10 bài học từ hang đá, máng cỏ Bêlem

Thứ ba - 21/12/2021 20:48  1211
Năm nay, ở nhiều nơi trên thế giới, con người sẽ mừng lễ Giáng Sinh rất khác với thông lệ trước sự lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cùng với những hạn chế về việc tụ họp đông người. Thay vì những chương trình văn nghệ hoành tráng, sôi động thì có lẽ chỉ có những đêm hoan ca hay những đêm canh thức sâu lắng nội bộ cộng đoàn. Không có những hang đá Giáng Sinh kỹ vĩ, đẹp đẽ để mọi người trầm trồ khen ngợi như thường thấy mà chỉ là những hang đá, máng cỏ đơn sơ, giản dị. Cũng không thấy những buổi tiệc mừng linh đình, rầm rộ mà chỉ là những bữa cơm gia đình thân thiện bên nhau chia sẻ niềm vui ơn cứu độ. Rất có thể cũng ít hơn những cánh thiệp, những món quà gửi gắm thông điệp yêu thương nhưng hướng về nhau trong lời cầu nguyện.

Một khi không còn quá vướng bận với những hình thức trang trí, tổ chức bên ngoài hay không quá xáo động bởi những âm thanh ồn ào, ta lại có cơ hội thuận tiện dừng lại lâu hơn trước hang đá, máng cỏ Bêlem để tôn thờ Chúa Hài Đồng, để lắng nghe rõ hơn sứ điệp từ trời cao, để cảm nghiệm sâu sắc hơn ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Hài Nhi Giêsu, để nhận ra những bài học quý giá cho đời sống thiêng liêng.
  1. Sứ điệp khiêm nhường
Hang đá Bêlem thì thầm nói với ta về sự khiêm nhường thẳm sâu của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Nhưng thật nghịch lý trong thế giới con người: Ngôi vị Thiên Chúa có tất cả nay muốn huỷ mình ra không còn loài người hữu hạn lại đòi có cho mình tất cả. Thiên Chúa hạ cố xuống với nhân loại thì con người lại đòi loại trừ Người. Thiên Chúa đã tự nguyện trở nên bé nhỏ còn con người lại ngạo mạn đòi bằng Thiên Chúa.

Dừng lại trước hang đá Bêlem để ta biết sống khiêm nhường hơn. Khiêm hạ sám hối để nhìn nhận những giới hạn yếu đuối mong manh của thân phận thụ tạo. Chỉ một con virus bé nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường đã đánh đổ tất cả những hệ thống an toàn giả tạo mà con người cố công xây đắp. Khiêm tốn hối cải để trở về với nẻo chính đường ngay. Trong một cuộc sống mà người ta ưa thể hiện, mải chạy theo danh vọng, địa vị đến độ coi khiêm nhường là một cái gì đó tiêu cực, dại dột chứ không còn là một nhân đức, thậm chí là “mẹ của các nhân đức”, ta được mời gọi sống đúng với phẩm giá, với ơn gọi, với bậc sống và hơn hết là những đòi hỏi của Tin Mừng vì biết chắc rằng Thiên Chúa nâng cao kẻ khiêm nhường (x. Lc 1,52).
  1. Sứ điệp khó nghèo
Nhìn vào máng cỏ Bêlem, ta bắt gặp một vị Thiên Chúa “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Đấng vô biên trời đất chứa không nổi giờ chào đời trong hình hài một trẻ thơ yếu ớt sinh ra trên đường đi vội vã, trong cảnh bị bách hại và phải tị nạn nơi đất khách quê người. Thay vì ngai vàng rực rỡ, Chúa đã chọn máng cỏ và một chút rơm khô. Thay vì vương miện lấp lánh, Chúa đã chọn bọc tã thô hèn và hơi ấm bò lừa. Ngài trở nên như một người nghèo đến tận cùng tại Bêlem trước khi trở thành rốt hết trên Thập giá.

Dừng lại trước máng cỏ Bêlem chiêm ngắm Đức Kitô khó nghèo không chỉ là điều đáng cho ta ngưỡng mộ nhưng còn thôi thúc ta noi gương bắt chước. Một khi đã gặp được Đức Kitô nghèo khó, ta cũng muốn trở nên người nghèo của Thiên Chúa, nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa để sống nhờ Người và cho Người. Ta còn được mời gọi đứng về phía người nghèo, với mọi hình thức của nó, để biết trợ giúp chia sẻ với những ai nghèo khó về vật chất, nâng đỡ ủi an những người nghèo khổ về tinh thần, hướng dẫn vực dậy những tâm hồn đang sống trong tình trạng “nghèo đói” về luân lý, và nhất là đồng hành cảm hoá những ai còn nghèo nàn kinh nghiệm về Thiên Chúa.
  1. Sứ điệp tự do
Hang đá Bêlem hối thúc ta mở lòng ra cảm nghiệm sự tự do tuyệt đối của vị Thiên Chúa làm người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Mầu nhiệm Nhập Thể mãi luôn là một sáng kiến hoàn toàn miễn phí đến từ tình yêu và tự do của Thiên Chúa. Người vẫn tiếp tục yêu thương dù con người có sa ngã phạm tội. Người vẫn thiết tha gần gũi con người dù loài người đã quen quay lưng lại với Người. Người vẫn một lòng trung tín (x. 2Tm 2,13) cho dẫu con người đã bao phen phản bội. Thiên Chúa vẫn rộng rãi trao ban trước sự khép kín hẹp hòi của lòng người. Người đến để thực hiện lời hứa mà các ngôn sứ xưa rao giảng cho dẫu người nhà chẳng chịu đón nhận (x. Ga 1,11). Ơn cứu độ của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi suy nghĩ và toan tính loài người.

Nếu lịch sử của Thiên Chúa là lịch sử của thành tín và cứu độ thì lịch sử của con người lại là lịch sử của sa ngã và phản bội. Thiên Chúa luôn tự do tỏ bày tình yêu còn ta quá dính bén để phải xa cách Người. Ta hay dừng lại tìm thoả mãn ở những thú vui chóng qua, trói buộc mình vào những đam mê bất chính và tham lam vô độ để rồi phải tìm cách xoay sở, lẩn trốn và thậm chí là từ khước Thiên Chúa. Căn phòng ta đã quá “đầy tràn” không còn chỗ cho Thiên Chúa[1]. Dừng lại trước hang đá Bêlem để ta biết chân thành sửa đổi trở nên con người tự do trước mặt Thiên Chúa. Ta cần làm một cuộc giải thoát khỏi những ràng buộc của tội lỗi, dứt bỏ những vướng vít, quyến luyến đang kìm hãm để thanh thoát trên bước đường hoàn thiện. Ta cần đi ra khỏi cái nhìn lệ thuộc sự đánh giá của người khác về mình để biết sống với con người thật của mình.
  1. Sứ điệp hy vọng
Máng cỏ Bêlem thầm thĩ nhủ bảo ta giữ vững một niềm trông cậy dẫu phải đương đầu với gian nan sóng gió. Lời ngôn sứ loan báo thuở xưa: “Dân đang lần bước trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi... Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,1.5) nay đã được thực hiện. Đấng Cứu Thế được sinh ra là mầm sống mới cho toàn thể nhân loại. Hơn nữa, vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Hr 2,18).

Dừng lại trước máng cỏ Bêlem để ta sống niềm hy vọng giữa một thế giới dường như đang bị khủng hoảng về đức cậy. Con người đòi hỏi rất nhiều nhưng lại mất cậy trông. Trước sự tấn công và sức huỷ diệt khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 cùng với những tàn phá của chiến tranh, thiên tai, bạo loạn, khi mà những phương thế nhân loại tỏ ra không đủ đảm bảo an toàn, con người sợ hãi là phải lẽ nhưng nỗi buồn hiện sinh luôn luôn phải kèm theo niềm cậy trông cánh chung. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Nhà tù tệ hại nhất chính là con tim khép kín và chai đá, và sự dữ tệ hại nhất là tuyệt vọng”[2]. Là những kẻ ẩn náu bên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta (x. Hr 6,18), niềm hy vọng rằng Đấng Thiên Sai đến để giải thoát và cứu độ ta.
  1. Sứ điệp vâng phục
Lặng nhìn Ngôi Hai Thiên Chúa nơi hang đá Bêlem để đón nhận sứ điệp vâng phục. Đức Kitô đã hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa Cha khi đến trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,7). Sự tuân phục tuyệt đối của Con Thiên Chúa cùng với lời xin vâng can đảm trong phó thác của Đức Maria (x. Lc 1,38) và thái độ phục tùng trong tin tưởng của Thánh cả Giuse (x. Mt 1,24) đã trở thành cầu nối đất trời, tặng ban cho nhân loại khúc hoan ca: Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên (Tv 84,11). Trong một nền văn hoá “làm theo ý mình” và giữa một thế giới đầy rẫy sự dữ, sự vâng phục hình như trở nên vô lý và lỗi thời. Thật khó để con người chấp nhận những đau khổ, mất mát, thiệt thòi mà không kêu ca oán trách Thiên Chúa.

Máng cỏ Bêlem không cho chúng ta một câu trả lời về nguồn gốc của đau khổ nhưng cung cấp cho chúng ta một mẫu gương và đưa ta vào một mầu nhiệm. Vâng phục là phương thế biểu hiện lòng tùng phục trọn vẹn đối với Thiên Chúa và khao khát nên giống Chúa Kitô. Để rồi trong cuộc đời, nhất là những khi gặp thử thách gian truân, ít ra hãy khiêm nhường chịu đựng, nếu không thể vui vẻ chấp nhận. Ta đọc lại kinh nghiệm thiêng liêng của triết gia Công giáo Blaise Pascal: Tôi đưa tay mình đến với Đấng Giải Thoát của tôi, người đã đến vì tôi mà chịu đau khổ và chết ở trần thế... Nhờ ơn Ngài, tôi đợi chờ cái chết thực thanh thản, trong niềm hy vọng được gắn với Ngài vĩnh viễn. Tôi sống khi ấy với niềm vui, dù trong sự tốt đẹp mà Ngài muốn ban cho tôi, hay trong sự hoạn nạn mà Ngài gửi đến vì muốn tốt cho tôi, và điều mà Ngài dạy tôi để chịu khổ qua tấm gương của Ngài[3].
  1. Sứ điệp niềm vui
Chiêm ngắm Hài Nhi nằm trong máng cỏ Bêlem để cảm nhận niềm vui ơn cứu độ lan tràn. Lời loan báo của sứ thần Chúa với những người chăn chiên trong đêm Chúa ra đời là dấu chứng mạnh mẽ đáp trả cho những ai đang khao khát tìm kiếm an vui và hạnh phúc: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, cho tôi và cho bạn, cho tất cả mọi người dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Còn tin mừng nào trọng đại hơn thế! Còn niềm vui nào lớn lao như vậy!

Đức Thánh cha Phanxicô đã từng nói rằng Giáo hội chẳng được lợi gì từ những khuôn mặt “buồn như đưa đám” của các tín hữu. Một Kitô hữu chân chính phải là người tiến bước giữa thế giới này tung tăng hớn hở như một chiên con của Chúa[4]. Thật khó để nói với thân nhân hàng triệu người đã qua đời vì đại dịch Covid-19 hay hàng vạn người đang sống trong âu lo thấp thỏm vì các cuộc xung đột vũ trang và thảm hoạ thiên nhiên rằng: Hãy vui lên. Tuy nhiên, sau tất cả những nỗi khó khăn ngặt nghèo mà họ phải gánh chịu hẳn là một niềm vui đức tin bắt nguồn từ một sự tin tưởng thầm kín nhưng chắc chắn rằng họ vẫn được yêu thương vô cùng, không bờ bến. Niềm vui siêu nhiên ấy sẽ đem lại sự an toàn sâu xa và niềm hy vọng vững chắc[5].
  1. Sứ điệp bình an
Dừng lại trước hang đá Bêlem để hợp với muôn vàn thiên binh và sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,13-14). Hoàng Tử Bình An đã đến với trần gian để ban bình an đích thực cho nhân loại. Con người thường cao ngạo vào sức mạnh phàm nhân khi cho rằng mình có thể làm được tất cả. Thế nhưng, mọi quyền lực trần thế, mọi hệ thống bất toàn do con người tạo ra nhưng lại quá tin tưởng không đem lại cho họ bình an. Thế giới đầy bất ổn vì những cuộc chiến tranh hận thù liên miên, thiên tai, dịch bệnh. Lòng người cảm thấy bất an vì những mối hiểm nguy rình rập đe dọa sự ổn định. Cuộc sống bị đảo lộn và rất nhiều những thay đổi trong những mối tương quan làm con người luôn lo lắng.

Ngôi Lời xuống thế làm người không mang theo sứ mệnh giải quyết ngay lập tức những vấn đề của con người nhưng đúng hơn, ánh sáng Ngôi Lời Khôn Ngoan chiếu soi vào mọi thực tại nhân sinh và thẳm sau cõi lòng con người để giúp họ nhận ra sự hiện diện đầy quyền năng và thương xót của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, giúp họ cảm nếm sự đồng hành, chia sẻ, trợ giúp của Người trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Hoà bình đích thực không phải là tình trạng vắng bóng chiến tranh và bình an đúng nghĩa cũng không loại trừ đau khổ nhưng là kết quả của tình yêu khi con người tìm kiếm và thi hành ý Chúa muốn. Dante thật có lý khi nói: “Thánh ý Chúa là sự bình an của ta”. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã chọn khẩu hiệu “Vâng phục và Bình an” là hạnh phúc cho suốt cuộc đời ngài. Hơn nữa, nền hoà bình, sự bình an ấy được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung, lòng nhân từ và tình yêu của con người[6].
  1. Sứ điệp trao ban
Hài Nhi nằm trong máng cỏ Bêlem là quà tặng tình yêu Chúa Cha ban cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Thiên Chúa đã ban điều giá trị nhất để minh chứng cho tình yêu lớn lao nhất của Người đối với nhân loại. Thế nhưng, Đấng Thiên Sai mà muôn dân hằng mong mỏi đợi trông được ban tặng không phải trong quyền uy rực rỡ sáng ngời mà dưới hình hài một trẻ thơ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Người đã trở nên một người phàm sống kiếp nghèo hèn: sinh ngoài đồng, sống bên đường và chết trên đồi.

Trong một “nền văn hoá bề mặt” không còn biết đâu là mầu nhiệm, ta cần nhìn lại cách thế mừng lễ Giáng Sinh, nhìn lại cách thế ta trao tặng cho nhau. Phải chăng ta đang làm méo mó ý nghĩa của ngày lễ, ta đang “thương mại hoá” đại lễ. Vì lý do đại dịch, ta buồn bã chỉ vì không được ra đường phố đón không khí Giáng Sinh hay không được tham gia những bữa tiệc đông vui. Ta thất vọng nuối tiếc không đâu chỉ vì không nhận được quà tặng hay thiếu một sự quan tâm nào đó mà ta chưa tìm hiểu hết lý do. Ta quá loay hoay ở tình cảm loài người mà lãng quên tình yêu Thiên Chúa. Nào chẳng phải chính Thiên Chúa mới là niềm vui, là quà tặng lớn nhất hay sao. Giáng Sinh này, ta được mời gọi sống niềm vui thánh thiện, gieo niềm hy vọng và trao ban yêu thương bằng sự chân thành và tử tế. Những món quà có kỳ công thi vị, những tấm thiệp có đẹp đẽ bắt mắt, những tin nhắn có ngọt ngào vui tai cũng không thể sánh với tấm chân tình mà ta muốn gửi trao nhau.
  1. Sứ điệp tình yêu
Máng cỏ Bêlem nói với ta về một tình yêu lớn lao đến từ trời cao: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Chúa Cha quá yêu nhân loại bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu trao ban đến tận cùng. Thế nhưng, như lời thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng Chúa không thể cứu con nếu không có con cộng tác”. Sự hiện diện của Ngôi Lời trong cách thế nhân loại để cứu độ ta đòi hỏi ta phải đáp trả. Ta lo lắng đáp trả tình yêu ấy ra sao?

Đâu đó có những băn khoăn, áy náy cho những truyền thống tốt đẹp khi không thể chuẩn bị hang đá, đèn sao, văn nghệ.... đón Chúa Hài Đồng. Nhưng hang đá có đồ sộ, đẹp đẽ đến mấy cũng không bằng một cõi lòng bình an khao khát đợi chờ Chúa đến viếng thăm. Đèn sao trang trí có rực rỡ sắc màu, thích mắt bao nhiêu cũng không thể sánh với một tâm hồn khiêm nhường và tự do khỏi tội trọng. Những đêm văn nghệ có kỳ công, hoành tráng đi nữa cũng không thể so với một trái tim luôn biết xoá mình đi để rộng mở yêu thương. Tất cả những sự chuẩn bị bề ngoài có ích lợi gì nếu “hang đá tâm hồn” vẫn khép kín. Tâm tình đơn sơ tạ ơn mới là món quà quý nhất, là đồ trang trí đẹp nhất. Các giáo phụ và các nhà tu đức đều dạy rằng: “Chúa Kitô có giáng sinh ngàn lần ở Bêlem cũng không có ý nghĩa gì nếu Người không giáng sinh một lần nữa trong lòng chúng ta”.
  1. Sứ điệp lên đường
Bước tới hang đá Bêlem để cảm nhận những bước chân đã mau mắn “ra đi”, lên đường. Đấng Thiên Sai đã quảng đại đi xuống với nhân loại lầm than để cứu độ. Đức Maria và Thánh cả Giuse đã liều lĩnh ra khỏi vùng an toàn, ra khỏi ý riêng, buông mình thuận theo Thánh ý Thiên Chúa dù phải đối diện với bao khó khăn thử thách. Các mục đồng bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ ra cho ta biết” (Lc 2,15). Ba nhà chiêm tinh Đông phương đã rời bỏ cuộc sống tiện nghi, bất chấp nguy hiểm, lặn lội cất công lên đường tìm kiếm chân lý, tìm gặp Đấng Cứu Thế để sấp mình thờ lạy Người (x. Mt 2,1-12).

Như các mục đồng năm xưa hối hả ra đi đến hang đá Bêlem và đã gặp được bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,16), chúng ta được gọi mời lên đường để tìm gặp Chúa. Và khi đã đón nhận món quà Giáng Sinh là Chúa Hài Đồng, ta hãy mang Chúa về trong gia đình, cộng đoàn mình và mau mắn chia sẻ niềm vui ấy với mọi người xung quanh bằng một đời sống chứng nhân giữa đời để thắp sáng, liên đới, gắn kết và giúo đỡ. Ta cũng được thôi thúc ra đi mang Chúa đến với những vùng ngoại biên, đến với những người nghèo khổ, bệnh tật mong chờ ánh sáng Ngôi Lời vĩnh cửu, nhất là những ai đang tuyệt vọng để họ được cảm nghiệm được niềm vui vì Chúa Hài Đồng đã sinh ra cho họ và cho tất cả mọi người.

istockphoto 152947178 612x612Hằng năm, Chúa khơi dậy trong lòng con người niềm trông chờ ơn cứu độ[6]. Chắc hẳn Thiên Chúa không muốn con người mừng lễ Giáng Sinh như một thói quen hau như một lễ hội văn hoá thuần tuý với những niềm vui trần tục đến hẹn lại lên nhưng là đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa đến ở giữa dân Người, tôn thờ mầu nhiệm Đấng Emmanuel. Hang đá, máng cỏ Bêlem đơn sơ, giản dị, âm thầm vẫn đang réo gọi ta cách mãnh liệt đến chiêm ngắm để học biết khiêm nhường và tinh thần khó nghèo, để cảm nhận niềm vui và bình an, để sống thái độ vâng phục và tự do, để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sẵn sàng trao ban, để mau mắn lên đường chia sẻ tình yêu cho mọi người. Ước gì ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể đã tràn ngập tâm hồn mỗi người cũng rực lên trong mọi sinh hoạt của con người.


[1] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng Thánh lễ Rạng đông ngày 24/12/2012 tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp cho tù nhân, Banneux, Bỉ, ngày 16/5/1985.
[3] x. BLAISE PASCAL, Pensées, số 737.
[4] x. PHANXICÔ, Bài giảng Thánh lễ sáng thứ Sáu ngày 14/02/2014 tại Nhà nguyện Santa Marta.
[5] x. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 6; Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/3/2018), số 125).
[6] x. PHAOLÔ VI, Sứ điệp ngày Thế giới Hoà bình năm 1976; x. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH, Học thuyết Xã hội của Hội Thánh, số 520.
[7] x. Lời nguyện Kinh Chiều I, Lễ Giáng Sinh.

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập389
  • Máy chủ tìm kiếm107
  • Khách viếng thăm282
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại691,289
  • Tổng lượt truy cập70,719,046
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây