì đã coi tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước. Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ đầu năm 2018, điều 55 cho các tôn giáo được tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Chúng ta cùng xem xét về lĩnh vực giáo dục của đạo Công giáo.

1. 
Quan điểm về giáo dục
 
Giáo hội Công giáo có nhiều văn kiện hướng dẫn về giáo dục nhưng rõ ràng nhất là Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Ecudationis) đã được Công đồng Vatican 2 thông qua ngày 14-10-1965. Ngay số 1 của Tuyên ngôn đã viết:

Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mạng riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành” (1).

Về mục đích của giáo dục, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều thống nhất, giáo dục là đào tạo con người toàn diện nhưng về phương pháp, về vai trò của những thành phần tham gia vào giáo dục, mục đích của giáo dục thì khác nhau. Điều 2, Luật Giáo dục Việt Nam viết: “ Mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, mục tiêu của giáo dục là nhằm đào tạo con người trung thành với ý thức hệ của xã hội là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải phục vụ cộng đồng nhân loại hay quốc gia. Trái lại, mục tiêu của giáo dục Công giáo ghi rõ:

Giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác luân lý và tinh thần, ý thức dần dần trách nhiệm cách rõ rệt hơn, nhờ luôn luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá nhân và theo đuổi sự tự do chân chính với lòng can đảm và kiên nhẫn lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về phái tính tùy từng lứa tuổi. Ngoài ra phải huấn luyện cho chúng biết tham dự vào đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, chúng có thể tích cực dấn thân vào những đoàn thể khác nhau của cộng đồng nhân loại, sẵn sàng đối thoại với người khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung” (2).

Trong thư gửi các thày cô giáo nhân ngày 20-11-2014, Giám mục Đinh Đức Đạo - Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắn nhủ: “Xin quý thày cô dạy dỗ và huấn luyện cho các em biết sống theo lương tâm để trở thành muối, thành men tốt trong xã hội. Chớ gì quý thày cô giáo được nhận biết và cảm phục như những người sống và giáo dục các sinh viên học sinh có lương tâm ngay thẳng, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sự sống” (3). Giáo dục cho người học biết sống theo lương tâm ngay thẳng đặc biệt là giáo dục làm người là điều khác biệt với lối giáo dục thông thường. Giám mục Đinh Đức Đạo nhận xét:

Các trường học trong xã hội hôm nay chỉ nhắm tới đào tạo các chuyên viên, chứ không dạy làm người. Vì vậy, có khi xảy ra trường hợp một học sinh sinh viên học giỏi, điểm cao, rồi khi thành công lại trở nên ích kỷ, hại người… Theo giáo huấn của Hội thánh, để thấm nhuần tâm tình của Chúa Giêsu hòa lẫn với những nét tươi đẹp của văn hóa dân tộc, việc luyện tập cần phải được toàn diện gồm đủ 4 chiều kích của cuộc sống con người gồm: nhân bản, tâm linh, trí tuệ và khả năng chuyên môn” (4).

Nhân đây cũng nói thêm rằng, ở Việt Nam chưa chú trọng khoa học nhân văn mà mới chú ý đến khoa học xã hội dù có 2 trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua 11 lần đổi tên từ Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học năm 1953 đến nay cũng chỉ duy nhất năm 1993 có tên đầy đủ là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia. Các Viện của Viện Hàn lâm KHXH hiện nay chủ yếu là nghiên cứu xã hội. Chưa có khoa học nghiên cứu về con người (humanism) thì làm sao giáo dục được con người đầy đủ, đúng nghĩa được.

Luật Giáo dục của Việt Nam ban hành năm 2009, điều 15 viết: “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”. Vì vậy dễ hiểu, nhiều phụ huynh khi gặp các thày cô đều có câu cửa miệng: “Trăm sự nhờ thày”. Còn theo quan điểm giáo dục Công giáo lại khác: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” ( Gd, số 3). Như vậy, cha mẹ có vai trò quan trọng trước hết trong giáo dục chứ không phải các thày cô. Điều 3 Luật giáo dục Việt Nam ghi nền tảng của giáo dục là “chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục” (điều 12), còn phía Công giáo chủ trương phản đối chính trị hóa học đường: “Phải loại trừ mọi chế độ độc quyền học hiệu, vì tất cả mọi chế độ độc quyền thuộc loại này đều trái với quyền tự nhiên của con người, cản trở sự tiến bộ và phổ biến văn hóa, làm tan loãng bầu khí thuận hòa giữa các công dân và nghịch với thuyết đa dạng” (Gd, số 6). Nhà nước cũng có vai trò quan trọng: “Chính quyền có bổn phận lo liệu cho mọi công dân được tham dự thực sự vào nền văn hóa và được huấn luyện thích đáng để thi hành nhiệm vụ và quyền lợi của công dân” (Gd, số 6). Như vậy nhà nước phải lo về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất và đào tạo giáo viên chứ không phải là quyết định tất cả.

Nói về những vấn nạn của giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều người đã bàn. Trong bài mới đây của GS Trần Văn Đoàn đăng trên Tạp chí Triết học và tư tưởng số 6 ra tháng 10-2021 có viết: “Bất cứ khủng hoảng nào cũng gắn liền với mục đích. Khủng hoảng giáo dục ở nước ta do hai nguyên nhân: sai mục đích và không có mục đích chủ đạo rõ ràng”.

Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2022 là Giám mục Huỳnh Văn Hai viết trong thư gửi các giáo chức Công giáo nhân ngày 20-11-2021 như sau:

Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu… Những suy tư này nhắc nhở chúng ta về vai trò, ý nghĩa của giáo chức Công giáo. Chúng ta không chỉ dừng lại trong phạm vi truyền đạt kiến thức thuần túy mà còn phải hướng các bạn trẻ về cuộc sống trưởng thành với đầy đủ các yếu tố liên hệ với chính mình, với tha nhân, với môi trường và với Thiên Chúa”.

2. 
Kết quả
 
Với quan niệm như trên, giáo dục Công giáo đã thành công. Trước hết, có rất nhiều trường nổi tiếng, có truyền thống tới cả ngàn năm được Công giáo tạo dựng ở nhiều nước trên thế giới như trường Bologna, Sorbonne ở Pháp, Cambridge, Oxford ở Anh, Santa Clara, Loyola, Marymourt, Setatle, Boston… ở Hoa Kỳ.

Oxford là Viện đại học nghiên cứu liên hợp ở Oxford hoạt động giảng dạy từ năm 1906. Đây là đại học lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh và cũng là đại học có tuổi đời dài thứ 2 thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Khẩu hiệu của nhà trường có tiếng Latinh là Dominus Iluminatio Mea (Chúa là ánh sáng đời tôi). Trường lập ra lúc đầu là để đào tạo giáo sĩ Kitô giáo. Năm 1036, Viện trưởng Wiliam Land - Tổng Giám mục Canterbury đã xây dựng quy chế chuẩn hóa đại học và vẫn được áp dụng đến ngày nay. Các cuộc cải cách ở Anh đã ảnh hưởng đến nội dung đào tạo. Ví dụ phần triết học Kinh viện đã bị bãi bỏ năm 1636 và thay vào đó là nghiên cứu Kinh thánh, cầu nguyện và chia sẻ tâm linh. Nhiều “Câu lạc bộ thánh” đã ra đời từ ngôi trường này quy tụ giáo viên và sinh viên đi làm từ thiện, thăm viếng tù nhân, dạy học cho trẻ mồ côi… và đã ảnh hưởng nhiều đến các cuộc cách mạng tư tưởng ở châu Âu. Viện đại học này hiện có 38 đại học thành viên. Trường đã có 27 cựu sinh viên được trao giải Nobel, 26 Thủ tướng Anh và nhiều chính trị gia trên thế giới.

untitled9Trường Cambridge là Viện đại học công được thành lập ở Anh năm 1209 (ảnh trên), chỉ sau đại học Oxford. Khẩu hiệu của trường là Hinc lucem et procula saera (Từ đây ánh sáng và Chén thánh, nghĩa là từ nơi này, chúng ta đạt được sự khai tuệ và tri thức quý giá). Đây là trường mà Giáo hội Công giáo rất kỳ vọng. Năm 1231, Giáo hoàng Gregory IX cho phép mọi sinh viên tốt nghiệp trường Cambridge được đi giảng dạy khắp thế giới Kitô giáo. Giáo hoàng Nicholas IV coi trường Cambridge như một “studium generale” (Cơ sở giáo dục đa năng). Mục tiêu của trường lúc đầu cũng là đào tạo linh mục, tu sĩ Kitô giáo. Khi Anh giáo ra đời ở thế kỷ XVI, triết học Kinh viện cũng không được giảng dạy tại trường và được thay bằng môn nghiên cứu Kinh thánh và Toán học, Vật lý học. Hai bộ môn toán và lý ở đây đã cung cấp những nhà khoa học lớn cho thế giới như G.H Hardy, W.V.D Hodge, Lord Kelvin, J. Thomson… Riêng môn toán đã có 6 người đạt giải Fields và Abel. Trường hiện có 31 đại học thành viên và nhiều phân khoa. Trường đã có 90 người được giải Nobel và nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia.

Trường đại học Sorbonne là tên thường gọi của Viện đại học Paris. Đại học Paris được thành lập năm 1257 (ảnh dưới). Đây là trường đại học thành lập vào loại sớm ở châu Âu. Khẩu hiệu của trường là Hic et ubiique terrarum (Ở đây và bất cứ nơi đâu trên trái đất). Từ năm 1970, Viện đại học Paris có 13 thành viên và có 3 trường đại học thành viên vẫn còn gắn với danh từ Sorbonne là Paris I, III và IV. Đại học Sorbonne gắn liền với tên tuổi khoa Thần học. Rất nhiều triết gia, thần học gia, nhà khoa học, chính khách đã xuất thân từ mái trường này như Giáo hoàng Benoil XVI, Giám mục Ngô Đình Thục, triết gia Jean Paul Sartre, P. Teihard de Chardin, Jean Calvin, Toma Aquino, hai vợ chồng bác học P. Curie… Rất nhiều người Việt Nam đã lấy bằng Tiến sĩ từ trường này như linh mục Trương Bá Cần, Thiện Cẩm, Nguyễn Văn Trung, triết gia linh mục Lương Kim Định Giáo sư Ngô Bảo Châu…

Tại Hoa Kỳ, có đủ các loại trường của các tôn giáo, riêng trường Công giáo khá nhiều từ bậc mẫu giáo đến đại học, sau đại học. Riêng đại học cũng có nhiều trường nổi tiếng như Notre Dame (thành lập năm 1842), Seattle (lập năm 1891), Oklahoma, Boston nhưng nổi tiếng nhất là 28 trường đại học của dòng Tên (dòng Chúa Giêsu). Theo xếp hạng của tổ chức US News & World 2016, trong 84 trường đào tạo Master tốt nhất ở Hoa Kỳ thì dòng Tên có 5 trường là Santa Clara (thứ 2), Lyola (thứ 3), Goygaga (thứ 4), Georgetown (thứ 21), Holy Cross Thứ 32).  Trường Creighton liên tục 13 năm liền đứng đầu trong chương trình đào tạo Martes ở Trung Hoa Kỳ. Trường Santa Clara là trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao ở Hoa Kỳ tới 85%. Trường Georgetown là trường được xếp hàng đầu về đào tạo ngành ngoại giao, tài chính ở Hoa Kỳ. Tổng thông Bill Clinton của Hoa Kỳ hay Gloria Arroyo của Philippin đã từng học tại đây. Các trường này đều lấy những ý trong Kinh thánh làm khẩu hiệu như trường Notre Dame khẩu hiệu là Vita, Dulcedo, Spes (Sự sống, An vui, Cậy trông). Các trường này đều đào tạo đa ngành và sinh viên tốt nghiệp rất dễ kiếm việc làm.

Ngay một số nước châu Á dù giáo dân Công giáo ít nhưng Công giáo cũng có hiều đóng góp cho giáo dục. Tại Nhật Bản, trường đại học Sophia do dòng Tên điều hành ở Tokyo rất thu hút sinh viên. Hàn Quốc có 10 trường đại học Công giáo có vài chục ngàn sinh viên theo học…

Trên phạm vi toàn cầu, theo thống kê của Giáo hội công bố ngày 18-10-2020 Annuarium Statisticum Eccelesiae, Giáo hội Công giáo đang quản lý 73.164 trường mẫu giáo với 7.376.858 học sinh, 103.146 trường tiểu học với 35.011.999 học sinh, 49.541 trường trung học với 19.307.248 học sinh, 12.662 trường đại học, cao đẳng với 2.251.671 sinh viên  cao đẳng và 3.707.298  sinh viên đại học.

Tại Việt Nam, giáo hội Công giáo cũng xây dựng nhiều trường học nhưng ở miền Bắc sau năm 1954 bị đóng cửa nên ít thấy kết quả. Ở miền Nam, đến năm 1969, giáo hội Công giáo quản lý 1030 trường tiểu học với 258.409 học sinh Công giáo và 97.347 học sinh ngoài Công giáo; 226 trường trung học với 82.827 học sinh Công giáo và 70.101 học sinh ngoài Công giáo (5). Hiện nay, dù theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng cũng chỉ được mở trường mẫu giáo và một số lớp tình thương với 675 trường mẫu giáo và 145 lớp tình thương tiểu học thu hút 125.594 trẻ đến trường chiếm 3,06% số trẻ trong độ tuổi đi học. Năm 1988,Thủ tướng Phan Văn Khải kêu gọi các nữ tut ham gia vào chương trình chăm sóc trẻ em kém may mắn. Lớp học tình thương đầu tiên được mở ở dòng Bác ái Vinhsơn ngày 20-11-1988. Đã có hơn 800 trẻ em kém may mắn, lang thang, bụi đời được học ở đây và thành người lương thiện. Nhiều trường học do nhân sự Công giáo điều hành đã trở thành trường tiêu biểu của ngành giáo dục như trường mẫu giáo Sao Mai ở Cần Thơ, trường cao đẳng nghề Hòa Bình (Đồng Nai). 

Chúng tôi chưa có điều kiện để làm so sánh những ưu điểm của các trường Công giáo nhưng chỉ cần xem qua các trường mẫu giáo do các nữ tu Công giáo điều hành sẽ thấy ở các trường này rất ít tiêu cực nhũng nhiễu, chắc chắn không có chuyện bạo hành trẻ em như bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng hay dâm ô với trẻ và điều lạ là chính con em cán bộ, công an lại thích gửi vào trường này dù các trường rất bị hạn chế số lượng tuyển sinh. Điều gì đã làm nên khác biệt của trường Công giáo chính là đội ngũ giáo viên. Họ sống theo niềm tin tôn giáo. Tổng Giám mục David M.O’Connel, Hiệu trưởng một trường Công giáo tại Hoa Kỳ trao đổi rằng:

Một trường đại học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ một tôn giáo hay đức tin cụ thể nào, ngoài truyền được đến thế giới học thuật rằng trường tôn giáo đó sở hữu ý thức đặc trưng và khác biệt của mình trong môi trường giáo dục và niềm tin này đang đóng góp có mục đích vào nền giáo dục đại học nhờ đức tin…Nếu một thực sự mang tính tôn giáo, mọi người trong và ngoài khu học xã đều thấy rằng các trường tôn giáo vì sứ mệnh của nó có cộng thêm một giá trị, nên giáo dục đại học và yếu tố cộng thêm này là một thứ gì đó thu hút mọi người, kéo mọi người đến trường” (6).

Ở các nước Âu- Mỹ, từ khi có Luật phân ly năm 1905, thì nhà trường đều tách khỏi giáo hội nhưng không có nghiã là giáo hội bị cấm mở trường học và rõ ràng các trường của tôn giáo trong đó có Công giáo đã góp phần làm nên thành công của nền giáo dục các nước tiên tiến này. Chúng tôi hy vọng với quan điểm mới của Chỉ thị 18- CT/TW và  Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, các tôn giáo trong đó có Công giáo sẽ được góp sức không hạn chế vào các lĩnh vực là thế mạnh và truyền thống của mình là y tế, giáo dục, từ thiện bác ái.

Chú thích:
* Phó Viện trưởng Viện Trí Việt (IVM), Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học
  1. Thánh Công đồng Vatican 2, Giáo hoàng Học viện xuất bản 1972, tr.444
  1. Sđ d, tr.445
  2. Thư Giám mục Đinh Đức Đạo gửi thày cô giáo nhân ngày 20-1-2014
  3. Thư Giám mục Đinh Đức Đạo gửi học sinh sinh viên nhân năm học mới 2014-2015
  4. Bùi Đức Sinh: Lịch sử Giáo hội, Sài Gòn xuất bản 1972, tr.375
  5. Bài phát biểu tại trường Harvard , Maxreading.com/sach hay, ngày 25-10-2014

Tác giả: TS. Phạm Huy Thông*

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập415
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm369
  • Hôm nay39,742
  • Tháng hiện tại900,103
  • Tổng lượt truy cập78,903,554
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây