Gặp gỡ & đối thoại trong gia đình nhìn từ đại dịch
Thứ tư - 08/12/2021 09:22
722
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Mặc dù con người đã rất nỗ lực dùng mọi phương thế để khống chế nhưng cơn dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại: Nhiều biến thể mới đáng lo ngại, con số người nhiễm bệnh và nạn nhân tử vong không ngừng tăng lên. Dịch bệnh không những làm thiệt hại nền kinh tế thế giới, đe doạ sự ổn định của nhân loại mà còn gây ra nhiều tổn thất đau thương. Cùng với đó, cuộc sống của biết bao gia đình bị đảo lộn. Đại dịch đã và đang có những tác động tiêu cực đến những mối tương quan của con người, nhất là những liên hệ gắn bó trong gia đình.
Đại dịch và những hoàn cảnh xa cách
Điều dễ dàng nhận thấy là con virus nhỏ bé không thể nhìn thấy bằng mắt thường lại có thể khiến con người sợ hãi không dám gặp gỡ trực tiếp một cách thường xuyên. Sự an toàn của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng buộc người ta phải hạn chế tiếp xúc nên không thể dễ dàng thực hiện những cuộc thăm viếng, tụ họp như trước. Các biện pháp cách ly, phong toả hay yêu cầu giữ khoảng cách để tránh lây lan dịch bệnh, một mặt nào đó cũng làm cho con người trở nên xa cách, ít là về mặt thể lý.
Nhưng có lẽ hậu quả lớn nhất mà đại dịch đưa đến là việc gây cản trở tương quan tình cảm gần gũi trong gia đình. Không thiếu những hoàn cảnh phải chấp nhận xa người thân yêu trong một thời gian dài. Rất nhiều thành viên không thể hiện diện trong những sự kiện quan trọng của gia đình, thậm chí là biến cố mất mát người thân. Đớn đau hơn cả phải kể đến là cảm giác cô đơn của những người bệnh trong thời gian vật lộn chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống mà phải vắng bóng người nhà đồng hành chăm sóc, an ủi, sẻ chia. Rất có thể nhiều người đã suy sụp vì cảm thấy hụt hẫng, cô độc trước khi chết do virus SARS-CoV-2. Hầu hết các bệnh nhân không thể có người thân bên cạnh trong giây phút nhắm mắt xuôi tay. Ngay cả con cháu cũng không có cơ hội được ở gần ông bà, cha mẹ để nghe một lời trăng trối hay để thương khóc lúc biệt ly.
Hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi cùng với con số không nhỏ người già không nơi nương tựa là một minh chứng quá rõ ràng cho những thiệt hại của dịch bệnh. Thật xúc động hình ảnh em bé còn ngây dại hồn nhiên lững chững ra nhận tro cốt của cha mẹ khi em là người duy nhất sống sót trong gia đình. Hay quá xót xa đau lòng cho hình ảnh người mẹ già thất thần ngồi nhìn di ảnh của những đứa con đã qua đời vì cơn dịch trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Đó quả thực là những mất mát không tài nào bù đắp được.
Giữa những đau khổ, thử thách chất chồng và giữa những lo sợ về sự xa cách, chết chóc, đại dịch Covid-19 đòi buộc con người nhìn nhận lại cách thế mà mình đang sống với nhau để nhận thức sâu sắc hơn giá trị của tình thân, để biết vun đắp sự gặp gỡ và đối thoại thực sự trong gia đình trước khi quá muộn.
Nhìn lại tương quan gắn bó trong gia đình
Trước đây, các vị mục tử trong Giáo hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về hiện trạng lỏng lẻo suy yếu trong tương quan gắn bó giữa các thành viên trong gia đình: giữa vợ-chồng, giữa cha mẹ-con cái khi mà những giờ phút sum họp đầm ấm, những bữa ăn đông đủ càng lúc càng hiếm hoi [1]. Nền tảng gia đình đang bị lung lay trước sự tấn công mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đòi tự do thái quá và hưởng thụ phóng túng cùng với đồng minh đắc lực là sự phát triển của không gian mạng. Gia đình có nguy cơ biến thành một trạm quá cảnh, nơi người ta chỉ chạy đến nương nhờ khi cần, hoặc nơi người ta đến để đòi hỏi những quyền lợi, còn các quan hệ thì phó mặc cho những thay đổi thất thường của những ước muốn riêng và hoàn cảnh [2].
Phải thừa nhận là những người hữu trách có cơ sở để nhận xét rằng một bộ phận nhân loại đang sống rất thật trong thế giới ảo nhưng lại sống rất ảo trong thế giới thật. Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng: “Đôi khi những phương tiện truyền thông làm cho người ta xa cách nhau thay vì xích lại gần nhau, như khi đến giờ ăn mà mỗi người đều chú tâm vào chiếc điện thoại di động của mình, hoặc khi một người đi ngủ trong khi phải chờ người kia, đang mải mê hàng giờ với một thiết bị điện tử” [3]. Người ta sẵn sàng kết bạn và chuyện trò không biết chán với những người không quen biết nhưng lại thờ ơ đến vô cảm với những người cùng chung sống dưới một mái nhà. Nhiều người có thể rất vui vẻ sẵn lòng giúp đỡ người khác nhưng lại tỏ ra khó chịu khi được đề nghị chia sẻ công việc nhà. Ai đó có lý khi nói rằng sai lầm lớn nhất của con người là tuỳ tiện nổi nóng với người thân nhưng lại rất khoan dung, kiên nhẫn với người lạ. Đối xử với người ngoài thì cung kính còn đối với thân nhân thì lại hà khắc. Hậu quả nhìn thấy trước mắt là môi trường gia đình không còn nồng nàn tình cảm như xưa.
Trong một lần chia sẻ với các bạn trẻ giáo tỉnh Hà Nội, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt nhận định: “Sự phát triển của hệ thống vệ tinh, truyền thanh, truyền hình, internet... đang làm cho nhân loại một mặt xích lại gần nhau đến độ thế giới rộng lớn trở thành một ngôi làng, nhưng mặt khác, lại khiến con người rơi vào thế giới ảo và đánh mất dần thế giới thật. Người ta có thể dành nhiều thời giờ cả ngày và đêm để lang thang trên mạng, để tán gẫu với ai đó ở những nơi xa xôi, mà những người ngay bên cạnh mình, ngay trong gia đình mình thì lại không có thời giờ để trò chuyện, để gặp gỡ nhau. Người ta cô đơn bên cạnh nhau” [4]. Quả thật, các thành viên trong gia đình có nguy cơ càng ngày càng trở nên cô độc, xa lạ ngay trong chính nơi được mệnh danh là mái ấm. Sự giao tiếp của con người thực hiện gián tiếp qua màn hình điện thoại soán đoạt sự giao tiếp trực tiếp sống động giữa những cá nhân con người.
Đâu đó cũng xuất hiện tình trạng lạm dụng các phương tiện truyền thông trong việc biểu lộ tình cảm đạo hiếu. Đơn cử, không biết từ bao giờ, việc đầu tiên người ta nghĩ đến khi có một người thân qua đời là phải ngay lập tức thay ảnh đại diện màu đen trên trang cá nhân. Chuyện đó không có gì sai và cũng không ai dám xét đoán. Điều đáng nói ở đây là có những người thay vì chung tay cùng gia đình lo liệu tang ma cho người quá cố thì lại sẵn sàng dành thời gian trả lời cặn kẽ từng bình luận. Hay thật khó mà đồng cảm với hình ảnh một cô gái ngồi vật vã bên cạnh thi hài mẹ mình phát trực tiếp kể lể, khóc lóc sướt mướt. Những người ngoài cuộc nhìn nhận khách quan có lý do để băn khoăn cho cách thế bày tỏ tâm tình hiếu thảo như vậy.
Rồi vào những dịp như ngày của cha (Father’s Day), ngày của mẹ (Mother’s Day), lễ Vu Lan, ngày giỗ... có những đứa con ở xa chia sẻ những dòng trạng thái thật dài, thật uỷ mị, ướt át. Ai ngờ gặp ngay bình luận thẳng thắn: “Về nhà đi con... Cha mẹ không có trên mạng đâu”. Chúng ta có thể coi đó là một hình thức diễn tả cảm xúc dâng trào nhưng cũng không thể cấm người khác tỏ ra nghi ngờ, liệu đó có thật là tấm lòng con thảo chân thành hướng về đấng bậc sinh thành hay chỉ là cái cớ mồi tình cảm, bòn lượt “like”, để thu hút sự chú ý. Trong bậc thang nhu cầu của con người, khao khát khẳng định mình luôn được coi trọng. Đành rằng nhu cầu nổi tiếng, được người khác công nhận, được thể hiện mình, được trình diễn khả năng, nhất là nơi những người trẻ, là nhu cầu chính đáng nhưng không vì thế mà lãng quên hay thậm chí lạm dụng những tương quan, những giá trị tình cảm cao quý trong gia đình để chạy theo mục đích như vậy. Chính việc sử dụng thời gian dành cho gia đình sẽ đánh giá mức độ dấn thân cho những cái mà người đó đang theo đuổi.
Sống hết mình giây phút hiện tại cho gia đình
Đúng là chỉ những gì đã qua đi rồi con người mới cảm thấy hối tiếc. Với nhiều người, Covid-19 không cho họ cơ hội sửa sai. Nếu trước đây hờ hững vô tâm, không trân trọng đủ những tương quan trong gia đình thì sau đại dịch, có những người sẽ chỉ còn biết than thở khi mãi mãi không còn nghe thấy tiếng nói cười của những người thân đã từng gắn bó, chia sẻ biết bao kỷ niệm vui buồn. Trước đại dịch, không khó để bắt gặp những bữa cơm chung, những buổi họp mặt mà mỗi người chỉ tập trung vào màn hình điện thoại với thế giới riêng của mình thì giờ đây, rất có thể những bữa cơm ấy đã vĩnh viễn thiếu đi một vài thành viên hay những cuộc hội họp đã vắng bóng một số gương mặt thân thương. Nếu trước kia chúng ta biện minh rằng mình quá bận rộn với công việc làm ăn, học hành, giao tiếp xã hội... thì đại dịch chỉ cho con người thấy, cái chúng ta thiếu không phải là thời giờ mà là thiếu tình yêu, thiếu sự quan tâm, thiếu văn hoá gặp gỡ và đối thoại. Nhà văn Harriet Beecher Stowe thật chí lý khi viết: “Những giọt nước mắt đắng cay, xót xa nhất nhỏ xuống những ngôi mộ người thân chính là những lời chưa kịp nói và những điều chưa kịp làm”.
Trong và sau đại dịch, chắc hẳn mỗi người sẽ phải học biết trân trọng nhiều hơn những giá trị của cuộc sống và những mối liên hệ thân thiết, trước hết là trong gia đình. Một tình yêu chân thành thì luôn tìm cách gần gũi người mình yêu. Linh mục Ronald Rolheiser cho rằng: “Covid-19 là tiếng chuông cảnh tỉnh, không chỉ cho sự thật rằng chúng ta yếu đuối và dễ bị tổn thương, nhưng đặc biệt là cho sự thật rằng chúng ta không được xem những món quà quý giá là sức khoẻ, gia đình, công việc, cộng đồng, đi lại, giải trí, tự do tụ tập và cả tự do đến nhà thờ, là những điều mặc nhiên” [5].
Một cách cụ thể, có lẽ chúng ta cần thiết lập những tương quan thật, sâu sắc, thấu hiểu thay vì mải mê xây dựng những liên hệ ảo, hời hợt, nhạt nhoà, thoáng qua. Việc học cách cởi mở để chia sẻ trách nhiệm hay nhạy bén quan tâm đến những nhu cầu của người thân ngay trong gia đình thì quan trọng hơn là ngồi đó bận rộn nhất nút trạng thái buồn vui với những câu chuyện xa xôi. Việc mở rộng các mối quan hệ là cần thiết nhưng trước hết hãy sống tốt, sống trọn vẹn những giây phút sống trong gia đình. Hay đơn giản chỉ là việc nhận biết giá trị của nhau, hy sinh, cảm thông, tha thứ với những thành viên nơi mái nhà mình đang sống. Có lẽ chúng ta không cần phải làm những gì to tát hay tài tình nói những lời hoa mỹ chót lưỡi đầu môi mà đôi khi chỉ cần dành thời gian ưu tiên cho việc sống gần gũi bên nhau, hàng ngày chúng ta gặp nhau lúc này lúc khác, cùng lo đến những điều tất cả chúng ta bận tâm, giúp nhau trong những điều nhỏ nhặt hằng ngày [6]. Thi hào Johann Wolfgang von Goethe nói rằng: “Người hạnh phúc nhất là người tìm được sự bình yên trong chính gia đình của mình”.
Xin được kết thúc với những lời nhắn nhủ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2018: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung về Giáo dục Kitô giáo 2007: Giáo dục hôm nay - Xã hội và Giáo hội ngày mai, số 11.
[2] Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (19/3/2016), số 34.
[3] Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (19/3/2016), số 278.
[4] Hoàng Văn Đạt, SJ, Đức tin và văn hoá, Bài thuyết trình tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ X tổ chức tại Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng năm 2012.
[5] Ronald Rolheiser, Tình yêu thời Covid-19: Tổng hợp các bài viết năm 2020, JB. Thái Hoà - Giuse Nguyễn Tùng Lâm - Marta An Nguyễn chuyển ngữ, An tôn & Đuốc sáng, 2021, tr. 174.
[6] Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (19/3/2016), số 276.