Đồng tiền liền chức vụ để làm gì?
Thứ tư - 12/01/2022 03:21
1005
Không ai phủ nhận giá trị và hấp lực của tiền của vật chất. Vì “tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý, là chân lý cuộc đời”.
Trong Tin Mừng có rất nhiều chỗ nói về Chúa Giêsu liên quan đến tiền của. Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25, 14-30; Lc 19,11-27); dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10); dụ ngôn người quản gia bất lương (Lc 16,1-8); dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương (Mt 18,23-35). Ngài cũng nói đến mối nguy hiểm của nó: Chuyện người thanh niên có nhiều của cải (Mt 19,16-22); người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19,23-26); dụ ngôn ông nhà giàu và Lagiarô nghèo khó (Lc 16,19-31); Đức Giêsu đánh đuổi những người đang mua bán trong đền thờ (Mt 21,12-17); Xức dầu thơm tại Bêtania (Ga 12, 4-6); Giuđa nộp Đức Giêsu (Mt 26,14-16) cũng vì tiền rồi Giuđa đi thắt cổ (Mt 27,3-10). Cho nên Ngài cũng khiển trách người Pharisêu ham tiền (Lc 16,14-15); khi sai 12 tông đồ (Lc 9,1-6) và 72 môn đệ đi rao giảng (Lc 10,4) Ngài cũng dặn họ đừng mang tiền bạc. Nhưng trong hành trình truyền giáo của mình, Đức Giêsu cũng cần đến tiền của khi phải nộp thuế cho Xêda (Mt 22,15-22 ; Lc 20,20-26); trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 5); vì thế, đã có những người phụ nữ lấy tiền của của mình để giúp đỡ cho Chúa và các môn đệ (Lc 8,1-3). Cuối cùng, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải nhìn thấy nơi tiền của có một giá trị tương đối: Hai đồng tiền nhỏ của bà góa (Lc 20,1-4) nên phải biết sử dụng nó một cách đúng ý nghiã và mục đích: Bán của cải đi mà bố thí (Lc 12,33-34); khi đãi khách hãy mời những người nghèo khó (Lc 14,12-14); và trung tín trong việc sử dụng tiền của (Lc 16, 9-12). Đó là một minh chứng thực tế về tiền của là con dao hai lưỡi.
Cao hơn nữa "con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Lc 9,58). Vậy "là đầu giáo đoàn, các linh mục sẽ thực hiện đời sống tu trì riêng biệt của các Chúa chiên: từ bỏ những tiện nghi cá nhân, không tìm kiếm lợi ích riêng tư của mình, mà công ích đông đảo quần chúng, để họ được cứu rỗi (1Cr 10,23) (số 13).
“Trên thực tế, nhiều người chọn sai đường. Không những không biết sợ, mà còn hãnh diện. Nếu cả đến người môn đệ Đức Kitô, mà lại sống đời hưởng thụ ở mức độ cao, ít cầu nguyện, nghèo bác ái, ngại dấn thân, không thường ngày tập luyện nhân đức, không nhận thấy sự có Chúa trong mình và thực thi ý Chúa mới là tài sản lớn nhất của mình, thì còn đâu là chứng nhân cho sự lựa chọn con đường Chúa muốn. Hơn nữa, con đường thênh thang lại được người môn đệ Chúa bình thường hoá, thì người đời sẽ dễ bị dụ dỗ theo gương sai lầm đó. Chính mình đi sai đường, lại khuyến khích người khác đi theo mình. Sự kiện này rất nguy hiểm” (Đức cha GB. Bùi Tuần, “Hãy biết sợ”, báo CGDT số 1483, trang 17).
"Chúa Giêsu, Đấng vốn giầu có, đã vì chúng ta trở nên nghèo, để chúng ta được giàu có bởi sự nghèo khó của Người (2Cr 8,9). Mẫu gương tuyệt vời đó dạy ta "Nhớ rằng ân huệ mình lãnh nhận là nhưng không, linh mục sẽ sẵn sàng ban cho nhưng không và sử dụng vào thiện ích của Giáo hội và vào các việc bác ái tất cả những gì mình nhận được khi thi hành phận vụ sau khi bảo đảm cuộc sống và chu toàn mọi bổn phận của đấng bậc mình. Xét cho cùng mặc dù ngài không sống đức khó nghèo do lời khấn công khai, linh mục vẫn phải sống một cuộc sống giản dị và xa lánh hết những gì là phù phiếm, tự nguyện sống khó nghèo để theo sát Đức Kitô. Trong mọi lãnh vực (nhà ở, phương tiện đi lại, nghỉ ngơi...) linh mục phải loại trừ mọi kiểu cách và xa hoa (Chỉ nam LM, tr.73). "Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi và không cố chấp, đó là đức hạnh của linh mục. Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức hi sinh và vui tươi, đó là đức hạnh cuả linh mục" (Lm. Nhân Tài, tr. 88). Phải xếp đặt nhà mình ở làm sao cho mọi người có thể lui tới, và không một ai, dù là kẻ nghèo hèn, phải sợ hãi không dám lui tới".
Linh mục, tu sĩ phải chứng minh cho sự hiện diện của Đức Kitô là Đấng đã đến "không phải để cho người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 46; x. Ga 13, 12-17); "tôi đến cho chúng được sống dồi dào" (Ga 10,10). Cũng như bắt chước Phaolô "trở nên tôi tớ mọi người hầu cứu chuộc được nhiều người hơn" (1Cr 9,19).
Như vậy, quyền hành trong Giáo hội là để phục vụ. "Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người" (1Tm 1,12). "Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống" (thư HĐGMVN, Sống đạo hôm nay, vai trò của linh mục và tu sĩ, số 8). Thật là đẹp đẽ hình ảnh người tông đồ Chúa Giêsu sống như Ngài là "mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta".
Gần thời đại chúng ta có những con người thánh thiện đã qua đi, nhưng gương sáng và lời dạy còn nóng hổi. Như Mẹ Têrêxa Calcutta: "Việc yêu thương luôn đem lại bình an. Yêu thương là trái cây có quanh năm trong tầm tay hái của mọi người". Như ĐHY Px. Nguyễn Văn Thuận nói: “Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Đức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu). Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Mẹ Maria”. Và Mẹ Têrêxa Calcutta phát biểu: “Để yêu mến một người cần phải tiến tới gần người đó… Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc các con người cụ thể thôi” (Chúa mang cho con tình yêu, Roma 1979, tr.48). Yêu thương là cách loan báo Tin Mừng tốt nhất vì đạo chúng ta là đạo yêu thương bác ái.
Một cách năng động hơn là luôn ý thức rằng "khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gl 6,9-10), như thánh Augustinô đã tâm sự: vì anh em tôi là linh mục, với anh em tôi là kitô hữu. Đúng thế, “Thiên Chúa luôn luôn gọi các linh mục của Người từ các môi trường nhân loại cũng như từ các giáo hội nhất định; các linh mục không thể không mang đậm những dấu ấn của những môi trường đó để phục vụ Tin Mừng của Đức Kitô" (Tông huấn Các mục tử, số 5).
Quảng đại cho đi còn bộc lộ bằng sự hiệp thông dựa trên nền tảng tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô, niềm khao khát mãnh liệt hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Nên hãy tránh tìm lợi lộc cá nhân, phe nhóm chủ nghĩa, mua tiếng khen danh vọng; vô tình tạo ra hàng rào biên giới trong cộng đoàn hay giữa giáo xứ này với giáo xứ kia, tầng lớp này với tầng lớp khác. Thời đại cần chứng nhân hơn thầy dạy, không có nghĩa là coi thường thầy dạy nhưng đề cao giá trị của lời nói đi đôi với việc làm, nhất nữa là sống theo gương mẫu Đức Kitô sống chết vì đoàn chiên, đến để được phục vụ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế cả kẻ gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ kẻ này gieo người kia gặt quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ” (Ga 4,36-38).
Tác giả: Lm. Phêrô Bùi Trọng Khẩn
Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25